Biến đổi văn hóa làng trong quá trình sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính và đô thị hóa thành phố Thanh Hóa

Vẻ đẹp bình dị và độc đáo của làng cổ Đông Sơn (Phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) với những con ngõ nhỏ - Ảnh: baothanhhoa.vn

Được thành lập vào năm 1994, thành phố Thanh Hóa (TP.TH), tỉnh Thanh Hóa có vị trí rất quan trọng đối với tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ; giữ vai trò, vị trí trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quốc phòng, an ninh của tỉnh, cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với Bắc Trung Bộ, đầu mối giao lưu của tỉnh với cả nước. Thành phố nằm tại trung tâm đồng bằng sông Mã, sông Chu là một trong những trung tâm dân cư lớn và lâu đời nhất của cả nước, nắm giữ những giá trị lịch sử và nhân văn sâu sắc của dân tộc. Từ năm 1995 đến nay, thực hiện mục tiêu xây dựng TP.TH trở thành một trong những thành phố hấp dẫn, năng động nhất khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Chính phủ, UBTV Quốc hội đã lần lượt ban hành các nghị định, nghị quyết điều chỉnh địa giới để mở rộng TP.TH. Với các quyết định này, từ năm 1995-2013, có khoảng 25 xã thuộc các huyện Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương được sáp nhập vào TP.TH và 18 phường mới được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ xã lên phường. Đến nay TP.TH là một trong những thành phố hấp dẫn, năng động nhất khu vực Bắc Trung Bộ và phía Nam đồng bằng sông Hồng, là đô thị loại I, cùng với thành phố Vinh và thành phố Huế là một trong 3 đô thị có quy mô dân số, diện tích lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ. Có thể nói, việc sáp nhập một bộ phận lớn đất đai, dân cư ở các làng, xã nông nghiệp nông thôn nhằm mở rộng địa giới hành chính của đô thị và việc chuyển đồng loạt xã thành phường là đặc điểm nổi bật của quá trình đô thị hóa (ĐTH) TP.TH.

Quá trình ĐTH cùng với quá trình sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính đã tạo nên biến đổi mạnh mẽ về kinh tế, xã hội và văn hóa làm thay đổi bộ mặt vùng ven đô, nhất là việc xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống của người dân… Song, quá trình này cũng bộc lộ những khó khăn, bất cập, đặc biệt là sự phai nhạt hoặc biến mất của các giá trị văn hóa truyền thống. Thực trạng này đặt ra đòi hỏi phải có các giải pháp nhằm giữ gìn nét đẹp văn hóa làng trong quá trình ĐTH nông thôn, góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế, xã hội.

1. TP.TH với quá trình ĐTH (giai đoạn 1995-2020) - Điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người

­Làng xã TP.TH trong quá trình sáp nhập, mở rộng, ĐTH mang những nét chung của làng Việt vùng đồng bằng sông Mã. Mỗi làng có khu cư trú, khu canh tác riêng. Khu cư trú gồm nhà cửa của các gia đình bao quanh khu trung tâm, gồm các công trình thờ tự (đình, chùa, miếu, nhà thờ họ...). Các kiến trúc nhà ở, công trình thờ tự mang tính truyền thống, phản ánh sự thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội.

Môi trường tự nhiên thể hiện trước hết ở cấu trúc làng xóm, với ba loại hình làng cơ bản: làng ở khu vực nội thành, làng ở khu vực phía Tây và làng thuộc khu vực phía Bắc sông Mã. Làng ở khu vực nội thành TP.TH nằm ở phía Đông vòng cung núi Hàm Rồng - Rừng Thông - An Hoạch - Mật Sơn, khu cư trú địa hình có cốt tự nhiên trung bình là +3,5m, nơi cao nhất là 5,5m, nơi thấp nhất là +1,7m, đều có hướng dốc về phía các sông như: sông Cầu Hạc, Kênh Vinh và sông nhà Lê (1). Do vậy, nhà cửa, các công trình thờ tự không bị ngập úng do mưa gây ra, nền nhà thường thấp; làng ở khu vực phía Tây, thuộc khu vực giáp huyện Đông Sơn, cũng có hiện trạng tương tự; làng ở khu vực phía Bắc sông Mã, thuộc các phường Tào Xuyên, Long Anh, xã Hoằng Quang, xã Hoằng Đại là khu vực có địa hình bằng phẳng được bao bọc bởi các đê sông Mã, sông Tào, nhà cửa và các công trình thờ tự phải tôn cao, gần mặt đê để tránh nước lụt.

Môi trường xã hội: các làng xã ở TP.TH đều thể hiện tính xã hội, tính cộng đồng rất rõ nét. Các họ khai làng, họ đông đinh, họ khoa bảng, họ giàu có thường sống ở những nơi cao ráo, ở giữa làng. Các họ “ngụ cư”, hộ nghèo khó thường sống ở rìa làng, ven làng (2). Ngày nay, trong xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường, quan niệm về nơi cư trú trước đây cũng đã thay đổi hoàn toàn. Các công trình phục vụ sinh hoạt hành chính, tín ngưỡng của cả làng (đình, đền, chùa, văn chỉ…) thường được tọa lạc tại các khu đất đẹp nhất, là nơi cao ráo thuộc trung tâm làng. Quan hệ họ hàng, láng giềng thể hiện rõ trong việc chọn nơi cư trú. Nhiều khu vực (ngõ, xóm) là nơi tập hợp anh em, họ hàng. Các đặc điểm cư trú trên là một trong những cơ sở quan trọng để hình thành nên thiết chế tổ chức và các quan hệ xã hội làng xã, củng cố tính khép kín của làng, xã về mặt kinh tế, xã hội.

Trên địa bàn TP.TH hiện có 87 di tích đã được xếp hạng. Gồm 67 di tích cấp tỉnh, 20 di tích cấp quốc gia. Ngoài ra, còn có di sản văn hóa phi vật thể như điệu hò sông Mã: là một thể loại dân ca ở vùng Thanh Hóa, lời ca mang thể thơ lục bát. Làn điệu hò sông Mã mang hơi thở cuộc sống của nhân dân xứ Thanh trên dòng sông Mã qua nhiều đời nay, được hát theo lối xướng - xô, câu kể của một người bắt cái (thường là người cầm lái) được luân phiên với câu đồng thanh phụ họa của các trai đò. Làn điệu hò sông Mã rất đa dạng về mặt thang âm điệu thức, vận dụng hệ thống ngũ cung lâu đời của dân tộc Việt; từ thang 3 âm, 4 âm đến 5 âm, thậm chí 6 âm nhờ sự kết hợp hai thang âm khác nhau, và gặp đủ mặt 4 thang âm ngũ cung đặc trưng của Việt Nam: Bắc, Nam, Xuân và Oán. Đây là một di sản phi vật thể cần được phục dựng để làm phong phú bản sắc văn hóa tỉnh Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung (3).

Đây là những thành tố cơ bản, mang nét đặc trưng về phương diện vật chất của văn hóa làng xã. Không những thế, nhiều hoạt động lễ hội như: lễ hội, hoạt động thờ cúng, tín ngưỡng, tôn giáo… vẫn tồn tại và duy trì ở nhiều làng của thành phố trong giai đoạn hiện nay.

2. Một số xu hướng biến đổi văn hóa làng xã tại TP.TH dưới tác động của ĐTH

Quá trình ĐTH tại các làng của TP.TH diễn ra đồng thời với quá trình chuyển đổi nhanh chóng và tương đối đồng loạt mục đích sử dụng đất đai: từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp - dịch vụ và sự xuất hiện của các khu công nghiệp… Quá trình này đã làm biến đổi không gian sống, văn hóa sinh kế, mối quan hệ trong gia đình, dòng tộc, láng giềng và cả một số thiết chế văn hóa.

Biến đổi về không gian làng

Từ dân cư nông thôn tập trung thấp với đặc trưng co cụm theo huyết thống, dòng tộc sang dân cư đô thị tập trung cao, chủ yếu do di chuyển cơ học (nhiều người chuyển đến các khu công nghiệp, khu đô thị mới được hình thành trong lòng hoặc cận kề các làng). Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ ĐTH tại các làng càng cao thì tổng diện tích đất ở của các hộ gia đình càng nhỏ. Tổng diện tích đất ở của các hộ gia đình thay đổi biểu hiện ngay trong sự thay đổi về kiến trúc nhà ở. Hiện nay, TP.TH có các kiểu kiến trúc nhà ở chủ yếu sau: nhà kiểu mới (có từ 1-3 tầng, đổ mái bằng, mái thái); nhà kiểu nông thôn truyền thống (3 hoặc 5 gian, có chái, hiên rộng, mái ngói, có sân vườn, bể nước, tường hoa); nhà hỗn hợp (nhà kiểu nông thôn truyền thống và nhà kiểu mới, hiện đại); nhà ở tập thể; nhà chung cư (cao cấp, thu nhập thấp); nhà kiểu khác (nhà tạm, nhà cấp 4). Mức độ ĐTH làm thay đổi kiểu nhà ở, không gian cư trú tại các làng xã. Những làng thuộc trung tâm hoặc gần trung tâm thành phố chủ yếu là kiểu nhà mới, các làng gần khu công nghiệp nơi tập trung lớn một bộ phận công nhân xuất hiện nhiều căn hộ, nhà ở, chung cư thu thập thấp, nhà ở xã hội có diện tích nhỏ. Qua thời gian, các ngôi nhà vườn dần được thay thế bằng nhà phố khép kín.

ĐTH cùng với quá trình mở rộng và sáp nhập các xã lân cận vào địa giới hành chính của TP.TH, chuyển một số xã thành phường đã tạo ra một quỹ đất lớn để mở rộng không gian đô thị TP.TH nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với việc mở rộng quỹ đất, TP.TH có điều kiện mở mang các đường giao thông lớn, gắn với nhiều cây cầu hiện đại, khu đô thị cao tầng, công trình phục vụ dân sinh, hành chính… điều này làm biến đổi không gian làng xã tại TP.TH từ không gian đô thị mang dáng dấp của làng quê truyền thống sang dáng vẻ mới của một đô thị hiện đại. Cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đầu tư xây dựng dần dần chuyển sang cơ sở hạ tầng đô thị từ việc gắn tên cho các con đường đến việc tu bổ đường sá, các công trình kiến trúc, thờ tự… Sự biến đổi không gian làng xã đã góp phần cải thiện, phá vỡ tính trì trệ, khép kín của người dân thay bằng tính năng động, cởi mở phù hợp với điều kiện phát triển của thời kỳ ĐTH.

Tuy nhiên, ĐTH với quá trình sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính khiến các nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, càng hiện đại thì không gian của khu dân cư làng gốc càng bị xuống cấp, thu hẹp…; một số di tích bị biến dạng...

Biến đổi cơ cấu sinh kế

Năm 2012, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Đông Sơn và Quảng Xương để mở rộng địa giới hành chính TP.TH và thành lập các phường thuộc TP.TH, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Quá trình này khiến quy mô đô thị không ngừng được mở rộng ra vùng ven, một diện tích lớn ruộng đất được chuyển đổi mục đích sử dụng, phần lớn người dân chuyển đổi sinh kế từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại và dịch vụ cũng đã khiến nền kinh tế của thành phố có nhiều điểm khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 16,5%, cao hơn 1,5 điểm % so với giai đoạn 2011-2015; trong đó, các ngành dịch vụ thương mại có tốc độ tăng cao nhất 17,8%; công nghiệp - xây dựng tăng 16,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,2%. Cơ cấu các ngành kinh tế trong giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 5,7% năm 2015 xuống còn 3,0% năm 2020; công nghiệp, xây dựng tăng từ 63,1% lên 64,7%; dịch vụ tăng từ 31,2% lên 32,3%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 73,4 triệu đồng, gấp 1,93 lần so với năm 2015 (4). Bên cạnh những tác động tích cực, ĐTH với quá trình sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính của TP.TH cùng với sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh kế của người dân. Nhiều làng trong quá trình sáp nhập, mở rộng đều là các làng thuần nông nên khi đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng, người dân từ những người nông dân thuần phát trở thành thị dân với việc mất nghề nghiệp và không có việc làm. Nhà nước lại chưa có kế hoạch chi tiết để hỗ trợ họ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm nên phần lớn số lao động này khó tìm được các việc làm mang tính ổn định, bền vững. Chỉ có số ít những người dân có trình độ học vấn, đủ độ tuổi quy định được thu nhận vào các khu công nghiệp… Vì vậy, việc chuyển đổi mô hình sinh kế vẫn do người dân tại các làng tự “xoay xở”và người dân các làng này gặp phải nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi sinh kế của bản thân, gia đình và làng xã.

Biến đổi sự liên kết giữa gia đình - dòng tộc - láng giềng

Trong quan hệ gia đình ở các làng trong quá trình ĐTH, sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính chịu những tác động to lớn của phương thức mưu sinh và lối sống thị dân.

Trước hết, quá trình ĐTH với điều kiện sống mới khiến những gia đình lớn nhiều thế hệ tồn tại từ bao đời trong điều kiện kinh tế tiểu nông đã không còn phù hợp trong điều kiện ĐTH, tỷ lệ gia đình hạt nhân năng động, dễ dàng ứng biến tăng nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu tự do cá nhân của mỗi thành viên trong gia đình. Việc chia tách các gia đình lớn thành các gia đình nhỏ liên quan đến việc chia tách đất đai. Không gian sống mở trước kia với (sân, vườn, ao…) được đóng lại ở từng hộ gia đình nhỏ với các tường rào bao quanh để xác định quyền sở hữu với tài sản đất đai của mình. Ở khía cạnh này, có thể thấy mối quan hệ gia đình ngày càng lỏng lẻo, sự cố kết, đùm bọc giữa các thành viên trong gia đình được phân định rõ ràng và có xu hướng suy giảm đi ít nhiều.

Quan hệ dòng họ có vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của từng vùng quê nói riêng và đất nước nói chung. Hiện nay, tại nhiều làng xã trong quá trình ĐTH, sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính tại TP.TH đều có sự tu bổ, sửa sang những cơ sở vật chất kết nối dòng họ: nhà thờ họ được sửa sang, làm lại khang trang, gia phả được viết lại để phổ biến đến bà con trong họ, mộ phần của dòng họ được tu bổ, sơn sửa mới… Nhiều dòng họ còn có ngày giỗ Tổ để tụ họp anh em trong họ đi làm ăn xa quay trở về quê hương, lập quỹ khuyến học để khuyến khích, nâng cao tinh thần học tập của con cháu… Tuy nhiên, dưới tác động của nền kinh tế thị trường (từ việc bán đất ở và đền bù đất), nhiều dòng họ nảy sinh mâu thuẫn, làm tổn thương truyền thống lâu đời của dòng họ. Vai trò của dòng họ với tầng lớp thanh niên cũng có dấu hiệu suy giảm, nhiều dòng họ trong các làng những người già buộc phải thay đổi tư duy về sự tập trung con cháu trong các ngày giỗ chạp và thay thế bằng các quy định phù hợp hơn chẳng hạn như: dòng họ Nguyễn ở làng Mật Sơn quy định chỉ cần đại diện gia đình tham gia trong các ngày giỗ Tổ.

Trong quan hệ làng xã, từ những người dân cùng làng, xã thân quen nhau, sống trọng tình cảm (trong họ ngoài làng), tin nhau là chính sang cư dân đô thị, ít quen biết, nặng về lý luật. Nếu trước kia, người trong làng luôn biết rõ nhau từ tổ tiên, gia tộc, họ hàng, mối quan hệ xã hội, thậm chí cả thói quen, lối sống, mọi người trong làng thường xuyên quan tâm nhau thì ngày nay mối quan hệ cộng đồng ấy bị suy giảm rõ rệt, nhiều người dù sống cùng làng nhưng không biết mặt, biết tên nhau.

3. Một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng trong bối cảnh ĐTH

ĐTH gắn liền với quá trình sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính là quá trình chuyển đổi từ xã hội nông thôn với lối sống cộng đồng sang xã hội đô thị với những biến đổi về văn hóa, xã hội. Quá trình này cần phải đảm bảo tính nhân văn, tính văn hóa nhằm xây dựng và phát triển đô thị một cách bền vững. Từ đặc điểm tự nhiên, văn hóa, xã hội của TP.TH cùng với quá trình biến đổi một số giá trị văn hóa làng xã, với hướng tiếp cận liên ngành, chúng tôi đề xuất một số giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng trong bối cảnh ĐTH như sau:

Giải pháp về quy hoạch không gian làng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa

Cần lập quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo không gian làng tới theo hướng bảo tồn, phát huy không gian văn hóa làng xã theo những đặc điểm riêng của từng làng trong lòng đô thị một cách hiệu quả nhất. Nội dung cụ thể:

Xác định, khoanh vùng các giá trị văn hóa cần bảo tồn tại các làng: Chủ yếu là không gian sinh sống, không gian công cộng, các nếp sinh hoạt cộng đồng… Một số làng có thể đề xuất bảo tồn cả khu vực sản xuất nông nghiệp để tạo những không gian xanh bằng nông nghiệp công nghệ cao (cây giống, cây cảnh, hoa, rau sạch) với ý thức phục vụ đời sống, làm dịch vụ thương mại và phục vụ du lịch.

Đánh giá hiện trạng: Cần nghiên cứu đánh giá hiện trạng ở nhiều nội dung liên quan mang tính văn hóa, xã hội như: lịch sử hình thành, phát triển làng, những đặc điểm nổi bật về con người, văn hóa, di tích lịch sử, kiến trúc, danh lam thắng cảnh, đặc sản ẩm thực, các di sản, văn hóa phi vật thể, vị trí địa lý và tiềm năng phát triển du lịch.

Trên cơ sở đánh giá hiện trạng, các giải pháp quy hoạch bảo tồn, tôn tạo sẽ được đề xuất cụ thể để phát huy tối đa những tiềm năng, ưu thế của nhưng đặc trưng nổi bật của từng làng. Giải pháp quy hoạch đảm bảo sự hài hòa và phát triển bền vững cho không gian làng trong đô thị hiện đại.

Giải pháp bảo tồn văn hóa làng xã gắn với phát huy tính cộng đồng của người dân

Bảo tồn các giá trị văn hóa làng xã phải cần phát huy tính cộng đồng, tham khảo ý kiến và bám sát nguyện vọng của người dân. Bất kỳ người dân nào cũng có chung nguyện vọng bảo tồn giá trị văn hóa làng xã gắn liền với việc tạo tiện ích trong đời sống sinh hoạt. Để phát huy tính cộng đồng chặt chẽ của làng cần đề xuất các chương trình, hoạt động tập thể để mọi người dân có thể cùng tham gia quản lý, giữ gìn, bảo vệ không gian văn hóa làng xã. Ví dụ như hoạt động gây quỹ thường niên để xây dựng và bảo trì các công trình kiến trúc của làng, hoạt động vệ sinh môi trường cảnh quan làng định kỳ…

Giải pháp chuyển đổi mô hình sinh kế gắn với đặc điểm văn hóa của từng làng

Điểm xuất phát của mỗi làng xã trước quá trình ĐTH là hoàn toàn khác nhau. Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa làng xã chính là tạo dựng các cơ hội phát triển kinh tế cho người dân trong làng trên cơ sở khai thác tiềm năng từ chính không gian làng mình, sử dụng vốn văn hóa, vốn xã hội để thiết lập sinh kế mới phù hợp trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Các chính sách về sinh kế cần phải đi đôi với việc chuẩn bị tâm lý, tác phong cho lao động nông nghiệp bị thu hồi hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đó tạo lập các hình thức sinh kế phù hợp với đặc trưng của môi trường tự nhiên, xã hội và văn hóa của địa phương. Có những làng phù hợp trở thành làng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có những làng trở thành làng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.... Việc phát huy các giá trị văn hóa trong quá trình chuyển đổi mô hình sinh kế sẽ tạo ra tính bền vững trong quá trình phát triển đô thị.

4. Kết luận

Trong quá trình sáp nhập và mở rộng địa giới hành chính của TP.TH đã có những xu hướng biến đổi mạnh mẽ đến đời sống văn hóa xã hội của cộng đồng dân cư các làng xã trong quá trình ĐTH giai đoạn 1995-2020. Trước hết, việc sáp nhập, chuyển đổi một bộ phận lớn các xã thành phường, mở rộng địa giới hành chính của thành phố đã tạo ra một quỹ đất lớn để mở rộng không gian đô thị Thanh Hóa. Quá trình này đã tạo ra xu hướng biến đổi không gian làng xã tại đô thị Thanh Hóa từ không gian khép kín của làng xã giai đoạn trước kia, sang dáng vẻ một đô thị hiện đại, một không gian sống năng động, cởi mở phù hợp với xu thế của đất nước và xã hội hiện nay. Quá trình ĐTH đã khiến một diện tích lớn ruộng đất được chuyển đổi mục đích sử dụng, khiến đa phần người nông dân bị tách khỏi sản xuất nông nghiệp và khiến cơ cấu sinh kế tại TP.TH giai đoạn 1995-2020 có những xu hướng biến đổi theo hướng thu hẹp nông nghiệp, mở rộng các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ… Trong quan hệ gia đình, dòng tộc, láng giềng quá trình ĐTH một mặt tạo dựng những con người năng động, đề cao tính cá nhân mặt khác các giá trị đạo đức, quan hệ xã hội truyền thống cũng bị suy giảm, không được chú trọng bảo tồn, phát huy.

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Trong quy hoạch không gian đô thị đã tính toán dự báo về kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân trong kỷ nguyên số, kinh tế số, trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa. Mục đích của bản quy hoạch cũng nêu rõ cần phải gìn giữ, tạo lập, khai thác, bảo vệ các giá trị truyền thống, văn hóa dân tộc. Các bản sắc riêng này chính là nguồn nội lực riêng có, tự tạo ra lợi thế cạnh tranh của đô thị trong quá trình phát triển một cách bền vững. Vì vậy, nghiên cứu phân tích các xu hướng biến đổi về không gian làng xã, cơ cấu sinh kế, biến đổi quan hệ gia đình, dòng tộc, làng xã từ góc độ văn hóa, xã hội có ý nghĩa trong quá trình xây dựng đô thị Thanh Hóa thông minh, hiện đại như mục tiêu của Quy hoạch.

_________________

1, 3, 4. UBND tỉnh Thanh Hóa, Viện Quy hoạch Kiến trúc Thanh Hóa, Thuyết minh tổng hợp quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, 2022, tr.31, 40, 46.

2. Nguyễn Thị Phương Châm, Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay, Nxb Văn hóa - Thông tin, Viện Văn hóa, Hà Nội, 2009.

TS NGUYỄN THỊ VIỆT HƯNG - TS NGUYỄN THỊ LÝ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024

;