Anh thương binh tàn nhưng không phế

Đến ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) hỏi nhà thương binh, cựu chiến binh Nguyễn Văn Chà (55 tuổi) thì hầu như ai cũng sẵn sàng sàng chỉ dẫn nhiệt tình. Bởi anh là thương binh 2/4 đã vượt lên số phận làm giàu với mô hình “đa canh cây trồng” ở đất rừng U Minh.

 

Một thời gian khó

Thương binh Nguyễn Văn Chà sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã Đông Hưng, huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau). Hoàn cảnh gia đình khó khăn và đông anh chị em. Năm 1985, anh tình nguyện đăng ký nghĩa vụ quân sự. Sau 3 tháng quân trường tại Sư đoàn 869 (F 869) tỉnh Sóc Trăng, anh được điều sang chiến trường Campuchia giúp nước bạn chống lại chế độ diệt chủng Khmer đỏ. Năm 1988, anh Chà trở về nhà sau 3 năm chiến đấu ở bên kia biên giới, bị cụt mất một chân, do trúng mìn của quân Pôn Pốt. Khi ấy mới 21 tuổi, anh Chà thấy con đường phía trước thật mờ mịt khi gia đình có 7 công đất, anh thì một chân bị thương tật, không nghề nghiệp… Những ngày đầu, anh Chà mặc cảm, chỉ nằm trong nhà. Được sự động viên của gia đình, cộng với nghị lực của người lính, nhất là nhớ lời Bác dạy “thương binh tàn nhưng không phế”, anh Chà bắt đầu tập những bước đi. “Lúc đó, đường quê còn gập ghềnh, tôi đi té lên, té xuống. Lắm lúc chân tôi đau buốt, mồ hôi thấm đẫm lưng áo. Ban đêm tôi cũng tập đi để quen dần với cái chân giả” - anh Chà kể.

Để lo cho cuộc sống phụ giúp gia đình, có một thời gian anh Chà đi đóng đáy thuê. Với người khỏe mạnh, công việc đã nặng nhọc, vất vả; với thương binh như anh, khó khăn nhân lên bội phần nhưng anh không nề hà khó nhọc. Những lúc bạn làm chung nghỉ trưa, anh Chà cặm cụi làm việc một mình hoặc hết giờ anh vẫn cố nán lại làm thêm. Anh Chà kể: “Sức khỏe của tôi yếu hơn mọi người nên phải làm nhiều hơn để chủ nhà thương, lần sau người ta còn thuê làm nữa. Nhờ vậy, bà con trong xóm có việc, luôn ưu tiên cho tôi, để phụ giúp gia đình nuôi các em”.

Cũng nhờ tính tình hiền lành, chịu khó nên anh nhận được sự thương yêu, đùm bọc của những người dân địa phương. May mắn đã mỉm cười với anh khi anh và cô thiếu nữ hàng xóm đi đến hôn nhân.

Thương binh tàn nhưng không phế

Bên ly trà nóng, nghe anh trải lòng, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc về ý chí, nghị lực vượt khó của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” giữa đời thường.

“Để có được hạnh phúc như hôm nay, tôi đã trải qua nhiều gian nan, vất vả, kể cả đấu tranh tư tưởng, vượt qua mặc cảm của bản thân. Trước đây, một thời gian dài, tôi từng có những suy nghĩ bi quan, tiêu cực, cho rằng đời mình đã tàn rồi. Nhưng từ sự động viên của người thân, chính quyền địa phương và nhất là sự lao động cần cù, tôi đã biến “sỏi đá thành cơm”. Ngẫm lại, tôi thấy mình thật hạnh phúc và may mắn” - anh Chà tâm sự.

Dù đã yên bề gia thất, cựu chiến binh Chà vẫn canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền. Sau nhiều đêm trăn trở, năm 1992, anh Chà quyết định rời “nơi chôn nhau cắt rốn” sang ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh nhận 7ha đất rừng làm kinh tế. Bởi đất U Minh thời điểm đó nhiễm phèn nặng, cây trồng chẳng thể phát triển. Thế nhưng, sau 2 năm làm việc quần quật không quản khó khăn, vợ chồng anh cơ bản đã chinh phục thành công mảnh đất đầy cỏ dại ở U Minh Hạ để trồng rừng, rau màu... Dù đã có nhiều bước tiến, song gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai không phải không có lúc khiến vợ chồng người cựu chiến binh nản chí. Tuy nhiên, được sự động viên của cán bộ địa phương và đồng đội, anh đã quyết định bám trụ với mảnh đất rừng U Minh Hạ.

Cựu chiến binh Chà chia sẻ: Ngày trước, nơi đây dân cư thưa thớt, điện, đường, trường, trạm chẳng có nên nhiều người đến rồi cũng rời đi. Vài năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, xóm làng trở nên đông vui hơn. Thời gian đầu, vợ chồng tôi hầm than bán kiếm tiền, kết hợp với cải tạo đất trồng chuối. Sau đó, tôi nhận thấy nơi mình sinh sống vốn là vùng đất rừng nên quyết định tiếp tục cải tạo đất và đầu tư trồng cây keo lai kết hợp trồng cây ăn trái, các loại rau màu, trồng tre lấy măng và nuôi thêm các loại cá đồng. “Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình tôi ngày càng ổn định, kinh tế phát triển và đem đến cho gia đình tôi thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm” - anh Chà bộc bạch.

Trở về đời thường, học và làm theo Bác, thương binh, cựu chiến binh Nguyễn Văn Chà không ngừng vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng và tích cực đóng góp tiền của, công sức vì cuộc sống ấm no của đồng đội và người dân.

 

PHƯƠNG NGHI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 504, tháng 7-2022

 

;