Trọn đạo vua tôi, vẹn nghĩa thầy trò

Mặt trước đền thờ quan bảng Nguyễn Mẫn Đốc

 

Trong bài viết về đệ nhất trung thần tiết nghĩa Vũ Duệ, chúng tôi đã đề cập đến cái chết của Vũ Duệ, Ngô Hoán, Nguyễn Mẫn Đốc và những hương binh… Trong đó, Nguyễn Mẫn Đốc là học trò Vũ Duệ. Nguyễn Mẫn Đốc (1492-1522) quê gốc ở Tứ Kỳ, Hải Dương nhưng sinh ra và lớn lên ở làng Xuân Lũng, huyện Sơn Vi - nay là xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Do có tư chất thông minh, lại ham học, con đường khoa cử của Nguyễn Mẫn Đốc khá thuận lợi. Ông từng đỗ đầu trường thi Sơn Tây năm 1516, sau đó theo học tại Quốc Tử Giám; đến năm 1518 thì đỗ Bảng nhãn.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, mùa xuân năm ấy (1518), “Thi Hội các sĩ nhân trong nước, lấy đỗ bọn Đặng Ất (người làng Hải Triều, huyện Ngự Thiên, thi Đình đỗ tiến sĩ xuất thân) 17 người. Khi thi Đình, đầu đề văn sách hỏi về việc biết người yên dân. Cho bọn Ngô Miễn Thiệu, Nguyễn Mẫn Đốc, Lưu Khải Chuyên 3 người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Lại Kim Bảng 6 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Đệ 8 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr. 804). Tên Nguyễn Mẫn Đốc có trong tấm bia đề danh tiến sĩ khoa thi Mậu Dần, năm Quang Thiệu thứ 3, đặt ở Quốc Tử Giám (bia số 13).

 Đời người và đời làm quan của Nguyễn Mẫn đốc không lấy gì làm dài. Từ lúc đỗ Bảng nhãn đến khi ông làm Thị thư Viện Hàn lâm rồi cùng thầy học Vũ Duệ chết vì việc nghĩa chỉ 4 năm, mà 4 năm toàn những sóng gió: giặc ngoại xâm chưa có nhưng nội trị suy thoái, vây cánh quyền thần Mạc Đăng Dung ngày càng lớn mạnh, át cả ngôi vua. “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”, Vua Lê Chiêu Tông phải bỏ chạy khỏi kinh thành kêu gọi quân các trấn dấy lên phong trào cần vương phục quốc. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Mẫn Đốc cùng thầy học Vũ Duệ chiêu binh mãi mã, tập hợp lực lượng đi theo vua. Nghe tin vua đã về Thanh Hóa, hai thầy trò cùng các nghĩa binh lên đường, sau mất liên lạc, lại bị quân Mạc truy đuổi, lực bất tòng tâm, một số người thoái chí muốn quay về thì Nguyễn Mẫn Đốc mắng: “Loài chó lợn! Mau về nhà mà hưởng phú quý”.  Thầy trò Vũ Duệ - Nguyễn Mẫn Đốc và những người đồng chí đã hướng về lăng tẩm Lam Sơn bái vọng trước khi tự vẫn.

Với cái chết của mình, Nguyễn Mẫn Đốc đã có một cuộc đời trọn đạo vua tôi, vẹn nghĩa thầy trò - hai thứ đạo nghĩa quan trọng nhất trong thời quân chủ, gồm những mối quan hệ thiêng liêng: vua tôi, thầy trò, cha con (quân - sư - phụ). Hà Nhậm Đại, một Thượng thư bộ Lễ và danh sĩ thời Mạc từng có thơ ca ngợi Nguyễn Mẫn Đốc trong Lê triều khiếu vịnh thi tập (tập thơ ca vịnh về triều Lê): Ách tao dương cửu lệ phù nguy/ Sư huấn vô vong hoạn nạn thì/ Tiếu sát dương biên chư khuyển bối/ Thao thao phú quy quả hà vi/ Tư tại tam sinh đồng vãn lạc/ Nghĩa đồ nhất tử đáp chu ty/ Tiết thanh lương thủy lưu trường tại/ Danh tại Lam Sơn thạch bất di (nghĩa là: Nhà vua gặp nạn quyết phò nguy/ Hoạn nạn, lời thầy vẫn nhớ ghi/ Quán trọ mắng ngay phường chó lợn/ Bo bo danh lợi ấy mà chi/ Nhớ lúc ba sinh niềm vui cuối/ Nghĩa vì một chết để làm ghi/ Tiết trong, nước bạc lưu muôn thuở/ Tên ở Lam Sơn, đá chẳng đi).

Tam khôi bị lục - một cuốn sách ghi chép khá đầy đủ về các vị Tam khôi từ thời Trần đến thời Lê, thêm phần phụ lục về các vị Tam khôi thời Mạc đã gọi ông là “thiếu niên kim tiết”, tức tuổi trẻ mà khí tiết như vàng, vì xưa nay, trong thiên hạ không thiếu người đỗ đạt sớm nhưng ít tuổi mà tiết nghĩa như thế thì chưa có.

Về sau, thi hài Nguyễn Mẫn Đốc được cải táng, chôn cất tại một quả đồi ở xóm Lũng Bô - nay thuộc xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ông được truy phong là Thượng đẳng phúc thần thời Lê Trung hưng, triều đình cho dựng đền miếu hương khói gọi là Tiết nghĩa từ. Nhiều đời vua kế tiếp đã có thêm những sắc phong khác cho ông. Xã chí Xuân Lũng, bản chữ Hán và Quốc ngữ do lý trưởng Nguyễn Liên, tiên chỉ Lê Như Bách, trưởng bạ Nguyễn Viết Đạo thị thực, ký tên và áp triện năm 1943 (hiện lưu giữ ở Viện nghiên cứu Hán Nôm) có ghi lại đôi câu đối: “Thần chung tử hiếu cương thường tại/ Địa hiếu thiên lưu tiết nghĩa trường”, nghĩa là: Tôi trung, con hiếu, cương thường còn mãi/ Gương tiết nghĩa lưu lại lâu dài với đất trời!

 

THANH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 501, tháng 6-2022

 

;