Hà Nội luôn chú trọng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung, trong đó có đội ngũ cán bộ văn hóa - Ảnh: thanhuyhanoi.vn
1. Vài nét về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa của Hà Nội
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa của thành phố hiện nay được phân cấp tương ứng quản lý hành chính: cấp thành phố, cấp quận/ huyện và cấp xã/ phường/ thị trấn.
Đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa cấp thành phố bao gồm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở VHTT Hà Nội và đội ngũ làm việc tại 13 đơn vị sự nghiệp trực thuộc do Sở quản lý. Tính đến hết năm 2023, số lượng cán bộ lãnh đạo và quản lý lĩnh vực văn hóa cấp thành phố có 321 người (1) và chịu trách nhiệm định hình chiến lược và hướng phát triển cho toàn bộ các lĩnh vực của thành phố như: xây dựng chính sách, kế hoạch và nguồn lực ngân sách quan trọng để hỗ trợ các dự án và sự kiện văn hóa lớn; quản lý di sản văn hóa và bảo tồn các giá trị văn hóa cấp quốc gia và quốc tế.
Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa cấp quận, huyện, thị xã bao gồm: Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa, Trưởng và Phó Trưởng phòng văn hóa quận, huyện, thị xã và cán bộ trong diện quy hoạch, cán bộ phòng văn hóa - thông tin. Tính đến hết tháng 6-2023, số lượng công chức, viên chức làm công tác quản lý văn hóa có 560 người (2). Cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa cấp quận/ huyện/ thị xã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy văn hóa cộng đồng và địa bàn, chịu trách nhiệm quản lý các dự án văn hóa cộng đồng và các cơ sở văn hóa ở quy mô địa phương. Họ cũng có vai trò quan trọng trong thúc đẩy nhu cầu thưởng thức các giá trị văn hóa, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa của công chúng. Vì vậy, họ không chỉ tác động đến việc hình thành các chính sách cho phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) mà còn trực tiếp tham gia vào quản lý, định hướng để hình thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa lành mạnh, đồng thời tác động lớn đến nhu cầu tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ văn hóa của công chúng.
Cán bộ, công chức, viên chức cấp xã là những người trực tiếp tiếp xúc với nhân dân hằng ngày, giải đáp, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của thành phố Hà Nội. Họ cũng là người trực tiếp lắng nghe, giải quyết hoặc kiến nghị lên cấp trên những kiến nghị, ý kiến, nguyện vọng của nhân dân về vấn đề này. Vì vậy, chất lượng hoạt động của cán bộ văn hóa - xã hội tại các xã, phường trên địa bàn thành phố ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh của hệ thống chính trị ở cơ sở, tác động trực tiếp đến sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô. Hiện nay, số lượng công chức, viên chức làm công tác quản lý văn hóa cấp xã, phường, thị trấn có 580 người (3).
Với lực lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa hùng hậu và phân cấp rõ ràng, đồng thời luôn có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác giúp tạo nên một hệ thống phát triển văn hóa toàn diện và đa lớp tại Hà Nội. Sự hiệu quả trong quản lý và hỗ trợ tại mỗi cấp có thể tạo ra một môi trường văn hóa phong phú và độc đáo, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của CNVH trong cộng đồng. Tuy nhiên, xét trên tổng thể, số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa của thành phố Hà Nội hiện nay đang giảm dần (theo xu hướng tinh giản biên chế trong các cơ quan, đơn vị công lập): năm 2017 số lượng cán bộ văn hóa cấp thành phố là 327 người, cấp huyện, quận, thị xã là 883 người, cấp xã, phường thị trấn là 588 người; đến năm 2023 số lượng cán bộ văn hóa tương ứng là 321 người, 894 người, 584 người (4). Mặc dù vậy, khối lượng công việc mà họ phải đảm nhận không giảm đi. Điều đó, đòi hỏi họ phải nỗ lực không ngừng trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ. Đặc biệt, với chủ trương phát triển CNVH, đưa CNVH nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội càng đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực này.
2. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cán bộ văn hóa của Hà Nội - những vấn đề đặt ra
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ” (5), thời gian qua, Hà Nội luôn chú trọng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung, trong đó có đội ngũ cán bộ văn hóa. Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã xác định “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch…” (6) là một mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình phát triển của Thủ đô, Sở VHTT tham mưu xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa của thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Điều đó cho thấy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa của thành phố Hà Nội “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng tốt yêu cầu sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Thủ đô hiện nay luôn được quan tâm, chỉ đạo sát sao. Hà Nội tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, năng lực làm việc, ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức văn hóa của thành phố theo hướng chuyên nghiệp, đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, thành phố cũng tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế, chính sách về đào tạo, đãi ngộ, tuyển dụng và sử dụng đội ngũ trí thức nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa phục vụ CNVH Thủ đô. Đó là bồi dưỡng, đào tạo nhằm nâng cao trình độ 1.000 công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn. Thành phố đã xét chọn, cử đi đào tạo và tuyển dụng công chức nguồn đối với 5 chức danh công chức xã, phường, thị trấn: tư pháp - hộ tịch, văn phòng - thống kê, tài chính - kế toán, văn hóa - xã hội, địa chính - xây dựng. Đây là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng của đội ngũ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa của Thủ đô.
Ở 3 cấp quản lý của thành phố, tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học và sau đại học học chiếm xấp xỉ 90%, đa số cán bộ, công chức văn hóa được đào tạo đúng chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật, hoặc các chuyên ngành liên quan, như khoa học xã hội, thể dục, thể thao... Tuy nhiên, một số cán bộ công tác lâu năm mặc dù được bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên nhưng vẫn chưa được đào tạo đúng chuyên ngành; đội ngũ cán bộ văn hóa chưa có kiến thức toàn diện để tham gia hiệu quả vào phát triển CNVH ở Thủ đô, họ thiếu kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, thiếu tri thức về nguồn lực di sản văn hóa Thủ đô, thiếu kinh nghiệm trong quảng bá, kinh doanh sản phẩm văn hóa, hạn chế về kiến thức, kỹ năng liên ngành… Nguyên nhân sâu xa của những hạn chế trên là do công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa của Thủ đô chưa đáp ứng, nội dung chương trình tập huấn, các chương trình bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chưa thực chất, chưa hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển CNVH.
Thực tế cho thấy, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho phát triển CNVH của Thủ đô không thể thực hiện được trong thời gian ngắn, cần có chiến lược cụ thể, rõ ràng. Mặt khác, để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển CNVH của Hà Nội, chúng ta không thể không nói tới việc đào tạo trong các cơ sở đào tạo như các học viện, trường đại học, trường đào tạo nghề, trung cấp, thậm chí là các trường phổ thông. Tuy nhiên, hiện nay, cơ hội hợp tác chặt chẽ giữa ngành CNVH với các cơ sở đào tạo chưa hình thành. Các cơ sở đào tạo vẫn thực hiện đào tạo cái mà mình đang có, chưa có sự thay đổi về nội dung đào tạo gắn với việc phát triển CNVH. Các trường đại học, trung tâm nghệ thuật mặc dù có chương trình đào tạo đa dạng nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của việc phát triển CNVH. Người học vẫn chỉ tiếp nhận được một phần kiến thức liên quan đến CNVH mà thôi. Do đó, vẫn tồn tại tình trạng nhóm người biết sáng tạo tác phẩm nghệ thuật nhưng không biết sáng tạo ra sản phẩm văn hóa; nhóm người biết tạo ra các sản phẩm văn hóa nhưng không biết cách quảng bá, lưu thông sản phẩm trên thị trường; nhóm người biết kinh doanh sản phẩm lại chưa hiểu hết giá trị của nguồn lực văn hóa để phát huy...
Các cơ sở đào tạo chính quy về nghệ thuật truyền thống ngày càng khó tuyển sinh. Các nghệ nhân khó tìm được người truyền nghề, truyền lửa nghề. Do đó, rất cần có sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp khuyến khích người học chọn các lĩnh vực liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, kỹ thuật làm nghề truyền thống. Điều này có thể bao gồm các học bổng, ưu đãi thuế và các chính sách khác nhằm tạo động lực cho sự phát triển của nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Cần phát triển chương trình đào tạo liên ngành để kết hợp các kỹ năng từ nhiều lĩnh vực khác nhau, như kỹ thuật số, quản lý dự án, và tiếp thị, để người học có thể linh hoạt và đáp ứng được các thách thức đa dạng của ngành CNVH.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành CNVH Hà Nội đang có những thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là xu hướng chuyển đổi số. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành CNVH, bên cạnh những đặc trưng văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, có lối sống văn hóa, nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp văn hóa cần phải có trình độ, năng lực, có khả năng làm việc trong môi trường số, thích ứng với môi trường số. Họ phải sử dụng thành thạo các công nghệ số, có khả năng sáng tạo, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế hiệu quả. Đây cũng là một vấn đề lớn đặt ra cho việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho phát triển CNVH ở Thủ đô.
3. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa của Hà Nội
Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa của Hà Nội là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển CNVH Thủ đô theo hướng hiện đại, bền vững. Trên cơ sở đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu để phát huy những mặt tích cực, hạn chế những điểm yếu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hình thành nguồn nhân lực mạnh cho CNVH phát triển. Đồng thời, dự báo chính xác sự biến động của nguồn nhân lực quan trọng này trong lĩnh vực CNVH để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra những sản phẩm văn hóa có giá trị, hấp dẫn, thu hút được công chúng tiêu dùng trong và ngoài nước.
Trước tiên, cần thực hiện tốt các chủ trương, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội. Các chủ trương, kế hoạch này đã được thể hiện rõ trong: Kế hoạch số 46-KH/TU ngày 29-10-2021 của Thành ủy về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025; Quyết định số 5249/QĐ-UBND ngày 15-12-2021 của thành phố Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025; Quyết định số 1698/QĐ-UBND ngày 19-5-2022 của thành phố Hà Nội phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 213/KH-UBND ngày 8-8-2023 của thành phố Hà Nội về Triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030”. Từ đó xây dựng kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo từng quý, từng năm, từng giai đoạn.
Đối với đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có kiến thức kỹ năng hoạt động văn hóa, trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ cơ bản: tăng cường bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa; quản lý, sử dụng trang thiết bị và tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa; có kỹ năng tổ chức các loại hình lễ hội; kỹ năng quản lý các hoạt động dịch vụ văn hóa; kỹ năng thực hành và bảo tồn di sản văn hóa... Hằng năm, cán bộ văn hóa tập trung ngắn ngày để bồi dưỡng tập huấn cập nhật kiến thức thường xuyên phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện để kịp thời giải quyết những phát sinh trong đời sống thực tiễn. Tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ quản lý văn hóa Thủ đô có điều kiện giao lưu học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ công tác. Thành phố cần tạo điều kiện để cán bộ quản lý văn hóa được tiếp cận tham quan học tập kinh nghiệm thực tế từ các tỉnh/ thành phố tiêu biểu trong cả nước và kinh nghiệm từ các nước khác về phát triển CNVH. Các cán bộ chủ động tiếp cận, cập nhật kiến thức về khoa học công nghệ.
Trên bia Tiến sĩ đầu tiên của khoa thi Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ ba (1442) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thân Nhân Trung đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên sĩ quốc gia là công việc trước nhất” (7). Hà Nội tự hào là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của vùng địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài của đất nước, một “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, là “Thành phố vì hòa bình” và “Thành phố sáng tạo”, vì vậy, tăng cường đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực CNVH là chìa khóa để khơi thông nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng trong phát triển CNVH ở Thủ đô.
________________
1, 2, 3, 4. Sở VHTT Hà Nội, Đề án Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa của thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, 2023, tr.11-12.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.146.
6. Thành ủy Hà Nội, Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, 2020, tr.19.
7. Ngô Đức Thọ, Văn bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long, Nxb Hà Nội, 2010, tr.234.
PHẠM THỊ MỸ HOA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024