Quảng Ninh: Người gìn giữ văn hóa dân tộc Dao ở Đồn Đạc

Bằng tấm lòng yêu nghề, say mê, sáng tạo, nhiều nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng bản, người uy tín, thày mo dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, hằng ngày vẫn miệt mài như những chú ong thợ truyền dạy chữ viết, các làn điệu dân ca, dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ. Họ chính là những người tuyên truyền bà con gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tạo dựng cuộc sống ấm no, tiến bộ.

Đến huyện Ba Chẽ hỏi về thày mo Triệu Thanh Xuân ở thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc là ai cũng biết. Từ năm 19 tuổi, ông đã được làm thày mo học việc và đến năm 41 tuổi thì chính thức được công nhận là thày chính. Cho đến nay, ông Xuân là người có thâm niên làm thày mo lâu nhất vùng, là một trong những người được kính trọng nhất trong cộng đồng người Dao trong xã Đồn Đạc.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống lâu đời làm thày mo, ông Triệu Thanh Xuân đã tiếp thu được bản sắc văn hóa, tri thức dân gian của dân tộc mình trong việc cúng, khấn và các hoạt động văn hóa dân gian của dân tộc Dao thanh phán. Từ bé, ông được các già làng, trưởng bản và ông bà, cha mẹ của mình trực tiếp truyền dạy về những nghi lễ truyền thống, các điệu nhảy trong lễ cấp sắc và học cách làm thày cúng. Dần dần, những nét đẹp văn hóa dân tộc ấy trở thành niềm đam mê ăn sâu vào hơi thở, cuộc sống của ông.

Ông Triệu Thanh Xuân nhớ lại, từ ngày còn nhỏ, cứ tờ mờ sáng, trời nắng cũng như mưa ông đeo túi vải, ở trong có những cuốn sách về bài cúng lễ theo cha cùng một số già làng, trưởng bản đi bộ băng qua những quả đồi, cánh rừng đến nhiều xã khác trong huyện làm lễ cúng tế cho gia chủ. Tuy thế, để làm tốt các khâu chuẩn bị cho buổi lễ, cha con ông Xuân đã phải chuẩn bị từ trước đó vài ngày. Cho đến đêm hôm trước lễ, bên chiếc bàn cũ kỹ cùng chiếc đèn dầu leo lắt, cha ông lại miệt mài hướng dẫn ông từng bước thực hiện nghi lễ. Học làm thày mo nói thì tưởng chừng là đơn giản, nhưng với cậu bé 10 tuổi là cả một nỗ lực và quyết tâm lớn. Những đứa trẻ cùng tuổi của ông Xuân ngày đó ngoài việc giúp bố mẹ làm công việc nhà, vào rừng nhặt củi, nấu cơm, trông em… thì cũng chỉ biết rủ nhau đi chơi cùng chúng bạn. Ông Xuân không có thời gian để chơi khi dành phần lớn thời gian để miệt mài học nghề. Nhiều đêm, ông phải thức trắng nằm nhẩm lại những bài cúng khó, các bước nghi thức thực hiện lễ cúng và ghi nhớ được từng trình tự trong buổi lễ. Có vài lần, nằm không ngủ được, ông vùng dậy châm đèn dầu lên viết lại những lời khấn đã học trước đó đến thuần thục. Với quyết tâm và cùng lòng kiên trì ấy, những bài văn cúng cứ ngấm dần vào ông lúc nào không hay. 15 tuổi, ông đã có thể tự thực hiện được một lễ cúng đơn giản nhưng mãi đến năm 19 tuổi, ông mới được công nhận là thày mo phụ. Tức là mới chỉ làm thày giúp việc chứ chưa được phép làm chủ lễ. Quá trình ấy kéo dài mãi đến năm ông 41 tuổi, ông Xuân bước vào độ chín của một thày mo cùng với hành trang là hiểu biết sâu rộng về văn hóa của dân tộc mình.

Ông Triệu Thanh Xuân (người đứng thứ 2 từ trái sang) nhận danh hiệu Nghệ nhân Dân gian Việt Nam và kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian Việt Nam - Ảnh nhân vật cung cấp

Từ khi được công nhận chính thức, ông trở thành người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Dao trong vùng. Bất cứ có công việc gì bà con cũng mời ông. Ông tâm huyết, nhiệt tình, lo chu đáo, coi công việc của bà con cũng như việc của mình. Ông Xuân đã mang lại sự tin tưởng cho người dân trong mỗi bài cúng tế, thể hiện được nghi lễ quan trọng, khát vọng của đồng bào về một cuộc sống sung túc, ấm no và hạnh phúc đồng thời thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng. Trong mỗi dịp làm lễ đều chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc thông qua các điều giáo huấn mà người thụ lễ tuyệt đối không làm việc ác, điều xấu trong cuộc sống hằng ngày. Đến nay, tên tuổi của ông thày cúng Triệu Thanh Xuân được bà con khắp vùng biết đến, với sự nể trọng và gọi bằng thày. Vì vậy, ông luôn được bà con tín nhiệm, tin tưởng. Đến với bà con, ông thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông bảo “bản sắc của dân tộc thì phải giữ, nhưng những gì đã lạc hậu, còn gây tốn kém, lãng phí thì nên bỏ…”. Ông đã vận động bà con trong thôn xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống tiến bộ, văn minh hơn.

Ông Triệu Thanh Xuân không chỉ là thày mo nổi tiếng trong vùng mà còn là người rất am hiểu về văn hóa truyền thống của người Dao. Ham học hỏi, say mê với các loại hình văn hóa truyền thống người Dao. Ông còn là người có công lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể của người Dao thanh phán. Ông Xuân đã học được nghề bốc thuốc Nam gia truyền, chữ Nôm Dao, học hát Páo dung, lễ cấp sắc từ ông bà nội và các cụ cao niên trong thôn, xã. Ông Xuân có tất cả các bộ sách chữ Nôm Dao thanh phán và các đồ vật như trống, chiêng, tranh, kèn chuông... để phục vụ lễ cấp sắc. Ông đã sưu tầm và soạn dịch lời Việt nhiều bài hát Páo dung để phục vụ việc truyền dạy, ông còn tự sáng tác hàng chục bài hát đối phục vụ cho các lễ cưới, lễ cấp sắc. Năm 2019, ông Triệu Thanh Xuân được công nhận là nghệ nhân dân gian Việt Nam.

Ngoài thời gian đi cúng, lễ ông Xuân dành nhiều thời gian, tâm tuyết nghiên cứu và truyền dạy lại chữ Nôm Dao cho bà con dân tộc mình, nhất là các cháu học sinh. Ông tâm niệm, giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc là giữ gìn được truyền thống quý báu của dân tộc mình, mới không làm những tri thức cổ của người Dao bị mai một.

Với vốn kiến thức chữ Nôm Dao đã được học từ trước, ông Xuân tập trung tìm hiểu nghiên cứu sâu về tri thức, văn hóa người Dao qua những trang sách. Nội dung sách cổ sâu sắc, nhưng rất rộng, ông đã chia nhỏ thành từng phần một để dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ. Với cách biên soạn của ông, người học chỉ cần đọc thạo chữ Nôm là có thể hiểu và làm theo. Vì thế, trong thời gian 1-2 tháng, được ông Xuân trực tiếp giảng dạy, nhiều người có thể đọc thông, viết thạo chữ Nôm Dao.

Năm 2019, Câu lạc bộ Văn nghệ và giữ gìn nét đẹp trang phục Dao thanh phán ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ được thành lập, với 23 thành viên đại diên cho người Dao toàn huyện và hoạt động chính tại Nhà văn hóa thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc. Tại Câu lạc bộ, ông Xuân là thày giáo trực tiếp dạy hát Páo dung. Trong các buổi sinh hoạt, các thành viên lớn tuổi hoặc am hiểu nhiều văn hóa truyền thống của người Dao thanh phán truyền dạy cho những thành viên khác về truyền thống này. Chị Triệu Kim Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, cho hay: “Bà con rất ủng hộ hoạt động của Câu lạc bộ. Ban đầu, chúng tôi đề ra kế hoạch chỉ hoạt động 1 lần/ tuần, thế nhưng bà con hưởng ứng nhiệt tình quá nên có tuần chúng tôi hoạt động suốt. Bà con đến đây học hát, học thêu thùa mà nhiều người còn coi đây là nơi vui chơi, gặp gỡ, trò chuyện hằng ngày”.

Đến nay, ông Xuân đã truyền dạy cách viết chữ Nôm Dao, hát Páo dung, dạy cách làm lễ cấp sắc cho hàng trăm người, chủ yếu cho người ở các thôn của xã Đồn Đạc và huyện Ba Chẽ. Học trò ông có cả người đến từ huyện Hoành Bồ và thành phố Cẩm Phả. Nguyện vọng của ông chỉ muốn truyền cho nhiều người, cho con cháu những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, vì càng nhiều người biết thì việc bảo tồn càng có hiệu quả.

Cách đây khoảng 30 năm về trước, ông Triệu Tắc Dảu, thôn Làng Cổng, xã Đồn Đạc là một trong những người đầu tiên theo học ông Xuân. Sau 1 tháng được ông Xuân truyền dạy, ông Dảu đã biết đọc, biết viết và thờ cúng được Tết theo phong tục của người Dao. Hiện nay, cứ lúc nào rảnh rỗi, ông Dảu lại đến nhà ông Xuân để tiếp tục học tập nâng cao vốn hiểu biết của mình.

Tính đến nay, ông Triệu Thanh Xuân đã có thâm niên gần 30 năm truyền dạy kiến thức về nghi lễ cấp sắc, truyền dạy dân ca cho những người trẻ dân tộc Dao. Ông cũng đã truyền dạy được hơn 100 người biết làm thày cúng. Nhiều lần ông trực tiếp dẫn đoàn tham gia các lễ hội Bàn Vương của người Dao, tham gia ngày hội văn hóa các dân tộc do địa phương tổ chức... Đồng thời ông cũng là một trong những người có nhiều đóng góp cho việc thành lập và duy trì Câu lạc bộ nhảy lửa xã Đồn Đạc. Theo ông Xuân, để tổ chức được nghi lễ này, đòi hỏi người thày phải cao tay, am hiểu rộng thì mới có thể làm được.

Những đóng góp của ông Triệu Thanh Xuân cho việc gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc là  đáng trân trọng.

NGHIÊM HUỆ * - HÙNG MẠNH **

* Tạp chí Dân tộc - ** Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật

;