Đồng chí Phạm Hùng - người cộng sản kiên cường, bất khuất, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng

Đồng chí Phạm Hùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, một trong những nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng

 

Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912 trong một gia đình nông dân ở ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Bình Long, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) nơi có đất đai nông nghiệp màu mỡ và giàu truyền thống yêu nước, cách mạng.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Hùng vô cùng phong phú và sôi nổi, gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi oanh liệt, hào hùng của Đảng và dân tộc ta. Đồng chí là nhà lãnh đạo, nhà tổ chức tài năng, cán bộ sâu sát với quần chúng, có lời nói luôn đi đôi với hành động, tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, mẫu mực, luôn chăm lo giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đem hết trí tuệ và sức lực hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào được Đảng và nhân dân giao phó. Là một người cộng sản trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng và của dân tộc ta, đồng chí luôn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lênin, luôn hiên ngang, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Đồng chí Phạm Hùng là một trong những nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến quan trọng, góp phần làm nên các chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Với ý chí kiên cường, tư duy sáng tạo và nhiệt tình cách mạng cháy bỏng, đồng chí được Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó nhiều trọng trách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong thời kỳ tái thiết, xây dựng đất nước.

Đánh giá cao tài năng và những cống hiến to lớn của đồng chí Phạm Hùng đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ, tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), đồng chí Phạm Hùng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và tham gia lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam, đồng chí đã cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể ở Nam Bộ, đề ra chủ trương, đường lối phù hợp với thực tiễn: mở rộng chiến tranh nhân dân; thực hiện dân chủ ở nông thôn (tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ Việt gian phản động, tạm cấp cho dân cày nghèo); chỉ đạo phong trào đấu tranh ở đô thị; giải quyết thành công vấn đề tôn giáo, làm tốt công tác vận động nhân sĩ, trí thức, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất; đặc biệt là tăng cường công tác xây dựng Đảng. Nhờ giải quyết tốt vấn đề nông dân và liên minh công - nông - trí nên cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ không ngừng được đẩy mạnh, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau khi miền Bắc được giải phóng, trên cương vị Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Hùng đã tích cực tham gia tổ chức biên soạn và hoàn thiện dự thảo “Đề án về hòa bình thống nhất nước nhà và cách mạng miền Nam”  làm cơ sở cho Nghị quyết Hội Nghị Trung ương lần thứ 15, sau đó tham gia hoạch định và chỉ đạo thực hiện đường lối cách mạng Việt Nam, được Đại hội đại biểu lần thứ III của Đảng thông qua.

Năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào thời điểm vô cùng gay go, ác liệt, đồng chí Phạm Hùng được Bộ Chính trị phân công vào chiến trường miền Nam. Trên cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, đồng chí đã cùng tập thể Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo quân và dân ta nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, “một tấc không đi, một ly không rời”, với tinh thần gian nan không lùi bước, nguy hiểm không sờn lòng, luôn tìm tòi sáng tạo từng bước đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ; chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ ta tại hội nghị Pari và rút quân về nước. Có thể nói, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, đồng chí Phạm Hùng đã góp phần quan trọng trong việc lãnh đạo quân và dân miền Nam vượt muôn vàn thử thách ác liệt, cùng nhân dân cả nước thực hiện thành công tâm nguyện của Bác Hồ và khát khao của dân tộc: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, làm nên một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Sau khi đất nước hòa bình, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao giữ nhiều cương vị: Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với những trọng trách lớn lao, trong những điều kiện khó khăn phức tạp của đất nước sau giải phóng, đồng chí Phạm Hùng đã thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo có tầm chiến lược, giàu kinh nghiệm, quyết đoán và sáng suốt. Trên các cương vị công tác, đặc biệt trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đầu tiên trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta - đồng chí đã để lại những dấu ấn sâu đậm của một người cán bộ giàu bản lĩnh, một nhà lãnh đạo tài năng trong các quyết định và triển khai các quyết sách của Đảng và Nhà nước.

Trong công tác kể cả trong thời chiến cũng như thời bình, đồng chí thể hiện rõ tư duy độc lập, tự chủ của một nhà lãnh đạo tầm chiến lược, luôn rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có kế hoạch, tỉ mỉ, chu đáo, giữ vững nguyên tắc, nhưng linh hoạt, không máy móc.

Trong sinh hoạt, đồng chí luôn thể hiện tác phong bình dị, gần gũi, ân cần, cởi mở, hết lòng yêu thương đồng chí, dân chủ và rộng lượng với mọi người nhưng lại rất nghiêm khắc với mình. Đồng chí là người có nếp sống thanh cao, tiết kiệm, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, quý trọng thời gian, không ham muốn quyền lợi cho riêng mình, không khoa trương, ghét thói bợ đỡ, công khai tự phê bình và sẵn sàng tiếp thu ý kiến người khác góp ý cho mình. Không chỉ tu dưỡng, rèn luyện đạo đức bản thân, mà trên cương vị của người cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đồng chí Phạm Hùng luôn quan tâm, dành nhiều tâm lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng các thế hệ cách mạng kế cận có năng lực và phẩm chất đạo đức cách mạng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Đồng chí luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, phấn đấu không mệt mỏi cho khối đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, yêu thương con người là phẩm chất bao trùm ở đồng chí Phạm Hùng. Tình yêu thương con người của đồng chí được gắn quyện với tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước đã tạo nên tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cộng sản. Đối với đồng chí, đồng đội, dù ở cương vị nào, đồng chí luôn chân thành, thẳng thắn, trọng lẽ phải, quý trọng và hòa hợp với mọi người. Đồng chí là một nhà lãnh đạo có đức, có tài, có lối sống tình nghĩa, cởi mở, rộng lượng bao dung, vị tha và cao đẹp.

Chúng ta kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống; triển khai thực hiện các kết luận, quyết định của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, triển khai chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”... Tuyên truyền, kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng là những hoạt động thiết thực để tôn vinh những cống hiến lớn lao của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, đồng thời bồi dưỡng truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ Việt Nam.

 

MAI LAN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 501, tháng 6-2022

 

;