Vẻ đẹp người phụ nữ mới trong tranh dân gian Hàng Trống

Hình ảnh thiếu nữ đọc sách, bộ tranh Hàng Trống của nhà sưu tập Nguyễn Quang Trung - Nguồn: Nguyễn Thế Sơn

Trong lịch sử thi ca Việt Nam, những bài thơ vịnh cảnh thì rất nhiều, nhưng vịnh tranh, vịnh tượng thì khá ít. Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương có bài thơ vịnh bức tranh vẽ những cô gái đôi mươi. Tranh Hàng Trống là dòng tranh vẽ nhiều mỹ nữ Việt thời Nguyễn, hình ảnh tân kỳ của thiếu nữ Việt mang giá trị thời đại. Trong chuyên khảo này, chúng tôi xin được bàn về hình ảnh người phụ nữ cầm sách của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Đây là bức tranh có niên đại năm 1892, của nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils (1), đã trích xuất từ bức ảnh của P.Dieulefils với hai bức nhị bình tố nữ rất lạ này. Phải chăng, đây là bức tranh cô gái đọc sách sớm nhất từng biết đến? 

Do tên gọi của bức tranh là Tố Nữ, song vẫn còn là một giả thuyết, nên tác giả gọi đây là “bộ tranh mỹ nữ Hàng Trống”. Trước hết, trong văn hóa Trung Hoa, Tố Nữ là vị thần cổ xưa từ thời Hoàng Đế (2) (được coi là dâm thần). Sách Tố nữ kinh được cho là xuất hiện từ trước thời Đường. Cuốn sách bàn thuật phòng the, hướng dẫn cách quan hệ nam nữ. Thời Minh, cùng với nghệ thuật in ấn phát triển, cuốn sách Tố nữ diệu luận được lưu hành rộng rãi trong dân gian. Đây là cuốn sách hiếm thấy ở Trung Quốc đề cập trực tiếp đến quan hệ tình dục ở Trung Quốc. Về tạo hình nhân vật, liên quan đến tranh Tố Nữ ở Trung Hoa thường xuất hiện hình ảnh hai nhân vật đang thực hiện các động tác giao hợp. Vì tập trung giới thiệu về hoạt động sinh lý này mà các cô Tố Nữ Trung Hoa ít khi cầm nhạc cụ, nếu cầm nhạc cụ thì thường cầm đàn tỳ bà - một ẩn dụ về giới kỹ nữ, hạng người thường xuất hiện ở chốn lầu xanh.

Tranh Tố Nữ cũng được nhắc tới trong truyện dân gian Bích Câu kỳ ngộ. Trần Tú Uyên là một thư sinh ở vào đời Lê Thánh Tông. Trong một lần đi chơi chợ Cầu Đông, chàng đã mê mẩn bức Tố Nữ đồ và mua, đem về nhà treo ở thư phòng. Rồi cứ mỗi bữa ăn, chàng lại dọn hai cái bát, hai đôi đũa, mời Tố Nữ cùng ăn, trò chuyện tâm tình cô gái trong tranh như với người thực. Một hôm, Tú Uyên ở trường học về, thấy mâm cơm đã dọn sẵn. Hôm sau, chàng giả cách ra ngoài, nhưng lẻn về đứng rình một chỗ. Lần ấy, Tú Uyên bất ngờ thấy Tố Nữ trong tranh hiện ra thành người thực. Rồi hai người nên vợ nên chồng. Tranh dân gian Hàng Trống cũng có bức tranh kể lại tích truyện này. Trong tranh, hình ảnh Tú Uyên gặp một cụ già râu bạc đang rao bán tranh Tố Nữ. Tranh Tố Nữ không có đề thơ, chỉ có hình cô gái đẹp. Hình ảnh cô gái trong bức tranh này không cầm nhạc cụ. Vì tập trung giới thiệu về hoạt động sinh lý mà các cô Tố Nữ Trung Hoa không mấy khi cầm nhạc cụ. Chắc chắn nữ sĩ Hồ Xuân Hương thấu hiểu về Tố Nữ (theo cách hiểu của Trung Hoa) nên mới có những vần thơ ỡm ờ như thế này: Còn thú vui kia sao chẳng vẽ/ Trách người thợ vẽ khéo vô tình. Cái thú vui kia chính là thú vui mây mưa, những cảnh ôm ấp, quấn quít mà nữ sĩ họ Hồ muốn họa sĩ vẽ ra. Cái thâm ý của Hồ Xuân Hương là ở đó. Tranh Mỹ nữ Hàng Trống xưa nay được nhiều người biết đến nhất là bộ bốn cô cầm đàn, sáo, quạt, sênh, phách, mặc trang phục đặc trưng thời Nguyễn nhưng trên có đề thơ, phần lớn là thơ viết chữ Hán, có nguồn gốc Trung Hoa. 

Trước hết nói về các bài thơ. Bài thơ trong tranh cô thổi sáo: 誰家玉笛暗飛聲/ 散入春風滿洛城/ 此際曲中聞折柳/ 何人不起故園情.

Phiên âm: Thùy gia ngọc địch ám phi thanh/ Tán nhập xuân phong mãn Lạc Thành/ Thử tế khúc Trung văn chiết liễu/ Hà nhân bất khởi cố viên tình.

Nam Trân dịch: Nhà ai sáo ngọc tiếng mơ màng/ Theo gió xuân vào khắp Lạc-Dương/ Văng vẳng đêm nay bài “Chiết liễu”/ Ai người không chạnh nỗi tha hương (3). Đây là bài thơ nổi tiếng của Lý Bạch: Đêm Xuân nghe tiếng sáo ở thành Lạc Dương 春夜洛城聞笛.

Bài thơ trong tranh cô cầm quạt: Nguyên văn: 紅牙催拍燕飛忙/ 一片行雲到畫堂/ 舞罷高簾偷目送/ 不知誰是楚襄王. Phiên âm: Hồng nha thôi phách yến phi mang/ Nhất phiến hành vân đáo họa đường/ Vũ bãi, cao liêm thâu mục tống/ Bất tri thùy thị Sở Tương Vương. Lược dịch: Thẻ hồng dồn phách én bay phăng/ Lững thững guồng mây đến họa đường/ Múa hết, rèm cao đưa khóc hạnh/ Chẳng ai hay đó Sở Tương Vương. Bài thơ này kết thúc Hồi tám: Vương tư đồ khéo dụng liên hoàn kế. Đổng thừa tướng náo động Phượng Nghi đình trong Tam Quốc diễn nghĩa.

Bài thơ trong tranh cô thổi sáo, Nguyên văn: 一點櫻桃起絳唇/ 兩行碎玉噴陽春/ 好花風裊年枝茂/ 按徹揚州蓮步新. Phiên âm: Nhất điểm anh/ đào khải giáng thần/ Lưỡng hàng toái ngọc phún dương xuân/ Hảo hoa phong niểu niên chi mậu/ Án triệt Dương châu liên bộ tân. Lược dịch: Môi son vừa hé nụ anh đào/ Răng ngọc hai hàng nhả điệu cao/ Trước gió nghìn cành hoa nhún nhảy/ Gót sen lần nhịp đến Dương Châu.

Trong một bài thơ khác xuất hiện, trong hồi Tám trong Tam Quốc diễn nghĩa. Vốn là bài thơ khuyết danh thời Minh, bức tranh cô thổi sáo dùng hai câu thơ đầu của bài thơ này. Nguyên văn của bài thơ khuyết danh: Nguyên tác: 點櫻桃起絳唇,兩行碎玉噴陽春。丁香吞吐衡鋼劍,要斬奸邪亂國臣.Bài thơ này được sử dụng trong hồi Tám của Tam Quốc diễn nghĩa để ca ngợi vẻ đẹp của Điêu Thuyền. Điêu Thuyền là mỹ nhân đã gây nên xung đột giữa Lã Bố và Đổng Trác. Hai câu thơ cuối ám chỉ mỹ nhân kế đã dẫn đến cái chết của gian thần Đổng Trác. Bài thơ trong tranh Tố Nữ của Việt Nam đã bỏ hai câu này, mà thay bằng câu: Trước gió nghìn cành hoa nhún nhảy/ Gót sen lần nhịp đến Dương Châu.

Trong bốn bài thơ, ba bài thơ trong tranh của cô gái thổi sáo, cầm quạt, cầm sênh đều có nguồn gốc Trung Hoa, chỉ có bài thơ cuối không thấy tên đất tên người Trung Hoa như Lạc Thành, Dương Châu, Sở Tương Vương. Một bộ tranh khác của Hàng Trống hiện lưu trữ ở Bảo tàng Quai Branly cũng có bốn bài thơ chữ Hán (của Lý Bạch và Vương Xương Linh). 

Tranh Tố Nữ của người Việt tuy có tên Tố Nữ 素女 nhưng không liên quan gì tới tín ngưỡng về một dâm thần cổ xưa của Trung Hoa. Nhưng có một thắc mắc nhỏ, vì sao các văn nhân đất Việt không sáng tác thơ đúng chất Việt cho các bức tranh này mà lại phải dùng các bài thơ của người Hán cho các bức tranh Tố Nữ của dòng tranh Hàng Trống. Nguyên văn trong bài thơ của Lý Bạch thì là Thử dạ 此夜 chứ không phải là Thử tế 此際. Có một bộ tranh tuy ít người biết, nhưng nhận thấy thực sự có giá trị.

Họa sĩ Trịnh Thu Trang - tác giả cuốn sách Họa sắc Việt - Nguồn: Trịnh Thu Trang

Bộ tranh này thuộc sưu tập Nguyễn Quang Trung do nghệ nhân Lê Đình Nghiên thực hiện vừa được trưng bày ở Văn Miếu Quốc Tử Giám trong triển lãm Đối thoại với tranh Hàng Trống. Các cuốn sách về tranh Hàng Trống hầu như không in và giới thiệu gì về bộ tranh này, mà chủ yếu tập trung giới thiệu về bức bốn cô đánh đàn thổi sáo. Đây là điểm chung cho các cuốn sách của Maurice Durand hay Phan Ngọc Khuê, Nguyễn Bá Vân, Chu Quang Trứ khi nhắc đến loại tranh mỹ nữ của tranh Hàng Trống. Điểm chung cho các bức vẽ Mỹ nữ Hàng Trống là các thiếu nữ tuổi đôi mươi, mặc áo ngũ thân, vấn khăn, mặc yếm theo phong cách trang phục thời Nguyễn. 

Trong bức tranh mỹ nữ được nói nhiều ở đây là bức có cô gái đang cầm bút trước mặt là cuốn vở/ sách, lơ đãng nhìn ra xa, vạt áo ngũ thân cố tình không cài, lộ cái yếm xanh. Bức tranh khá giống với bức Mỹ nữ đọc sách của nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils chụp năm 1892 đã nói ở trên. Ta không rõ trước mặt cô gái là cuốn vở hay cuốn sách, nhưng với chiếc bút trên tay, ta có thể chắc chắn cô vừa biết đọc vừa biết viết. Dù không thể khẳng định được niên đại bức tranh, nhưng có lẽ bức tranh thuộc về giai đoạn trước năm 1919, là năm thi cuối cùng của kỳ thi sử dụng Hán tự. Bức tranh này cũng có thể sớm hơn bức vẽ ba cô gái đang đọc sách trên bìa tạp chí Phụ nữ Tân văn do bà Sương Nguyệt Ánh khởi xướng. 

Trong mỹ thuật người Việt cho tới trước năm 1945, ít thấy hình ảnh người phụ nữ cầm bút cầm sách. Điều này dễ hiểu, vì trước Cách mạng Tháng Tám, đại đa số phụ nữ Việt Nam mù chữ. Do quan niệm của Nho giáo, mà chủ yếu là quan niệm Tống Nho, phụ nữ không được đi học. Nhưng đây cũng là vấn nạn bất bình đẳng giới, bất bình đẳng cơ hội giáo dục trên thế giới, đặc biệt là châu Á. Trong các bức ảnh tư liệu thời Pháp thuộc, đa số lớp học chỉ có con trai. Trường học nữ sinh chỉ có ở vài thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Và trong rất nhiều các bức tranh vẽ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cũng không thấy hình ảnh người phụ nữ cầm bút, cầm sách. Trong các tác phẩm của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Nguyễn Tiến Chung, Lương Xuân Nhị, Hoàng Lập Ngôn và ngay cả nữ họa sĩ Lê Thị Lựu, ta cũng không thấy hình ảnh người phụ nữ cầm bút, cầm sách. Phổ biến là hình ảnh quý cô, quý bà trong tà áo dài thướt tha đang trang điểm hay ngồi thảnh thơi thưởng hoa lãm nguyệt. Trong lĩnh vực điêu khắc thời kỳ này, may mắn thay có một bức phù điêu ở biệt thự số 51 Quang Trung có khắc họa hình ảnh người phụ nữ trẻ đọc sách của ông Nguyễn Thông, chủ nhà in Đông Dương Ấn Cục.

Trong lịch sử, tuy phần đông phụ nữ không được học hành, nhưng vẫn có những bậc nữ nhi văn chương chữ nghĩa hơn người. Những nữ sĩ tài danh như Nguyễn Thị Lộ, Trịnh Thị Ngọc Trúc, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương… là những ngoại lệ xuất sắc, phần lớn được giáo dục ở gia đình. Quan niệm Nho giáo gắn chặt người phụ nữ vào thiên chức duy trì nòi giống, đề cao tam cương ngũ thường, không bàn chuyện tri thức chữ nghĩa. Triển lãm Đối thoại tranh Hàng Trống do giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cùng các nghệ sĩ trẻ vừa diễn ra trong tháng 10-2023 ở Văn Miếu Quốc Tử Giám là lần đầu tiên tranh dân gian Hàng Trống được bước qua cửa Khổng sân Trình, cũng là lần đầu tiên có sự hiện diện của rất nhiều hình ảnh nữ giới trong không gian thiêng liêng, từ lâu được coi là ngôi đền tri thức. Bức tranh có hình ảnh cô gái đọc sách cầm bút xứng đáng là một kiệt tác của mỹ thuật truyền thống. Bức tranh báo hiệu một thời đại mới, thời đại bình đẳng giới, từ đây sẽ có nhiều người phụ nữ được vinh danh trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Có thể thấy, bức tranh Cô đồ của cô giáo Nguyễn Thị Hội đã gợi thêm những ý tứ trong lời kết này. Bên cạnh hình ảnh ông đồ, đã có thêm rất nhiều cô đồ trẻ xinh tươi, có nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà. Triển lãm Đối thoại với tranh Hàng Trống có sự góp mặt đông đảo các gương mặt nữ nghệ sĩ. Dù không tham gia triển lãm này, nhưng tác giả muốn nhắc đến một cô đồ Trịnh Thu Trang, người đã dành tâm huyết đưa những giá trị nghệ thuật của tranh Hàng Trống tới gần hơn thiết kế đương đại và cuốn sách Họa sắc Việt đã thực sự là một công trình có giá trị lớn đối với giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản hôm nay.

_______________

1. Nguyễn Thị Thu Hòa, Dòng tranh dân gian Hàng Trống (tranh trích xuất từ bức ảnh của P. Dieulefils), Nxb Thế giới, 2020, tr.75.

2. (Khuyết danh), dịch giả Huệ Hồng An, Tố nữ kinh, Nxb Xuân thu, thời nhà Đường.

3. Nam Trân tuyển chọn, Thơ Đường, tập 2, Nxb Văn học, 1988, tr.80.

TS TRẦN HẬU YÊN THẾ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024

;