Cần Thơ: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng

Phát triển và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống là một trong những giải pháp quan trọng trong việc góp phần thực hiện có hiệu quả cho việc “Xây dựng và phát triển Cần Thơ thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL” theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy (Nguồn: Trung tâm Phát triển Du lịch thành phố Cần Thơ)
 

Nhiều nỗ lực từ các cấp, các ngành

Với đặc thù của một đô thị sông nước, Cần Thơ đã trở thành nơi hội tụ văn hóa sông nước vùng ĐBSCL. Theo đó, có thể khái quát bản sắc văn hóa truyền thống của Cần Thơ qua cụm từ “văn hóa sông nước - miệt vườn”, với các những hình thức cư trú và canh tác đặc trưng. Cụ thể, đó là nét độc đáo của cảnh quan tự nhiên và văn hóa gắn mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, bao quanh là các cộng đồng dân cư sinh sống bằng nghề buôn bán, trồng lúa, làm vườn, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản….

Hiện nay, dân số trên địa bàn thành phố Cần Thơ có trên 1,3 triệu người, trong đó, người Kinh chiếm trên 97%; người Khmer chiếm khoảng 1,6%; người Hoa chiếm khoảng 0,9%; ngoài ra còn một tỷ lệ rất nhỏ các dân tộc khác như Chăm, Tày, Nùng, Thái, Ê Đê,... Nhìn chung, các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa... sinh sống đoàn kết, cùng chung tay xây dựng Cần Thơ giàu đẹp. Trong quá trình hình thành và phát triển, thành phố Cần Thơ luôn có sự hòa quyện giữa văn hóa, văn minh đô thị với văn hóa, văn minh sông nước - miệt vườn, tạo nên một tổng thể văn hóa của đất và người Cần Thơ. Văn hóa của người Kinh có sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa người Khmer, Hoa, Chăm tạo nên sự hòa hợp văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, hình thành nên nét văn hóa chung của thành phố Cần Thơ phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, nhưng vẫn giữ được những đặc trưng văn hóa của riêng mỗi dân tộc.

Xác định di sản, bản sắc văn hóa truyền thống là nền tảng tinh thần của xã hội, tài sản vô giá của các thế hệ ông cha để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau nên thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, đề án, chương trình, dự án về văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa như: Nghị quyết số 14 –NQ/TU ngày 2/5/2019 của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế và đô thị”; Đề án phát triển văn hóa thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 – 2030; kiểm kê rà soát, bổ sung di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố; xây dựng hồ sơ khoa học di sản đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; thực hiện các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được công nhận; xuất bản tài liệu về di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn thành phố Cần Thơ; tổ chức tập huấn về công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cho cán bộ văn hóa cơ sở,…

Đến nay, thành phố Cần Thơ có 38 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 14 di tích cấp quốc gia và 24 di tích cấp thành phố; hoạt động kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn ghi nhận 112 loại hình. Trong đó, có 1 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ), 5 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bao gồm: Văn hóa Chợ nổi Cái Răng (2016), Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Thủy (2018), Hò Cần Thơ (2019), Hát ru của người Việt ở Cần Thơ (2020) và Nghề thủ công truyền thống, Nghề làm bánh tráng ở Thuận Hưng (2023). Những di sản văn hóa này được trao truyền qua nhiều thế hệ, chứa đựng nhiều thông điệp về quá khứ, kết tụ tinh hoa văn hóa phong phú và đặc sắc của mảnh đất Cần Thơ. Đây là những minh chứng thuyết phục nhất về bản sắc văn hóa, tinh thần yêu nước, tình yêu lao động và sự cống hiến cao cả của các thế hệ cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Học sinh tham quan, học tập tại Đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ (Nguồn: Trung tâm Phát triển Du lịch thành phố Cần Thơ)
 

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di tích văn hóa lịch sử thời gian qua luôn được lãnh đạo thành phố và các ngành chức năng quan tâm thực hiện, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Không chỉ góp phần lưu giữ, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học… của di sản văn hóa mà còn nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về các hoạt động bảo tồn và phát huy di tích, phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước, đóng góp chung vào công cuộc phát triển thành phố Cần Thơ trong giai đoạn mới.

Điểm nổi bật trong công tác phát huy di tích là hoạt động phối hợp giáo dục truyền thống và di sản văn hóa cho thế hệ trẻ. Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác này, Sở VHTTDL Cần Thơ đã chủ động ký kết kế hoạch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố về công tác giáo dục truyền thống và di sản trong học đường qua các năm học. Đây là cơ sở rất quan trọng, tạo được sự đồng thuận từ phía ngành Giáo dục và Đào tạo, giúp nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của nhà trường trong phối hợp tuyên truyền về truyền thống lịch sử, giá trị di sản văn hóa cho học sinh, sinh viên - thế hệ tương lai của quê hương, đất nước. Nhiều năm qua, hoạt động này đã mang lại hiệu quả tích cực, số lượng học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động về nguồn, tham quan, học tập và chăm sóc di tích tăng hàng năm. Thực tế cho thấy, công tác giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường đã góp thêm sự sinh động, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung cho việc dạy và học trong nhà trường; giúp học sinh, sinh viên bổ sung kiến thức, có thêm nhiều bài học thực tế về lịch sử địa phương, về giá trị của các di sản văn hóa, để từ đó có ý thức chủ động tham gia vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Văn hóa truyền thống có vai trò to lớn trong việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực, bản sắc của dân tộc, đất nước. Trong định hướng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của thành phố, Đảng bộ và chính quyền các cấp thành phố Cần Thơ luôn tập trung tuyên truyền và đề ra những giải pháp trọng tâm, nhất là việc nâng cao lòng tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc để mỗi người cảm thấy mình là một phần của cộng đồng và của toàn xã hội, tự ý thức về trách nhiệm của bản thân đối với những giá trị lịch sử, văn hóa góp phần vào việc giữ gìn văn hóa truyền thống, gắn kết xã hội, góp phần tạo nên sự phong phú của văn hóa Cần Thơ vào tổng thể các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.

 

TẤN PHONG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 561, tháng 2-2024

 

;