Chương trình Sách quốc gia - một yếu tố then chốt của phát triển văn hóa

Thực hiện Thông báo kết luận số 19-TB/TW “Về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 42/CT-TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản…”, Bộ TT&TT giao Cục Xuất bản, In và Phát hành tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Chương trình Sách quốc gia”. Việc xây dựng và thực hiện Đề án nhằm cụ thể hóa chủ trương nêu trong Chỉ thị 42, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan cách mạng và khoa học, phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam; đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành xã hội học tập, nâng cao dân trí cho nhân dân.

 

Để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn xoay quanh Đề án này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Thị Ngọc Minh - Giảng viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, người sáng lập dự án “Sách ơi mở ra” xoay quanh câu chuyện Tủ sách nền tảng nhằm hình thành xã hội học tập, phát triển văn hóa đọc nước nhà.

Theo dự kiến Đề án Chương trình Sách quốc gia sẽ có 350 đầu sách thiết yếu gồm các chủ đề, lĩnh vực khác nhau và 50 đầu sách song ngữ phục vụ thông tin đối ngoại được lựa chọn và phân loại một cách có hệ thống thành những tủ sách nền tảng riêng biệt nhằm phục vụ đa dạng đối tượng bạn đọc. Theo TS, Chương trình Sách quốc gia nêu trên có ý nghĩa như thế nào trong việc phát triển và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng?

- Tôi cho rằng đây là một Đề án rất có ý nghĩa. Từ góc độ của người đọc, việc có một danh mục tham khảo là những cuốn sách thực sự chất lượng sẽ giúp định hướng cho người đọc, giúp tiết kiệm thời gian tìm kiếm, chọn lọc sách, giúp trang bị những tri thức nền tảng, cần thiết và nhờ vậy góp phần nâng cao nhận thức của người đọc, đồng thời cũng tạo nên một cộng đồng đọc có chung một số quan niệm về giá trị. Từ góc độ nhà phát hành, các đơn vị xuất bản, việc có một danh mục sách hay như vậy cũng sẽ thúc đẩy các nhà sách đầu tư cho những cuốn sách thực sự có giá trị thay vì chạy theo số lượng các đầu sách mới, tập trung vào những vấn đề muôn thuở, mang ý nghĩa nhân loại thay vì chiều theo những thị hiếu nhất thời. Khác với những hàng hóa khác sẽ nhanh chóng lỗi thời và mất giá trị khi có một sản phẩm mới hơn thay thế, những cuốn sách hay không bị giảm giá trị khi nó cũ đi, thậm chí có rất nhiều những cuốn sách kinh điển, có giá trị vượt thời gian.

Xét từ phía giáo dục, danh  mục sách chọn lọc này sẽ hỗ trợ vô cùng đắc lực cho việc đổi mới giáo dục, giúp cho các nhà trường, ngay cả những trường học khó khăn nhất vẫn có thể tự trang bị cho mình một “tủ sách vàng”, cô đọng lại những tri thức cần thiết nhất, hữu ích nhất cho thế hệ tương lai. Nếu chúng ta thực sự coi đây là “chiến lược lâu dài”, một yếu tố then chốt của phát triển văn hóa và làm tới nơi tới chốn, thì tôi nghĩ nó thực sự có thể tạo nên những thay đổi sâu sắc trong hệ giá trị, trong nhận thức của cộng đồng.

Những cuốn sách nền tảng đưa vào Đề án phải thực sự có chất lượng, không lựa chọn dựa trên bất kỳ lợi ích riêng nào. Theo TS, việc thẩm định những cuốn sách nền tảng cho một Đề án mang tầm cỡ quốc gia có cần bộ tiêu chí cụ thể, rõ ràng mang tính khách quan, trung thực trong quá trình lựa chọn?

- Tôi cho rằng, khâu quan trọng nhất để đảm bảo thành công của Đề án này chính là chất lượng của danh mục sách. Trước hết, cần tuyệt đối khách quan và trung thực trong quá trình lựa chọn. Thành viên của Ban thẩm định sách không chỉ là những người đọc rộng và sắc sảo, hiểu biết về chuyên môn, mà còn phải có tầm nhìn, để hình dung được thế giới sẽ vận hành ra sao trong mười năm, hai mươi năm, thậm chí năm mươi năm tới, để hiểu rõ đâu là những giá trị vĩnh cửu, những tri thức phổ quát, những kỹ năng cần thiết cho tương lai. Đồng thời, người chọn sách cần nhất sự trung thực và giàu trách nhiệm, không bị ràng buộc bởi lợi ích cá nhân cũng như lợi ích nhóm. Người chọn sách cũng là người hiểu rõ tâm lý và trình độ của người đọc, vì chọn một cách quá khó, quá xa lạ với độc giả đương thời thì dù sách hay, cũng sẽ rất khó chạm tới trái tim người đọc.

Yếu tố then chốt thứ hai để việc thẩm định, chọn lọc sách thành công là cần có những tiêu chí rất rõ ràng. Tôi cho rằng có rất nhiều tiêu chí cần phải cân nhắc. Trước hết danh mục sách cần thể hiện một giá trị cốt lõi mà cả xã hội muốn hướng tới trong tương lai, ví dụ như sự yêu thương, ý thức bình đẳng, sáng tạo - những giá trị sống mà bất cứ thời đại nào con người cũng cần phải có, để chung sống với nhau một cách hòa bình và hạnh phúc. Sách trong danh mục cũng phải phù hợp với trình độ, thị hiếu của người đọc, vì có như thế, nó mới dễ dàng được đón nhận. Sách trong danh mục cần phải thật sự hay, được trình bày đẹp, để hấp dẫn, lôi cuốn và tác động sâu sắc tới gu thẩm mỹ của người đọc. Sách cũng  phải có tinh thần khai phóng, mới mẻ, cao hơn trình độ đọc của người đọc hiện tại một bậc, để giúp cảm nhận được vẻ đẹp của tri thức, giúp mở rộng tầm nhìn, phá bỏ những định kiến để phát triển hết tiềm năng của bản thân. Ngoài ra, giá thành sách phải phù hợp với thu nhập của đại đa số, vì ta muốn phát hành với số lượng lớn, khiến cho ai cũng có cơ hội được tiếp cận. Trong tất cả những tiêu chí đó, tôi cho rằng, tầm nhìn tương lai là yếu tố quan trọng nhất, vì xã hội đang thay đổi rất nhanh, nếu không những cuốn sách mà ta chọn cho hiện tại có thể sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời.

Lớp học “Đọc vui” cho các bạn nhỏ từ 4-6 tuổi

Bên cạnh việc đưa ra tiêu chí lựa chọn “đúng và trúng” thì ngành xuất bản cần phải làm gì để những cuốn sách nền tảng sẽ giúp độc giả không phải vất vả lựa chọn sách mỗi khi có nhu cầu tìm hiểu một lĩnh vực nào đó, giúp thúc đẩy phong trào đọc sách mạnh mẽ trong cộng đồng, thưa TS?

- Tôi cho rằng chọn sách mới chỉ là khởi đầu của hành trình. Điều quan trọng nhất là cần có một chiến lược truyền thông, quảng bá thực sự hiệu quả để những cuốn sách hay và hữu ích đó đến được với người đọc. Và mỗi loại người đọc, mỗi loại sách khác nhau, cần có những cách truyền thông rất khác nhau. Ví dụ, để những cuốn sách kinh điển nhưng khó đọc đến được với người đọc đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng thì cần có các buổi tọa đàm, hướng dẫn đọc, các câu lạc bộ đọc sách. Những cuốn sách về chăm sóc sức khỏe, trồng trọt, chăn nuôi, phổ biến pháp luật, bảo vệ môi trường muốn tới được với bà con nông dân ở những vùng sâu vùng xa, người cao tuổi, bệnh nhân trong các bệnh viện, cần được quảng bá bằng các kênh audio, video, cần được truyền thông lồng ghép vào các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Việc giới thiệu sách cho học sinh phổ thông cần được tích hợp vào hoạt động giáo dục và dạy học trong các nhà trường. Cần phải hiểu rõ sách, hiểu rõ đối tượng thì mới hiểu rõ con đường nào để mang sách đến với từng đối tượng cụ thể.

Việc truyền thông, quảng bá danh mục sách hay không chỉ là công việc của các nhà sách, nhà xuất bản, mà cần có sự liên kết và hợp tác bởi các nhà trường, các đoàn thể, các cơ quan truyền thông, các tổ chức xã hội đều có sứ mệnh phát triển văn hóa đọc. Tất cả những yếu tố này cần được gắn kết với nhau một cách chặt chẽ, tạo nên một hệ sinh thái thúc đẩy và hỗ trợ lẫn nhau, cùng hướng tới một mục tiêu chung. Hiện nay, rất may là những yếu tố này đã sẵn có, chỉ cần liên kết, thống nhất lại với nhau.

Tủ sách nền tảng được hình thành sẽ tạo nên sự thống nhất về giá trị, chuẩn mực đạo đức, cũng như định hướng quan điểm sống, trở thành nhận thức chung cho cả xã hội - nhất là giới trẻ, đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm của ngành xuất bản nước nhà trước yêu cầu hiện nay, có đúng vậy không thưa TS?

- Chúng ta đã thấy trong lịch sử, rất nhiều những cuốn sách đã làm thay đổi cả một thế hệ. Và mỗi thời đại có những cuốn sách kinh điển của nó, những cuốn sách là tài sản tinh thần chung của tất cả mọi người, tạo nên một phông nền tri thức và sự gắn kết về giá trị trong xã hội, ví như: “Nguồn gốc muôn loài” của Darwin, “Ruồi trâu” của Ethel Lilian Voynich, “Khuyến học” của Fukizawa Yukichi… Những cuốn sách một khi đã trở thành biểu tượng của thời đại như thế, thực sự có sức mạnh.

Thế nhưng, cũng cần lưu ý tới một chiều kích khác, đó là sự đa dạng của tri thức. Trong thế giới của tri thức, không gì đáng sợ bằng sự đồng phục của tư tưởng. Thế giới tri thức sở dĩ hấp dẫn và thúc đẩy ta luôn tìm tòi, sáng tạo là bởi nó đa dạng, nó tự do và bay bổng. Chính sự tự do, bay bổng và đôi khi điên rồ của tri thức mới là động lực thúc đẩy sự phát triển của nhân loại. Chính sự đa dạng, thậm chí mâu thuẫn của nhiều cách nhìn, nhiều quan điểm khi tiếp cận cùng một vấn đề mới là cái kích thích tinh thần phản biện, cổ vũ cho sự độc lập suy nghĩ của người đọc.

Và bởi vậy, danh mục sách mà tôi mong ước có được một mặt phải thống nhất về giá trị nhưng mặt khác lại phải đa dạng và bay bổng về quan điểm, cách tiếp cận, về thông tin. Có như vậy, ta mới tạo nên một thế hệ người đọc thực sự có tinh thần nhân văn và khai phóng.

“Sách ơi mở ra” được thành lập từ năm 2014, bởi TS Nguyễn Thị Ngọc Minh và những cộng sự thân thiết, với sứ mệnh kết nối các tổ chức, cá nhân và cộng đồng, nhằm lan tỏa giá trị của việc đọc trong cộng đồng trẻ em. Cho đến nay, “Sách ơi mở ra” đã xây dựng được một thư viện miễn phí cho trẻ em với gần 4000 đầu sách hay, được chọn lọc và phân loại theo trình độ đọc, đào tạo được 5000 giáo viên, 800 lãnh đạo, cán bộ thư viện, tư vấn cho hơn 20 trường học trong cả nước về phát triển văn hóa đọc cho trẻ em, đồng thời xuất bản 2 đầu sách, công bố nhiều báo cáo trong các hội thảo về văn hóa đọc do Bộ VHTTDL và Bộ GDĐT tổ chức. Trong bối cảnh đại dịch COVID, trong vòng 2 năm, “Sách ơi mở ra” đã triển khai các lớp học online về kỹ năng đọc cho hơn 3000 trẻ em ở Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Sau 7 năm hoạt động, “Sách ơi mở ra” cũng đã tổ chức hàng trăm sự kiện cộng đồng về văn hóa đọc cho trẻ em, phối hợp với các đơn vị xuất bản, các trường học, tổ chức phi Chính phủ và đại sứ quán các nước Pháp, Nga, Đức, Thụy Điển…

 

Bên cạnh sách truyền thống, việc xây dựng sách nền tảng ở hai định dạng sách nói và sách điện tử là rất quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số ngành xuất bản Việt Nam hiện nay nhằm bảo được sự công bằng, bình đẳng cho mọi đối tượng độc giả. Xin TS cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Umberto Eco, trong cuốn “Đừng mơ từ bỏ sách giấy” có nói một ý rất hay: sách giấy là một phát minh đặc biệt của nhân loại. Cũng giống như bút chì, xe đạp, sách giấy hoàn hảo tới nỗi gần một nghìn năm nay, nó không cần phải cải tiến nhiều. Ai cũng có thể đọc và có thể đọc mọi nơi, mọi lúc, chỉ cần biết chữ mà không cần có thêm bất cứ thiết bị gì khác. Trong khi đó, để đọc một đĩa CD, đọc trên internet, nhất thiết ta phải có các thiết bị đi kèm. Và với tốc độ thay đổi chóng mặt của công nghệ, các thiết bị vừa nhanh chóng bị lỗi thời, khiến cho ngày nay, ta khó có thể tìm được những máy móc có thể đọc được một đĩa CD. Và không phải ai cũng có thể đủ nhạy bén để bắt kịp với sự thay đổi của công nghệ. Người già, người nghèo rất khó có thể tiếp cận được các loại hình sách khác với sách giấy.

Thế nhưng, đại dịch COVID-19 đã thay đổi rất nhiều thói quen, hành vi của con người. Tôi nhận thấy có một nền văn hóa hậu đại dịch, mà trong đó không gian số đã trở thành một chiều kích thứ hai của cuộc sống con người, song song với đời sống thực. Chúng ta đang thích ứng với việc gặp gỡ online, học hành online, mua bán online, tỏ tình online… Và vì thế, đọc sách số là một sự thay đổi tất yếu trong thói quen của người đọc. Chuyển đối số cũng là một xu hướng tất yếu trong xuất bản.

Sách số giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, giúp việc tiếp cận sách của người đọc trở nên vô cùng nhanh chóng và tiện lợi. Sách số dưới dạng audio, video cũng khiến cho tri thức có thể dễ dàng đến với các đối tượng yếu thế như người mù, người cao tuổi, người không có điều kiện học hành, trẻ em trước tuổi đến trường… và bởi vậy nó góp phần tạo nên sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận tri thức. Việc phổ biến sách số dưới dạng audio, video nếu hấp dẫn, lôi cuốn, có thể trở thành một trào lưu, thậm chí cạnh tranh với những trào lưu xem các video nhảm nhí của giới trẻ ngày nay.

Tất nhiên, sách số không bao giờ có thể thủ tiêu sách giấy, như Umberto Eco đã tiên lượng. Các nhà khoa học đã nghiên cứu: người ta thường nhảy cóc trung bình 27 lần/giờ khi đọc sách điện tử, đồng thời cũng chứng minh được tác dụng của sách giấy trong việc gia tăng khả năng tập trung và tư duy sâu của con người. Vì thế, tôi cho rằng một ngành xuất bản hiện đại và nhân văn cần phải tạo ra một hệ sinh thái đa dạng các loại hình sách, nhằm thích ứng linh hoạt với điều kiện của người đọc và tạo nên sự bình đẳng về cơ hội đọc cho tất cả mọi người.

Theo TS, để văn hóa đọc phát triển trong cộng đồng thì các cấp, cách ngành và địa phương cần phải làm gì để thay đổi nhận thức và lan tỏa văn hóa đọc trong mọi tầng lớp nhân dân?

- Tôi cho rằng, sự thay đổi quan trọng nhất nằm ở nhận thức. Khi nhận thức thay đổi thì hành động sẽ thay đổi. Một trong những nút thắt lớn nhất của xã hội chúng ta là nhiều người cho rằng đọc không quan trọng. Trong ngành giáo dục, hầu hết mọi người đều ưu tiên việc luyện thi để có thành tích cao hơn là việc đọc để tự học, tự khám phá tiềm năng bên trong của trẻ. Trong lĩnh vực truyền thông, người ta sẽ chú ý đến những scandal hái ra tiền hơn là việc nhận ra tầm quan trọng của việc khuyến đọc, để có thể chấp nhận hy sinh những lợi ích trước mắt, nhằm tạo dựng nên một nền tảng xã hội tốt đẹp hơn trong tương lai.

Trong ngành xuất bản, có những đơn vị xuất bản rất dấn thân và hy sinh khi chấp nhận làm những cuốn sách hay, có tinh thần khai phóng và giá trị bền vững nhưng khó đọc, khó bán. Có điều, các đơn vị như vậy lại đang rất cô đơn trong hành trình của mình, và gặp phải rất nhiều khó khăn khi không thâm nhập được vào các nhà trường, khó có thể tiếp cận được người đọc. Có lẽ, cái mà chúng ta đang thiếu nhất chính là một nhận thức thống nhất, đồng bộ và sự hiệp lực ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, cá nhân và tổ chức trong xã hội.

Tôi hy vọng, Đề án này sau khi được triển khai, sẽ có thể tháo gỡ những nút thắt đó.

Xin trân trọng cảm ơn TS!


 

NGÔ XUÂN LỘC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 498, tháng 5-2022

 

;