Vẻ đẹp của chất liệu gắn trong sơn mài Việt Nam

Nghệ thuật sơn mài Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ hình thành và phát triển, từ nghệ thuật sơn trang trí truyền thống, phục vụ đắc lực cho tôn giáo, tín ngưỡng và một phần đời sống thời xưa tới những tác phẩm hội họa, sản phẩm gia dụng sơn mài ngày nay phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ cái đẹp của con người hiện đại. Chất liệu và đặc biệt là chất liệu gắn trong sơn mài ngày càng được yêu thích, duy trì, tìm tòi, khám phá nhằm tăng thêm hiệu ứng, tính hấp dẫn cũng như khai thác tính mới lạ, độc đáo cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam, đưa sơn mài trở thành di sản của dân tộc với một ngôn ngữ và hình thái rất đặc biệt

Thiếu nữ - Tranh: Nguyễn Đức Dương

Lược sử sơn mài

Dù sơn mài Việt Nam mới được hình thành từ TK XX, tuy nhiên có nguồn gốc từ nghề sơn trang trí truyền thống với nguyên liệu ban đầu được sử dụng chủ yếu là chất liệu sơn ta. Trong xã hội xưa và cận đại, sơn ta chủ yếu được dùng sản xuất đồ mỹ nghệ và trang trí tượng chùa. Các chất liệu gắn trên các sản phẩm lúc bấy giờ là rất ít và nếu có thì tính thẩm mỹ cũng như tầm quan trọng của chất liệu gắn chưa cao. Tuy nhiên, sự kiện làm thay đổi cách tư duy và thao tác kỹ thuật đối với nghề sơn cổ truyền xuất hiện với sự kiện Trường Mỹ Thuật Đông Dương được thành lập. Để từ đó nghề sơn đã có thêm một phương pháp thể hiện mới và một cái tên mới mà giờ đây vẫn được biết đến với tên gọi sơn mài.

Vào năm 1925, trường giáo dục mỹ thuật chính quy đầu tiên của nước ta - Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương chính thức được thành lập. Tới năm 1927, nghệ nhân Đinh Văn Thành đã được mời vào làm việc tại xưởng nghiên cứu sơn ta của Trường Mỹ Thuật Đông Dương. Đến năm 1931, vào thời kỳ này lớp sinh viên mỹ thuật sử dụng sơn ta vẽ bài trang trí với các chất liệu sơn cánh gián, sơn cánh gián pha son, lúc đó đều có pha dầu trẩu, còn gọi là sơn quang dầu. Tuy nhiên, sinh viên chỉ vẽ xong rồi sơn khô chứ không mài để ra tranh. Trong một lần, họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ hình phượng bằng sơn then rồi phủ sơn son lên hình phượng, sơn được dùng để phủ không có dầu mà có nhựa thông. Khi sơn khô nghệ nhân Thành đem mài, hình phượng được hiện rõ ra, mặt tranh phẳng nhẵn. Sự tìm tòi ra cách làm này mở đầu cho kỹ thuật sơn mài và hơn thế đó còn là một khám phá quan trọng đối với nghề sơn và là bước đầu có hình thành kỹ thuật sơn mài trên cơ sở phát triển từ nghề sơn ta cổ truyền của Việt Nam. Từ đó tới nay, bảng màu sơn mài càng phong phú hơn về phong cách thể hiện, cũng như nhiều chất liệu mới được tìm ra trong quá trình lao động sáng tác nghệ thuật của các nghệ nhân và họa sĩ. Đặc biệt, ngôn ngữ tranh sơn mài đương đại đã có những chuyển biến rất độc đáo, tinh tế trên mặt tranh: vỏ trứng trắng và cứng được họa sĩ dùng để diễn tả chất da thịt mềm mại; màu vàng óng ả đã biến thành ánh sáng mặt trời khi mô tả cảnh đẹp thiên nhiên; màu sơn son thếp vàng quyền quý trở thành dung dị khi diễn tả cỏ cây, mặt nước, quần áo, nhân vật… Có thể nhận thấy, trong cuộc sống hiện đại hôm nay, nghệ thuật sơn mài ngày càng phát huy hơn thế mạnh của chất liệu truyền thống, nhưng không bị lạc lõng giữa nhu cầu cuộc sống đương đại. Sơn mài hiện đại, không chỉ là tranh sơn mài mà còn là các đồ gia dụng như bàn, ghế, gường, tủ… cốt vóc các sản phẩm sơn mài không chỉ là cốt truyền thống gỗ, tre nứa, giấy bồi mà các cốt vật liệu gốm, compozit đã phát huy tính ưu việt tham gia vào quá trình sáng tạo mỹ thuật và sản xuất sản phẩm sơn mài hàng loạt với những hiệu quả về thẩm mỹ và kinh tế cao.

Chất liệu và kỹ thuật sơn mài

Để hình thành nên một tác phẩm sơn mài, người họa sĩ cần sử dụng khá nhiều nguyên liệu, đó là sơn, màu và các nguyên liệu khác. Đối với sơn ta được khai thác từ cây sơn, ngoài ra còn dùng dầu trẩu, dầu trám, nhựa thông và nhựa dó... sau nhiều công đoạn đánh và lọc tạo nên hỗn hợp sơn phù hợp. Hiện nay trên thị trường xuất hiện sơn công nghiệp hay còn gọi là sơn Nhật có tác dụng nhanh khô, nhưng hiệu quả thị giác không hấp dẫn bằng sơn ta. Về màu trong sơn mài cũng chia làm hai dạng màu, gồm đen và đỏ trong sơn mài cổ truyền. Bên cạnh đó, nhiều màu sắc phong phú chế từ khoáng chất vô cơ sử dụng trong sơn mài hiện đại, có ưu điểm không bị phân huỷ trước ánh sáng và thời gian. Ngoài ra, các chất liệu từ bạc như bạc thếp, bạc dán, bạc xay, bạc dầm, từ vàng như vàng thếp, từ vỏ trứng, vỏ trai, vỏ ốc, bột điệp... cũng thường xuyên được sử dụng. Hiện nay, bên cạnh việc sử dụng bằng các chất liệu trong tự nhiên như vỏ trứng, vỏ trai, vỏ ốc, các họa sĩ tiếp tục tìm tòi, thử nghiệm, phá cách bằng các chất liệu tổng hợp như kính, kim loại, đá, sỏi… do sự thôi thúc tìm tòi thêm chất liệu thể hiện. Đối với màu, các họa sĩ trộn cùng sơn cánh gián để tô đường nét và mảng miếng trên tác phẩm sơn mài. Với vàng và bạc, một lớp sơn cánh gián mỏng được tô trên bề mặt trước khi tác giả đặt từng thếp hoặc rắc lên tạo hiệu ứng. Trong khi đó, các chất liệu vỏ trứng, vỏ trai, vỏ ốc... được thực hiện phức tạp hơn.

Kỹ thuật gắn trứng: người họa sĩ hoặc nghệ nhân sơn mài sẽ khắc sâu xuống lớp vóc dày khoảng 1,5mm. Sau đó, vỏ trứng được gắn lên một lớp sơn là chất kết dính, rồi dùng búa gõ đều cho vỏ trứng rạn đều ra, tạo một mặt phẳng nhẵn. Tác giả tiếp tục phủ một lớp sơn pha với các màu sắc tùy ý, để đến khi khô mang ra mài sẽ có một màu trắng sáng đa sắc nhờ những màu kẹt. Do màu tự thân của vỏ trứng gà cho màu trắng ngà và có sắc ấm, còn vỏ trứng vịt lại cho sắc trắng lạnh, vì vậy, mà trong quá trình sử dụng tác giả có thể chủ động áp dụng hai loại vỏ trứng này vào trong lúc thao tác để có được hiệu quả theo mong muốn. Tương quan của vỏ trứng trắng trên nền sơn đen tạo nên nhiều những ứng dụng hiện đại. Bên cạch đó để tạo hiệu quả chuyển sắc, người họa sĩ và nghệ nhân sơn mài còn có thể đem vỏ trứng nướng lên tạo ra một sắc ngả nâu vàng rất đặc biệt mà không thể có màu sắc của chất liệu thay thế nào có thể tạo ra hiệu ứng tương đương.

Kỹ thuật gắn vỏ trai: tác giả sẽ lựa chọn những miếng vỏ trai có mầu sắc đẹp, nếu có càng nhiều mầu càng tốt. Sau đó đục miếng hình đã được định trước có độ sâu tương ứng với chất liệu được gắn lên và để chất liệu gắn cao hơn bề mặt vóc 0,05mm. Bước tiếp theo sẽ thực hiện quét sơn gắn cho đều và phẳng phần đã được khoét rồi dùng kéo cắt những miếng vỏ trai sao cho vừa với hình. Cũng giống như kỹ thuật gắn vỏ trứng, tác giả sẽ dùng búa gõ đều lên bề mặt nhưng không đập quá nát chất liệu gắn bởi như vậy vừa không tạo được màu sắc tốt mà nhìn về mặt kỹ thuật gắn cũng không được trọn vẹn. Do màu sắc của chất liệu vỏ trai rất phong phú, bởi vậy đòi hỏi người thực hiện phải nắm vững những yếu tố, tính chất cơ bản để tạo nên sự uyển chuyển trong sắc độ trong các mảng màu. Mà từ đó tạo nên tính tương quan trong nghệ thuật. Nếu thời kỳ trước, các nghệ nhân sử dụng vỏ trai chủ yếu để khảm trên bề mặt các sản phẩm gia dụng đầy lấp lánh và cổ điển, thì thời gian gần đây, nhiều họa sĩ trẻ đã áp dụng chất vỏ trai vào nhiều trong những tác phẩm của họ, bởi ở các họa sĩ trẻ họ luôn tìm tòi khám phá và không thỏa mãn với những hạn chế của chất liệu gắn. Chính vì vậy, các chất liệu gắn từ vỏ trai giờ đây rất phong phú và đa dạng trong kỹ thuật sử dụng.

Kỹ thuật gắn vỏ ốc: do vỏ ốc khá cứng, nếu để màu ở trạng thái bình thường cũng không có gì đặc biệt nên thường được áp dụng trong những mảng màu trầm, tối có sức truyền cảm rất sâu lắng. Vỏ ốc có hai cách gắn cơ bản, đó là: gắn úp và gắn ngửa và tùy vào ý tưởng của người sử dụng mà họ có thể nướng hoặc để chất liệu ở trạng thái tự nhiên lúc đầu. Tuy không được sử dụng trong những tác phẩm hay sản phẩm sơn mài ứng dụng nhiều như chất liệu vỏ trứng nhưng vai trò cũng như sự đóng góp của chất liệu vỏ ốc trong nghệ thuật là vô cùng to lớn.

Với các chất liệu tổng hợp, thường mang tính thử nghiệm và sáng tạo, nên chủ yếu được họa sĩ sơn mài gắn nổi trên bề mặt theo ý đồ nghệ thuật có sẵn mà ít tác động thêm. Tuy vậy, giá trị nghệ thuật và độ bền của loại tranh này có nhiều vấn đề phải bàn.

Sáng tác tác phẩm sơn mài được chia ra từng khâu, làm xong khâu này thì mới chuyển sang làm khâu khác. Quá trình mài và vẽ có thể được lặp đi lặp lại nhiều lần và chỉ dừng khi tác giả thấy hài lòng với hiệu quả đạt được bởi công đoạn mài trong kỹ thuật thể hiện tác phẩm sơn mài cũng chính là công đoạn vẽ. Do kỹ thuật vẽ độc đáo này mà tác phẩm sơn mài - nhất là tranh sơn mài có nhiều sắc do màu dưới ánh lên màu trên long lanh, lấp lánh dưới mặt sơn bóng, được tạo nên bởi các chất liệu trong quá trình sáng tác. Đặc biệt, hiệu ứng không gian trong tranh sơn mài là không gian ảo với tính biểu trưng và tính ước lệ cao, cũng có khi ngả sang không gian thực có viễn cận nhưng không thể triệt để do kỹ thuật vẽ và màu sắc hạn chế. Vì vậy thế mạnh của sơn mài nói chung và tranh sơn mài nói riêng chính là yếu tố trang trí. Những hòa sắc lung linh ý nhị, là chất liệu quý chắc, óng ả, trong trẻo, rạng rỡ sâu thẳm có sức ngân, sức rung, sức vọng theo chiều sâu của các tác phẩm mỹ thuật, hay của các sản phẩm được đem vào cuộc sống được thể hiện một cách hài hòa trong không gian sống hiện đại, đưa đến sự hợp lý, không lỗi thời trong xu hướng thị hiếu hiện đại. Những yếu tố góp phần tạo nên sự yêu chuộng của người sử dụng với sản phẩm sơn mài có thể kể tới tính bền đẹp của chất liệu sơn mài, được tạo nên bởi chất sơn ta - chất sơn Phú Thọ, vừa tạo ra bản sắc nghệ thuật tuyệt vời lại vừa bảo vệ lớp cốt, vóc bên trong được lâu bền. Ngoài ra, yếu tố tương phản đối lập của chất liệu sơn mài được biểu hiện rõ ở chất, giữa các mảng sáng và tối, độ rực và độ trầm của tác phẩm. Hình và nền trong sơn mài cũng được xác lập trong các mối quan hệ đan xen. Đồng thời, yếu tố khái quát và chi tiết rõ ràng được thể hiện rõ, nhất là trong tranh sơn mài của các họa sĩ. Ngay cả với những họa sĩ vẽ mầu sắc, hình biểu cảm nhẹ nhàng êm dịu cũng thể hiện một sự mạnh mẽ ở việc họ tiết chế được mọi chi tiết chỉ để cái “nhạt” thể hiện một cách khái quát về đối tượng hay nội dung đang nói tới trong tác phẩm. Song hành với tính khái quát thì tính chi tiết là một đặc tính không chỉ của đồ sơn mà nó còn là tính chất rất căn bản trong hội họa sơn mài, nhờ đặc tính này mà các trang trí dày đặc cầu kỳ trên các tác phẩm hoặc trên những sản phẩm ứng dụng sơn mài không bị nát hay bị rối vụn. Tính chi tiết tựa như đối lập với tính khái quát, nhưng thực tế hai đặc tính này lại bổ trợ cho nhau rất nhiều. Bởi tính chi tiết tạo ra sự tinh tế cho tính khái quát và ngược lại tính khái quát làm cho chi tiết trở nên ổn định và quan trọng hơn.

Tranh sơn mài Việt Nam có lịch sử gần một thế kỷ. Với vẻ đẹp riêng biệt ẩn chứa tài năng, tâm hồn, sáng tạo của người Việt Nam đã tạo nên giá trị đặc sắc của văn hóa góp phần đưa mỹ thuật Việt Nam có vị trí trong mỹ thuật khu vực và thế giới. Nghiên cứu về sơn mài Việt Nam cho chúng ta thấy được lịch sử văn hóa sơn Việt Nam trong sự tương đồng và khác biệt với các nước láng giềng cùng châu lục như Nhật Bản, Trung Quốc... để thấy được sự ảnh hưởng lẫn nhau, cũng như thấy được tinh hoa văn hóa dân tộc trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo thành những khác biệt làm nên bản sắc văn hóa. Trong quá trình vận động và phát triển của nghệ thuật sơn mài đã có những phát kiến, những sáng tạo làm nên những điểm son chói sáng. Để trao truyền nghệ thuật được tôn danh là “Quốc họa Việt Nam” cho các thế hệ kế tiếp, để “ngọn lửa” sáng tạo được tiếp sức mãi mãi thì vấn đề đào tạo vô cùng quan trọng đó là đội ngũ thày và trò của họa sĩ, nghệ nhân, sinh viên, nguyên liệu để làm nghề là những mối quan hệ cho nghề phát triển. Kỹ thuật và nghệ thuật của sơn mài truyền thống còn ẩn giấu những tiềm năng kỳ diệu và vô hạn. Chúng ta đâu phải đã đi đến tận cùng của sự khám phá, sáng tạo. Sứ mệnh tiếp thu và phát triển “kho báu” này đang đặt lên vai những thế hệ hôm nay. Những thành tựu rực rỡ, những tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật sơn mài đã chứng tỏ và khẳng định khả năng diễn tả tuyệt vời đối với mọi đề tài, mọi phong cách nghệ thuật. Cái óng ả, sâu trầm mà lộng lẫy cùng với sự bền chắc bất chấp mọi điều kiện thời tiết, khí hậu, môi trường và thời gian mang tới sự ngưỡng mộ. Làng nghề sơn truyền thống nơi giữ gìn những nét văn hóa, những di sản văn hóa về con người về nghề nghiệp thật đáng trân trọng. Bảo tồn, tôn vinh làng nghề sơn mài truyền thống cũng góp phần phát triển văn hóa kinh tế, du lịch của đất nước.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Đức Cường, Kỹ thuật sơn mài, Nxb Văn hóa Thông tin, 2005.

2. Lê Huyên, Nghề sơn cổ truyền Việt Nam, Nxb Hà Nội, 1995.

3. Trần Khánh Chương, Mỹ thuật Hà Nội thế kỷ XX, Nxb Mỹ thuật, 2012.

Ths NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024

;