Văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục đại học

Văn hóa học đường (VHHĐ) luôn là chủ đề được quan tâm trong quá trình phát triển của các trường đại học ở Việt Nam, đặc biệt là khi chuyển đổi số (CĐS) ngày càng phổ biến trong môi trường giáo dục đại học. CĐS như một chất xúc tác, thay đổi môi trường học tập và giao tiếp, ứng xử của cán bộ, giảng viên, sinh viên, tuy nhiên cũng làm thay đổi một số giá trị, chuẩn mực trong học đường. Từ việc tìm hiểu những tác động của CĐS đến VHHĐ trong trường đại học, người viết đưa ra một số khuyến nghị về giải pháp để phát triển VHHĐ trong trường đại học, giúp các nhà quản lý giáo dục có cái nhìn tổng quát và biện pháp cụ thể.

Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, ứng dụng công nghệ vào hệ thống quản lý thông tin và hệ thống chăm sóc, hỗ trợ người học trên trên nền tảng sự kiện thực tế ảo - Ảnh: event.ueh.edu.vn

1. Văn hóa học đường

Khái niệm

Thuật ngữ “văn hóa học đường” (school culture) được nêu ra lần đầu tiên vào những năm 1930 ở các nước phương Tây, sau đó trở thành trào lưu nghiên cứu của nhiều nước trên thế giới với các góc độ và mục đích nghiên cứu khác nhau. Ở Việt Nam, VHHĐ được nghiên cứu dưới các góc độ xã hội học, tâm lý học, giáo dục và quản lý giáo dục, văn hóa học... Dù ở góc độ nào thì các nghiên đều hướng đến việc phát triển con người, đổi mới giáo dục đào tạo, xây dựng môi trường học tập tích cực hơn.

Trong cuốn The Sociology of Teaching (Xã hội học giảng dạy), năm 1932, nhà xã hội học - giáo dục Willard Waller (1) cho rằng, mỗi trường học đều có văn hóa riêng, đó là tập hợp của các nghi lễ và phong tục dân gian cũng như những quy tắc đạo đức hình thành nên hành vi và các mối quan hệ với phụ huynh, học sinh. Theo đó, VHHĐ là một tiểu văn hóa, góp phần làm nên bản sắc, thương hiệu của trường.

Theo UNESCO, VHHĐ là hệ thống các niềm tin, chuẩn mực, giả định, mong đợi và giá trị tạo nên bản sắc riêng cho nhà trường, chi phối hoạt động của nhà trường, tác động đến hành vi của ban giám hiệu, giáo viên, cán bộ nhà trường và người học (2). Theo quan điểm Phạm Minh Hạc: “Văn hóa học đường là hệ các chuẩn mực, giá trị giúp cán bộ quản lý nhà trường, thày cô giáo, các vị phụ huynh và các em học sinh, sinh viên có các cách thức suy nghĩ, tình cảm, hành động tốt đẹp” (3). Mục tiêu chung nhất của VHHĐ là xây dựng trường học lành mạnh, các mối quan hệ thân thiện và chất lượng giáo dục thật.

Ở bài viết này, chúng tôi tiếp cận quan điểm VHHĐ là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần mang tính chuẩn mực, định hướng cho hành vi, hoạt động của các cá nhân trong nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Cấu trúc

Từ góc nhìn văn hóa học, VHHĐ có thể chia thành các thành tố chính sau: 1) Hệ thống giá trị trong nhà trường: Văn hóa có đặc trưng quan trọng là tính giá trị, đó là những điều tốt đẹp được tích lũy qua kinh nghiệm của nhiều thế hệ. Các giá trị VHHĐ giúp cho việc thiết lập hành vi của các cá nhân trong nhà trường, hay nói cách khác, hệ thống giá trị của VHHĐ vừa là nền tảng, vừa là đích hướng đến của các hoạt động trong trường học. 2) Chuẩn mực học đường: gồm các thiết chế và quy tắc ứng xử, giúp nhà trường củng cố, thực hiện các giá trị VHHĐ đồng thời giúp xác định vai trò của từng cá nhân trong đơn vị học đường. 3) Nhân cách tiêu biểu của văn hóa học đường: trong nhiều trường đại học thường xây dựng biểu tượng các nhân vật tiêu biểu mang tính đại diện cao, họ có thể là người còn sống hoặc đã khuất, có thật hoặc tưởng tượng, là những cá nhân mang những đặc điểm được cộng đồng VHHĐ đánh giá cao, vì thế trở thành hình mẫu của các mô thức ứng xử trong VHHĐ. 4) Các yếu tố ngoại hiện: bao gồm các hình thức, cách thức, biểu tượng, qua đó định hướng giá trị trong học đường, thể hiện những chuẩn mực học đường và qua đó nhân cách tiêu biểu của VHHĐ được biểu hiện cụ thể. Đó có thể là các biểu tượng, logo của trường, nghi thức - nghi lễ, phòng truyền thống nhà trường, câu chuyện học đường, khẩu hiệu, kiến trúc của trường với cổng trường, cây cối, sân trường...

Chức năng

UNESCO chủ trì triển khai Chương trình Nghị sự Giáo dục toàn cầu đến năm 2030 thông qua mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục, bao gồm: Tạo môi trường học tập an toàn, phi bạo lực, hòa nhập và hiệu quả. Kiến thức và kỹ năng thông qua giáo dục về sự phát triển bền vững và các lối sống bền vững, về quyền con người, bình đẳng giới, thúc đẩy văn hóa hòa bình và phi bạo lực và về công dân toàn cầu. Nhà trường với vai trò sứ mệnh đặc biệt, vừa là nơi bảo tồn và lưu truyền các giá trị văn hóa của nhân loại, vừa là nơi đào luyện nên những chủ nhân gìn giữ và sáng tạo văn hóa trong tương lai của mỗi quốc gia, dân tộc. VHHĐ giống như một tiểu văn hóa, với các chức năng: 1) Chức năng giáo dục: VHHĐ giúp các cá nhân trong nhà trường hành xử theo những chuẩn mực, khuôn mẫu, quy tắc ứng xử của nhà trường, vì thế giúp hình thành nên nhân cách của giảng viên, sinh viên và các cán bộ tham gia vào giáo dục - đào tạo. 2) Chức năng nhận thức: VHHĐ đem lại các tri thức cần thiết để tham gia vào quá trình giáo dục và đào tạo, đó là các quy định, quy tắc, chuẩn mực... đồng thời, VHHĐ là nền tảng giúp trường học thích ứng với môi trường và thời cuộc, nâng cao vị thế, giá trị thương hiệu của trường. 3) Chức năng tổ chức: VHHĐ có vai trò quan trọng trong trường học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo động lực thúc đẩy giáo viên làm việc, học sinh học tập. 4) Chức năng điều chỉnh các hành vi học đường: Ở một khía cạnh nào đó, VHHĐ còn giúp điều chỉnh các hành vi và giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong trường học. 5) Chức năng bảo đảm sự kế thừa, tính liên tục lịch sử: Giống như chức năng của văn hóa nói chung, VHHĐ có vai trò liên kết các thế hệ người học, người dạy, thế hệ trước và thế hệ sau bằng cách trao truyền những giá trị, chuẩn mực... để thế hệ sau tiếp tục duy trì, phát triển.

Tóm lại, VHHĐ là một trong những “xương sống” tham gia vào quá trình tổ chức giáo dục đại học, là thành tố quan trọng giúp thực hiện mục tiêu, sứ mạng giáo dục và làm nên thương hiệu của một trường đại học. Do đó, trong quá trình phát triển của trường, VHHĐ phải được quan tâm đúng mức.

2. CĐS trong giáo dục đại học

Ngày 3-6-2020 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 về việc phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên CĐS thứ hai (sau y tế). Điều đó cho thấy tầm quan trọng của giáo dục và CĐS trong lĩnh vực giáo dục trong xu thế phát triển chung của đất nước.

CĐS trong giáo dục nhằm mục tiêu phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sử tài nguyên giảng dạy và học tập theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. CĐS trong giáo dục thành công sẽ giúp thay đổi nhận thức của con người, tạo động lực, nền tảng cho CĐS trong các ngành nghề khác.

CĐS trong giáo dục nói chung tập trung vào hai nội dung chủ đạo: 1) CĐS trong quản lý, bao gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin hiện đại để quản lý; 2) CĐS trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học, bao gồm việc số hóa các học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm…), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, các mô hình học ảo. Trọng tâm của CĐS là trải nghiệm của người học sẽ hoàn toàn thay đổi, từ đó tác động đến hành vi, nhận thức, thái độ và thói quen của người học.

CĐS trong giáo dục đại học được hiểu là sự ứng dụng các công nghệ kỹ thuật vào lĩnh vực giáo dục, làm thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình giáo dục và cung cấp những giá trị mới cho người dạy, học cũng như nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, đào tạo trong môi trường đại học.

3. Tác động của CĐS đến VHHĐ trong trường đại học

Các trường đại học là một trong những cụm trường đi đầu, tiên phong trong quá trình CĐS, bởi lẽ đây là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện ưu tiên cho quá trình này. Cũng chính vì thế, sự tác động của CĐS đến các trường đại học lớn hơn, rõ nét hơn.

Thứ nhất, CĐS làm thay đổi các hệ giá trị trong trường đại học

Tác giả Trần Ngọc Thêm định nghĩa: “Giá trị là tính chất của khách thể, được chủ thể đánh giá là tích cực xét trong so sánh với các khách thể khác cùng loại trong một bối cảnh không gian - thời gian cụ thể” (4). Ông đưa ra hệ giá trị Việt Nam truyền thống cốt lõi với sáu đặc trưng và các giá trị phái sinh; đồng thời ông cũng khẳng định: “không chỉ từng giá trị riêng biệt mà toàn bộ hệ giá trị của một đối tượng cũng luôn bị chi phối bởi bối cảnh không gian, chủ thể và thời gian”. Hệ giá trị không phải là cái bất biến mà luôn có sự thích ứng, thay đổi, có thể thiên hướng tích cực hoặc tiêu cực theo chủ thể và các điều kiện khác nhau.

Cũng vậy, trong quá trình CĐS, hệ giá trị học đường nằm trong quy luật đó. Theo Nguyễn Thị Mỹ Lộc và các cộng sự khảo sát, 10 giá trị học đường được lựa chọn nhiều nhất đó là: đoàn kết, tương thân tương ái; hiếu học, tôn sư trọng đạo; chủ động, sáng tạo, linh hoạt; lòng yêu nước, tinh thần dân tộc; tính mực thước, kỷ luật; cần cù, vượt khó; khiêm tốn, thật thà; lạc quan, vui vẻ; tế nhị, khéo léo (5). Các giá trị này không phải được hình thành một sớm một chiều mà phải được tích lũy trong quá trình lâu dài, của nhiều thế hệ nhà trường. Do đó, với sự tác động của CĐS, con người và các điều kiện học đường thay đổi, nên một khía cạnh nào đó, các giá trị học đường trên chuyển sang các hình thức biểu hiện khác nhau. Đối với học tập truyền thống, sinh viên - giảng viên tập trung theo từng phòng học, từng hội trường, khả năng tương tác, đoàn kết, tương thân tương ái cao, giao lưu giữa sinh viên, giữa sinh viên - giảng viên sẽ sôi nổi hơn so với việc tất cả người học tiếp xúc, trao đổi qua màn hình các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, ứng dụng nền tảng số giúp sinh viên có thể giao lưu với nhau bằng nhiều hình thức hơn như hình ảnh, biểu tượng, chat, thậm chí lập hội nhóm trên nhiều diễn đàn, các team hoạt động trên mạng xã hội, trò chơi điện tử, điều đó cũng làm tăng tinh thần đoàn kết hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, sinh viên phải phát huy tính sáng tạo, linh hoạt, chủ động cao hơn bao giờ hết, đặc biệt khi thời đại trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay thế con người trong nhiều hoạt động, sinh viên buộc phải thích nghi, phải năng động hơn nữa. Không chỉ vậy, giảng viên và các nhà quản lý cũng phải có chuyên môn và kỹ năng cao về công nghệ thông tin, sáng tạo, linh hoạt trong công tác quản lý và dạy học, từ điều chỉnh nội dung chương trình đến phương pháp, hình thức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, việc xử lý các tình huống... để có thể bắt kịp xu thế của thời đại.

Các giá trị VHHĐ là những điều tốt đẹp được tích lũy qua truyền thống nhà trường, vừa là nền tảng, vừa là đích hướng đến của các hoạt động trong trường học. CĐS không phải làm mất đi các giá trị tốt đẹp mà chỉ thay đổi hình thức biểu hiện cũng như thay đổi sự ưu tiên của các giá trị khác nhau trong cùng một thời điểm, một bối cảnh.

Thứ hai, CĐS làm thay đổi các chuẩn mực học đường trong trường đại học

VHHĐ có chức năng điều chỉnh các hành vi, vì thế chuẩn mực học đường đưa ra giúp nhà trường củng cố, thực hiện các giá trị học đường. Đó là những chuẩn mực trong thái độ của giảng viên, sinh viên trong trường đại học, thể hiện qua việc chấp hành các quy chế, nội quy, quy định, các yêu cầu về phong cách, tác phong, phẩm chất…

Chuẩn mực chung nhất của nghề giáo là “lòng yêu nghề”, “lòng yêu trẻ”, tác phong gương mẫu, trung thực, thái độ học hỏi, cầu tiến. CĐS thực hiện trên các nền tảng số, qua các bài giảng, kiểm tra, đánh giá, vì thế, giảng viên các trường phải phát huy phẩm chất học hỏi, cầu tiến cao hơn bao giờ hết. Với nhiều giảng viên có thâm niên, việc thay đổi phương pháp giảng dạy qua nền tảng số gặp không ít khó khăn, nếu không phá bỏ rào cản thế hệ, gạt bỏ cái tôi cá nhân của thế hệ trước thì khó có thể hòa nhập với nền tảng dạy học mới. Đồng thời, việc kiểm tra, đánh giá trực tuyến đề cao sự trung thực, công bằng của giảng viên đối với sinh viên, gạt bỏ tình trạng thiên vị, gian lận trong thi cử.

Đối với sinh viên, đặc điểm nổi bật nhất của chuẩn mực là thái độ, ứng xử với giảng viên. Dạy, học trên nền tảng số giúp sinh viên có thể vào lớp đúng giờ, không cần phải đến lớp theo đúng thời gian biểu. Tuy nhiên, do không có sự quản lý trực tiếp nên tính kỷ luật của sinh viên không cao. Ví dụ, đối với sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngoài các nội quy chung còn yêu cầu sinh viên đến trường cần chỉn chu trong trang phục, kiểu tóc, cách đi đứng, ăn nói... đều phải mang tính “mô phạm”, từ đó, rèn cho sinh viên tác phong nghề giáo. Tuy nhiên khi học từ xa, sinh viên không chú ý về trang phục, kiểu tóc, tính kỷ luật thấp, thậm chí có hiện tượng vừa học, vừa ăn, vừa gác chân, vừa nhắn tin, vửa chơi điện tử... Đó là một trong những điều làm phá vỡ chuẩn mực đáng báo động của sinh viên, cũng là một vấn đề lớn đặt ra cho các nhà lãnh đạo, quản lý trường đại học.

Thứ ba, CĐS làm thay đổi môi trường học tập và giao tiếp văn hóa của người học, người dạy

Với CĐS, môi trường học tập và giao tiếp văn hóa của giảng viên, sinh viên được mở rộng hơn, trên các nền tảng số: các phần mềm học tập, các nền tảng xã hội, các trang web… Sinh viên được tiếp xúc với khối thông tin khổng lồ ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm. Nguồn tài nguyên và dữ liệu học tập mở tạo ra môi trường dạy - học sinh động hơn cho giảng viên và sinh viên với các hình ảnh, video, các trải nghiệm thực tế ảo… Học tập trong môi trường đại học không phải là sự tiếp thu kiến thức thụ động một chiều từ giảng viên đến sinh viên, với CĐS, sinh viên có thể dễ dàng tìm được nguồn tư liệu khổng lồ trên mạng thông tin số để mở mang kiến thức, thực hiện giao lưu, học hỏi giữa các trường đại học, các quốc gia khác nhau trên thế giới. Chính vì vậy, một bộ phận không nhỏ sinh viên các trường phụ thuộc vào nguồn tài nguyên số, không có tư duy độc lập trong học tập, dễ sa đà vào các hoạt động không có liên quan đến bài học. Sinh viên là đối tượng chưa có lập trường vững vàng, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất, dễ bị lợi dụng, lừa đảo qua các trang mạng xã hội. Thực trạng đã có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra, sinh viên bị lừa tiền bạc, bị bán sang Campuchia, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, việc mở rộng môi trường học tập và giao tiếp của sinh viên là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại, tuy nhiên nhà trường đại học vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và giáo dục lý tưởng sống cho giới trẻ.

4. Đề xuất một số giải pháp xây dựng VHHĐ tại trường đại học trong bối cảnh CĐS

Nhận thức được việc tạo dựng VHHĐ dù ở môi trường học tập nào cũng đều phải được chú trọng, người viết khuyến nghị một số giải pháp như sau:

Một là, trường đại học cần xây dựng các hệ giá trị mới trên cơ sở phù hợp với mục tiêu, sứ mạng và tầm nhìn của nhà trường trong bối cảnh mới. Sự thay đổi hệ giá trị trong nhà trường đại học là một trong những sự tác động mạnh mẽ nhất của CĐS đối với VHHĐ. Việc thay đổi dựa trên nền tảng hệ giá trị cũ, ưu tiên những giá trị mới phù hợp với triết lý giáo dục và định hướng phát triển của nhà trường.

Hai là, xây dựng bộ quy tắc ứng xử mới trong trường đại học, trong đó quy định rõ vai trò trách nhiệm của mỗi chủ thể trong các quan hệ ứng xử, đồng thời phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường đại học cho sinh viên. Việc áp dụng những nội quy cũ cứng nhắc không còn phù hợp với những thay đổi mới trong giáo dục. Dựa trên nguyên tắc xây dựng bộ quy tắc ứng xử do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo thông tư 06/2019/TT-BGDĐT và những yêu cầu mới trong bối cảnh CĐS, nhiều trường đại học đã có những bộ quy tắc ứng xử cho sinh viên, giảng viên, các nhà giáo dục. Đó như kim chỉ nam, định hướng cho những chuẩn mực học đường của các chủ thể tham gia quá trình đào tạo trong trường đại học.

Ba là, phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức Đoàn, Hội Thanh niên, các câu lạc bộ sinh viên về nội dung VHHĐ và đẩy mạnh truyền thông nội bộ nhà trường, công bố qua nhiều kênh thông tin để các cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc. Tận dụng sức mạnh của CĐS như một chất xúc tác mạnh mẽ giúp việc truyền thông tiếp cận rộng rãi hơn đến các đối tượng sinh viên, giảng viên, cán bộ nhà trường.

Bốn là, thay đổi tư duy và khả năng quản lý của lãnh đạo các trường đại học. Thực tế cho thấy tầm nhìn của nhà lãnh đạo có thể mang lại thành công hoặc thất bại cho sự chuyển mình của các trường đại học trong bối cảnh CĐS. Nhà lãnh đạo đóng vai trò tiên phong trong việc nêu gương và thay đổi các cơ chế, chính sách, điều chỉnh cách quản lý với các nội quy, quy chế, vừa đẩy mạnh việc áp dụng CĐS, vừa định hướng phát triển VHHĐ phù hợp với triết lý giáo dục đại học và xu thế phát triển của xã hội. Đồng thời, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ dạy - học, tạo cơ hội giảng dạy, học tập bình đẳng, thúc đẩy phát triển học liệu số, xây dựng mạng xã hội, nhưng có kiểm soát và định hướng nhất định để đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường số.

Kết luận

Làn sóng mạnh mẽ của CĐS giúp lan tỏa VHHĐ nhưng cũng là một thách thức lớn đến các hoạt động, cá nhân trong giáo dục đại học. CĐS làm thay đổi các hệ giá trị, các chuẩn mực học đường, môi trường giáo dục đại học đặt ra bài toán phải thay đổi VHHĐ đại học cho phù hợp với nền tảng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh xã hội mới. CĐS trong trường đại học chỉ được công nhận là thành công khi chúng ta xây dựng được nền VHHĐ lành mạnh, tạo môi trường học tập tích cực. Muốn vậy, trường đại học phải thay đổi các hệ giá trị, chuẩn mực, các chính sách, giải quyết các mối quan hệ giữa các chủ thể trong giáo dục đại học mà bắt đầu từ chính nhà lãnh đạo trường đại học.

________________

1. Willard Waller, The Sociology of Teaching (Xã hội học giảng dạy), NewYork: John Wilay and Sons, 1932.

2. Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, Tài liệu Hội thảo Giáo dục Việt Nam: Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo, Hà Nội, 2021.

3. Phạm Minh Hạc, Văn hóa học đường - Khái niệm và việc xây dựng thông qua giáo dục giá trị, Tạp chí Nghiên cứu con người, (2), 2009, tr3-11.

4. Trần Ngọc Thêm, Hệ giá trị Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2021.

5. Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Quản lý văn hóa nhà trường, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2019.

NGUYỄN THỊ HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024

;