Hoạt động truyền thông tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

Trong những năm gần đây, phương tiện “truyền thông số” được sử dụng, tạo nên xu hướng truyền thông bằng “kỹ thuật số hóa” các đặc điểm cấu trúc. Khi xã hội ngày càng phát triển thì công tác truyền thông bằng việc phát triển công nghệ ứng dụng vào mọi hoạt động của xã hội, trong đó có bảo tàng là điều tất yếu khách quan.

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, truyền thông đã trở thành hoạt động không thể thiếu, là công cụ hữu hiệu của các bảo tàng hiện đại trong việc thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển. Truyền thông bảo tàng là quá trình nhận biết nhu cầu, thị hiếu của công chúng để đưa ra những lợi ích có thể thỏa mãn và tạo nhiều cơ hội trải nghiệm cho họ khi tới bảo tàng. Truyền thông cũng giúp tối đa hóa hiệu quả các hoạt động của bảo tàng. Thông qua quá trình trao đổi hai chiều giữa bảo tàng và công chúng, bảo tàng sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn nhu cầu của công chúng, từ đó định hướng hoạt động của bảo tàng phù hợp với nhu cầu của họ.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có bề dày truyền thống hơn 50 năm, ở vị trí trung tâm của Thủ đô, cạnh phố Văn Miếu - Quốc Tử Giám, điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Gần một thập kỷ qua, nhận thức về vai trò, nhiệm vụ và phương pháp triển khai hoạt động truyền thông của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã dần được phát triển và hoàn thiện hơn. Điều đó đã định hướng hoạt động truyền thông của Bảo tàng, từ vấn đề chuyên môn, đầu tư, cho đến phát triển nguồn lực. Mức độ phủ sóng trên truyền hình và mạng Internet của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ngày càng cao, với 288.000 kết quả tìm kiếm trên Google tên “Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” trong 0,52 giây. Lượng khách tham quan ngày càng gia tăng, 5 tháng đầu năm 2022, số lượng khách tham quan tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019 - năm đỉnh cao của du lịch Việt Nam. Hình ảnh Bảo tàng ngày càng trở nên gần gũi, thân thiện, là những minh chứng rõ nét cho hiệu quả của công tác truyền thông của Bảo tàng thời gian qua (1). Sở dĩ hoạt động truyền thông của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thu được những thành quả như vậy chính là nhờ việc phát triển từ các hoạt động tổ chức cụ thể như:

1. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong truyền thông quảng bá thông qua việc tham gia xây dựng sản phẩm công nghệ và truyền thông đa phương tiện

Nghiên cứu, khảo sát khách tham quan là một trong những nội dung căn bản của công tác truyền thông. Quá trình nghiên cứu thực tế, cho thấy khách tham quan có nhu cầu cao được tìm hiểu kỹ hơn về những tác phẩm mỹ thuật đang được trưng bày tại Bảo tàng; trong khi đó, thông tin hiện vật trên hệ thống trưng bày vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ bao gồm tên phòng trưng bày, giới thiệu tổng quan chủ đề trưng bày, etiket hiện vật (gồm tên tác phẩm, tác giả, chất liệu, năm sáng tác). Điều này là rào cản không nhỏ đối với việc truyền tải những nội dung, thông điệp trưng bày tới công chúng, cũng như hạn chế khả năng tìm hiểu tác phẩm của du khách. Giải pháp để giải quyết vấn đề này là sự ra mắt sản phẩm ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA tháng 4-2021. Cùng với các trưng bày, triển lãm trực tuyến được xây dựng và ra mắt trong thời gian qua, như các 3D tour tham quan không gian trưng bày thường xuyên và trưng bày ảo Tranh sơn mài Việt Nam, các sản phẩm công nghệ này đã đặc biệt phát huy giá trị trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong bối cảnh ngành Du lịch toàn cầu bị tê liệt thời gian dài, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn duy trì đều đặn tương tác với khách tham quan, hỗ trợ du khách tìm hiểu về các hiện vật của Bảo tàng. Bên cạnh đó, truyền thông hình ảnh và truyền thông đa phương tiện cũng là một trọng tâm trong hoạt động truyền thông của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bảo tàng chủ động xây dựng, phát triển các video clip ngắn theo các chủ đề đa dạng, dựng các video chất lượng cao giới thiệu bảo vật quốc gia, các clip giới thiệu trưng bày, quảng bá sản phẩm, chụp ảnh hiện vật, hoạt động… nhằm quảng bá hình ảnh và nâng cao mức độ nhận diện của Bảo tàng. Bảo tàng đã quan tâm đến việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội và trang web: Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang sử dụng trang Facebook, YouTube và trang web làm ba công cụ truyền thông mạng xã hội chính. Mỗi nền tảng được sử dụng với các mục đích khác nhau. Cụ thể, trang Facebook với hơn 15.000 lượt thích (2) và theo dõi được xác định là công cụ quảng bá tới đông đảo công chúng nhất, do số lượng người dùng Facebook tại Việt Nam hiện đứng đầu với gần 76 triệu người. Xác định rõ đặc trưng mạng xã hội yêu cầu tính cập nhật, bắt mắt, các bài đăng trên fanpage Bảo tàng đều đặn, kịp thời, với những hình ảnh và video hấp dẫn, thu hút. Đặc biệt, các nội dung bài viết ngắn gọn, súc tích, sử dụng văn phong trẻ trung, góp phần xây dựng hình ảnh thân thiện của Bảo tàng đối với công chúng, nhất là nhóm công chúng trẻ. Trong khi đó, trang web của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là nơi cập nhật những tin tức chính thống, mang tính chuyên môn cao. Việc xác định rõ mục đích và định hướng xây dựng các kênh truyền thông khác nhau giúp xây dựng kế hoạch phát triển rõ ràng, chi tiết, không bị trùng lặp hoặc gây loãng thông tin từ nhiều nguồn.

2. Mở rộng mạng lưới đối tác kết nối và quan hệ công chúng

 Thời gian qua, Phòng Truyền thông - Đối ngoại đã tích cực kết nối với các đối tác mới, song song với việc duy trì hợp tác với các đối tác lâu năm. Điều này giúp hình ảnh và thương hiệu của Bảo tàng phủ rộng và sâu hơn tới đa dạng các nhóm đối tượng công chúng.

Về quan hệ báo chí, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang duy trì quan hệ chặt chẽ với hơn 20 đầu báo và truyền hình thuộc nhiều cấp độ, từ tuyến Trung ương như Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Báo Văn hóa, Báo điện tử Tổ quốc, Đài Truyền hình Hà Nội… Với mạng lưới báo chí đa dạng và rộng khắp, tin tức về các sự kiện của Bảo tàng được cập nhật nhanh chóng, truyền tải tới đông đảo khán thính giả trong và ngoài nước. Đồng thời, việc duy trì hợp tác chặt chẽ với báo chí cũng là công cụ quan trọng hỗ trợ tích cực cho Bảo tàng trong việc cung cấp những phát ngôn chính thức của Bảo tàng đến với công chúng nhanh nhất, trước những sự việc có khả năng gây tranh luận, ảnh hưởng tới hình ảnh và uy tín của Bảo tàng. Đối với việc phát triển nhóm công chúng tiềm năng là giới trẻ, Bảo tàng tiếp tục duy trì hợp tác với các trường đại học, cao đẳng quen thuộc như: Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ… phối hợp đưa sinh viên đến tham quan và học tập, tìm hiểu mỹ thuật tại Bảo tàng. Cùng với đó, Bảo tàng cũng liên hệ và kết nối tới các bạn trẻ yêu thích du lịch và tìm hiểu văn hóa, mời các bạn đến tham quan trải nghiệm để viết và đăng tải những bài đánh giá lên các nền tảng mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của dư luận và khách tham quan đến với Bảo tàng.

Về chuyên môn, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có quan hệ hợp tác đa dạng, bao gồm các bảo tàng trong và ngoài nước, như Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại và Hiện đại Hàn Quốc, Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Trung Quốc; các Đại sứ quán, Trung tâm văn hóa và tổ chức quốc tế như Đại sứ quán Trung Quốc, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Đại sứ quán Tây Ban Nha, Trung tâm văn hóa Nhật Bản, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, Viện Goethe… Nhờ đó, các hoạt động hợp tác triển khai giữa các bên cũng hết sức đa dạng cả về chủ đề lẫn hình thức thể hiện, như công tác bảo quản, tu sửa phục chế, giáo dục bảo tàng, với các chương trình tọa đàm chia sẻ trao đổi kinh nghiệm, các dự án triển lãm, dự án đào tạo nhân lực…

Cùng với những thành quả của công tác chuyên môn và hoạt động truyền thông có thể nhận thấy vẫn còn những mặt hạn chế nhất định; số lượng khách đến Bảo tàng vẫn còn khiêm tốn so với mong muốn (khoảng hơn 70.000 khách/ năm). Khách đến với Bảo tàng chủ yếu là người nước ngoài (chiếm khoảng 80%), mà đa số là những khách lẻ; các công ty du lịch, lữ hành vẫn chưa coi Bảo tàng là điểm đến trong tuyến tham quan của họ, nhiều người Việt Nam vẫn chưa biết đến Bảo tàng, hình ảnh Bảo tàng chưa thật sự gần gũi, thân thiện đối với công chúng, thông tin về hoạt động của Bảo tàng còn chưa được thường xuyên, liên tục... (3). Điều đó cho thấy, cùng với một số mặt công tác khác, công tác truyền thông, quảng bá cần được Bảo tàng tăng cường và đầu tư một cách chuyên nghiệp hơn nữa.

3. Các giải pháp, chiến lược phát triển truyền thông

Nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển truyền thông dài hạn

Không chỉ là giải pháp mà còn là nhiệm vụ quan trọng của Phòng Truyền thông - Đối ngoại trong thời gian tới. Điều này hỗ trợ rất nhiều trong việc tạo nên sự song hành của truyền thông với kế hoạch phát triển chung của Bảo tàng, với các hoạt động chuyên môn khác của Bảo tàng, cũng như hỗ trợ hoạch định rõ ràng các hoạt động truyền thông ngắn hạn theo quý, tháng. Tất nhiên, để xây dựng được một chiến lược truyền thông tổng thể như vậy không thể xuất phát từ nhiệm vụ của riêng Phòng Truyền thông - Đối ngoại, mà còn cần có sự thấu hiểu, tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện từ các cấp lãnh đạo của Bảo tàng và sự phối hợp của các đơn vị khác trong cơ quan.

Đào tạo nguồn nhân lực phát triển

Con người là trung tâm của mọi hoạt động, trong Bảo tàng các bộ sưu tập hiện vật chỉ có thể đến với công chúng một cách đầy đủ nhất thông qua công tác truyền thông của nhân viên bảo tàng. Chính vì vậy, muốn phát triển và có vị trí trong lòng công chúng trước hết phải phát huy lợi thế từ nguồn nhân lực. Nhân viên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính là chìa khóa then chốt cho mọi hoạt động truyền thông của Bảo tàng.

Để có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cần quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo cán bộ ở cả hai dạng là quản lý khoa học và nghiên cứu khoa học, tiếp nhận và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực sẵn có và sẽ được đào tạo thêm, nghiên cứu dự báo chính xác nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng, có chế độ đãi ngộ tương xứng, không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống cho cán bộ Bảo tàng. Xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên biệt về công tác truyền thông trong Bảo tàng, bổ sung hoặc đổi mới nhân sự để nâng cao tính cạnh tranh, nhiều phương án cho hoạt động truyền thông khác nhau sẽ tạo nên được một thương hiệu bảo tàng rất mạnh.

Tổ chức và triển khai công tác truyền thông nội bộ

Đây là một trong những công việc nòng cốt của lĩnh vực truyền thông và quan hệ công chúng. Nếu trong nội bộ một tổ chức, các nhân viên, các phòng không có sự hiểu biết, kết nối, hợp tác chặt chẽ với nhau thì khó có thể xây dựng và duy trì khối sức mạnh tổng hợp chung. Do vậy, công tác truyền thông nội bộ cần được triển khai càng sớm càng tốt, và duy trì đều đặn. Trong đó, các chương trình giáo dục, đào tạo nhân sự luôn được coi là nội dung ưu tiên hàng đầu của truyền thông nội bộ, vừa để nâng cao trình độ chuyên môn, vừa là cách thức gắn kết giữa các đồng nghiệp với nhau.

Xây dựng bộ công cụ nhận diện thương hiệu

Truyền thông bảo tàng 4.0 trên thế giới hiện tại đều hướng đến việc xây dựng các sản phẩm nhận diện thương hiệu riêng, đi sâu vào việc quảng bá theo từng chủ đề riêng mỗi khi xuất hiện sự kiện, hay một hoạt động cụ thể nào đó tại bảo tàng. Do vậy, yêu cầu cấp thiết của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là phải thay đổi tầm nhìn, chiến lược cũng như cách thức truyền thông sao cho phù hợp, sử dụng logo sẵn có để phát triển một hoặc nhiều bộ nhận diện thương hiệu khác nhau, làm phong phú thêm cho Bảo tàng, đồng thời thay đổi bộ mặt, cũng như đem lại sự khác biệt tối đa cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Ngoài ra, việc xây dựng bộ công cụ nhận diện thương hiệu cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cần có chiến lược truyền thông cụ thể xác định mục tiêu chiến lược truyền thông, xác định đối tượng công chúng thích hợp với sản phẩm truyền thông, đảm bảo đúng thông điệp, truyền đúng kênh và tới đúng đối tượng khán giả, xác định biện pháp tối ưu hóa bốn công cụ tiếp thị hỗn hợp (marketing mix) là sản phẩm, địa điểm, giá cả và xúc tiến thương mại, tiết kiệm tối thiểu chi phí truyền thông nhưng tối đa hiệu quả truyền thông.

Tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại và công nghệ thông tin, công tác truyền thông của Bảo tàng nên có nhiều lựa chọn trong việc truyền tải các nội dung, các thông điệp của Bảo tàng đến với công chúng một cách hấp dẫn và phù hợp với từng đối tượng khách tham quan. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển công nghệ hiện đại với các ứng dụng tương tác trên thiết bị kỹ thuật số, hoặc các ứng dụng giới thiệu trưng bày trực tuyến còn đóng góp vai trò hữu ích cho công tác truyền thông tại Bảo tàng, góp phần lan tỏa các nội dung trưng bày, các thông điệp của Bảo tàng tới công chúng rộng rãi hơn, cụ thể tới từng đối tượng người quan tâm với chi phí ít hơn, không bị bó hẹp phòng trưng bày và thời gian mở cửa của trưng bày, đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư kinh phí cho thiết bị công nghệ thông tin. Với những ứng dụng như vậy, công nghệ hiện đại dễ dàng tạo lập được kênh kết nối hiệu quả giữa “lịch sử” đang được trưng bày tại Bảo tàng tới các nhóm khách mục tiêu mà Bảo tàng muốn hướng tới, đặc biệt, khi các kênh trao đổi thông tin này là kênh tìm hiểu kiến thức được giới trẻ hiện nay sử dụng.

Ngoài cơ sở dữ liệu số về hiện vật trưng bày và các nội dung, các phần mềm quản lý hiện vật thông thường, Bảo tàng nên thường xuyên tạo ra các kênh kết nối từ cơ sở dữ liệu chung thành các cơ sở dữ liệu riêng phục vụ công tác truyền thông trong trưng bày chuyên đề. Cơ sở dữ liệu này bao gồm các thông tin số về hiện vật, nội dung trưng bày, các video phỏng vấn, tài liệu liên quan… làm “chất liệu” cho những nhà nghiên cứu tìm hiểu và xây dựng công tác truyền thông trưng bày một cách thuận tiện và đầy đủ thông tin. Với ứng dụng này, các cán bộ nghiên cứu trưng bày có thể lựa chọn các hiện vật có sẵn trong cơ sở dữ liệu chung của Bảo tàng, đồng thời, tạo các dữ liệu liên quan như phim tư liệu, tài liệu, thông tin về nhân chứng, cộng đồng liên quan… và địa chỉ, đường dẫn đến các nơi lưu giữ các hiện vật, tài liệu đó, để khi cần làm việc trực tiếp với hiện vật, tài liệu… cán bộ trưng bày có thể tiếp cận chúng một cách nhanh và chính xác nhất. Một số phần mềm tiêu biểu thường được ứng dụng trong công tác truyền thông của Bảo tàng như: Cơ sở dữ liệu điện toán đám mây (cloud); Phần mềm theo dõi hiện vật trưng bày; Ứng dụng trong việc bảo vệ, kiểm soát môi trường, không gian trưng bày; Thuyết minh tự động (audio guide/ media guide/ multimedia guide); Phim, phim tương tác, phim 3D, 4D; Trưng bày tương tác; Catalogue hiện vật dưới dạng số (Virtual catalogue); Bảo tàng ảo hoặc trưng bày tương tác ảo trên mạng internet; In 3D…

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cần tiếp tục phát triển truyền thông số và mở rộng quan hệ công chúng nhằm quảng bá rộng rãi Bảo tàng đến với đông đảo công chúng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các nhà trường, các công ty du lịch, liên tục cập nhật, đổi mới để ngày càng có nhiều sản phẩm chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu và mong muốn của các đối tượng khách tham quan.

Hiện nay, truyền thông đã trở thành công cụ hữu hiệu trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và truyền thông bảo tàng cũng nằm trong xu hướng này. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang từng bước thay đổi nhận thức và quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động truyền thông nhằm quảng bá hình ảnh, gây được sự chú ý và tình cảm của khách tham quan. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược truyền thông cũng có sự khác biệt và có một tầm quan trọng rất lớn trong việc phát huy các giá trị nghệ thuật, văn hóa mà Bảo tàng đang trưng bày và lưu giữ. Trong những năm qua, với sự cố gắng nỗ lực hết mình, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nâng cao vị thế của Bảo tàng không chỉ là một nơi trưng bày đơn thuần, mà còn là một nơi làm việc, một địa chỉ nghiên cứu và học tập đáng tin cậy. Ngoài ra, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn mang một trọng trách, sứ mệnh cao cả là nơi lưu trữ, phổ biến, quảng bá các giá trị mỹ thuật trường tồn của Việt Nam.

_____________________

1, 2, 3. Số liệu khảo sát thực tế của tác giả Đỗ Trọng Hiếu, Viện Nghiên cứu, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tháng 11-2022.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Thanh Bình, Truyền thông đại chúng và phát triển xã hội, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2008.

2. Vũ Mạnh Hà, Một vài suy nghĩ về hoạt động truyền thông bảo tàng, Hội thảo Di sản và Truyền thông do Trường Đại học Văn hóa TP.HCM phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức, 2011.

3. Nguyễn Thị Thu Hương, Bảo tàng và truyền thông - một cách tiếp cận tổng thể, Kỷ yếu hội thảo Di sản và truyền thông, 2011.

4. Phòng Truyền thông - Đối ngoại, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm và kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2022.

5. Bùi Hoài Sơn, Phương tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hóa xã hội ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 2008

Ths ĐỖ TRỌNG HIẾU

Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022

;