Vai trò của thông điệp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên truyền thông đại chúng

Phân tích thông điệp báo chí là một hướng nghiên cứu rất được coi trọng. Nó cho thấy các hiện tượng, sự kiện xã hội và những tác động xã hội chi phối các hiện tượng, sự kiện xã hội diễn ra vào một giai đoạn nào đó. Truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng về phòng chống dịch bệnh COVID-19 có thể coi là một sự lựa chọn tối ưu trong bối cảnh dịch bệnh. Bài viết diễn giải vai trò của thông điệp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên truyền thông đại chúng.

COVID-19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2, hiện vẫn đang ảnh hưởng không nhỏ trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 được xác nhận lần đầu tiên vào ngày 23-1-2020. Hiện tại, nước ta đã trải qua làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư. Đại dịch này đã gây ra những tác động mạnh mẽ và sâu sắc tới chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là có ảnh hưởng đến an ninh, sức khỏe con người và bảo đảm quyền con người.

Truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng về phòng chống dịch bệnh COVID-19 có thể coi là một sự lựa chọn tối ưu trong bối cảnh dịch bệnh. Bởi lẽ, trong bối cảnh công nghệ số phát triển như hiện nay, truyền thông đại chúng có thể giúp độc giả tiếp cận thông tin ở mọi nơi trên thế giới; một số phương tiện truyền thông mới như báo điện tử hay các mạng xã hội có thể không hạn chế số trang hay thời lượng phát sóng như báo in, phát thanh hay truyền hình. Điểm nổi bật nhất của của các phương tiện truyền thông mới với độc giả là khả năng đa phương tiện, kết hợp được cả hình ảnh, âm thanh và chữ viết. Không những truyền tải lượng thông tin lớn, các phương tiện này còn lưu trữ thuận tiện cho việc tra cứu, tìm kiếm thông tin dễ dàng và có khả năng tương tác cao.

Chỉ ra vai trò của các thông điệp về phòng chống dịch bệnh COVID-19 được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng là cần thiết để có thể vừa tổng quát được thành tựu truyền thông trong công tác phòng chống dịch COVID-19, đồng thời cũng đưa ra một số khuyến nghị để phát huy tốt vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm như COVID-19.

1. Một số khái niệm công cụ

Truyền thông đại chúng

Mai Quỳnh Nam (2000), Trần Hữu Quang (1997) cho rằng, truyền thông đại chúng là một quá trình xã hội, đó là quá trình truyền tải thông tin ra công chúng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử... được liên kết chặt chẽ bởi các yếu tố: nguồn tin, thông điệp và người nhận. Thiếu một trong ba yếu tố này, hiệu ứng xã hội sẽ không xảy ra khi các kênh truyền thông đại chúng truyền thông điệp mà không có người nhận.

Thông điệp truyền thông

Theo các tác giả Nguyễn Văn Dững, Đỗ Thị Thu Hằng: “Trong truyền thông, thông điệp được hiểu là một phát ngôn hoàn chỉnh cả về nội dung và hình thức dành cho một nhóm đối tượng trong hoàn cảnh cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu của chiến dịch truyền thông” (1). Ba trong số sáu yêu cầu của thông điệp truyền thông đó là: Thứ nhất, thông điệp phải phù hợp với công chúng. Do đó mà thông điệp cần hướng tới thay đổi nhận thức, hành vi và thái độ của công chúng đối với vấn đề truyền thông. Thứ hai, yêu cầu có tính nguyên tắc đối với tất cả các thông điệp, đó là thông điệp phải phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thứ ba, thông điệp phải phù hợp với các quy tắc và giá trị xã hội, với văn hóa; đề phòng những hệ quả ngoài ý muốn đối với nhóm đối tượng không thuộc phạm vi gây ảnh hưởng, nhất là đối với trẻ em. Những yêu cầu này đã giúp chỉ rõ các vai trò của thông điệp truyền thông, đó là vai trò định hướng công chúng; giáo dục, truyền bá, nâng cao kiến thức; và vai trò cảnh báo xã hội.

2. Thông điệp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên truyền thông đại chúng và vai trò của nó

Các nền tảng truyền thông đại chúng đang đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến thông tin về đại dịch COVID-19. Phương tiện truyền thông đưa tin về đại dịch bằng cách sử dụng ngôn ngữ đáng sợ đã được suy đoán là gây ra rối loạn cảm xúc ở con người và dao động về mức độ phục hồi của họ. Trong nghiên cứu của Shakshi PriyaGiri và Abhishek KumarMaurya (2020), ngay cả việc tuyển người tham gia và tiến hành nghiên cứu đều được thực hiện trực tuyến vào tháng 9 khi đại dịch lên đến đỉnh điểm ở Ấn Độ. Những người tham gia được chỉ định ngẫu nhiên đã tiếp xúc với ba điều kiện: tin tích cực (N = 56), tin tiêu cực (N = 59) và tin tức trung lập (N = 60) liên quan đến COVID-19. Các phân tích cho thấy, tin tức tiêu cực làm giảm đáng kể cảm xúc tích cực và khả năng phục hồi, trong khi tin tức tích cực làm giảm đáng kể cảm xúc tiêu cực và ngược lại. Phát hiện này cho thấy tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đại chúng lên cảm xúc của mỗi cá nhân và sự tự đánh giá của họ về khả năng phục hồi. Nghiên cứu nhấn mạnh trách nhiệm của các phương tiện truyền thông đại chúng và kêu gọi đưa ra những thay đổi cần thiết trong việc đưa tin tức đại dịch và các tình huống bất trắc tương tự khác trong việc giữ cho cảm xúc của con người ổn định và tăng khả năng phục hồi tâm lý của họ.

Tiếp xúc thông tin quá mức và yêu cầu xử lý thông tin tiêu cực cao có thể gây ra căng thẳng tâm lý và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần đã được Bazán PR và các cộng sự chứng minh. Một cuộc khảo sát trực tuyến đã được thực hiện với các nhân viên của một chuyên ngành về chăm sóc sức khỏe đặt tại Sao Paulo, Brazil từ ngày 3-4 đến ngày 10-4-2020. Dữ liệu được phân tích bằng cách sử dụng thống kê mô tả. Kết quả: Mẫu khảo sát bao gồm 2.646 người trả lời. Phần lớn những người tham gia (44,4%) trả lời rằng họ đã truy cập quá mức hoặc gần như quá mức thông tin về coronavirus mới và 67,6% cho biết họ đã tăng thời gian trung bình ở trên mạng xã hội. Khi được hỏi việc xác định độ tin cậy của thông tin có dễ dàng không, “đôi khi” tương ứng với 43,2% câu trả lời trái ngược với 14,6% câu trả lời “luôn luôn”. Các câu trả lời liên quan đến những dấu hiệu tiềm ẩn của việc quá tải thông tin liên quan đến đại dịch chỉ ra rằng 31% người được hỏi cảm thấy căng thẳng vì lượng thông tin họ phải cập nhật hầu như mỗi ngày hoặc luôn luôn. Nhìn chung, 80% người được hỏi cho biết đã từng trải qua ít nhất một trong các triệu chứng sau: nhức đầu, co giật mắt, bồn chồn hoặc khó ngủ. Tần suất các triệu chứng cao hơn ở những người tham gia trả lời tiếp cận và xử lý với thông tin tiêu cực nhiều hơn những người khác. Tương tự như vậy, các triệu chứng được trả lời thường xuyên hơn bởi những người tham gia đã tăng quyền truy cập mạng xã hội của họ so với những người trả lời đã giảm truy cập trong đại dịch.

Nghiên cứu của nhóm tác giả Ayesha Anwar, Meryem Malik, Vaneeza Raees và Anjum Anwar được xuất bản trên Tạp chí Cureus Journal of Medical Science tháng 9-2020 phân tích vai trò của truyền thông đại chúng và truyền thông sức khỏe cộng đồng từ ngày 31-12-2019 đến ngày 15-7-2020 khẳng định, các phương tiện truyền thông đưa tin về coronavirus trong thời gian con người bị hạn chế di chuyển, cách ly mở rộng, những khó khăn về tài chính và xã hội đã gây ra nỗi sợ hãi, căng thẳng tâm lý. Ngược đãi người già và bạo lực gia đình gia tăng. Các phương pháp chữa bệnh phi khoa học và các loại thuốc không được kiểm chứng được các chính trị gia và các bác sĩ giả xác nhận là có hại. Các phương tiện truyền thông đã đóng một vai trò trên toàn thế giới trong việc theo dõi và cập nhật bệnh do coronavirus thông qua bảng điều khiển cập nhật trực tiếp. Các phương tiện truyền thông đã cho phép các can thiệp kịp thời của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho phép truyền thông sức khỏe cộng đồng được tiếp cận nhanh chóng và rộng rãi. Có thể thấy rằng, xu hướng tăng cường thực hành vệ sinh và sức khỏe trên toàn thế giới bằng cách điều chỉnh các thực hành sức khỏe an toàn như tăng cường rửa tay, sử dụng khẩu trang và cách ly xã hội. Phương tiện truyền thông củng cố các hướng dẫn ngăn ngừa bệnh tật hằng ngày và mọi người được khuyến khích sử dụng các phần mềm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của họ. Truyền thông đại chúng có vai trò cấp thiết trong thế giới ngày nay và nó có thể cung cấp một nền tảng thống nhất cho tất cả các thông tin liên lạc về sức khỏe cộng đồng, hướng dẫn, giáo dục chăm sóc sức khỏe toàn diện và các chiến lược giãn cách xã hội mạnh mẽ trong khi vẫn duy trì kết nối xã hội. Nó có thể cho phép tiếp cận bình đẳng đến chăm sóc sức khỏe, chấm dứt phân biệt đối xử và kỳ thị xã hội. Vai trò của truyền thông và truyền thông sức khỏe cộng đồng phải được hiểu và khám phá sâu hơn vì chúng sẽ là công cụ thiết yếu để chống lại COVID-19 và các đợt bùng phát trong tương lai.

Trong bối cảnh các y tá đã được các chính trị gia, các phương tiện thông tin đại chúng và công chúng gọi là “anh hùng” để mô tả sự đóng góp của họ trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc tuyến đầu cho những người mắc COVID-19, bất chấp rủi ro phơi nhiễm và thiếu các nguồn lực y tế, nghiên cứu của nhóm tác giả Shan Mohammed, Elizabeth Peter, Tieghan Killackey, và Jane Maciver được công bố trên Tạp chí International Journal of Nursing Studies ngày 19-1-2021 là một trong số rất ít nghiên cứu đã xem xét tác động của diễn ngôn anh hùng đối với các y tá đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng COVID-19 đang diễn ra và để xem xét tác động chính trị, xã hội, văn hóa và nghề nghiệp của họ. Bằng phương pháp phân tích diễn ngôn hậu cấu trúc, sử dụng các ý tưởng lý thuyết về sự thật, quyền lực, kiến ​​thức... để khám phá các cấu trúc của phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin về việc y tá là anh hùng trong bối cảnh của COVID-19. Cơ sở dữ liệu điện tử truyền thông được tìm kiếm trong khoảng thời gian từ ngày 1-3-2020 đến ngày 1-8-2020 để định vị các bài báo và tạp chí, quảng cáo của công ty, video, bài đăng trên mạng xã hội và các trang web của tổ chức/ công ty. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, ba yếu tố chính của diễn ngôn anh hùng bao gồm: Y tá là “sự hy sinh cần thiết” - miêu tả các y tá là những đối tượng có đạo đức xuất sắc, vị tha, hy sinh để hành nghề trên tuyến đầu mà không có đầy đủ đồ bảo hộ và các nguồn lực y tế khác; Y tá là “công dân kiểu mẫu” - định vị y tá là đối tượng tuân thủ, chăm chỉ trái ngược với các cá nhân và nhóm có hại không muốn hoặc chống lại các biện pháp y tế công cộng nhằm phòng chống dịch COVID-19. Chủ nghĩa anh hùng tự nó là phần thưởng cho các y tá - trở thành nhân vật được coi như anh hùng, như một phần thưởng thích hợp cho những y tá không được đánh giá cao trước đại dịch. Nghiên cứu đưa ra kết luận: Diễn ngôn anh hùng không phải là một biểu hiện trung lập của sự đánh giá và tình cảm, mà là một công cụ được sử dụng để thực hiện nhiều mục tiêu như bình thường hóa khả năng tiếp xúc với rủi ro của y tá, thực thi quyền công dân kiểu mẫu và duy trì các mối quan hệ quyền lực hiện có hạn chế khả năng của y tá tuyến đầu trong việc xác định các điều kiện công việc của họ. Nghiên cứu này có ý nghĩa trong việc tiếp cận phản ứng chính trị tập thể của điều dưỡng, y tá trong cuộc khủng hoảng COVID-19 đang diễn ra và chính thức hóa các hỗ trợ về tình cảm, tâm lý, đạo đức và thực hành của y tá khi đại dịch vẫn tiếp diễn.

Ở Việt Nam, truyền thông đại chúng cũng đã phát huy vai trò phản ánh thông tin khách quan, trung thực. Nghiên cứu Policy Response, Social Media and Science Journalism for the Sustainability of the Public Health System Amid the COVID-19 Outbreak: The Vietnam Lessons (Phản ứng chính sách, mạng xã hội, và báo chí khoa học phục vụ sự bền vững của hệ thống y tế giữa đại dịch COVID-19: Các bài học từ Việt Nam) của Trung tâm Nghiên cứu Xã hội liên ngành (ISR) thuộc Trường Đại học Phenikaa được công bố trên Tạp chí Sustainability vào ngày 7-4-2020. Nghiên cứu này tập trung phân tích các phản ứng của Chính phủ, phương tiện truyền thông xã hội và báo chí khoa học tại Việt Nam kể từ khi các thông tin về dịch viêm phổi lạ tại Trung Quốc xuất hiện cho đến thời điểm nghiên cứu.

Một công cụ thu thập dữ liệu web do A.I. for Social Data Lab (AISDL) thiết kế và phát triển đã được sử dụng trong nghiên cứu để rà soát và tổ chức các thông tin liên quan đến dịch COVID-19 từ các trang truyền thông chính thức trong khoảng thời gian từ đầu tháng 1-2020 đến ngày 4-4-2020. Dựa trên 14.952 tin tức thu thập được, nhóm tác giả cho thấy tại sao Việt Nam có thể ứng phó với dịch COVID-19 hiệu quả dù là một quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao do vị trí địa lý và mối quan hệ sát với Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên. Ngay từ rất sớm vào đầu tháng 1-2020, khi căn bệnh viêm phổi lạ lây lan tại Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chỉ thị để ứng phó với dịch bệnh. Theo nghiên cứu, có lẽ ký ức từng đối mặt với các đại dịch lớn trước đây như SARS năm 2003 đã giúp Việt Nam cẩn trọng với COVID-19. Điều này được thể hiện khi các đơn vị truyền thông cũng bám sát và đưa tin liên tục về dịch: kể từ ngày 9-1 đến 15-3-2020, trung bình 127 tin tức về dịch bệnh được đăng tải hằng ngày trên 13 trang báo lớn tại Việt Nam. Nỗ lực ứng phó kịp thời này được củng cố sức mạnh nhờ các nhà khoa học Việt Nam liên tục đưa ra các phân tích, đánh giá tình hình trên truyền thông, tạo ra nguồn thông tin tin cậy trên mạng xã hội. Giai đoạn sau này, sự quyết liệt tiếp tục được duy trì nhờ các chính sách cách ly, giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, một số bài báo khoa học về các ca bệnh đầu tiên từ Việt Nam cũng tiếp tục mang lại các thông tin quan trọng.

Đặc biệt, ngày 8-4-2020, trang nghiên cứu kinh tế và chính sách nổi tiếng thế giới Project Syndicate đã đăng bài viết Vietnam’s Low-Cost COVID-19 Strategy của tác giả Hong Kong Nguyen với tiêu điểm là nghiên cứu COVID-19 của Trung tâm ISR, tức chỉ một ngày sau khi nghiên cứu trên được xuất bản trên Tạp chí Sustainability. Bài viết cũng lên tiếng về sự hiệu quả của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh nhờ các chính sách can thiệp sớm, và việc truyền thông rõ ràng tới công chúng. Nhóm nghiên cứu cho rằng cách ứng phó của Việt Nam trước COVID-19 kết hợp giữa sự sẵn sàng về mặt chính trị, truyền thông xã hội kịp thời và truyền thông khoa học - có thể đem đến những bài học quý báu cho các quốc gia khác.

Nghiên cứu Nhận thức rủi ro của người dân về COVID-19: Một cuộc khảo sát về kinh tế, xã hội và sự chú ý của giới truyền thông được công bố trên Tạp chí Economics Bulletin (là một tạp chí khoa học truy cập mở) của tác giả Huỳnh Lưu Đức Toàn, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM xem xét vai trò của các yếu tố kinh tế, xã hội và việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội đối với nhận thức rủi ro về COVID-19 ở Việt Nam, quốc gia có chung đường biên giới với Trung Quốc. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia đầu tiên thành công trong việc ngăn chặn hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) vào năm 2003. Từ khảo sát ngẫu nhiên 391 người Việt Nam trong độ tuổi từ 15 đến 47 qua mạng internet, nghiên cứu cho thấy khu vực địa lý và hành vi sử dụng mạng xã hội có tác động tích cực đến nhận thức về nguy cơ của dịch COVID-19 ở Việt Nam. Nó cũng giúp mọi người hiểu rõ hơn tầm quan trọng của nhận thức rủi ro trong sức khỏe cộng đồng đối với COVID-19 nhằm hạn chế sự lây lan của loại vi rút chết người này. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nhận thức về thông tin chính thống của người dân chỉ được chấm điểm 5/10. Do đó, vai trò của báo chí và thông tin chính thống trong giai đoạn này rất quan trọng; không cần nhiều nhưng phải cô đọng và đầy đủ, trong một khung thời gian nhất định sẽ hiệu quả hơn tần suất dồn dập và liên tục cập nhật.

Kết luận

Đảng, Chính phủ và Nhà nước ta luôn xác định công tác truyền thông là một trong những công tác cần phải đi đầu trong nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Báo chí, truyền thông trực tiếp tham gia chống dịch, lấy việc thông tin, hướng dẫn, góp ý giải pháp chống dịch hiệu quả, ổn định đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân làm mục tiêu lớn nhất (Tiểu ban Truyền thông, 2021).

Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra cho rằng, việc kiểm soát được dịch bệnh ở Việt Nam là nhờ vào 3 yếu tố: truy tìm tiếp xúc, chiến lược xét nghiệm và thông điệp truyền thông rõ ràng (2). Điều này lại càng cho thấy sự công nhận vai trò quan trọng của thông điệp phòng chống dịch COVID-19 trên truyền thông nói chung, truyền thông đại chúng nói riêng trong thành quả chống đại dịch.

Tuy nhiên, truyền thông về dịch bệnh COVID-19 ở nước ta cũng bộc lộ một số vấn đề. Ví dụ như ngày 20-5-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn số 1631/BTTTT-CBC về việc phối hợp điều chỉnh công tác cung cấp thông tin cho báo chí về phòng chống dịch COVID-19. Trong đó nêu rõ: “…một số phương thức và nội dung cung cấp thông tin về phòng chống dịch, trong đó có việc công bố công khai danh tính và lịch trình di chuyển của nhiều bệnh nhân mắc COVID-19, gần đây đã bộc lộ nhiều bất cập. Những thông tin này được các Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) ở các địa phương có người nhiễm COVID-19 công bố (phần nhiều dựa trên nội dung khai báo của người bệnh) và sau đó được báo chí đăng tải, mạng xã hội phát triển, suy diễn thêm, khiến cho dư luận, cộng đồng bám theo bình luận, bàn tán, kỳ thị, xâm phạm đời tư, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của người nhiễm bệnh và cuộc sống, sinh hoạt của gia đình họ”. Ngoài ra, còn là vấn nạn tin giả, đặc biệt nhiều trên mạng truyền thông xã hội đã được các cơ quan chức năng và các nhà làm truyền thông uy tín lên tiếng mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.

Vì vậy, thông điệp về phòng chống dịch bệnh COVID-19 được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng cần phải có nội dung chuẩn xác, rõ ràng, hình thức thể hiện sinh động nhằm để độc giả dễ dàng tiếp cận, ghi nhớ và thực hiện, nhưng cũng cần đảm bảo các nguyên tắc về quyền riêng tư của người dân. Đồng thời với đó, cũng cần chú ý về tần suất đưa tin về dịch bệnh dồn dập ảnh hưởng quá nhiều đến tâm lý xã hội nói chung và công tác phòng, chống dịch bệnh nói riêng như một số nghiên cứu cả ở nước ngoài và trong nước đã đề cập trong bài viết (3).

____________

1. Nguyễn Văn Dững (chủ biên), Đỗ Thị Thu Hằng, Truyền thông, lý thuyết và kỹ năng cơ bản, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012.

2. Báo chí quốc tế: Việt Nam sẽ một lần nữa kiểm soát được dịch bệnh, thoibaotaichinhvietnam.vn, 26-2-2021.

3. Bài viết trong khuôn khổ Đề tài cấp cơ sở năm 2022 Thông điệp về phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên một số báo điện tử ở Việt Nam hiện nay, do Ths Nguyễn Thị Thắm là chủ nhiệm đề tài.

Tài liệu tham khảo

1. Ayesha Anwar, Meryem Malik, Vaneeza Raees, and Anjum Anwar, Role of Mass Media and Public Health Communications in the COVID-19 Pandemic (Vai trò của Truyền thông đại chúng và Truyền thông Y tế công cộng trong đại dịch COVID-19), Cureus Journal of Medical Science (Tạp chí Khoa học Y tế Cureus), 9-2020.

2. Bazán PR, Azevedo Neto RM, Dias JA, Salvatierra VG, Sanches LG, Lacerda SS, et al., COVID-19 information exposure in digital media and implications for employees in the health care sector: findings from an online survey (Tiếp xúc thông tin COVID-19 trên các phương tiện kỹ thuật số và những tác động đối với nhân viên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe: phát hiện từ một cuộc khảo sát trực tuyến), Tạp chí Einstein, Sao Paulo, SP, Brazil, dx.doi.org, 23-8-2020.

3. Mai Quỳnh Nam, Về đặc điểm và tính chất của giao tiếp đại chúng, Tạp chí Xã hội học, số 2 (70), 2000, tr.8-10.

4. Nguyen HK., Vietnam’s Low-Cost COVID-19 Strategy (Chiến lược phòng chống COVID-19 chi phí thấp của Việt Nam), project-syndicate.org, 8-4-2020.

5. Trần Hữu Quang, Xã hội học về truyền thông đại chúng, Tài liệu hướng dẫn học tập, Trường Đại học Mở TP.HCM, 1997.

6. Shakshi PriyaGiri and Abhishek KumarMaurya, A neglected reality of mass media during COVID-19: Effect of pandemic news on individual’s positive and negative emotion and psychological resilience (Một thực tế bị lãng quên của các phương tiện truyền thông đại chúng trong COVID-19: Ảnh hưởng của tin tức về đại dịch đối với cảm xúc tích cực và tiêu cực và khả năng phục hồi tâm lý của cá nhân), Tạp chí Personality and Individual Differences, doi.org, 10-2020.

7. Shan Mohammed, Elizabeth Peter, Tieghan Killackey, và Jane Maciver, The “nurse as hero” discourse in the COVID-19 pandemic: A poststructural discourse analysi (Diễn ngôn “y tá như anh hùng” trong đại dịch COVID-19: Phân tích diễn ngôn hậu cấu trúc), International Journal of Nursing Studies (Tạp chí Nghiên cứu Điều dưỡng quốc tế), 19-1-2021.

8. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Báo chí, Luật số: 103/2016/QH13, 5-4-2016.

9. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật An ninh mạng, Luật số: 24/2018/QH14, 12-6-2018.

10. Huỳnh Lưu Đức Toàn, Nhận thức rủi ro của người dân về COVID-19: Một cuộc khảo sát về kinh tế xã hội và sự chú ý của giới truyền thông, Economics Bulletin (Tạp chí Bản tin Kinh tế), 2020.

11. Trung tâm Nghiên cứu Xã hội liên ngành (ISR) thuộc trường Đại học Phenikaa, Policy Response, Social Media and Science Journalism for the Sustainability of the Public Health System Amid the COVID-19 Outbreak: The Vietnam Lessons (Phản ứng chính sách, mạng xã hội, và báo chí khoa học phục vụ sự bền vững của hệ thống y tế giữa đại dịch COVID-19: Các bài học từ Việt Nam), Tạp chí Sustainability, (IF 2,592; CiteScore 3,01; H-Index 53), 7-4-2020.

Ths NGUYỄN THỊ THẮM - TS NGUYỄN THỊ HẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 515, tháng 11-2022

;