Cho và nhận

 

Trong cuộc sống, hạnh phúc là điều mà tất cả chúng ta luôn mong muốn có được. Chính vì vậy, mọi người không ngừng tìm kiếm nhưng không phải ai cũng tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Ta thường mong chờ hạnh phúc đến với mình mà lại quên mất rằng mình cũng cần mang lại hạnh phúc cho người khác. Hãy cứ cho đi rồi ta sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc, bởi giúp người là giúp chính mình.

Lòng tốt và sự chân thành khiến cho con người với con người càng thương yêu nhau hơn, bởi những việc làm đó nó sẽ mãi mãi tỏa sáng, không bị phai mờ và lãng quên bởi thời gian. Những người biết cho đi mà không mong cầu được báo đáp đó là đạo đức cao thượng của một con người. Đừng sợ mất bất cứ thứ gì khi cho đi, có cho ắt sẽ có nhận, đó là luật nhân quả của cuộc đời. Tình yêu thương và sự cho đi, để giúp đỡ người khác thì ta sẽ nhận được tình cảm, sự kính trọng và lòng biết ơn từ người nhận. Ở đời là vậy đó, gieo nhân nào thì gặt quả ấy, đó là điều bất di, bất dịch. Hôm nay ta trao yêu thương thì ngày mai ta cũng sẽ nhận lại thương yêu. Cuộc sống này sẽ tốt đẹp biết bao, khi con người luôn thành tâm với nhau trong mọi hành động và việc làm của mình. Khi cho đi đừng nghĩ đến bất cứ điều gì thì hạnh phúc sẽ đến mà ta không ngờ tới. Chỉ có những tình cảm chân thật, xuất phát từ trái tim biết yêu thương, biết sẻ chia thì mới có thể hóa giải được mọi thù hận và con người với con người sống với nhau tốt đẹp và nhân ái hơn. Cuộc sống đời người là một vòng tròn cho đi và nhận lại, dẫu biết rằng đôi khi cuộc sống không diễn ra như ý muốn của ta nhưng hãy cứ cho đi, đó là cách ta yêu chính bản thân mình. Cho đi cũng giống như một dòng sữa mẹ ngọt ngào hòa vào dòng chảy của một kiếp nhân sinh để nuôi lớn một tâm hồn cao thượng. Lòng tốt là thứ mà người điếc có thể nghe thấy và người mù có thể nhìn thấy. Vì vậy, nếu sống chân thành, đối đãi tử tế với mọi người, biết mở lòng cho đi thì thứ mà ta nhận lại không chỉ là niềm vui mà còn là hạnh phúc. Con người ta sống trên cõi đời này cần nên biết rộng lòng cho đi, đây chính là thứ của cải quý báu nhất của đời người. Muốn sống một cuộc đời vui vẻ thì phải học cách yêu thương người khác. Cho đi không có nghĩa là gặp ai ta cũng cho mà là cho đúng người, đúng cách, đúng đối tượng. đúng hoàn cảnh thì việc cho mới có ý nghĩa. Để khi người được nhận cũng cảm thấy thứ ta cho là vô cùng quý giá đối với họ. Có như vậy, người cho và người nhận mới cảm thấy hạnh phúc. Bởi, trong khi con người ta gặp hoạn nạn mới nhận ra bạn bè, sức mạnh của sự giúp đỡ sẽ giúp con người ta mạnh mẽ hơn lúc nào hết và sẽ xua tan bất kỳ mọi sự hoài nghi, đố kỳ nào trong cuộc sống. Hãy luôn đặt ta vào vị trí của người khác, để biết rằng nếu ta đau thì người khác cũng như vậy. Cho không có nghĩa là mất mà cho là mãi mãi còn trong tâm của người nhận. Người xưa có câu: “Cho thì còn mà ăn là mất”. Vậy cho đi mà không nghĩ đến báo đáp là một hành động đầy tính nhân văn cao cả. Tôi còn nhớ một câu nói: “Khi ai đó trong cuộc sống gặp khó khăn thì hãy dang rộng vòng tay nhân ái ra mà giúp đỡ, như vậy tốt hơn là nói nhiều”.

Đời người là thế! Nếu ông Trời không ban cho ta khó khăn thì làm sao ta có thể nhìn thấu lòng người. Nếu ông trời không ban cho ta hoạn nạn thì làm sao ta lại phát hiện được ai là tốt, ai là xấu. Nếu ông trời không bắt ta cô đơn sao ta biết được nỗi buồn buốt thấu con tim. Nếu ông trời không phái tiểu nhân hay quân tử đến cuộc đời của ta thì làm sao ta hiểu được cách đối nhân xử thế. Ông Trời công bằng với tất cả mọi người. Vậy nên hãy biết thương người như thể thương thân, hãy biết cho mà đừng bao giờ nghĩ đến nhận. Đó mới là đạo lý “Người với người sống để yêu nhau”.

 

HOÀNG BÍCH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 504, tháng 7-2022

 

 

;