“Chất” truyền thống trong thiết kế áo dài Việt Nam hiện đại

Khoa học công nghệ ngày một phát triển và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó, không thể không nói đến sự ảnh hưởng đối với các lĩnh vực nghệ thuật như hội họa hay thiết kế thời trang. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, mang lại sự thay đổi toàn diện về các khái niệm truyền thống hay những đổi mới trong việc tạo ra chất liệu mới như xuất hiện thời trang kỹ thuật số, thiết kế thời trang ảo 3D hay AI, trang phục làm từ chất dẻo phun, không qua quá trình dệt may... thì còn có những hạn chế. Đó là sự chiếm dụng văn hóa chưa bao giờ dễ dàng như vậy. Do đó, để bảo vệ và nâng tầm giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam, cần có những công tác nghiên cứu và ứng dụng, phát triển văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Đây cũng là xu hướng mà Liên hợp quốc và các nhà thiết kế (NTK) thời trang hành đầu đang hướng tới.

Một số mẫu thiết kế trong BST Mỵ Châu của NTK Thủy Nguyễn - Nguồn: thuydesignhose.com

Mỗi chiếc áo dài là một tác phẩm nghệ thuật, đẹp, tinh tế và vô cùng cuốn hút, mang những nét đặc trưng không thể lẫn được. Bên cạnh đó, thông qua việc ứng dụng, kết hợp chất liệu dân tộc trong thiết kế áo dài Việt Nam hiện đại, một mặt khai thác được yếu tố bảo vệ bản sắc truyền thống dân tộc, mặt khác vẫn mang tính hiện đại trong các thiết kế. Sự kết hợp đó như một sợi dây vô hình kết nối văn hóa quá khứ và hiện tại, đưa bản sắc văn hóa vào nhịp sống hiện đại.

Ở một số quốc gia phát triển tại châu Á, việc gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống đã và đang là những việc được quan tâm và đặt lên hàng đầu. Trên thực tế, nhiều hoạt động nhằm giữ gìn những nét văn hóa truyền thống đã được tổ chức: tháng 7 năm 2010, tại Hàng Châu, Trung Quốc đã diễn ra Hội nghị của Liên đoàn Thời trang châu Á (AFF - Asian Fashion Association) với chủ đề: Bàn về bản sắc dân tộc trong thời trang, đó cũng chính là một thách thức chung của các nước châu Á trong thời kỳ hiện đại hóa; năm 2012, Hội nghị lần thứ 9 của Liên đoàn Thời trang châu Á - AFF, khai mạc với chủ để Sự sáng tạo của châu Á cho thế giới. Các quốc gia tham dự trong đó có Việt Nam, đã tập trung vào giới thiệu các bộ sưu tập (BST) với sự sáng tạo tôn vinh vẻ đẹp Á Đông; các cuộc thi thời trang như Audi Star Creation 2013 cũng lấy chủ để cuộc thi là Inspir Asian (Cảm hứng châu Á). Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó, trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, ngành Thời trang cũng theo đó mà chuyển động và phát triển không ngừng. Tiếp nhận có chọn lọc những cái mới nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống để phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của đời sống con người là vô cùng cần thiết.

Ngày 30-11-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, đã đưa ra quan điểm, phương châm và mục tiêu rõ ràng về phát triển văn hóa “quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, trong đó, chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh” (1). Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn...” (2). Theo đó, ngành Nghệ thuật thời trang - áo dài Việt Nam không những chỉ giữ gìn nét đẹp truyền thống mà còn gắn liền với phát triển du lịch, quảng bá thương hiệu Việt Nam đến với các nước trên thế giới.

Khi nhắc đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, bạn bè quốc tế thường liên tưởng ngay tới hình ảnh tà áo dài thướt tha, mềm mại nhưng cũng không kém phần hiện đại, thời thượng. Áo dài là sự hòa quyện mượt mà của các yếu tố truyền thống và hiện đại, ẩn chứa trong mình nét độc đáo của bản sắc Việt, không thể nhầm lẫn với bất kỳ loại trang phục của các dân tộc khác.

1. Ý tưởng từ truyền thống

Những thiết kế có cảm hứng sáng tác, ý tưởng bắt nguồn từ văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc

Những sản phẩm áo dài hiện đại của các NTK ngày nay đến từ rất nhiều nguồn ý tưởng, đặc biệt trong giai đoạn công nghệ và các loại hình kỹ thuật mới phát triển như những năm gần đây, các công nghệ 3D, hay AI đang làm mưa làm gió, chi phối và gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực và chuyên ngành khác trong xã hội. Ý tưởng sáng tạo, thiết kế nói chung bắt nguồn từ các loại hình hiện đại cũng chiếm một phần không nhỏ trong các thiết kế ngày nay, như những công ty lớn hàng đầu trong lĩnh vực thời trang thể thao Nike cũng có BST thời trang mới nhất ứng dụng công nghệ AI. Trong thiết kế áo dài hiện nay tại Việt Nam cũng có rất nhiều thiết kế sử dụng những công nghệ tân tiến, cập nhật theo xu hướng tiến bộ, hiện đại của thế giới như in chuyển nhiệt, in 3D, đính kết hoa 3D, hay cắt lazer…

“Mặc dù trí tuệ nhân tạo là một công nghệ rất thông minh, nhưng nó vẫn không thể tách rời khỏi sự tồn tại của con người, trong ứng dụng thực tế, các nhà thiết kế thời trang vẫn không thể thay thế” (3). Những ý tưởng thiết kế thời trang nói riêng, thiết kế công nghiệp nói chung lấy cảm hứng ý tưởng từ văn hóa truyền thống dân tộc ngày càng nhiều. Văn hóa truyền thống là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho các NTK thời trang hiện nay. Có thể kể đến một số NTK như: NTK Thủy Nguyễn với thương hiệu Thủy Design House, NTK Lâm Gia Khang với thương hiệu Gia studio, NTK Nguyễn Hoàng Tú với thương hiệu cùng tên, NTK Cao Minh Tiến… Ý tưởng của các NTK xoay quanh các chủ đề truyền thống, mang đậm tính dân tộc như: NTK Thủy Nguyễn với BST Tình tang mang màu sắc và âm hưởng Bắc Bộ với thảm cỏ xanh, những chiếc chum sành tỏa đầy lá sen, hoa sen, hay hình ảnh cá chép trong tranh dân gian Đông Hồ… Hay trong BST Mỵ Châu với hình ảnh nàng công chúa si tình và mãnh liệt với tình yêu của mình, để nhớ về những cô đào chảnh đẹp lộng lẫy trên sân khấu cải lương. Giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc có thể cũ đi, nhưng không bao giờ biến mất được (4).

Ngoài ra, có không ít những thiết kế áo dài hiện đại lấy ý tưởng từ các chủ đề truyền thống như họa tiết trên trống đồng, các linh vật trong truyền thuyết dân gian (long, ly, quy, phượng), hay các anh hùng có công chống giặc ngoại xâm, bảo vệ dân tộc…

2. Chất liệu truyền thống

Chất liệu sử dụng trong thiết kế xuất phát từ những chất liệu mang nét đặc trưng của dân tộc

“Chất” truyền thống trong các thiết kế áo dài hiện đại không chỉ xuất phát từ những ý tưởng mang tính dân tộc, hoài cổ mà còn được thể hiện trong việc sử dụng các chất liệu đặc trưng của các dân tộc, là nét nhận diện đặc trưng văn hóa của từng dân tộc. Các chất liệu vô cùng phong phú và đa dạng, nhưng để tạo nên một sản phẩm áo dài mềm mại và thướt tha nhất thì phải nói đến lụa và gấm.

Lụa: Lụa là loại vải luôn được ưu ái lựa chọn để may áo dài, với đặc tính mềm, mịn, mỏng được dệt bằng tơ. Cùng với đó là các yếu tố tích cực khác, ví dụ như: thấm hút tốt, độ óng ánh bồng bềnh, tạo cho nó một sức hấp dẫn, sự sang trọng, quý phái. Đây cũng là loại sợi tự nhiên nên an toàn cho da. Lụa thân thiện với môi trường và an toàn với người sử dụng.

Gấm: Đây là loại chất liệu đặc biệt đối với chiếc áo dài Việt Nam vì chúng là một loại chất liệu truyền thống chuyên dùng để may trang phục cho Vua Chúa ngày xưa. Ngày nay, gấm được khá nhiều bạn trẻ yêu thích sử dụng để may áo dài vì chúng cho ta được cảm giác hoài niệm của những tà áo dài truyền thống.

Vải linen: Vải linen hay còn có cái tên gọi thuần việt là vải lanh, là một trong những loại vải xuất hiện đầu tiên trên thế giới. Vải linen được dệt từ sợi của cây lanh tự nhiên. Vải linen là loại vải được sản xuất hoàn toàn tự nhiên. Hơn thế nữa, vải linen cũng là một loại vải có tính truyền thống, đẹp nhẹ nhàng, giản dị mộc mạc nhưng lại có một sức hút mãnh liệt, thể hiện chất riêng của người sử dụng.

Tuy nhiên, với sự đa dạng và phong phú của các chất liệu hiện nay, các NTK cũng thoả sức sáng tạo, họ kết hợp rất nhiều các chất liệu tưởng chừng như không thể vào chiếc áo dài Việt Nam. Một số chất liệu mới được sử dụng trong áo dài hiện đại như thổ cẩm, voan, lụa hay ren, nhung, trong đó thổ cẩm là loại chất liệu được các NTK thời trang hiện nay sử dụng nhiều và được đánh giá rất cao.

Thổ cẩm: là một loại vải truyền thống của các dân tộc thiểu số, tuy nhiên, không phải tất cả các loại thổ cẩm đều giống như nhau, chúng có một số nét giống nhau nhưng cũng có những đặc trưng riêng của từng dân tộc, nhìn vào chất liệu thổ cẩm, nhìn vào màu sắc hay đặc trưng trang phục, người ta có thể nhận biết được đó là dân tộc nào. Các NTK còn kết hợp những chất liệu thuần Việt với các chất liệu phương Tây hoặc một số khác có thể tự tạo chất liệu mới theo những phương thức mới. Mỗi chất liệu đều có vẻ đẹp riêng và được sử dụng và kết hợp như thế nào là do dụng ý của các NTK.

3. Đặc trưng tạo hình truyền thống

Khai thác đặc trưng về kiểu dáng, đường nét, hoa văn, màu sắc trong trang phục truyền thống ứng dụng trong thiết kế áo dài hiện đại

Những năm gần đây, rất nhiều NTK đã mang đến những giải pháp khác nhau, thể hiện được sự đa dạng về kiểu dáng của tà áo dài Việt Nam. Bằng nhiều cách kết hợp hay khai thác các yếu tố tạo hình khác nhau, từ đó, thiết kế ra được những sản phẩm không chỉ mang tính ứng dụng cao, nhận được sự yêu thích và hưởng ứng của đa số người dân Việt. Áo dài Việt Nam còn được trình diễn trên các sàn diễn lớn mang tầm quốc gia, quốc tế, cho thấy, áo dài có thể đạt những giá trị truyền bá văn hóa, thẩm mỹ và kinh tế. Nhìn về tổng thể, áo dài Việt Nam đầy tự do, khoáng đạt, nhưng vẫn đảm bảo sự thanh cao, lịch lãm, đồng thời cũng rất tiện lợi, năng động, dễ sử dụng mà vẫn giữ được sự trang nhã, sang trọng cần thiết. Do vậy, áo dài dễ dàng được phổ cập rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, có thể sử dụng trong nhiều không gian, thời gian, sự kiện khác nhau.

Khai thác về kiểu dáng, đường nét đặc trưng

Các NTK đã khai thác các yếu tố tạo hình đặc trưng của trang phục truyền thống ứng dụng vào các thiết kế áo dài Việt Nam hiện đại. Một số mẫu thiết kế áo dài mới lấy ý tưởng từ kiểu dáng và đường nét đặc trưng của áo tứ thân, áo yếm, hay các loại áo quần của các dân tộc thiểu số… tất nhiên có sự biến đổi, cải tiến, nâng cấp cả về chất liệu, thiết kế kiểu dáng để các thiết kế trở nên tinh tế, cuốn hút và gợi cảm hơn.

Khai thác về hoa văn, họa tiết

Tùy theo các nguồn ý tưởng mà các NTK sẽ cách điệu, chuyển thể, bên cạnh đó cũng sử dụng những nét đặc trưng trên trang phục dân tộc để tạo ra một số mẫu thiết kế mới. Bên cạnh đó, có thể có những mẫu thiết kế mới chỉ khai thác khía cạnh màu sắc hay hoa văn trong các trang phục truyền thống, tất cả tùy thuộc vào ý đồ, tư duy của các NTK. Trong BST Cô ba Sài Gòn của NTK Thủy Nguyễn, tất cả các phom dáng của áo dài vẫn được giữ lại gần như trọn vẹn, NTK Thủy Nguyễn chỉ khai thác yếu tố hoa văn đặc trưng được lấy cảm hứng từ những viên gạch bông, được coi đặc sản kiến trúc của Việt Nam những năm 60 khi được người Pháp du nhập vào thời bấy giờ.

Những hoa văn dân tộc thiểu số cũng được các NTK áo dài hiện đại vô cùng yêu thích và sáng tạo triệt để. Hay những họa tiết truyền thống trong các trang phục cung đình như hoa văn thủy ba, vân mây, sóng nước… đều là nguồn cảm hứng vô tận cho các NTK áo dài hiện nay.

Khai thác về màu sắc

Màu sắc có ý nghĩa quan trọng trong thiết kế. Màu sắc chính là yếu tố quan trọng quyết định đến cảm xúc của người dùng, màu sắc đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ấn tượng và thu hút đối với người xem. Đó là phương tiện hữu hiệu giúp thu hút ánh nhìn, khơi dậy cảm xúc, thậm chí truyền đi những điều quan trọng mà không cần dùng đến từ ngữ. Các họa sĩ, NTK đã vận dụng lý thuyết màu qua nhiều thế kỷ, học cách sử dụng và kết hợp màu một cách hợp lý có thể hoàn toàn thay đổi cảm xúc của người tiếp nhận đối với sản phẩm của mình. Chính vì vậy, lựa chọn một cách phù hợp hòa sắc cho BST cũng chính là yếu tố quan trọng để BST có thể đến gần hơn với mọi người. Các NTK nghiên cứu xu hướng màu mới nhất cùng với những nghiên cứu về màu sắc của ý tưởng mà NTK đang hướng đến, ngoài ra, trong quá trình thiết kế, màu sắc có thể được thay đổi theo các sắc độ để phù hợp với ý tưởng nhưng vẫn giữ được tính đặc trưng.

Khai thác về kỹ thuật trang trí truyền thống

Kỹ thuật trang trí bề mặt vải truyền thống được ứng dụng trong thiết kế áo dài rất phong phú và đa dạng. Mỗi phương pháp đều có một cá tính riêng, đem lại hiệu ứng rất khác biệt trong các mẫu thiết kế áo dài. Các phương pháp có từ lâu đời phải kể đến là thêu, ghép vải, trần bông hay vẽ sáp ong của dân tộc thiểu số…

Lời kết

Áo dài là biểu tượng văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong suốt tiến trình lịch sử của văn hóa, áo dài không ngừng biến đổi về kiểu dáng lẫn chất liệu, phụ kiện để tạo nên biểu tượng vẻ đẹp của phụ nữ Việt, vừa truyền thống vừa hiện đại. Trong Hội thảo Áo dài Việt Nam - Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc, các nhà nghiên cứu, NTK, nhà quản lý văn hóa cho rằng: “Áo dài truyền thống là sự kế thừa giá trị lịch sử, trải qua hàng nghìn năm chứa đựng một cuộc hành trình dài cho đến hôm nay” (5). Vì vậy, việc giữ gìn vẻ đẹp của áo dài cần được xem là một chiến lược bảo vệ văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập. Với những giai đoạn lịch sử khác nhau, áo dài có những thay đổi nhất định để phù hợp và mang hơi thở của thời đại. Tuy nhiên, mọi kiểu cách tân áo dài đều mang tính thể nghiệm nhưng phải lấy khuôn mẫu của áo dài truyền thống làm nền tảng cơ sở để thể hiện sự sáng tạo thẩm mỹ và quan trọng hơn hết là sáng tạo như thế nào vẫn luôn giữ được “chất” truyền thống, văn hóa dân tộc trong mỗi sản phẩm sáng tạo, đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ của các NTK thời trang.

___________________

1. Thư viện pháp luật, Quyết định số 2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, thuvienphapluat.vn.

2. Nhóm PV, Khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, dangcongsan.vn, 24-11-2021,

3. Võ Thị Ngọc Anh Ứng dụng trí tuệ nhân tạo Ai trong thiết kế thời trang hiện nay, Kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, 2023.

4. Bộ sưu tập Mỵ Châu, thuydesignhouse.com.

Tài liệu tham khảo

1. Hội thảo Áo dài Việt Nam - Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 2020.

2. Võ Thị Ngọc Anh, Ứng dụng thổ cẩm dân tộc H’mông trong thiết kế Áo Dài Việt Nam hiện đại, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, số 4 (42), 2022.

3. Diệp Trung Bình, Hoa văn trên vải các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc Bộ Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1997.

4. Trịnh Bách, Áo dài Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay, số 131, 2003, tr.46-48.

TS VÕ THỊ NGỌC ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024

;