Xuất bản là một lĩnh vực quan trọng trong ngành Văn hóa và truyền thông, đóng vai trò quyết định việc truyền tải thông điệp, kiến thức và văn hóa cho cộng đồng. Tuy nhiên, với sự thay đổi của công nghệ và thị trường, cùng với sự gia tăng của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, sinh viên ngành Xuất bản đang đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội mới. Vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Xuất bản cũng gặp nhiều khó khăn.
1. Đặt vấn đề
Ngành Xuất bản đóng vai trò quan trọng trong đời sống hiện nay bởi sự vận động của nó trong việc chia sẻ thông tin, kiến thức và văn hóa đến cộng đồng. Đồng thời, nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa, văn chương và lịch sử. Các tác phẩm không chỉ giúp truyền đạt kiến thức mà còn thúc đẩy sự sáng tạo và tư duy của độc giả. Qua việc phát hành sách và tác phẩm văn học, ngành Xuất bản cống hiến vào sự phát triển của văn hóa và giáo dục trong xã hội. Ngành Xuất bản đã tạo ra cơ hội nghề nghiệp cho tác giả, biên tập viên, nhà xuất bản và các chuyên gia hay nhân viên kinh doanh trong lĩnh vực xuất bản.
Xã hội hiện đại đang trải qua những thay đổi nhanh chóng do sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ kéo theo sự thay đổi về văn hóa của các quốc gia trên thế giới. Sự thay đổi này tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành Xuất bản, nổi bật là sự thay đổi thói quen của người đọc và sự phát triển của công nghệ số trong ngành Xuất bản. Điều này tạo ra cả cơ hội và thách thức cho ngành. Để tồn tại và phát triển trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng, ngành Xuất bản cần phải linh hoạt, sáng tạo và thích ứng với xu thế mới, đồng thời đáp ứng những yêu cầu khắt khe của xã hội để duy trì và mở rộng vai trò quan trọng của mình trong đời sống hiện nay. Một trong những yếu tố không thể nào thay thế được, đó chính là nâng cao chất lượng nhân lực ngành Xuất bản để thích ứng với những sự thay đổi trên.
Nhận thức được tầm quan trọng về việc phát triển nguồn nhân lực trong tương lai, Bộ VHTTDL giao Vụ Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Ngày hội tuyên truyền Hướng nghiệp năm 2024 phục vụ tuyển sinh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật, Thể dục thể thao và Du lịch (1). Ngành Xuất bản cũng đóng một vai trò quan trọng về việc phát triển nhân lực trong sự phát triển văn hóa. Việc hướng nghiệp cho sinh viên ngành Xuất bản rất quan trọng bởi các lý do sau:
Thứ nhất, hoạt động hướng nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành. Sinh viên là nguồn lực trẻ và tài năng, đây cũng chính là đội ngũ kế cận để phát triển ngành trong tương lai. Vì vậy, việc định hướng đúng đắn về nghề nghiệp giúp sinh viên nhận biết và phát triển tốt nhất khả năng của bản thân trong ngành, giúp đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của sự phát triển. Ngoài ra, hướng nghiệp cho sinh viên cũng giúp sinh viên nhìn nhận thực tế ngành, từ đó thúc đẩy những ý tưởng sáng tạo và mang tính đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng của ngành hiện nay.
Thứ hai, việc hướng nghiệp cho sinh viên ngành Xuất bản giúp sinh viên có mục đích học tập và rèn luyện một cách rõ ràng. Định hướng nghề nghiệp không chỉ là chọn một nghề cho tương lai, mà còn là việc xác định từng bước cụ thể để phát triển những kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công việc trong tương lai. Sinh viên hiểu rõ về yêu cầu công việc trong tương lai sẽ giúp sinh viên có mục tiêu học tập và rèn luyện một cách rõ ràng hơn và chủ động thiết lập các kế hoạch để rèn luyện phát triển bản thân trong nghề nghiệp. Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên, nhất là các em năm thứ nhất vẫn loay hoay không biết mình sẽ làm gì trong tương lai. Từ đó, gây ra sự mất hứng thú và không thực sự cố gắng trong việc học tập và rèn luyện.
Thứ ba, việc hướng nghiệp là cơ hội giúp sinh viên xây dựng mạng lưới và cơ hội nghề nghiệp ngay khi còn đi học. Có thể thấy, hoạt động hướng nghiệp phổ biến của nhà trường từ cấp 3 tới đại học là tổ chức những sự kiện giao lưu với những cá nhân, doanh nghiệp có uy tín trong ngành. Qua những sự kiện này, sinh viên có cơ hội nhận được sự hướng dẫn từ những người đi trước thành công và dày dặn kinh nghiệm, mạnh dạn kết nối để tạo ra các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Bên cạnh đó, khi sinh viên đã xác định rõ ràng về ngành nghề của mình, các em có thể tự xây dựng mạng lưới bằng cách chủ động tham gia vào các hoạt động của ngành, từ đó mở rộng thêm các kết nối với những người mới và duy trì các kết nối này trong tương lai.
2. Thực trạng công tác hướng nghiệp cho sinh viên ngành Xuất bản
Hướng nghiệp: “là một quá trình phức tạp mà trong đó cá nhân khám phá các giá trị, sở thích và kỹ năng của mình để xác định và theo đuổi một lộ trình nghề nghiệp thích hợp” (2).
Hiện nay, ngành Xuất bản không chỉ giữ vững vai trò truyền thống mà còn hướng đến chuyển đổi số và phát triển bền vững. Sự phát triển của ngành Xuất bản Việt Nam không chỉ gắn liền với các kỹ thuật in truyền thống như khắc gỗ mà còn tiếp thu kỹ thuật in chữ rời từ Pháp, đưa ra thay đổi lớn từ chữ Hán, chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ. Ngành Xuất bản Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thích ứng với thời đại công nghệ số, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa và nâng cao dân trí.
Để hướng nghiệp cho sinh viên ngành Xuất bản đạt kết quả tốt hơn, năm 2023, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát trên 120 sinh viên đang theo học ngành Xuất bản tại Hà Nội và TP.HCM.
Lý do lựa chọn ngành Xuất bản
Biểu đồ 1: Lý do sinh viên lựa chọn ngành Xuất bản
Kết quả khảo sát cho thấy: lý do phổ biến nhất mà sinh viên lựa chọn ngành Xuất bản là do không còn sự lựa chọn nào khác với 87 sinh viên lựa chọn (72,5%). Theo Điều 13, Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh THPT có thể đăng ký nhiều nguyện vọng trong kỳ thi Quốc gia. Mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất. Khi đã xếp theo tứ tự ưu tiên, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể (3), sinh viên thường lựa chọn một ngành có mức điểm phù hợp với bản thân mà không tính tới sự phù hợp của bản thân với ngành, triển vọng ngành hay các yếu tố khác. Chính vì vậy, nhiều sinh viên lựa chọn ngành Xuất bản là nguyện vọng an toàn cuối cùng sau khi đã không trúng tuyển các nguyện vọng trước đó. Điều này có thể gây ra một số vấn đề lớn trong quá trình học tập của sinh viên, chẳng hạn: thiếu động lực học tập, tăng nguy cơ bỏ học hoặc chuyển ngành, ảnh hưởng tới uy tín và chất lượng của ngành, khó khăn trong tìm kiếm các việc làm trong tương lai vì không trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần có của ngành.
Tuy nhiên, việc mong muốn phát triển văn hóa đọc cũng được 51 sinh viên lựa chọn (42,5%). Điều này cũng cho thấy sinh viên đang dần dần hình thành trách nhiệm xã hội của cá nhân khi tham gia học tập tại ngành. Các trường đại học có thể sử dụng kết quả nghiên cứu này để đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc, nhằm thúc đẩy trách nhiệm của sinh viên ngành Xuất bản, đồng thời giúp sinh viên bắt đầu tìm hiểu những vấn đề về nghề nghiệp đầu tiên trong quá trình học tập.
Gia đình cũng có ảnh hưởng tới lựa chọn nghề nghiệp của sinh viên ngành Xuất bản với hơn 1/3 số lượng sinh viên tham gia khảo sát lựa chọn nghề nghiệp do ảnh hưởng của gia đình và người quen. Gia đình và người quen đóng vai trò hỗ trợ tích cực để sinh viên tự đưa ra sự lựa chọn của sinh viên với ngành học của mình. Gia đình có thể cung cấp thông tin nghề nghiệp, cơ hội về nghề nghiệp hoặc hỗ trợ về mặt tài chính. Tuy nhiên, nếu sự ảnh hưởng tiêu cực mang tính chất ép buộc sẽ tạo ta những áp lực cho con em mình. Tiến hành phỏng vấn các khách thể lựa chọn nghề nghiệp do ảnh hưởng từ gia đình, chúng tôi nhận được những lý do khiến gia đình gợi ý lựa chọn nghề cho con em như: bố mẹ làm công việc trong lĩnh vực xuất bản, tư vấn dựa trên điểm số, do nghe ngành này mới lạ… Như vậy, gia đình cũng hướng nghiệp cho con theo kinh nghiệm và thực tế điểm số, không cung cấp những thông tin cho thấy gia đình có nhiều hiểu biết về sự phù hợp giữa con cái và ngành học.
Nhận thức của sinh viên về ngành Xuất bản trong thị trường lao động
Mặc dù số liệu chỉ ra rằng, có rất nhiều các lý do khiến sinh viên lựa chọn chuyên ngành Xuất bản, tuy nhiên trong quá trình học tập, sinh viên chuyên ngành cũng đã có những hiểu biết nhất định về ngành học của mình trong thị trường lao động.
Nhận thức của sinh viên ngành Xuất bản về 5 khía cạnh chính của ngành: những hiểu biết về kiến thức và thái độ với nghề nghiệp được sinh viên tự đánh giá đạt ở mức độ trên 3 điểm (mức độ có hiểu biết khá tốt về những yêu cầu của ngành). Phân tích các điểm số cho thấy sinh viên có hiểu biết khá tốt về “kiến thức cơ bản của ngành” và “thái độ nghề nghiệp”, với các điểm số lần lượt là 3,3 và 3,1 trên thang điểm 5. Điều này cho thấy, một mức độ nhận thức tương đối vững vàng về những yêu cầu cơ bản của ngành. Tuy nhiên, điểm số thể hiện sự hiểu biết với những yêu cầu về “kỹ năng cần có của ngành” chỉ ở mức 2,8 đã cho thấy sự thiếu hụt trong nhận thức về các kỹ năng chuyên môn cần thiết, đòi hỏi sự cải thiện trong chương trình đào tạo và hướng nghiệp. Đáng chú ý hơn, điểm số cho “xu hướng công nghệ và thị trường” cũng như “thách thức và cơ hội của ngành” lần lượt chỉ là 2,6 và 2,1. Điểm số này phản ánh sự hiểu biết không đầy đủ về sự phát triển và những biến động trong ngành Xuất bản. Điều này nhấn mạnh nhu cầu mạnh mẽ cho các chương trình hướng nghiệp sâu rộng hơn, nơi sinh viên có thể được trang bị kiến thức cập nhật về các công nghệ mới và nhận thức rõ ràng hơn về những thách thức hiện tại mà ngành đang phải đối mặt.
Các hoạt động hướng nghiệp đã được tổ chức tại trường đại học
Nhà trường đã tổ chức những hoạt động hướng nghiệp, tuy nhiên, hình thức hướng nghiệp chưa thực sự đa dạng, sự hài lòng của sinh viên với các hoạt động hướng nghiệp chưa cao.
Để xem xét các hoạt động hướng nghiệp của sinh viên trong trường đại học, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn sâu và thu được những hoạt động được tổ chức phổ biến ở trường đại học có đào tạo về ngành Xuất bản. Trong đó có 5 hoạt động hướng nghiệp chính được triển khai thường niên tại các nhà trường: hội thảo về nghề nghiệp; chương trình gặp gỡ cựu sinh viên; tham quan doanh nghiệp; Tổ chức các cuộc thi liên quan tới nghề nghiệp; thực tế, thực hành tại doanh nghiệp.
Mức độ hài lòng của sinh viên ngành Xuất bản với hoạt động hướng nghiệp trong Nhà trường
Các sinh viên tham gia nghiên cứu có mức độ hài lòng chưa cao với các hoạt động hướng nghiệp này.
Bảng: Mức độ hài lòng của sinh viên ngành Xuất bản với hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường
Qua số liệu trên, có thể thấy, sinh viên hứng thú nhất với hoạt động tổ chức các hội thi liên quan tới nghề nghiệp. Có thể thấy các cuộc thi về “Đại sứ văn hóa đọc” thường niên và các cuộc thi do nhà trường tổ chức cũng đã thu hút được sinh viên và được các em nhận thức rõ được giá trị. Một hoạt động khác cũng được sinh viên hứng thú không kém là tham gia các hội thảo về nghề nghiệp. Đây là diễn đàn khoa học chính thống để sinh viên hình dung ra các vấn đề của ngành trong thực tế và hình dung tương lai của ngành. Hoạt động tham quan doanh nghiệp được ít sinh viên hài lòng nhất, có thể do chất lượng các doanh nghiệp chưa đáp ứng được các kỳ vọng của các em hoặc hoạt động tổ chức chưa thực sự hiệu quả.
3. Các biện pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động hướng nghiệp cho sinh viên ngành xuất bản tại trường đại học
Thứ nhất, tổ chức các hoạt động hướng nghiệp ngay từ năm thứ nhất cho sinh viên chuyên ngành Xuất bản
Nghiên cứu thực tế cho thấy lý do các em lựa chọn ngành Xuất bản hầu hết đều do không có sự lựa chọn nào khác, chính vì vậy việc chưa chuẩn bị kỹ lưỡng những hiểu biết về ngành học khiến sinh viên cảm thấy hoang mang và lo lắng trong quá trình học tập. Do vậy, nhà trường cần tổ chức đa dạng các hoạt động hướng nghiệp ngay từ năm thứ nhất cho sinh viên chuyên ngành Xuất bản.
Thứ hai, thành lập trung tâm hướng nghiệp chuyên nghiệp trong trường
Trường đại học cần thiết lập một trung tâm hướng nghiệp chuyên nghiệp, trung tâm này có chức năng hỗ trợ và tư vấn nghề nghiệp cá nhân. Các tư vấn viên có thể giúp sinh viên lập kế hoạch nghề nghiệp, chuẩn bị hồ sơ xin việc, và phát triển các kỹ năng phỏng vấn. Việc tổ chức các buổi tư vấn thường xuyên và phù hợp với từng sinh viên sẽ giúp các em tự tin hơn vào khả năng của mình và rõ ràng hơn về con đường sự nghiệp.
Thứ ba, tăng cường hợp tác với các nhà xuất bản và doanh nghiệp liên quan
Một trong những biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng hoạt động hướng nghiệp cho sinh viên ngành Xuất bản là tăng cường mối quan hệ hợp tác với các nhà xuất bản, công ty kinh doanh xuất bản phẩm, công ty truyền thông và doanh nghiệp liên quan tới ngành. Thông qua các mối quan hệ này, sinh viên được tham gia vào các dự án thực tế, thực tập, và tham gia vào các buổi tọa đàm, hội thảo, thuyết trình chuyên môn, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về nhu cầu thực tế của ngành và phát triển kiến thức, kỹ năng cần thiết, giúp sinh viên ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, đồng thời còn mở rộng cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Thứ tư, xây dựng các chương trình đào tạo về kỹ năng mềm
Ngành Xuất bản không chỉ yêu cầu kiến thức chuyên môn mà còn cần những kỹ năng mềm như: giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề… Nhà trường cần có kế hoạch tổ chức các khóa học hoặc workshop về kỹ năng mềm cho sinh viên. Các khóa học cần phù hợp với nhu cầu của ngành Xuất bản, đồng thời, kết hợp với các hoạt động thực tiễn, để sinh viên có thể áp dụng các kỹ năng đã học một cách hiệu quả. Trang bị đầy đủ kỹ năng mềm sẽ giúp sinh viên không chỉ tăng cường năng lực của bản thân, đồng thời rèn luyện sự tương tác với đồng nghiệp và khách hàng trong tương lai.
Thứ năm, đầu tư vào công nghệ và nguồn lực số hóa
Ngành Xuất bản đang trải qua sự chuyển mình mạnh mẽ với sự tham gia của công nghệ số. Nhà trường cần đầu tư vào công nghệ và cung cấp các nguồn lực số hóa, chẳng hạn: phần mềm biên tập và thiết kế, các nền tảng xuất bản điện tử và các tài nguyên học tập trực tuyến. Nhờ đó, sinh viên sẽ được trang bị những công cụ cần thiết để thích nghi với thị trường xuất bản hiện đại, đồng thời phát triển khả năng sáng tạo và đổi mới trong ngành của mình. Tích cực ứng dụng công nghệ trong đào tạo cũng sẽ mở rộng cơ hội cho sinh viên tiếp cận với các phương thức làm việc mới và tối ưu hóa quy trình làm việc trong tương lai.
Trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của xã hội và sự phát triển vượt bậc của công nghệ, việc hướng nghiệp cho sinh viên ngành Xuất bản tại các trường đại học trở nên vô cùng quan trọng. Qua việc tổ chức các hoạt động hướng nghiệp đa dạng như: thành lập trung tâm hướng nghiệp chuyên nghiệp, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và đầu tư vào công nghệ, sinh viên sẽ có cơ hội phát triển toàn diện về kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp giúp sinh viên tự tin hơn trong con đường sự nghiệp của mình mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động hiện đại.
__________________
1. T.T, Hướng nghiệp phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch, dangcongsan.vn, 18-3-2024.
2. Richard S. Sharf, Applying Career Development Theory to Counseling (Áp dụng lý thuyết phát triển nghề nghiệp vào Tư vấn), Brooks/Cole, Cengage Learning, 2013.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư số: 05/2017/TT-BGDĐT Ban hành quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, 25-1-2017.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Thị Phụng Hà, Định hướng giá trị nghề nghiệp của sinh viên Đại học Cần Thơ, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ, số 34, 2014, tr.113-125.
2. Vũ Tuấn Anh, Phát triển nghề nghiệp cho sinh viên tại trường đại học, giaoduc.net.vn, 27-12-2013.
3. Trần Thị Thu Nhung, Gia đình trong việc giáo dục hướng nghiệp cho trẻ vị thành niên ở Hà Nội hiện nay, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 470, tháng 8-2021.
Ths PHẠM HƯƠNG GIANG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024