Các đại biểu tham quan Không gian văn hóa Việt Nam tại Triển lãm EXPO 2020 Dubai - Ảnh: Cục Hợp tác quốc tế
Báo cáo toàn cầu Công ước 2005: Tái định hình chính sách vì sự sáng tạo được UNESCO công bố tháng 2-2022 cho biết trước đại dịch COVID-19, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo (CNVHST) là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và được dự báo có đóng góp đáng kể cho GDP toàn cầu lên tới 10% vào năm 2030. Bên cạnh việc tạo sinh kế, thu nhập, việc làm, doanh thu, xuất khẩu... vai trò của văn hóa và các ngành CNVHST trong việc nâng cao đời sống tinh thần, sự gắn kết của các cộng đồng trong xã hội ngày càng được ghi nhận rộng rãi. Năm 2021 được Liên Hợp Quốc công bố là năm quốc tế về kinh tế sáng tạo vì sự phát triển bền vững. Hội nghị thế giới về chính sách văn hóa và phát triển bền vững do UNESCO và Chính phủ Mexico đồng tổ chức vào tháng 9-2022 vừa qua, kỷ niệm 40 năm Hội nghị Mondiacult 1982 - dấu mốc lịch sử khi UNESCO đưa ra định nghĩa chính thức về văn hóa, một lần nữa khẳng định thông điệp mạnh mẽ của Bộ trưởng Văn hóa các nước trên thế giới về vai trò của văn hóa trong tương lai phát triển bền vững toàn cầu. Xác định văn hóa sáng tạo ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế hậu công nghiệp, bài viết nghiên cứu mô hình đầu tư cho văn hóa của một số nước trên thế giới, từ đó rút ra kinh nghiệm và gợi mở cho Việt Nam nhằm giải phóng sức sáng tạo, phát huy giá trị văn hóa với tư cách là động lực cho sự phát triển bền vững.
1. Một số mô hình đầu tư cho văn hóa trên thế giới
Mô hình “kiến trúc sư” của Pháp
Pháp là nơi hình thành khái niệm chính sách văn hóa, là quốc gia đặc trưng cho mô hình “kiến trúc sư” (1) với đặc trưng là sự can thiệp của Nhà nước thông qua công cụ luật pháp và phân bổ ngân sách nhằm đảm bảo mục tiêu tối thượng là sự tiếp cận văn hóa công bằng cho mọi người.
Tại Pháp, các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) được hiểu là hệ thống các hoạt động kinh tế kết hợp các chức năng nhận thức, sáng tạo, sản xuất văn hóa một cách công nghiệp ở quy mô lớn, mang tính thương mại hóa sản phẩm văn hóa. Jack Lang, Bộ trưởng Văn hóa Pháp trong những năm 80-90 của TK trước, là một trong những người đề cập đến mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, khởi xướng cho sự ra đời của khái niệm kinh tế sáng tạo và mở rộng tài trợ cho các loại hình nghệ thuật trước kia không được quan tâm như rock, hiphop, rap... Đây cũng là thời kỳ chứng kiến ngân sách của Bộ Văn hóa Pháp tăng gần gấp đôi, chiếm gần 1% ngân sách Nhà nước hằng năm. Bộ Văn hóa chú trọng hơn đến khía cạnh kinh tế, các ngành CNVH, trong đó có lĩnh vực nghe nhìn, xuất bản. Trong 25 năm qua, các ngành CNVH đã trải qua một loạt thay đổi lớn. Phạm vi sản phẩm liên tục được mở rộng (sách, phim, video, CD-ROM, DVD, sản phẩm trực tuyến hoặc điện tử...).
Nước Pháp thực thi chính sách văn hóa thông qua công cụ pháp lý là luật pháp. Pháp có nhiều bộ luật liên quan đến văn hóa như: Luật Di sản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh và Hoạt hình, Luật Kiến trúc... Đáng chú ý, Bộ Luật về tự do sáng tạo, kiến trúc và di sản được ban hành vào 7-7-2016 điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau của chính sách văn hóa. Pháp nổi tiếng về Luật về thiết lập một đơn giá cố định đối với sách, sách điện tử nhằm hỗ trợ cộng đồng trong việc tiếp cận với văn hóa đọc và duy trì sự đa dạng trong lĩnh vực sách, bao gồm cả văn học Pháp và văn học nước ngoài. Pháp áp dụng “hạn ngạch” phát sóng các chương trình bằng tiếng Pháp trên đài phát thanh và truyền hình, các tác phẩm điện ảnh, các biện pháp chống tập trung, cho phép hoặc không cho phép quảng cáo, chống vi phạm bản quyền. Ở Pháp vẫn đang áp dụng chế độ đặc biệt đảm bảo cho người thất nghiệp là nghệ sĩ, kỹ thuật viên sân khấu (luật ra đời từ năm 1936). Trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác, Pháp tiếp tục duy trì quy định bắt buộc về việc sử dụng các tác phẩm mỹ thuật để trang trí các tòa nhà công cộng thông qua Ủy ban “1% cho Nghệ thuật” được thiết lập từ năm 1951, theo đó, 1% tổng kinh phí xây dựng, phục chế hoặc cải tạo mở rộng bất kỳ công trình công cộng nào cũng phải dành để mua các tác phẩm nghệ thuật đương đại.
Hầu hết các lĩnh vực văn hóa đều có các trung tâm quốc gia, nơi kết nối giữa nhà nước và giới chuyên môn, nơi gặp gỡ giữa các đối tác trong từng lĩnh vực. Ở Pháp có các trung tâm quốc gia như: Trung tâm quốc gia về sách (CNL): ngân sách nhà nước 2019: 24 triệu Euro; Trung tâm quốc gia về âm nhạc (CNM): ngân sách nhà nước 2020: 50 triệu Euro; Trung tâm quốc gia về phim và hoạt hình (CNC): do Bộ Văn hóa Pháp quản lý với 6 nhiệm vụ chính (quy định về điện ảnh, hỗ trợ kinh tế điện ảnh và nghe nhìn, quảng bá, bảo vệ và truyền bá di sản điện ảnh, các hoạt động hợp tác châu Âu và quốc tế, phân loại); Ngân sách của CNC lấy từ thuế trên vé xem phim, thuế doanh thu các kênh truyền hình... Ngân sách năm 2020: 675,3 triệu Euro. Quỹ Sách quốc gia, Quỹ Hỗ trợ ngành Điện ảnh và Phát thanh, Quỹ Hỗ trợ cho ca khúc, âm nhạc đại chúng và nhạc Jazz... được Nhà nước thành lập. Các quỹ này hỗ trợ các biện pháp trong các lĩnh vực tương ứng.
Các chính sách thuế đặc biệt cho phép Nhà nước hỗ trợ một số lĩnh vực văn hóa như: giảm VAT (đối với sách); giảm thuế đối với các trường hợp đặc biệt và các doanh nghiệp thực hiện “các hoạt động phục vụ công chúng về nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, phim ảnh”; cơ chế đánh thuế theo vùng các hoạt động sản xuất (phim, trò chơi điện tử và âm nhạc); chế độ thuế đặc biệt được áp dụng đối với quyền tác giả và quyền liên quan.
Nhà nước can thiệp trực tiếp thông qua việc quản lý của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và can thiệp gián tiếp như cấp kinh phí cho một số lĩnh vực (vận hành và trang thiết bị), các biện pháp hỗ trợ tài chính, thuế. Mục đích của biện pháp này nhằm khắc phục những khiếm khuyết của thị trường và giúp các chủ thể đang có nguy cơ vượt qua khó khăn về kinh tế.
Mô hình “nhà bảo trợ” của Anh
Anh tiêu biểu cho mô hình đầu tư “nhà bảo trợ” (2). Nước Anh là nơi phát triển và lan tỏa thuật ngữ các ngành công nghiệp sáng tạo (CNST) ra toàn cầu. Bộ Văn hóa, Truyền Thông và Thể thao (DCMS) với mục tiêu vạch ra phương hướng thúc đẩy các ngành CNST trở thành động lực của nền kinh tế đã ban hành Tài liệu Lập bản đồ CNST năm 1998 và đưa ra định nghĩa về CNST là: “các ngành có nguồn gốc từ sự sáng tạo, kỹ năng và tài năng cá nhân, và có tiềm năng làm nên của cải và việc làm thông qua việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ”. DCMS cũng xác định 13 ngành thuộc các ngành CNST gồm: quảng cáo, đồ cổ, kiến trúc, thủ công, thiết kế, thời trang, điện ảnh, phần mềm giải trí, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, phần mềm, và truyền hình và phát thanh. Theo một tài liệu của DCMS công bố vào tháng 2-2020, trước đại dịch COVID-19, năm 2019, các ngành kinh tế sáng tạo đóng góp hơn 115 tỷ bảng Anh, chiếm 5,9% nền kinh tế Anh và nhiều hơn tổng giá trị ngành công nghiệp vũ trụ, tự động hóa, khoa học cuộc sống, dầu mỏ và khí đốt cộng lại (3).
Nước Anh có mô hình đầu tư cho văn hóa được cho là thành công với sự kết hợp hài hòa giữa đầu tư công, doanh thu, nguồn tài chính tư nhân và hiến tặng. Chính nguồn lực đa dạng này đã tạo điều kiện để lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có thể phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng thông qua đầu tư và các biện pháp ưu đãi.
Đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được thực hiện thông qua Hội đồng Nghệ thuật Anh (Art Council of England, viết tắt là ACE) với ngân sách hằng năm lên tới hơn 600 triệu bảng từ Chính phủ và Quỹ Xổ số quốc gia nhằm tạo ra những trải nghiệm văn hóa làm giàu thêm đờisống của người dân. ACE đặt mục tiêu đến 2030, nước Anh sẽ trở thành một quốc gia mà sự sáng tạo của mỗi người dân được đánh giá và tạo cơ hội thăng hoa, nơi mỗi người dân đều có thể tiếp cận với những trải nghiệm văn hóa chất lượng cao. Với mô hình chính sách “nhà bảo trợ” tuân thủ nguyên tắc “chiều dài cánh tay”, các cơ quan, tổ chức văn hóa nghệ thuật có sự độc lập từ Chính phủ, không chịu áp lực về mặt chính trị dù hoạt động được ngân sách Nhà nước tài trợ.
Bên cạnh đó, Chính phủ có nhiều biện pháp ưu đãi để khuyến khích hiến tặng tư nhân, tài trợ của các doanh nghiệp và các nguồn tài trợ khác cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Từ nhiều năm, Anh áp dụng chính sách hoàn thuế VAT cho các bảo tàng và phòng trưng bày. Năm 2014, các nhà hát, dàn nhạc giao hưởng được miễn thuế. Từ 2017, nước này bắt đầu miễn thuế cho các bảo tàng và phòng tranh nhằm hỗ trợ các cuộc triển lãm lưu động. Anh cũng tăng giá trị của khoản đầu tư được hưởng miễn thuế đầu tư xã hội (social investment tax relief), đưa ra các biện pháp ưu đãi, miễn thuế thu nhập cá nhân và doanh thu cho các nhà đầu tư vào các doanh nghiệp xã hội.
Nhằm hỗ trợ cho văn hóa và CNST chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, Chính phủ Anh đã triển khai nhiều biện pháp như: chương trình cho vay phục hồi (cung cấp các khoản vay lên tới 50.000 bảng); chương trình Giữ lại việc làm (cho phép nhà tuyển dụng đăng ký gói hỗ trợ trị giá tới 80% lương tháng của nhân viên); giảm thuế VAT (từ 20% xuống còn 5% cho các công ty du lịch)... Đặc biệt, tháng 7-2020, Chính phủ công bố “quỹ phục hồi văn hóa” lên tới 1,57 tỷ bảng Anh - đóng vai trò là “gói giải cứu” cho nghệ thuật, văn hóa và di sản.
Nước Anh tin rằng, văn hóa, nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ em cả trong và ngoài nhà trường. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu hệ thống trường công phải xây dựng chương trình giáo dục cân bằng, tăng cường cả tinh thần, đạo đức, thẩm mỹ và thể chất đối với học sinh. Bên cạnh việc học và trải nghiệm các tác phẩm, tác giả vĩ đại, học sinh cũng được học để biết chơi nhạc cụ, vẽ tranh, múa, diễn xuất... Tất cả những kỹ năng đó sẽ góp phần nuôi dưỡng đam mê, mở những cánh cửa sự nghiệp cho các tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đồng thời cũng tạo dựng tầng lớp khán giả, công chúng yêu văn hóa, nghệ thuật. Một số chương trình tiêu biểu được Chính phủ hỗ trợ như:Artsmark (ghi nhận các chương trình giáo dục nghệ thuật xuất sắc tại trường học), mạng lưới quốc gia 123 Music Education Hub (nâng cao chất lượng giáo dục âm nhạc tại các địa phương)... Chính phủ cũng tài trợ cho các công ty múa và nhạc kịch dành cho thiếu nhi, chương trình Trường học Di sản (giúp trẻ em học về lịch sử khu vực mình sinh sống), chương trình Câu lạc bộ Nghệ thuật và Thiết kế Thứ bảy của Quỹ Sorrell (cung cấp các buổi học nghệ thuật và thiết kế miễn phí cho trẻ 14-16 tuổi)... Hầu hết các tổ chức văn hóa và disản tạiAnh đều xây dựng và triển khai các sáng kiến giáo dục.
Mô hình “người tạo điều kiện” của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ không có Bộ Văn hóa, không ban hành chính sách văn hóa, không có cơ quan hay cá nhân nào có thể áp đặt một chương trình nghị sự về văn hóa, nghệ thuật cho quốc gia. Người Mỹ tin rằng tinh thần tự do của các doanh nghiệp Mỹ đã thành công trong các lĩnh vực thương mại, khoa học công nghệ, chính trị là hướng tiếp cận đúng với văn hóa, nghệ thuật, khi các giá trị, các gu thẩm mỹ khác nhau của các nhà tài trợ sẽ làm phong phú sáng tạo nghệ thuật và đảm bảo sự đa dạng của nền văn hóa Mỹ với bản sắc “là nơi hòa trộn các nền văn hóa thế giới” (the melting pot).
Tại Hoa Kỳ, hệ thống ưu đãi thuế và truyền thống hiến tặng cá nhân đã trở thành một đặc trưng riêng, cùng với kỹ năng “gây quỹ” chuyên nghiệp của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật đã huy động được nguồn lực lớn cho lĩnh vực này. Ước tính, cứ 1 USD, Chính phủ liên bang giảm trừ thuế sẽ huy động được từ 80 cent đến 1,3 USD từ các nhà tài trợ (4). Năm 2011, người Mỹ quyên góp lên tới 13 tỷ USD cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và nhân văn, tương đương với tỷ lệ cứ một người Mỹ sẽ dành 42 USD/ năm để hiến tặng cho lĩnh vực này. Bên cạnh nguồn từ hiến tặng cá nhân, các quỹ của các tập đoàn tư nhân, đặc biệt 10 quỹ hàng đầu như: Ford Foundation, the American Art Foundation, Inc, the Rockefeller Foundation, the Carnegie Foundation... đã đóng góp hàng tỷ USD cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, góp phần hình thành các thiết chế văn hóa quan trọng của quốc gia như: Trung tâm Lincoln, Viện Phim Hoa Kỳ, Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại... Với chính sách miễn giảm thuế khi tài trợ cho nghệ thuật được áp dụng rộng rãi từ năm 1936, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ có doanh thu dưới 50 triệu USD là nguồn tài trợ chính cho văn hóa, nghệ thuật ở cấp độ địa phương, tại các bang, thành phố.
Năm 2020, thống kê của Cơ quan Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ cho thấy hoạt động kinh tế văn hóa và nghệ thuật chiếm tỷ trọng 4,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hoa Kỳ, tương đương 876,7 tỷ USD, tạo ra 4,5 triệu việc làm. Trong đó, đóng góp vào GDP của văn hóa và nghệ thuật lớn hơn 5 lần so với nông nghiệp, nhiều hơn 60 tỷ USD so với ngành xây dựng, nhiều hơn 227 tỷ USD đối với ngành vận tải và kho bãi. Hàng hóa văn hóa và nghệ thuật tạo ra thặng dư thương mại. Các lĩnh vực xuất khẩu chính bao gồm điện ảnh, chương trình truyền hình, quảng cáo, phần mềm nghệ thuật và trò chơi điện tử. Trong giai đoạn 2014-2016, tỷ lệ tăng trưởng hằng năm của văn hóa và nghệ thuật là 4,16%, gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế Mỹ là 2,22%.
Xác định bản quyền có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đổi mới sáng tạo, khuyến khích phát minh kỹ thuật và thu hút đầu tư, Hoa Kỳ dành sự quan tâm đặc biệt và rất sớm đối với công tác bản quyền. Từ năm 1897, Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ được thành lập, thực hiện quản lý hệ thống bản quyền quốc gia, tư vấn các nội dung pháp luật về bản quyền đối với Quốc hội, các cơ quan liên bang, tòa án và công chúng. Chính phủ Hoa Kỳ bảo vệ mạnh mẽ bản quyền và sở hữu trí tuệ thông qua hệ thống pháp luật từ Hiến pháp cho đến các đạo luật riêng và cơ chế thực thi, tòa án các cấp, coi đây là vấn đề cốt lõi để phát triển ngành CNVHST và động lực phát triển của nền kinh tế Mỹ. Không chỉ bảo vệ bản quyền và sở hữu trí tuệ trong nước, Hoa Kỳ còn thúc đẩy việc bảo hộ trên toàn thế giới thông qua các hiệp ước đa phương và giao cơ quan chuyên trách theo dõi sát sao tình hình vi phạm bản quyền đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình tại các nước để đưa ra các trừng phạt về thương mại, là điều kiện mặc cả trong các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do.
Theo thống kê trong năm 2019 của Liên minh Sở hữu trí tuệ quốc tế (IPPA) - tổ chức tư nhân đại diện cho các ngành, lĩnh vực được bảo hộ bản quyền tại Hoa Kỳ, các ngành, lĩnh vực được bảo hộ bản quyền tại Hoa Kỳ tiếp tục có đóng góp mạnh mẽ đối với kinh tế Hoa Kỳ, chiếm 7,41% GDP với giá trị hơn 1,5 nghìn tỷ USD. Trong đó, các ngành, lĩnh vực này tạo ra 11,7 triệu việc làm trong năm 2019, chiếm 7,71% tổng số lao động tại Hoa Kỳ. Trong giai đoạn 2016-2019, các ngành, lĩnh vực được bảo hộ bản quyền tại Hoa Kỳ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm là 4,85%, vượt hơn tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực khác tại Hoa Kỳ. Các sản phẩm bản quyền của Hoa Kỳ được bán tại thị trường nước ngoài có giá trị 218,76 tỷ USD trong năm 2019.
(còn nữa)
______________
1. Bài viết áp dụng 4 mô hình kinh điển về chính sách văn hóa do hai nhà nghiên cứu Canada: Hillman-Chartrand và McCaughey đưa ra vào năm 1989 dựa trên quan hệ và sự can thiệp của chính phủ đối với lĩnh vực văn hóa. Đó là mô hình “người tạo điều kiện” (the facilitator) (Hoa Kỳ), “người bảo trợ” (the partron) (Anh), kiến trúc sư (the architect) (Pháp) và kỹ sư (the engineer) (Trung Quốc). Mô hình kiến trúc sư cho phép Chính phủ có vai trò can thiệp trực tiếp vào việc hình thành môi trường phát triển, gắn chặt với các mục tiêu chính sách văn hóa quốc gia và phúc lợi xã hội. Do đó, mô hình này còn được gọi là mô hình “phúc lợi xã hội”, điển hình là Pháp. Bộ Văn hóa trực tiếp điều hành các chương trình, hoạt động, cấp kinh phí cho hiệp hội, nghệ sĩ.
2. Mô hình “nhà bảo trợ” có nguồn gốc từ truyền thống giới quý tộc tài trợ cho nghệ thuật. Đây là mô hình chính sách văn hóa tại Vương quốc Anh, Canada, Australia với hoạt động của Hội đồng nghệ thuật là cơ quan độc lập với Chính phủ, theo nguyên tắc “chiều dài cánh tay”, một nguyên tắc trong chính sách công được áp dụng trong lĩnh vực luật pháp, chính trị và kinh tế ở hầu hết các nước phương Tây.
3. UK’s Creative Industries contributes almost £13 million to the UK economy every hour, (Các ngành Công nghiệp Sáng tạo của Vương quốc Anh đóng góp gần 13 triệu bảng cho nền kinh tế Vương quốc Anh mỗi giờ), gov.uk, 6-2-2020.
4. National Endowment for the Arts (Quỹ nghệ thuật Quốc gia), How the United States funds the arts, (Hoa Kỳ tài trợ cho nghệ thuật như thế nào), 11-2012.
NGUYỄN PHƯƠNG HÒA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023