Cần một “bước nhảy” về nguồn lực thể chế để Thủ đô Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa

Nguồn lực văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của công nghiệp văn hóa (CNVH). Trong đó, nguồn lực thể chế mang tính bắt buộc để tổ chức và quản lý các hoạt động văn hóa trong xã hội. Hướng đến mục tiêu ngành CNVH Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Hà Nội cần thay đổi mạnh mẽ về tư duy, thiết lập một hệ thống thể chế văn hóa đồng bộ, phù hợp, tạo ra môi trường pháp lý, chính trị ổn định, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa, CNVH.

Du lịch văn hóa - một trong những thế mạnh trong phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô - Ảnh: Minh Anh

1. Nguồn lực thể chế, chính sách trong phát triển CNVH

Nguồn lực văn hóa trong phát triển CNVH là những yếu tố nội sinh, độc đáo, đặc sắc đã, đang và sẽ được các chủ thể sử dụng để tạo nên sự phát triển kinh tế. Về bản chất, nguồn lực văn hóa gắn liền với chủ thể con người, là phẩm chất, năng lực của con người, chi phối mục đích, động cơ, thái độ của con người trong các hoạt động, nhất là hoạt động kinh tế. Đặc trưng này khiến nguồn lực văn hóa không giống như các nguồn lực khác. Nguồn lực văn hóa bao gồm các yếu tố như giá trị, niềm tin, quy tắc, hành vi, thói quen, tư duy mà xác định cách mọi người trong tổ chức hoặc xã hội tương tác và làm việc với nhau. Khái niệm nguồn lực văn hóa đề cập đến sự sáng tạo và giá trị mà các yếu tố văn hóa trong một tổ chức hoặc xã hội có thể đem lại.

C.Mác và Ph.Ăngghen đã nêu vấn đề này theo quan điểm duy vật biện chứng: “Sự phát triển về chính trị, pháp luật, triết học, văn học nghệ thuật... là dựa vào sự phát triển của kinh tế. Nhưng tất cả sự phát triển đó đều tác động lẫn nhau và cũng tác động đến cơ sở kinh tế. Hoàn toàn không phải điều kiện kinh tế là nguyên nhân duy nhất chủ động, còn các thứ khác chỉ có tác động thụ động. Trái lại, có sự tác động qua lại trên cơ sở tất yếu kinh tế, là một tất yếu, xét đến cùng bao giờ cũng tự vạch đường đi của nó” (1). Quan điểm này của C.Mác và Ph.Ăngghen cho thấy, vai trò của văn hóa (nguồn lực văn hóa) đối với sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung, trong đó có sự phát triển kinh tế nói riêng.

Theo mục đích nghiên cứu, phương pháp tiếp cận và các tiêu chí phân loại khác nhau, các nhà nghiên cứu có nhiều cách phân loại nguồn lực văn hóa: có thể chia thành nguồn lực hữu hình, vô hình; nguồn lực định hình, định tính; nguồn lực vật chất, phi vật chất; nguồn lực trong quá khứ, hiện tại, tương lai; nguồn lực vô hạn, hữu hạn; nguồn lực hiện hữu, tiềm năng. Theo quan điểm của Piere Bourdieu, nguồn lực văn hóa được khái quát thành 3 yếu tố như sau: thứ nhất, trạng thái hiện thân (embodied state), là các yếu tố văn hóa được thể hiện qua chủ thể, tức là con người - những tiềm lực văn hóa của con người và năng lực vận dụng các yếu tố văn hóa để tạo ra giá trị của mình; thứ hai, trạng thái khách thể hóa (objectified state), là hệ thống các yếu tố văn hóa tồn tại hiện hữu khách quan ngoài con người - những hình thức vật chất như sách vở, tranh ảnh, công cụ, nhà cửa, trang thiết bị, máy móc… cũng như các sản phẩm trí tuệ, tinh thần. Vốn văn hóa ở trạng thái khách thể có thể là sản phẩm của cá nhân hay cộng đồng; thứ ba, trạng thái thể chế hóa (institutionalized state), là những yếu tố văn hóa tổ chức thành các khuôn mẫu, định hình cho sự tồn tại và hoạt động của các yếu tố văn hóa dựa trên những khuôn mẫu đó. Nói rộng ra, đó là hệ thống các nguyên tắc, thể chế quy định tổ chức và hoạt động của các yếu tố văn hóa khác và cũng là những giá trị chuẩn mực được xã hội, cộng đồng chấp nhận và tuân thủ (2).

Trong các nghiên cứu của mình, tác giả Phạm Duy Đức đã chia các nguồn lực văn hóa thành ba loại: nguồn lực di sản văn hóa, bao gồm hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; các thể chế và thiết chế văn hóa; nguồn lực con người (3).

Nguồn lực thể chế là tổng thể các quy định, luật lệ, chính sách, cơ chế, thủ tục... mang tính bắt buộc để tổ chức và quản lý các hoạt động văn hóa trong xã hội. Thể chế được thể hiện ở Hiến pháp, luật pháp và chính sách phát triển. Một hệ thống thể chế văn hóa đồng bộ, phù hợp sẽ tạo ra môi trường pháp lý, chính trị ổn định, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa, CNVH. Ngược lại, thể chế lạc hậu, bảo thủ sẽ kìm hãm động lực phát triển của văn hóa, đồng thời kìm hãm sự phát triển CNVH.

Nguồn lực chính sách văn hóa là những tư tưởng chỉ đạo, những nguyên tắc và định hướng cơ bản trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa của một cộng đồng, quốc gia, khu vực lãnh thổ. So với các nước trên thế giới, Việt Nam là một trong số rất ít nước hình thành chính sách văn hóa từ rất sớm. Trong thời kỳ Đổi mới, Đảng chủ trương xây dựng và hoàn thiện các chính sách văn hóa cơ bản như: chính sách kinh tế trong văn hóa; chính sách văn hóa trong kinh tế; chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa; chính sách bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc; chính sách khuyến khích sáng tạo; xây dựng và ban hành chính sách đặc thù, hợp lý, hợp tình cho những loại đối tượng xã hội cần được ưu đãi tham gia và hưởng thụ văn hóa; ban hành các chính sách cụ thể về hợp tác quốc tế; chính sách văn hóa đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2014, Đảng chủ trương xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển CNVH.

Các chính sách này tạo môi trường cho sự phát triển văn hóa, chú ý đến tính đặc thù của nghệ thuật. Các chính sách văn hóa cũng chú trọng khuyến khích mọi chủ thể tham gia vào hoạt động văn hóa, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm văn hóa để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của xã hội. Các chính sách cũng thúc đẩy sự đa dạng văn hóa, mở rộng hợp tác, giao lưu văn hóa trong môi trường quốc tế.

Đặc biệt, thể chế, chính sách văn hóa đã được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 của nước ta. Điều 60 của Hiến pháp khẳng định:

1. Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

2. Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…(4).

Nguồn lực thể chế, chính sách văn hóa thường tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau. Thiết chế văn hóa có thể tạo ra các nguồn lực văn hóa riêng biệt bằng cách thúc đẩy mô hình hành vi và quy tắc ứng xử trong tổ chức và xã hội. Ngược lại, nguồn lực chính sách văn hóa tạo ra cơ hội và hệ thống hỗ trợ cho sự phát triển văn hóa. Nguồn lực thể chế, chính sách văn hóa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển CNVH. Sự hiểu biết và tận dụng cả hai yếu tố này có thể giúp ngành CNVH phát triển bền vững, đóng góp vào sự đa dạng, giàu có của xã hội. Điều này được thể hiện trong các nội dung:

Hệ thống thể chế văn hóa đồng bộ, phù hợp sẽ tạo ra môi trường pháp lý, chính trị ổn định, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNVH. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, không phải lo ngại về các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.

Một hệ thống chính sách văn hóa đa dạng, hiện đại sẽ huy động được các chủ thể tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận với các nguồn lực cần thiết để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao.

Hệ thống thể chế, chính sách văn hóa đồng bộ, phù hợp sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của thị trường văn hóa. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận với các cơ hội kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

2. Thể chế, chính sách phát triển CNVH của Hà Nội

Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam, có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời - nguồn lực quan trọng cho phát triển CNVH. Những năm qua, trên cơ sở khung chính sách của quốc gia về phát triển văn hóa và phát triển các ngành CNVH, các cấp lãnh đạo, quản lý của thành phố Hà Nội đã ban hành các chương trình công tác của Thành ủy, nghị quyết của HĐND thành phố, quyết định của UBND thành phố. Năm 1988, UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 2618/QĐ-UB ngày 7-6-1988 về Ban hành quy chế phân công bảo vệ, sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. căn cứ quy định về phân cấp quản lý nhà nước, quy chế quản lý, thực trạng của di sản văn hóa, UBND đã không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thành phố đã quan tâm, chỉ đạo và thực hiện các văn bản luật có liên quan phát triển văn hóa, CNVH: Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi bổ sung Luật Di sản văn hóa năm 2009, Luật Thủ đô năm 2013...

Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, quyết định, kế hoạch để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô. Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển CNVH: Chương trình 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 về Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020; Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố đến năm 2045; Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch 217/KH-UBND ngày 12-8-2022 thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy.

Trong những năm gần đây, UBND đã ban hành Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 2-1-2020 Về việc công bố chính thức tổ chức không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Quyết định số 3342/QĐ-UBND ngày 30-7-2020 về việc phê duyệt nội dung văn kiện Dự án hợp tác Hà Nội - Toulouse về hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn, phát huy giá trị các di sản đô thị tiêu biểu và di tích khảo cổ học tại Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; Kế hoạch số 202/KH-UBND ngày 7-11-2016 Thí điểm xây dựng nhận diện thương hiệu (logo), biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch Hà Nội; Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 1-6-2017 của UBND thành phố về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích văn hóa, quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố.

Để đảm bảo cho việc giữ gìn nguồn lực văn hóa của Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội thực hiện quản lý theo thẩm quyền đối với 10 di tích. Trong đó, UBND đã giao cho Trung tâm di tích Hoàng thành Thăng Long quản lý 2 di tích là Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (di sản văn hóa thế giới), Thành Cổ Loa (di tích quốc gia đặc biệt); giao cho Sở VHTT quản lý 8 di tích là Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Bác Hồ ở Vạn Phúc - Hà Đông; Nhà tù Hỏa Lò; 48 Hàng Ngang; 5D Hàm Long; 90 Thợ Nhuộm; cụm di tích đền Bà Kiệu; hồ Hoàn kiếm - di tích đền Ngọc Sơn - tượng đài Vua Lê.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đối với các ngành CNVH, như đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, chế độ khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, doanh nghiệp khởi nghiệp; tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch, quy hoạch phát triển các ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiếp tục đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, đồng thời nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đối với những lĩnh vực chưa có chiến lược, quy hoạch cho phù hợp với kế hoạch đã ban hành; xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, đặc biệt quan tâm tới đối tượng thành phần dân tộc thiểu số; chú trọng các quy hoạch, đề án về văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển dài hạn trên địa bàn Thủ đô; vinh danh cho những nghệ sĩ, nghệ nhân có nhiều cống hiến thực hiện theo đúng quy định.

3. Những vấn đề đặt ra và phương hướng tháo gỡ

Việc tập trung vào khai thác tối đa khía cạnh kinh tế của văn hóa dẫn đến quên đi những yếu tố khác cũng vô cùng quan trọng đối với phát triển CNVH, đó là con người (chủ thể bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa), môi trường văn hóa, động lực tinh thần ẩn chứa trong di sản văn hóa (ý chí, khát vọng, niềm tin, quan niệm hạnh phúc, danh dự, truyền thống)... Vì vậy, Nghị quyết 09-NQ/TU tháng 2-2022 của Thành ủy Hà Nội đánh giá: “Nhận thức văn hóa là động lực, nguồn lực quan trọng cho phát triển, nhất là phát triển bền vững của Thủ đô ngàn năm văn hiến, cũng như về CNVH của một số cấp, ngành, đơn vị còn hạn chế” (5).

Bên cạnh đó, chính sách phát huy các nguồn lực văn hóa cho phát triển CNVH ở Hà Nội còn thiếu. Mặc dù ngay sau khi có Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, năm 2017, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội đã chú ý nhiều đến phát huy nguồn lực văn hóa cho phát triển CNVH của Thủ đô. 6 tháng sau khi ban hành Nghị quyết này, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 217/KH-UBND để thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội. Tuy nhiên, về phương diện cơ chế, chính sách cho phát triển CNVH ở Hà Nội vẫn còn quá nhiều việc phải làm như: đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính nhằm phát huy tốt hơn nữa nguồn lực di sản văn hóa cho phát triển CNVH trên các lĩnh vực: du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thiết kế; ẩm thực; quảng cáo; điện ảnh; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; thời trang... đảm bảo phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô. Xây dựng cơ chế hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích người dân và doanh nghiệp các cơ chế hợp tác công - tư trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản cho phát triển văn hóa trong CNVH...

Hiện nay, hệ thống pháp luật về phát triển CNVH của Hà Nội nói chung, chính sách phát triển nguồn lực nói riêng chưa đầy đủ, đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển các ngành CNVH. Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể tham gia vào phát triển CNVH, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các ngành CNVH. Các cơ chế, chính sách này cần tập trung vào các nội dung sau: hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho phát triển CNVH; hỗ trợ khởi nghiệp và quản trị rủi ro trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

Chủ trương khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài Thủ đô cùng tham gia đóng góp vào việc xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển các ngành CNVH của Thủ đô Hà Nội cần được khẳng định rõ ràng, mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, đảm bảo sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị thành phố, tránh tình trạng bình quân, thiếu công bằng cần được triển khai một cách thiết thực hơn đối với nguồn nhân lực trong phát triển CNVH của Thủ đô.

Bên cạnh đó, môi trường cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các ngành CNVH cũng chưa thực sự thuận lợi. Hiện nay, thủ tục hành chính chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các ngành CNVH. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với các sản phẩm, dịch vụ văn hóa chưa được bảo đảm. Chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu kinh nghiệm, nâng cao trình độ quản lý, kinh doanh sản phẩm văn hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm văn hóa của Hà Nội còn hạn chế.

Theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội phải trở thành một trong những trung tâm CNVH lớn nhất của cả nước (6). Quyết định này là cơ sở quan trọng, kịp thời tạo ra bước chuyển biến đột phá, tạo đà cho sự phát triển và hoàn thiện thị trường văn hóa Hà Nội. Trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết nối phố - không gian đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng tạo không gian văn hóa, không gian sáng tạo dành cho cộng đồng.

Cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng, chính quyền Thành phố phải thấu suốt quan điểm “Phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và sự trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô… Phát triển công nghiệp văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”; đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo trong định hướng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước trong việc tạo lại hành lang pháp lý, cơ chế chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò động lực, là chủ thể sáng tạo của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và nhân dân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa” (7). Từ đó, tất cả cấp ủy, chính quyền có nhận thức đầy đủ vê CNVH ̀ và phát triển các ngành CNVH. Như vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền mới có sự quan tâm đúng mức đối với phát triển CNVH, công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện sát sao, liên tục hơn và được chuyển thể thành các biện pháp, kế hoạch và chương trình cụ thể cho phát triển nguồn lực cho lĩnh vực CNVH ở Hà Nội.

________________

1. C.Mác và Ph.Ăngghen, Những bức thư về duy vật lịch sử, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.123.

2. Xem Pierre Bourdieu, The forms of capital (Hình thức của vốn xã hội), NewYork, 1986.

3. Phạm Duy Đức, Nhận diện các nguồn lực văn hóa của Thủ đô Hà Nội và giải pháp phát huy các nguồn lực văn hóa nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”, 2023, tr.159-160.

4. Quốc hội, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2013.

5, 7. Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết 09-NQ/TU về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, 22-2-2022.

6. Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, 8-9-2016.

PHẠM THỊ MỸ HOA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024

;