Công tác xuất bản với vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Công tác xuất bản đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Hoạt động này không chỉ góp phần lưu giữ và truyền bá tri thức văn hóa, mà còn tham gia vào tạo lập và thúc đẩy xu hướng đọc tích cực cho các đối tượng độc giả về thể loại sách văn hóa - lịch sử. Bài viết nghiên cứu vai trò của công tác xuất bản, những thành tựu, hạn chế và đề xuất một số giải pháp tăng cường sự tham gia của hoạt động xuất bản vào quá trình xây dựng và bảo vệ nền văn hóa Việt Nam hiện nay.

Xuất bản là hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng nhằm khai thác, lưu giữ, phổ biến, truyền bá các giá trị văn hóa tinh thần đáp ứng nhu cầu xã hội thông qua các vật liệu, phương tiện khác nhau. Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, trước nguy cơ văn hóa bản địa bị mai một bởi những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, các sản phẩm xuất bản có chiều hướng vận động lệch chuẩn, sùng ngoại, đề cao lợi nhuận, xem nhẹ chức năng truyền bá giá trị văn hóa cổ truyền. Do đó, việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống thông qua hoạt động xuất bản có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

1. Vai trò công tác xuất bản trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Vai trò lưu giữ và truyền bá văn hóa dân tộc trong các xuất bản phẩm

Sự nghiệp xuất bản là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Công tác xuất bản có nhiệm vụ tích lũy và truyền bá các giá trị tinh thần, phát triển văn hóa Việt Nam. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản cũng chỉ rõ: “Hoạt động xuất bản phải chăm lo bảo vệ, khẳng định và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc” (1). Định hướng chính trị quan trọng này đã tạo cơ sở cho ngành Xuất bản phát huy vai trò quan trọng, vừa là một thành tố của văn hóa, vừa là phương tiện lưu giữ và truyền bá văn hóa dân tộc.

Vai trò lưu giữ và truyền bá văn hóa dân tộc của công tác xuất bản được thực hiện thông qua hoạt động biên tập, in ấn, phát hành, quảng bá các xuất bản phẩm đến với công chúng. Đóng góp của ngành Xuất bản trong việc lưu trữ và phát hành sản phẩm có liên quan đến văn hóa, đặc biệt là văn hóa cổ truyền đã được ghi nhận trong Thông báo số 19-TB/TW ngày 29-12-2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, nhấn mạnh đến thành tựu của công tác xuất bản đã “góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (2).

Vai trò nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị văn hóa dân tộc

Giá trị văn hóa dân tộc được đúc kết qua hàng ngàn năm, kết tinh và hội tụ tâm huyết, trí tuệ và thành quả lao động của con người Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên và bảo vệ độc lập dân tộc, trở thành bản sắc khẳng định sự tồn tại của Việt Nam trên bản đồ văn hóa nhân loại. Để văn hóa dân tộc được lưu giữ và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nó phải tồn tại trong nhận thức của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Với ý nghĩa đó, công tác xuất bản thông qua sứ mệnh phổ biến, giới thiệu tri thức về các lĩnh vực của đời sống xã hội - trong đó văn hóa cổ truyền có tác dụng nâng cao nhận thức cộng đồng về vị trí, vai trò và ảnh hưởng tích cực của văn hóa dân tộc đến cuộc sống đương đại.

Thông qua các sản phẩm văn hóa được xuất bản và phát hành, công tác xuất bản góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị văn hóa dân tộc. Quá trình tác động này được thực hiện thông qua các kênh kết nối về giáo dục, truyền thông và kiểm soát. Trong hoạt động giáo dục, một bộ phận sản phẩm xuất bản mang những tri thức thức văn hóa cổ truyền giới thiệu đến bạn đọc. Một số hình thức xuất bản, đặc biệt là xuất bản có ứng dụng công nghệ thông tin, có tác dụng truyền thông giá trị văn hóa dân tộc cho công chúng. Những định hướng về xuất bản cũng là một kênh văn hóa - thông tin kiểm soát hành vi và định hướng nhu cầu của độc giả. Qua đó kiểm soát và điều chỉnh hành vi đọc của xã hội đối với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Vai trò thúc đẩy xu hướng đọc tích cực thông qua các xuất bản phẩm về văn hóa dân tộc

Thúc đẩy xu hướng đọc của công chúng đối với các xuất bản phẩm về văn hóa dân tộc đã và đang trở thành định hướng trong công tác xuất bản hiện nay. Chú trọng mảng sách “về truyền thống dân tộc và cách mạng, về bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc” là một trong những nhiệm vụ của hoạt động xuất bản được nêu trong Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản (3). Đây là cơ sở để ngành Xuất bản tập trung xây dựng, phát hành các xuất bản phẩm về văn hóa dân tộc, tạo nguồn lực góp phần định hướng tâm lý và hành vi đọc của công chúng, nhất là giới trẻ, hướng tới việc tìm tòi, nghiên cứu, chia sẻ các sản phẩm văn hóa phản ánh giá trị tinh thần, tư tưởng cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Các xuất bản phẩm về văn hóa dân tộc mang đến cho độc giả những thông tin, tri thức được chắt lọc trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Qua phong cách ngôn ngữ và hình thức thể hiện của thời đại mới, dễ dàng thâm nhập vào nhu cầu của công chúng và được đông đảo bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ đón nhận. Một số sản phẩm xuất bản tận dụng lợi thế đa phương tiện của công nghệ thông tin, có sức lan tỏa rộng lớn và tác động sâu sắc đến văn hóa đọc của độc giả. Thông qua đó, những giá trị văn hóa cổ truyền tiếp tục cuộc hành trình từ kho tàng ra đời thực và hiện hữu trong lối sống của bạn đọc dưới những ấn phẩm sách, báo và các hình thức lưu giữ thông tin khác.

2. Công tác xuất bản trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc hiện nay

Những thành tựu đạt được

Thứ nhất, vai trò của công tác xuất bản với việc bảo tồn văn hóa dân tộc ngày càng được tăng cường. Kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, công tác xuất bản đã và đang có nhiều đóng góp về nâng tầm tri thức văn hóa và con người Việt Nam. Trong vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, ngành Xuất bản đã xuất bản, in, phát hành các xuất bản phẩm về văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số. Nhiều sách xuất bản về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách dân tộc và văn hóa dân tộc được đông đảo bạn đọc đón nhận. Qua đó góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết và góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thứ hai, số lượng xuất bản phẩm có liên quan đến truyền bá văn hóa dân tộc tăng dần đều theo từng năm. Nhìn chung, loại sách văn hóa luôn chiếm tỷ lệ lớn hơn so với các loại sách khác trong tổng số sách xuất bản. Năm 2022 có 11.015 đầu sách khoa học xã hội, trong đó có sách về văn hóa dân tộc, tăng 149% so với năm 2021 (4). Sách văn hóa - xã hội ngày càng đa dạng về nội dung và phong phú về hình thức. Ngoài loại sách văn hóa truyền thống như lịch sử văn hóa, cội nguồn dân tộc, địa chí, danh nhân, phong tục tập quán, lễ hội dân gian còn xuất hiện nhiều loại sách về chủ đề văn hóa truyền thống gia đình, văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực và làng nghề truyền thống. Số lượng sách văn học, trong đó có văn học dân gian Việt Nam đạt 12 triệu bản in, tăng 170% năm 2022 (5).

Thứ ba, xuất hiện xu thế xuất bản mới, tích hợp và kết nối trong các xuất bản phẩm về văn hóa, gắn với trào lưu sáng tác mới của những tác giả trẻ về chủ đề lịch sử, văn hóa dân tộc. Sự mới mẻ trong cách tiếp cận vấn đề cùng sự đa dạng, hiện đại về hình thức trình bày, thể hiện đang thu hút sự quan tâm của độc giả. Một số cuốn sách tiêu biểu cho xu hướng này, như Hành trình Đông A (Nhà xuất bản Kim Đồng), miêu tả cuộc sống, con người Việt Nam thời xưa qua những bức tranh, đồng thời sử dụng kỹ thuật vẽ tranh khắc gỗ trên máy tính nhằm giới thiệu nghệ thuật điêu khắc đặc sắc của dân tộc (6). Cuốn Việt sử diễn họa (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM), tái hiện bốn nghìn năm lịch sử qua hơn 100 bức tranh, 208 trang sách cùng ngôn ngữ súc tích, gần gũi với cách tiếp cận của độc giả hiện đại, tái hiện nhiều chi tiết, đường nét đặc trưng văn hóa Việt Nam qua trang phục, đồ vật, bối cảnh (7).

Những hạn chế còn tồn tại

Một là, công tác xuất bản chưa khai thác hết tài nguyên văn hóa dân tộc. Việt Nam là một quốc gia được xây dựng và phát triển bởi 54 dân tộc với hàng chục nghìn di sản văn hóa phi vật thể và một hệ thống phong phú các lễ hội, phong tục, tập quán, nghệ thuật trình diễn, làng nghề thủ công, văn hóa ẩm thực, trang phục. Mặc dù tài nguyên văn hóa dân tộc, nhất là văn hóa dân tộc thiểu số còn nhiều tiềm năng, song, chưa được ngành Xuất bản khai thác hiệu quả. Trung bình mỗi năm thị trường xuất bản Việt Nam tung ra hơn 400 triệu bản sách, nhưng sách giáo khoa và sách tham khảo đã là 300 triệu bản (8). Số lượng sách, ấn phẩm xuất bản về văn hóa dân tộc còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu bạn đọc. Chưa có nhiều nhà xuất bản tích cực tham gia vào lĩnh vực xuất bản sách, ấn phẩm về văn hóa cổ truyền. Việc xuất bản các chương trình, ấn phẩm sách cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng chính ngôn ngữ, chữ viết của họ còn hạn chế.

Hai là, công tác truyền thông xuất bản văn hóa dân tộc chưa hiệu quả. Việc truyền thông cho hoạt động xuất bản đóng vai trò quan trọng, góp phần quảng bá, thu hút sự quan tâm của xã hội đối với các ấn phẩm về văn hóa dân tộc. Tuy vậy, công tác truyền thông xuất bản phẩm về văn hóa dân tộc chưa thực sự phát huy vai trò là kênh giới thiệu, quảng bá xuất bản phẩm văn hóa dân tộc nhanh nhất, hiệu quả nhất đến với công chúng và bạn đọc. Các nhà xuất bản thiếu chiến lược truyền thông cho những đầu sách có giá trị, có thể gây ra hiệu ứng tốt, được dư luận quan tâm. Chưa tận dụng tốt mạng xã hội cho hoạt động truyền thông xuất bản. Điều này dẫn đến việc độc giả ít quan tâm đến thể loại sách về văn hóa - lịch sử Việt Nam, trong khi có đến 63% độc giả yêu thích và lựa chọn thể loại sách viễn tưởng (9).

Ba là, chưa hình thành mạng lưới kết nối giữa các nhà xuất bản với trung tâm văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa, tác giả sáng tác lịch sử văn hóa. Thực tế hiện nay, nguồn tư liệu về văn hóa dân tộc rất phong phú, đa dạng. Phần lớn trong số đó được thể hiện trong các công trình nghiên cứu, sưu tầm của các học giả hoặc được lưu giữ ở các thiết chế văn hóa. Tuy vậy, hiện nay vẫn còn thiếu một mạng lưới kết nối với mô hình như “Hiệp hội” hoặc “Tổ chức xã hội - nghề nghiệp” hoặc “Diễn đàn” để thu hẹp khoảng cách giữa các nhà xuất bản với các thiết chế văn hóa cũng như các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc. Các nhà xuất bản thiếu nguồn tư liệu để biên tập, in ấn, phát hành. Bản thân các nguồn tư liệu văn hóa dân tộc gặp nhiều khó khăn trong quá trình xã hội hóa tài liệu và tiếp cận bạn đọc.

3. Giải pháp nâng cao vai trò công tác xuất bản góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành có liên quan về vị trí, vai trò của công tác xuất bản trong bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thông qua các xuất bản phẩm. Nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản là cơ sở để xây dựng và triển khai các chính sách cụ thể thúc đẩy sự tham gia tích cực của các nhà xuất bản vào lĩnh vực xuất bản phẩm văn hóa - lịch sử dân tộc. Trước hết, cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải tham gia của các nhà xuất bản vào hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường. Bản thân mỗi nhà xuất bản cần ý thức được và giải quyết hài hòa vấn đề đảm bảo sự cân bằng giữa sứ mệnh chính trị - xã hội của cơ quan xuất bản và vấn đề lợi ích kinh tế trong thực hiện nhiệm vụ kinh doanh.

Hai là xây dựng chính sách hỗ trợ hoạt động xuất bản văn hóa dân tộc

Chỉ thị số 42/CT của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản cùng với Thông báo số 19-TB/TW ngày 29-12-2016 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư là những căn cứ chính trị - tư tưởng quan trọng để phát huy vai trò của công tác xuất bản - một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vấn đề hiện nay là cần phải xây dựng chính sách cụ thể với mục tiêu, công cụ rõ ràng nhằm huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động xuất bản sản phẩm văn hóa dân tộc. Trước hết, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí và tạo công cụ kết nối để các nhà nghiên cứu văn hóa có thể xuất bản các công trình nghiên cứu văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, nên xây dựng chính sách trợ giá đối với một số xuất bản phẩm, đặc biệt là những xuất bản phẩm văn hóa bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số, để những ấn phẩm hay có thể tiếp cận được với đông đảo bạn đọc.

Ba là, xây dựng mạng lưới kết nối trong xuất bản và các kênh phân phối xuất bản phẩm về văn hóa dân tộc

Cần sớm hình thành và phát triển mạng lưới kết nối giữa các nhà xuất bản với các thiết chế, trung tâm văn hóa, các nhà nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa dân tộc. Giải pháp này vừa đảm bảo huy động được tài nguyên văn hóa cho hoạt động xuất bản, vừa tạo điều kiện để công chúng được tiếp cận với các xuất bản phẩm có giá trị. Đầu tư nguồn lực cần thiết để mở rộng hệ thống kênh phân phối, kết hợp chặt chẽ với truyền thông hình ảnh để thu hút sự chú ý của công chúng đối với các thể loại sách về văn hóa - lịch sử dân tộc. Chú trọng sự kết nối và phân phối các ấn phẩm đặc sắc, mới lạ và có chất lượng tốt về lịch sử - văn hóa Việt Nam của một số tác giả trẻ đang thịnh hành và được công chúng đón nhận tích cực.

Kết luận

Hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng nhằm phổ biến, giới thiệu giá trị văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Với tư cách là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam, hoạt động này đóng vai trò tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cổ truyền trong tiến trình mở cửa và hội nhập hiện nay. Định hướng phát triển ngành Xuất bản đặt ra yêu cầu vừa phải coi trọng việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh. Điều này đặt ra yêu cầu cho các nhà xuất bản - cần giữ vững định hướng chính trị - tư tưởng và kiên định với sứ mệnh văn hóa của mình - để từ đó góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống tinh thần tốt đẹp của dân tộc tộc Việt Nam.

_________________

1, 3. Ban Bí thư, Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, thuvienphapluat.vn.

2. Ban Bí thư, Thông báo số 19-TB/TW ngày 29-12-2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, tulieuvankien.dangcongsan.vn.

4, 5. Tổng cục Thống kê, Số liệu thống kê về xuất bản sách, văn hóa phẩm, báo và tạp chí năm 2022, gso.gov.vn.

6, 7. An Nhi, Sách về lịch sử, văn hóa dân tộc: “Làn gió mới” từ những tác giả trẻ, hanoimoi.vn, 1-8-2021.

8. Mai Linh, Phát triển văn hóa đọc phải là chiến lược lâu dài, ictvietnam.vn, 14-11-2022.

9. Khảo sát thói quen đọc sách của người Việt: Chuộng sách giấy hơn ebook hay audio, thể loại yêu thích nhất là tiểu thuyết hư cấu, viễn tưởng, vietnamnet.vn, 1-5-2019.

Ths PHẠM VĂN PHÊ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024

;