Sửa đổi lối làm việc là tác phẩm được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, chỉ ra những hạn chế, khiếm khuyết trong cách làm việc, cách lãnh đạo, quản lý của cán bộ, công chức nhà nước để có những định hướng sửa chữa, điều chỉnh như Bác Hồ đã từng nói không sợ khuyết điểm mà chỉ sợ không có quyết tâm để sửa chữa những khuyết điểm đó. Nhiều thứ “bệnh” mà Người đã chỉ ra là do những ảnh hưởng tiêu cực từ trong văn hóa truyền thống, rất cần loại bỏ những hạn chế, phát huy những mặt tích cực của văn hóa truyền thống trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, trên đường lên căn cứ địa Việt Bắc, Người đã ghé thăm Thanh Hóa, khu Lam Sơn, qua Nho Quan (Ninh Bình), Chi Nê (Hòa Bình) và lên chiến khu Việt Bắc. Qua chuyến đi thực tế, Người đã phát hiện ra nhiều vấn đề sai trái của cán bộ chính quyền mới thành lập nên khi về chiến khu Việt Bắc, Người vẫn dành thời gian viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Mục đích của Người khi viết tác phẩm này là chỉ ra những hạn chế, những căn bệnh trong suy nghĩ, tư tưởng, hành động, công tác của cán bộ, đảng viên theo tinh thần phê bình nhằm sửa chữa những khuyết điểm. Người cũng khẳng định rõ những khuyết điểm này phần lớn là do ảnh hưởng của văn hóa truyền thống: “Đảng ta không phải từ trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa… Những thói xấu đó có đã lâu, nhất là trong 80 năm nô lệ. Những thói xấu đó, họ mang từ xã hội vào Đảng” (1). Văn hóa, những nếp nghĩ, thói quen, phong tục đã được hình thành, bồi đắp và lưu truyền qua hàng nghìn năm nên để thay đổi cũng cần một thời gian lâu dài. Nhiều khi những cơ sở kinh tế của những thói quen, phong tục đó đã không còn nữa, nhưng phải rất nhiều năm sau đó thì những phong tục, thói quen đó mới có thể mất đi. Cách nhìn nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa truyền thống của dân tộc là khách quan, biện chứng, Người vừa thấy được những giá trị tốt đẹp, vừa thấy được cả những hủ tục, cái lạc hậu, lỗi thời, vì vậy Người khẳng định: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt, thì ta phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước” (2).
Theo Người, bên cạnh việc chỉ ra những giá trị tốt đẹp trong văn hóa truyền thống cần giữ gìn và phát huy, còn chỉ rõ những cái lỗi thời, lạc hậu trong văn hóa truyền thống cần phải loại bỏ. Vì vậy, trong khi chỉ ra mười hai căn bệnh trong lối làm việc của cán bộ, đảng viên thì nhiều căn bệnh bắt nguồn từ trong văn hóa truyền thống. Văn hóa truyền thống Việt Nam được xây dựng trên nền tảng là sản xuất nông nghiệp thủ công, nhỏ lẻ, manh mún (nền tiểu nông) nên nhiều mặt tiêu cực đều bắt nguồn từ nền tảng cơ sở vật chất này. Có thể kể đến một số mặt hạn chế sau:
Tâm lý họ hàng, địa phương, duy tình, “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình” dẫn đến hành xử cảm tính, theo tình cảm
Hoạt động sản xuất nông nghiệp chủ yếu của người Việt Nam là trồng lúa nước, trồng trọt, đã gieo hạt xuống thì phải đợi cho nó lên cây, ra hoa, kết trái mới thu hoạch được, do đó thường sống ổn định ở một nơi (làng xã) với hai mối quan hệ cơ bản là huyết thống và láng giềng. Cách ứng xử giữa những người cùng dòng họ khác hẳn với cách ứng xử giữa những người ngoài dòng họ. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” trở thành phương châm ứng xử của người dân trong làng. Tình cảm dòng họ tạo nên sự cố kết trong dòng họ, tinh thần tương thân, tương ái giữa các thành viên. Tuy nhiên, sự cố kết trong các dòng họ nếu đẩy tới quá mức sẽ dễ dàng trở thành tâm lý bè phái, phe cánh. Cùng với đó là tính khép kín, biệt lập của làng, mỗi làng đều có tục lệ, văn hóa riêng, thần linh riêng và không cần giao lưu với các làng khác vẫn có thể đảm bảo những nhu cầu tối thiểu của mọi người trong làng dẫn tới tâm lý cục bộ, địa phương theo kiểu “ta về ta tắm ao ta”, “trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, đặt lợi ích của làng mình lên trên làng khác hoặc thậm chí trên cả lợi ích của nước. Tâm lý này còn dẫn đến sự bao che dung túng những sai lầm của nhau theo kiểu “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Tuy nhiên, bên cạnh quan hệ dòng họ, phương thức tập hợp cộng đồng dân cư của làng còn dựa trên quan hệ láng giềng giữa những gia đình sống bên cạnh nhau. Khi làng phát triển hơn, có những gia đình khác, họ khác đến sống ở làng, lúc đầu là dân ngụ cư, sau trở thành dân chính cư. Vì vậy, làng có nhiều họ và bên cạnh quan hệ họ hàng còn có quan hệ xóm giềng. Làng Việt được hình thành từ hai mối quan hệ chính là quan hệ địa vực (láng giềng) và quan hệ huyết thống (dòng họ). Chính mối quan hệ giữa những người tiểu nông trong làng này là cơ sở cho nét tâm lý trọng tình hơn lý của người nông dân sản xuất nhỏ. Dù trong làng có nhiều họ nhưng con trai họ này lấy con gái họ kia thế là xuất hiện sự liên minh giữa các dòng họ. Vì vậy, quan hệ giữa người với người trong làng cũng vẫn là quan hệ thân thích, thân cận có cội rễ gần nhau. Cả cuộc đời và truyền đời người tiểu nông sống trong làng xã chỉ làm ăn ở làng là chính, quen sống với các mối quan hệ xóm giềng, huyết thống “trong họ ngoài làng” ràng buộc và chồng chéo nhau một cách bền chặt. Vì thế, người nông dân quen nhau và hiểu nhau từ tấm bé, không chỉ nguồn gốc tổ tông mà cả dáng đi, giọng nói, tâm tính của từng người. Do đó, cũng từ tấm bé, người nông dân thật sự tin nhau, nên trong giao tiếp, cư xử hằng ngày, cả trong vay mượn, mua bán tài sản có giá trị lớn, thường lấy lòng tin với nhau là chính mà ít cần đến một thứ giấy tờ hành chính nào. Phần lớn những mâu thuẫn tranh chấp giữa người làng với nhau được giải quyết bằng hòa giải theo phương châm nhường nhịn nhau “chín bỏ làm mười”, lấy cái tình mà xử với nhau chứ không phải bằng cái lý, bằng luật, để sao cho có tình, có lý, đó là cơ sở của tâm lý trọng tình, đôi khi vì quá trọng tình mà bỏ qua cái lý, chủ yếu lấy cái tình làm tiêu chuẩn ứng xử trong các mối quan hệ. Trong trường hợp bất đắc dĩ phải “đưa nhau đến chỗ cửa công” thì cũng “bề ngoài là lý, bên trong là tình”… Những tâm lý ra đời từ xã hội truyền thống đó vẫn còn thể hiện rõ nét trong hành động, công tác của cán bộ, đảng viên hiện nay mà Hồ Chí Minh gọi đó là bệnh nể nang, bệnh kéo bè, kéo cánh. Bệnh này thể hiện trong việc cất nhắc, sử dụng cán bộ “Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài” (3). Hồ Chí Minh khẳng định việc cất nhắc cán bộ nhất định phải dựa trên tài năng chứ không phải vì họ hàng thân thích, vì quen biết, tình nghĩa “Cất nhắc thì cốt làm ơn với những người mình quen thuộc” (4), nếu cất nhắc cán bộ dựa trên họ hàng, thân tình trong khi tiêu chuẩn không xứng đáng, có người tài năng và phẩm chất vượt trội hơn không chỉ làm mất nhân tài của Đảng mà còn làm mất động lực phấn đấu, gây mất đoàn kết trong Đảng “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây ra mối lôi thôi trong Đảng” (5). Tâm lý họ hàng, duy tình không chỉ thể hiện trong việc cất nhắc, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ mà còn trong việc phê bình, đánh giá cán bộ. Vì nể nang, vì họ hàng thân thích mà khi họ mắc sai lầm không phê bình, thậm chí còn bao che cho nhau, xấu, dở cũng đánh giá là hay, là tốt “Vì họ hàng quen biết, bầu bạn, thân thích, anh em, cho nên lúc họ có sai lầm cũng cứ nể nang không thiết thực phê bình, thiết thực sửa đổi, sợ mất lòng” (6); “Ai hợp với mình thì người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau” (7). Đồng thời, vì tâm lý duy tình, mọi việc đều lấy cái tình, yêu ghét để hành xử nên đối với những người không ưa thì lợi dụng phê bình để công kích, cho dù họ có nhiều thành tích cũng phớt lờ, tìm cách hạ thấp “Phê bình thì cốt công kích những đồng chí mình không ưa” (8); “Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống” (9).
Tâm lý tự tư, tự lợi những cái nhỏ nhặt, vụn vặt
Biểu hiện của tâm lý này là chỉ lo việc của cá nhân mình theo kiểu “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, “việc ai người ấy lo, bè ai người ấy chống”, không quan tâm đến những người xung quanh “của mình thì giữ bo bo, của người thì để cho bò nó ăn”. Tâm lý đó nảy sinh do sản xuất nông nghiệp nhỏ, người nông dân tự phải lo liệu lấy mọi việc trong mảnh ruộng của mình. Lo vun vén cho cá nhân, người tiểu nông trong văn hóa truyền thống mang tính chất tủn mủn, vụn vặt, chỉ tính đến cái ăn ngay, trước mắt theo kiểu “được đâu hay đó”, “méo mó có hơn không”, “tham bát bỏ mâm”. Kiểu thu vén của người tiểu nông là “rất nhỏ nhen, đôi khi đến khó coi, bần tiện theo kiểu “sển nồi vơ rế”, “hết nạc thì vạc đến xương”. Trong nền kinh tế tiểu nông, do các tư liệu sản xuất từ ruộng đất, công cụ đều nhỏ bé, vụn vặt, phân tán cùng với kỹ thuật canh tác lạc hậu nên năng suất thấp, sản phẩm lao động ít. Với kết quả như vậy, người sản xuất phải tính toán, lo toan, vun vén sao cho đủ nhu cầu tối thiểu của bản thân họ và gia đình với đủ các loại nhu cầu từ ăn, mặc, ở, lễ tết, hội hè, ma chay, cưới xin… dù những nhu cầu đó nhỏ bé ở mức tối thiểu, từ đó là cơ sở xuất hiện tâm lý vun vén cá nhân, tư lợi.
Tâm lý vun vén cá nhân, tư lợi trong văn hóa truyền thống của cán bộ, đảng viên hiện nay theo Hồ Chí Minh biểu hiện thành bệnh tham lam “Bệnh tham lam - Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình” (10). Những cán bộ, đảng viên có tâm lý vun vén cá nhân, tư lợi luôn tìm cách lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để mưu lợi ích riêng, từ đó ảnh hưởng đến Đảng và nhân dân.
Tư duy, tầm nhìn hạn hẹp, chỉ thấy cái trước mắt không thấy cái lâu dài, chỉ thấy cái bộ phận không thấy cái toàn thể
Văn hóa truyền thống được hình thành từ nền sản xuất tiểu nông. Trong nền sản xuất đó, người nông dân chỉ tổ chức hoạt động sản xuất trên mảnh đất của gia đình mình, hoạt động sản xuất manh mún từ thế hệ này sang thế hệ khác nên đã hình thành ở người nông dân một cách thức suy nghĩ manh mún, nhỏ hẹp. Mảnh ruộng nhỏ bé đóng khung con người trong một không gian hẹp, hạn chế tầm suy nghĩ của con người. Lối suy nghĩ manh mún của người nông dân càng được củng cố vững chắc thêm vì nó bị khép kín bởi lũy tre làng. Hơn nữa, trình độ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hầu như mọi tư liệu phục vụ cho sản xuất đều có sẵn trong tay người nông dân, giống má thì dành từ mùa thu hoạch trước cho vụ sau, phân bón thì có sẵn trong chuồng, đặc biệt họ ít tính toán đến công sức mình bỏ ra, sản xuất theo kiểu “lấy công làm lãi”. Chính điều này đã hình thành ở họ phẩm chất kém hạch toán, không quen nhìn xa. Thêm vào đó, nền sản xuất nông nghiệp nhỏ tự cung, tự cấp với năng suất và hiệu quả thấp kém chỉ có thể đáp ứng những nhu cầu tối thiểu trong giai đoạn ngắn, trước mắt của người nông dân. Bản thân nền sản xuất đó không cho phép và cũng không đặt ra những yêu cầu buộc người lao động phải lo lắng, tính toán để đặt ra những kế hoạch sản xuất lâu dài. Mọi yếu tố, chu trình, bước đi của quá trình sản xuất đều đã được sắp đặt sẵn, từ đó khiến họ có tầm nhìn thiển cận, thiếu tầm nhìn xa.
Biểu hiện tiêu cực của văn hóa truyền thống này theo Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện ở bệnh cận thị, óc địa phương, chỉ nhìn thấy lợi ích của bộ phận mình mà không thấy lợi ích chung của toàn thể, không có cái nhìn bao quát, rộng lớn “Óc địa phương - …Miễn là cơ quan mình, bộ phận mình, địa phương mình được việc. Còn các cơ quan, bộ phận, địa phương khác ra sao cũng mặc kệ. Đó là vì cận thị, không xem xét toàn thể. Không hiểu rằng lợi ích nhỏ phải phục tùng lợi ích to, ích lợi bộ phận phải phục tùng ích lợi toàn thể” (11); “Bệnh cận thị - Không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ. Thí dụ: việc tăng gia sản xuất, việc tiếp tế bộ đội thì không lo đến, mà chỉ lo thế nào để lợi dụng cơm chay và nước gạo trong các bộ đội” (12). Đồng thời, cán bộ, đảng viên mắc tâm lý này còn thiếu tầm nhìn xa, chỉ thấy cái trước mắt mà không thấy cái lâu dài, không có tầm nhìn chiến lược. Cán bộ, đảng viên là những người định ra đường lối, chính sách cần phải có tầm nhìn xa, nhìn rộng lường trước mọi tình hình, bao quát mọi khía cạnh, vấn đề, tư duy trước thời đại mới có những quyết sách đúng đắn, phù hợp. Do ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa truyền thống, nhiều cán bộ còn mắc tư duy, nếp nghĩ hạn hẹp, thiển cận này cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác, hiệu quả lãnh đạo, quản lý.
Tâm lý coi trọng người già, coi thường lớp trẻ
Đây là một biểu hiện tiêu cực của văn hóa truyền thống bởi dựa trên nền tảng sản xuất tiểu nông. Sản xuất tiểu nông với con trâu, cái cày bao đời vẫn vậy, nên chủ yếu là theo kinh nghiệm thế hệ trước truyền lại. Trong khi đó, người già là người có nhiều kinh nghiệm nên có tâm lý trọng xỉ, coi trọng người già mà coi thường lớp trẻ. Tâm lý đó vẫn còn tồn tại trong cán bộ, đảng viên hiện nay, những cán bộ, đảng viên nhiều tuổi chưa coi trọng cán bộ trẻ, thậm chí không dám giao việc hay cất nhắc cán bộ trẻ. Vì vậy, Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải khắc phục tâm lý đó. Cán bộ già hay trẻ đều có những mặt ưu điểm và hạn chế nếu biết đoàn kết, hỗ trợ nhau sẽ phát huy ưu điểm của cả hai. Người nhắc nhở: “Cán bộ cũ phải hoan nghênh, dạy bảo, dìu dắt, yêu mến cán bộ mới. Cố nhiên cán bộ mới, vì công tác chưa lâu, kinh nghiệm còn ít, có nhiều khuyết điểm. Nhưng họ lại có những ưu điểm hơn cán bộ cũ: họ nhanh nhẹn hơn, thường giàu sáng kiến hơn. Vì vậy, hai bên phải tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, học lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ với nhau” (13). Cán bộ cũ mà Hồ Chí Minh nói ở đây chính là cán bộ già có nhiều kinh nghiệm và cán bộ mới là cán bộ trẻ, vừa mới công tác. Vì vậy, Người yêu cầu cán bộ cũ và mới phải tôn trọng lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau.
Thiếu tính tổ chức kỷ luật, thiếu tính giờ giấc
Do phương thức sản xuất, người tiểu nông có tâm lý tùy tiện, thích thì làm, không thì nghỉ, hành động theo ý muốn cá nhân, không dựa trên những nguyên tắc, kỷ luật chung. Sản xuất tiểu nông trong phạm vi gia đình, những đơn vị sản xuất này độc lập với nhau, tự giải quyết mọi công việc từ khâu đầu đến khâu cuối, ít liên quan với nhau, ít phụ thuộc vào nhau, không phục vụ một kế hoạch chung nào cả, trồng hay nuôi cây gì, con gì, làm thế nào, làm vào lúc nào hoàn toàn do mỗi gia đình tự quyết lấy trong những điều kiện, hoàn cảnh riêng của mình, gạt bỏ sự hợp tác, phân công trong quá trình sản xuất. Hoạt động sản xuất của người tiểu nông không đề ra yêu cầu về sự phối hợp đồng bộ giữa các khâu cũng như một sự chỉ huy, lãnh đạo, quản lý thống nhất và nghiêm ngặt. Người nông dân làm việc trên mảnh ruộng của mình có thể tùy ý gieo trồng những loại cây mà họ cho là thích hợp. Trong sản xuất, do mỗi thời vụ có thời gian khá dài và mỗi gia đình là một đơn vị kinh tế độc lập nên họ muốn làm cũng được, muốn nghỉ cũng được theo kiểu “ruộng hôm nay không cày thì để ngày mai”. Thời gian làm việc, nghỉ ngơi có thể kéo dài hay rút ngắn tùy theo sở thích của mỗi người. “Quy chế”, “kỷ luật lao động” là những điều ít ai đặt ra trong gia đình cũng như mỗi người nông dân. Chính điều này đã hình thành nên tâm lý tùy tiện, vô nguyên tắc, kỷ luật không chặt chẽ của người nông dân. Hơn nữa, do các làng ở Việt Nam có tính độc lập tương đối so với nhà nước Trung ương nên nhiều người nông dân chỉ biết có lệ làng, lệ làng chi phối mọi hành vi và ứng xử của họ, họ không biết đến pháp luật của vua cho nên xuất hiện tâm lý trọng lệ hơn luật “phép vua thua lệ làng”. Pháp luật của nhà nước phong kiến có tính chất hà khắc, bắt buộc người nông dân thực hiện để phục vụ lợi ích cho giai cấp cầm quyền nên cũng xuất hiện tâm lý chống đối pháp luật.
Trong 12 bệnh mà Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, đảng viên có bệnh thiếu kỷ luật. Người phê phán một số cán bộ mắc bệnh “Không theo nguyên tắc sinh hoạt của Đảng. Muốn sao làm vậy” (14); “Không phục tùng mệnh lệnh. Không tuân theo kỷ luật. Cứ làm theo ý mình” (15). Xã hội nông nghiệp tự chủ trên mảnh ruộng, không phụ thuộc vào ai đã tạo ra thói quen “giờ cao su”, không đảm bảo giờ giấc chính xác “Hẹn khai hội tám giờ thì chín, mười giờ mới đến. Làm mất thời giờ của những người khác” (16).
Tâm lý bình quân, cào bằng
Tâm lý bình quân, cào bằng ra đời trong xã hội Việt Nam truyền thống với những công xã nông thôn, đất đai thuộc sở hữu của cả làng được chia đều cho tất cả những công dân trong làng. Nhiệm vụ hay thực hiện những nghĩa vụ, đóng góp cũng chia đều theo từng hộ gia đình. Do đó, tạo ra tâm lý “xấu đều hơn tốt lỏi”, xấu nhưng tất cả cùng xấu thì không sao cả, song có người nổi lên thì phải kéo xuống cho bằng, từ đó dần hình thành tâm lý ghen ghét, đố kỵ, không muốn ai hơn mình. Chính tâm lý cào bằng đã sinh ra bệnh tị nạnh, cái gì cũng muốn chia đều, bằng nhau hết, hiểu sai hai chữ bình đẳng “Bệnh tị nạnh - Cái gì cũng muốn bình đẳng. Thí dụ: cấp trên vì công việc phải cưỡi ngựa, đi xe. Cấp dưới cũng muốn cưỡi ngựa, đi xe. Người phụ trách nhiều việc, cần có nhà rộng. Người không phụ trách nhiều việc, cũng đòi nhà rộng. Phụ cấp cho thương binh cũng muốn nhất luật, không kể thương binh nặng hay nhẹ. Làm việc gì, thì muốn già, trẻ, mạnh, yếu đều làm bằng nhau. Có việc, một người cũng làm được, nhưng cũng chờ có đủ mọi người mới chịu làm. Bệnh này sinh ra vì hiểu lầm hai chữ bình đẳng. Không hiểu rằng: “Người khỏe gánh nặng, người yếu gánh nhẹ. Người làm việc nặng phải ăn nhiều, người làm việc dễ thì ăn ít. Thế là bình đẳng” (17). Chính tâm lý cào bằng dẫn tới bệnh đố kỵ, không muốn ai hơn mình dẫn tới lãnh đạo không muốn sử dụng người giỏi vì sợ mình không nổi bật bằng người ta, từ đó dẫn tới mất nhân tài của Đảng “Óc hẹp hòi - Ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình” (18).
Bệnh đề cao kinh nghiệm, ngại đổi mới, coi thường lý luận
Trạng thái tĩnh lặng, hầu như không vận động, biến đổi của nền sản xuất nông nghiệp nhỏ đã không làm nảy sinh nhu cầu buộc người ta phải tìm tòi, sáng tạo và khi không cần phải tìm tòi, sáng tạo thì nảy sinh tâm lý coi trọng kinh nghiệm cũ, những thói quen, cách làm cũ. Công cụ sản xuất của người nông dân từ bao đời nay vẫn ở trạng thái tĩnh, hầu như không biến đổi. Công cụ lao động qua nhiều thế hệ vẫn chỉ còn con trâu, cày chìa vôi, cuốc, liềm hái… Phương thức lao động của người nông dân trong sản xuất qua hàng nghìn năm vẫn theo lối cũ. Các thao tác lao động kỹ năng, kỹ xảo sản xuất kể từ khi con người biết sử dụng sức kéo đến giờ cũng không nhiều thay đổi. Công việc cày, cuốc, bừa, phát, tỉa, gieo trồng, chăm bón, thu hoạch là một quá trình được lặp đi, lặp lại. Cơ cấu cây trồng cứ mùa nào thức ấy theo nông lịch mà canh tác, hết chiêm rồi lại đến mùa, với những giống cây con có sẵn, quen thuộc, đời cha làm thế nào, đời con làm theo vậy. Do sự ổn định của quá trình sản xuất nên thế hệ sau chỉ cần nắm vững những kinh nghiệm của cha ông truyền lại, lặp lại các thao tác của các thế hệ trước là có thể tiếp tục duy trì sản xuất và đời sống. Chính điều này đã tạo nên nếp nghĩ theo kinh nghiệm cũ, bảo thủ, ngại đổi mới ở người tiểu nông trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Con người Việt Nam truyền thống do sản xuất nhỏ có thói quen suy nghĩ, đánh giá mọi việc theo kinh nghiệm của mình, điều này cũng khiến họ trở nên bảo thủ, ngại thay đổi, không chịu học tập cái mới, không dám mạo hiểm thử nghiệm và sáng tạo cái mới, khó chấp nhận cái mới, nhất là những thay đổi đột ngột, ngại học tập lý luận. Sự bảo thủ, ngại đổi mới ở người tiểu nông thể hiện ở chỗ dù thấy đổi mới có thể là cơ hội đem đến những lợi ích lớn hơn trong tương lai, nhưng họ vẫn không muốn thay đổi mà suy nghĩ và hành động theo nếp cũ. Tâm lý đó vẫn còn ảnh hưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay. Hồ Chí Minh phê phán một số cán bộ ngại đổi mới trong báo cáo khai hội ở địa phương “bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, cứ khư khư theo nếp cũ” (19). Ví dụ, báo cáo lúc nào cũng có tình hình thế giới không cần biết đối tượng người nghe, nhiều khi những vấn đề chính yếu lại không còn thời gian để đề cập tới. Chính vì thói quen làm theo kinh nghiệm dẫn tới tâm lý coi thường lý luận, không chịu học lý luận. Kinh nghiệm nhiều khi chỉ là sự đúc rút trong một bối cảnh lịch sử cụ thể, nhưng thế giới biến đổi không ngừng, cần có lý luận dẫn đường chứ không chỉ là kinh nghiệm cá nhân “Có những cán bộ, những đảng viên cũ, làm được việc, có kinh nghiệm. Cố nhiên, những anh em đó rất quý báu cho Đảng. Nhưng họ lại mắc phải cái bệnh khinh lý luận. Họ quên rằng: nếu họ đã có kinh nghiệm mà lại biết thêm lý luận thì công việc tốt hơn nhiều” (20).
Cán bộ, đảng viên cũng là người trong xã hội bị ảnh hưởng bởi những mặt tiêu cực trong văn hóa truyền thống mà có những sai lầm trong lề lối làm việc, công tác. Hồ Chí Minh đã chỉ ra những sai trái, trong đó có những hạn chế bắt nguồn từ trong văn hóa truyền thống. Những nhắc nhở của Người hiện nay vẫn còn nguyên giá trị. Những ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa truyền thống mà Hồ Chí Minh nói đến vẫn còn tồn tại trong hoạt động, công tác của cán bộ, đảng viên hiện nay. Điều này vừa cho thấy tính khó thay đổi của văn hóa đồng thời đòi hỏi chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn những chỉ dẫn của Người. Bên cạnh việc phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, Đảng ta cũng lưu ý cần “từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam” (21). Do đó, mọi người Việt Nam đặc biệt là cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu sâu sắc những căn bệnh mà Người đã chỉ ra trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, bởi muốn chữa bệnh trước hết phải biết bệnh của mình.
_____________________
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 5, Hà Nội, 2011, tr.303, 112-113, 318, 296, 321, 288, 297, 296, 297, 295, 296, 297, 277, 298, 298, 343, 300, 296, 343, 274.
21. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143.
TS NGUYỄN TIẾN THƯ - TS HÀ THỊ THÙY DƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022