Công tác tư tưởng trong hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị hiện nay

Sách lý luận chính trị có vai trò quan trọng trong việc giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm lãnh đạo cách mạng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Để hoạt động xuất bản giữ vững định hướng chính trị, thực sự là công cụ sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vấn đề đặt ra là cần phải tăng cường công tác tư tưởng trong hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị. Bài viết phân tích vai trò và nội dung của công tác tư tưởng trong hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động này trong thực tiễn hiện nay.

Công tác tư tưởng trong hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị là tổng thể quan điểm, nội dung, hình thức triển khai các hoạt động thông qua xuất bản phẩm truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, bồi dưỡng thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, xây dựng đạo đức, lối sống mới xã hội chủ nghĩa cho độc giả, góp phần đấu tranh chống tư tưởng, quan điểm sai trái phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và lợi ích quốc gia dân tộc. Hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị có vai trò rất quan trọng trong việc bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và định hướng chính trị, tư tưởng cho công chúng. Từ thực tế hiện nay, tăng cường công tác tư tưởng trong hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị được nhận diện và nghiên cứu dưới các vấn đề sau:

1. Vai trò công tác tư tưởng trong hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị

Góp phần tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước

Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản” đã khẳng định: “Sự nghiệp xuất bản là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có nhiệm vụ xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học của xã hội” (1). Tiến hành công tác tư tưởng trong hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị chính là việc thông qua các xuất bản phẩm phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước đến đông đảo bạn đọc thuộc mọi đối tượng thông qua các hình thức phát hành khác nhau. Nếu được tiến hành thường xuyên và có hiệu quả, công tác tư tưởng trong hoạt động xuất bản góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách lý luận chính trị, biến đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thành nhận thức và hành động của quần chúng nhân dân.

Góp phần định hướng dư luận xã hội tích cực, lành mạnh

Tạo lập dư luận xã hội tích cực, lành mạnh là một nội dung quan trọng của công tác tư tưởng trong xuất bản sách lý luận chính trị. Bằng cách cung cấp những sản phẩm đảm bảo tính định hướng chính trị - tư tưởng, tính văn hóa và tính khoa học, hoạt động xuất bản góp phần khuyến khích phát triển phong trào đọc, nghiên cứu, học tập sách lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhờ đó, độc giả không chỉ có nhận thức đúng đắn và về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu của sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, mà còn có sức đề kháng, miễn nhiễm với các thông tin xấu độc đến từ các sản phẩm xuất bản phản động, thù địch. Tiến hành công tác tư tưởng trong hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị - trực tiếp góp phần thay đổi nhận thức, hành động và điều chỉnh hành vi của độc giả, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Góp phần tạo động lực thực hiện các nhiệm vụ xuất bản trong tình hình mới

Trước thực tế hiện nay, “bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị” (2). Mặc dù: “sự nghiệp xuất bản là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân” (3), song: “Đội ngũ nghiên cứu lý luận, chính trị còn thiếu, chưa có nhiều chuyên gia có trình độ cao về biên soạn sách lý luận chính trị, nhất là trong tổng kết sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta” (4). Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến một trong những nhiệm vụ chính trị - tư tưởng quan trọng của hoạt động xuất bản hiện nay là: “Chú trọng mảng sách về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” (5). Do đó, việc tiến hành công tác tư tưởng trong hoạt động xuất bản, về thực chất là tăng cường tính đảng, tính khoa học và tính thực tiễn, đảm bảo công tác xuất bản hoàn thành sứ mệnh đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

2. Nội dung công tác tư tưởng trong hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị

Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, xây dựng cơ sở khoa học cho việc đề xuất quan điểm, đường lối về xuất bản lý luận chính trị trong tình hình mới

Quan điểm, đường lối xuất bản của Đảng là cơ sở để ngành Xuất bản xác định tôn chỉ, mục đích, xây dựng chiến lược và kế hoạch sản xuất và lưu hành những ấn phẩm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị - tư tưởng và nhu cầu của độc giả. Thực tiễn hiện nay, “Sách nghiên cứu, tổng kết thực tiễn còn ít, chất lượng còn hạn chế. Sách viết về công cuộc đổi mới… còn ít và kém sâu sắc, sinh động” (6); đặc biệt “vẫn còn xuất bản và lưu hành một số sách có nội dung sai phạm về chính trị, tư tưởng, gây ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống xã hội” (7). Chỉ thị 44-CT/TW của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận chính trị, đã xác định, cần: “Đổi mới công tác biên soạn, biên tập, hoạt động xuất bản, in, phát hành sách lý luận chính trị phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (8). “Có chính sách ưu tiên, ưu đãi nhằm thu hút đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm... tham gia viết, biên soạn, biên dịch sách lý luận chính trị” (9).

Tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chính sách xuất bản ấn phẩm lý luận chính trị của Đảng và Nhà nước

Tuyên truyền là một thành tố cấu thành nội dung công tác tư tưởng, có tác dụng phổ biến, lan tỏa những giá trị chân lý cho những đối tượng cụ thể trong xã hội. Với cách tiếp cận này, nội dung quan trọng của công tác tư tưởng trong xuất bản sách lý luận chính trị chính là việc tăng cường và thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chính sách xuất bản lý luận chính trị của Đảng và Nhà nước hiện nay. Thực hiện nội dung tuyên truyền về xuất bản lý luận chính trị, Chỉ thị 44-CT/TW của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận chính trị đặt ra vấn đề cần: “Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sách lý luận, chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet và đội ngũ tuyên truyền các cấp. Mở rộng giao lưu hợp tác, trao đổi xuất bản phẩm, kinh nghiệm với các nhà xuất bản nước ngoài. Triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về sách lý luận, chính trị thống nhất trong cả nước; cung cấp dịch vụ khai thác nội dung thông tin sách lý luận, chính trị trên internet” (10).

Định hướng chính trị - tư tưởng để đấu tranh có hiệu quả với những hạn chế, tiêu cực trong xuất bản sách lý luận chính trị

Về những hạn chế, tiêu cực trong xuất bản sách lý luận, chính trị, trong Chỉ thị 44-CT/TW, Ban Bí thư nhận định: “chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hấp dẫn của sách lý luận chính trị còn hạn chế, chưa có nhiều đầu sách hay, có giá trị cao về lý luận và thực tiễn” (11). Theo nội dung Kết luận số 23-KL/TW, Ban Bí thư cho rằng: “việc phát huy vai trò báo chí, xuất bản trong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và còn nhiều bất cập, hạn chế. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có dấu hiệu gia tăng trong đội ngũ những người làm báo, xuất bản” (12). Do đó công tác tư tưởng trong xuất bản sách lý luận chính trị cần hướng tới việc thông qua các quy trình, sản phẩm xuất bản để tạo lập không gian văn hóa xuất bản cùng xu hướng đọc tích cực cho các tổ chức, cá nhân có liên quan. Từ đó gia tăng “kháng thể văn hóa” trong mỗi quy trình, hoạt động xuất bản lý luận chính trị hiện nay.

3. Giải pháp tăng cường công tác tư tưởng trong hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị hiện nay

Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng về vai trò của công tác tư tưởng trong hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị

Nhận thức của các cấp ủy đảng về vai trò của công tác tư tưởng trong hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị góp phần định hướng hoạt động xuất bản bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, củng cố và tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội và lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của sách lý luận, chính trị, pháp luật chưa đầy đủ. Ý thức, văn hóa đọc sách lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên và nhân dân có chiều hướng giảm sút. Do đó, trước hết cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội về vị trí, vai trò của công tác tư tưởng trong việc định hướng, quản lý hoạt động xuất bản, đảm bảo cho hoạt động xuất bản lý luận chính trị hoàn thành sứ mệnh trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng môi trường văn hóa chính trị - xã hội lành mạnh, tích cực. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát huy vai trò của công tác tư tưởng trong quản lý hoạt động xuất bản lý luận chính trị hiện nay.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà xuất bản, khắc phục tình trạng thương mại hóa trong hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị

Để nâng cao hiệu quả hoạt động xuất bản, trước hết các cấp ủy đảng, cơ quan chủ quản chỉ đạo các nhà xuất bản hoạt động trên cơ sở chương trình, đề án và chiến lược xuất bản sách. Trên cơ sở quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tiến hành rà soát, sắp xếp các nhà xuất bản có chức năng và đủ điều kiện xuất bản sách lý luận chính trị. Cùng với đó là các hoạt động đổi mới công tác biên tập, xuất bản sách lý luận chính trị phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở có cơ chế, chính sách đặc thù cho hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị. Cấp ủy, cơ quan chủ quản và trực tiếp là các đơn vị xuất bản cần tham mưu, đề xuất xây dựng chế độ, chính sách cho các doanh nghiệp xuất bản có nhiệm vụ kinh doanh đặc thù, có ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Nâng cao chất lượng nhân sự làm công tác xuất bản sách lý luận chính trị

Công tác nhân sự là trọng tâm của việc tăng cường công tác tư tưởng đối với hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị. Mọi chiến lược, kế hoạch xuất bản đảm bảo đúng định hướng phát triển và thực hiện tốt chức năng chính trị - văn hóa đều phụ thuộc vào nhận thức, thái độ và hành vi của đội ngũ nhân sự làm công tác xuất bản. Do đó, cần quán triệt quan điểm về công tác nhân sự xuất bản sách lý luận chính trị theo tinh thần Chỉ thị 44-CT/TW của Ban Bí thư, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác biên soạn, biên tập, xuất bản, phát hành, cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất bản sách lý luận chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cao. Cơ quan xuất bản cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên cả về chính trị, tư tưởng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời có chính sách tuyển chọn, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Kết luận

Công tác tư tưởng trong hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị là quá trình sử dụng và phát huy các yếu tố, các bộ phận cấu thành công tác tư tưởng để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về xuất bản; định hướng chính trị, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động xuất bản hiện nay. Trước thực tế khó khăn của các nhà xuất bản sách có sứ mệnh ấn hành các sách lý luận chính trị, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện chức năng đơn vị sản xuất kinh doanh, đòi hỏi cần phải nhận thức rõ vị trí, vai trò, nội dung công tác tư tưởng trong hoạt động xuất bản sách lý luận. Từ đó tạo cơ sở để giữ vững và phát huy giá trị của sự nghiệp xuất bản thực sự là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

___________________

1, 3, 5, 6, 7. Ban Bí thư, Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, thuvienphapluat.vn.

2, 4, 8, 9, 10, 11. Ban Bí thư, Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16-4-2020 của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận chính trị, thuvienphapluat.vn.

12. Ban Bí thư, Kết luận số 23-KL/TW, ngày 22-11-2017 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tulieuvankien.dangcongsan.vn.

Ths NGUYỄN PHƯƠNG HOA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024

;