Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Nhà trưng bày Hoàng Sa

Theo Quyết định số 08/QĐ-UBND ngày 8/8/2017 của UBND huyện Hoàng Sa, Nhà trưng bày Hoàng Sa chính thức khánh thành đi vào hoạt động ngày 28/3/2018. Công trình này được ví như con dấu chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tiếp nối quá trình đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo nói chung và đối với quần đảo Hoàng Sa nói riêng của đất nước Việt Nam.

Không gian mộc bản triều Nguyễn tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa

 

Sau 5 năm (2017- 2021) xây dựng và phát triển, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã có những thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Nhà trưng bày Hoàng Sa, Đà Nẵng

Việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là công việc được tiến hành thường xuyên. Ngày 27/9/2021, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 3072/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025”, đề ra những hoạt động cần thực hiện để việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được đảm bảo và kịp thời.

 

Nhà Trưng bày Hoàng Sa, Đà Nẵng

 

Theo đó, Nhà trưng bày có nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, song chủ yếu là bản sao và phục chế từ bản gốc. Tuy nhiên, vấn đề này không phải rào cản lớn để Nhà trưng bày chú trọng tổ chức bảo vệ và phát huy các giá trị di sản. Một số di sản văn hóa có thể kể đến như lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, di sản tư liệu thế giới Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn…

Đối với Di sản văn hóa phi vật thể Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, trên cơ sở các thông tin, tư liệu được sưu tầm và nghiên cứu từ thực địa tỉnh Quảng Ngãi, Nhà trưng bày Hoàng Sa phục chế những tư liệu, hiện vật trưng bày có liên quan.

Không gian Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Nhà trưng bày Hoàng Sa

 

Tại Lý Sơn, trước khi đội Hoàng Sa lên đường làm nhiệm vụ, có tục tế đình và làm lễ khao quân tế sống tiễn lính đội Hoàng Sa với mong muốn đội thuyền binh giả chịu mọi rủi ro để đội thuyền binh Hoàng Sa có niềm tin, ý chí hoàn thành tốt nhiệm vụ, sớm trở về với quê hương, gia đình. Ngày nay, khao lề thế lính Hoàng Sa là một nghi lễ lớn. Ngoài ý nghĩa nhân văn, lễ còn là dịp tưởng nhớ, cầu mong vong linh đội hùng binh năm xưa được siêu thoát và cầu an cho mọi người, nhất là những ngư dân vẫn ngày ngày ra khơi bám biển, giữ biển.

Với ý nghĩa đó, những tư liệu, hiện vật được Nhà trưng bày phục chế như hành trang đi Hoàng Sa gồm: tàu thuyền, 1 đôi chiếu, 7 chiếc nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài ghi tên tuổi, quê quán và một số dụng cụ sinh hoạt hằng ngày như chum sành, nồi đất, nồi đồng, trả đất, dao, dầu rái, … rồi cùng với những hình ảnh tổ chức nghi lễ ở các nhà thờ, tộc họ lớn trên đảo Lý Sơn. Đặc biệt, hình ảnh hình nhân thế mạng được thả trôi theo dòng nước với mong muốn cầu an cho đội hùng binh mang lại sự xúc động, xót xa cho người xem.

Tuy nhiên, nhìn chung số hiện vật được phục chế liên quan đến lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vẫn còn hạn chế. Các nghi thức tổ chức chủ yếu được mô phỏng qua các hình ảnh, tư liệu, chưa thật sự hấp dẫn và thu hút. Nguyên nhân có nhiều như: không gian Nhà trưng bày khá hẹp, không thể phục chế nhiều hiện vật. Để tăng tính sinh động tại không gian này, Nhà trưng bày cần nghiên cứu, sưu tầm những mô hình phù hợp với diện tích cũng như ý nghĩa của nghi lễ.

Năm 2019, Nhà trưng bày Hoàng Sa phối hợp Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng phục chế Di sản tư liệu thế giới Mộc bản  và bản dập Mộc bản ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa được trích từ các bộ sử: Đại Nam thực lục; Đại Nam nhất thống chí; Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ… có nội dung phản ánh nhiệm vụ thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Ngoài ra, có sự phối hợp những hình ảnh về quá trình tạo tác Mộc bản triều Nguyễn.

Có thể nói, Mộc bản triều Nguyễn đã góp phần phát huy giá trị tư liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam đối với công chúng. Đây được xem là tuyệt tác nghệ thuật có giá trị, được lưu giữ đến ngày nay.

Một Di sản tư liệu thế giới khác không thể không kể đến là Châu bản triều Nguyễn. Châu bản là một loại văn bản hành chính của vương triều Nguyễn (1802-1945), được trích từ kho tàng châu bản của triều Nguyễn, gồm 734 tập với hàng trăm ngàn văn bản gốc, hiện đang được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước thuộc Bộ Nội vụ). Nội dung phản ánh quá trình thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Châu bản là tư liệu gốc chứa đựng nhiều thông tin quý giá và có giá trị lớn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Tuy nhiên, tư liệu Châu bản triều Nguyễn là bản sao được trưng bày dàn trải chưa có điểm nhấn, tạo sự thu hút trong hoạt động phát huy tư liệu đối với công chúng.

 

Không gian Châu bản tại Nhà trưng bày Hoàng Sa

 

Như vậy, do Nhà trưng bày có tính chất chính trị đặc biệt nên không trưng bày hiện vật gốc, chủ yếu in ấn tư liệu qua các file mềm và một số hiện vật phục chế nhưng chúng ta phần nào hình dung được diện mạo của văn bản gốc, tăng khả năng cảm quan khi tiếp xúc trực tiếp. Đây là tiền đề để công tác phát huy giá trị tư liệu đạt hiệu quả.

Ngoài ra, Nhà trưng bày thường xuyên thực hiện bảo quản phòng ngừa và bảo quản trị liệu các hiện vật, tư liệu. Với công tác bảo quản phòng ngừa, Nhà trưng bày thực hiện vệ sinh hiện vật trưng bày và hiện vật được bảo quản trong kho định kỳ từ 1-2 buổi/tuần. Đã hình thành phương thức bảo quản chuyên biệt với từng chất liệu, hiện vật góp phần hiệu quả trong công tác bảo vệ các giá trị di sản văn hóa tại Nhà trưng bày. Các hiện vật giấy được bảo quản trong tủ sắt có nhiệt độ phù hợp, một số loại giấy khác có thể được bảo quản trong hộp giấy không đóng nắp tạo sự thông thoáng, tránh tình trạng tụ hơi nước, ẩm mốc. Việc đánh số kiểm kê hiện vật được tiến hành nhằm phát hiện những hiện vật có dấu hiệu hư hỏng và kịp thời có những biện pháp xử lý, khắc phục.

Công tác bảo quản trị liệu được thực hiện thường xuyên. Nhà trưng bày tiến hành xử lý, sữa chữa, khắc phục tình trạng rạn nứt, bong tróc, hư hỏng của hiện vật thuộc các chất liệu như đồ mộc (gỗ, tre, nứa), gốm, sứ, giấy, đồ dệt (vải, len, lụa) bằng các loại vật tư, hóa chất đặc thù, chuyên dụng giúp hiện vật giữ được hình dáng, màu sắc, kích thước ban đầu, kéo dài tuổi thọ.          

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cũng được đầu tư để đảm bảo công tác bảo quản, phát huy giá trị di sản đạt hiệu quả và có chất lượng. Nhà trưng bày đã mua sắm thiết bị điện tử bảo quản các tài liệu, hiện vật như máy bảo quản giấy, máy hút bụi, hút ẩm, chống thấm, chống mốc, …

Cùng với thời gian, Nhà trưng bày dần khẳng định vị thế là điểm du lịch thu hút khách tham quan trong và ngoài nước với sự ghi nhận của thành phố Đà Nẵng vào tháng 12 năm 2019. Cụ thể, tính đến ngày 31/10/2021, Nhà trưng bày thu hút 60.458 lượt khách với 1.061 đoàn. Qua hình thức này, Nhà trưng bày có thể giới thiệu, lan tỏa thông điệp từ những tư liệu, hiện vật có giá trị đến công chúng. Việc khai thác di sản văn hóa để phát triển du lịch tạo ra nhận thức, hành động của người dân là cách thức áp dụng khá hiệu quả tại Nhà trưng bày. Khi đó, bản thân mỗi người dân, cộng đồng sẽ hiểu phần nào về cách ứng xử phù hợp với di sản và tự suy nghĩ về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại địa phương. Tuy nhiên, sử dụng phương thức này để phát huy giá trị di sản không phải lúc nào cũng thuận lợi và đòi hỏi Nhà trưng bày phải đưa ra các cách thức phù hợp để công tác tuyên truyền với từng đối tượng thông qua các tư liệu, hiện vật có chất lượng.

Hằng năm, Nhà trưng bày  thường tổ chức hội thảo khoa học nghiên cứu giải pháp phát huy giá trị tư liệu đối với công chúng, đặc biệt là đối tượng học sinh. Sau buổi sinh hoạt, Nhà trưng bày tiếp thu các ý kiến đóng góp và cân nhắc đưa ra những giải pháp phù hợp với thực tế. Đối với học sinh, Nhà trưng bày xây dựng phương án giáo dục qua các hiện vật, tư liệu phù hợp với từng đối tượng cấp học.

Định kỳ 2 năm một lần, Nhà trưng bày lấy ý kiến và điều tra khảo sát đối tượng tham gia vào hoạt động tuyên truyền, giáo dục tại đây. Cách thức này có thể tìm ra những hạn chế, nhược điểm và phát huy lợi thế để công tác phát huy giá trị di sản đạt hiệu quả hơn.

Nhà trưng bày Hoàng Sa đã thiết lập một số trang thông tin, mạng xã hội như Website, Facebook, YouTube phục vụ hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây được xem là hình thức truyền tải và tiếp cận thông tin nhanh nhất đến công chúng. Website Nhà trưng bày đang được hoàn thiện để đi vào hoạt động. Đặc biệt, việc sử dụng bảo tàng ảo 3D phục vụ tham quan trực tuyến đã giúp công chúng tiếp cận không gian trưng bày mà không cần trực tiếp đến thực địa. Ngoài ra, Nhà trưng bày còn triển khai số hóa các tư liệu, hình ảnh và công trình khoa học về Hoàng Sa đăng tải lên Website phục vụ công tác nghiên cứu, học tập cho học sinh, các nhà nghiên cứu và công chúng được tiếp cận. Là đơn vị chuyên trách, Nhà trưng bày hướng đến một trung tâm dữ liệu về Hoàng Sa phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu cho mọi đối tượng.

Để công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả, việc đào tạo cán bộ chủ chốt cũng là vấn đề cần quan tâm. Theo đó, Nhà trưng bày tạo điều kiện cho các cán bộ sưu tầm - trưng bày, kiểm kê - bảo quản và truyền thông - giáo dục tham gia các khóa học bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Có thể nói, có nguồn nhân lực chất lượng, các hoạt động tổ chức mới đạt hiệu quả.

Giải pháp và kiến nghị hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa tại Nhà trưng bày Hoàng Sa

Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được triển khai thường xuyên và là nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trưng bày Hoàng Sa. Từ kết quả đạt được, xin đưa ra một số kiến nghị, giải pháp cụ thể như sau:

Hiện nay, Nhà trưng bày Hoàng Sa chưa phải đã có nhiều hiện vật trưng bày, trong khi việc nghiên cứu, sưu tầm phục chế hiện vật là rất cần thiết. Cần tổ chức các đoàn công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật và điều tra thực địa các địa phương trong cũng như ngoài nước để tìm kiếm những di sản văn hóa có giá trị, tạo không gian trưng bày mới mẻ, thu hút và đặc biệt làm mới bộ cơ sở dữ liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, nên khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức đóng góp kinh phí, tham gia đầu tư phục chế các tư liệu, hiện vật có giá trị. Chẳng hạn, một số ý tưởng hoàn toàn có thể áp dụng trong công tác phục chế tài liệu, hiện vật như với không gian Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Nhà trưng bày cần phục chế bổ sung một số hiện vật như mô hình đội hùng binh Hoàng Sa, hình nhân thế mạng và mô hình các đình làng, miếu thờ,… để thêm sinh động và thu hút. Đối với không gian Châu bản triều Nguyễn, có thể thay thế những tư liệu bản sao dàn trải ở toàn bộ không gian trưng bày bằng việc thiết kế các trang sách Châu bản khổ lớn và đặc sắc, gây sự cuấn hút với người xem. Ngoài ra, nên tiến hành mô hình hóa các loại thuyền được dùng để thám sát Hoàng Sa; phục chế các con dấu của thủy quân triều Nguyễn; các sắc, bằng, trát sức cho thủy quân triều Nguyễn… Nhà trưng bày cần tiếp cận và bổ sung nguồn tư liệu mới chưa được khai thác sâu rộng để đưa tư liệu trong dân gian đến gần hơn với đông đảo công chúng. Nếu thực hiện cách thức này, sẽ đưa du khách đến gần hơn với các giá trị di sản văn hóa tại chỗ.

Để công tác bảo quản tư liệu, hiện vật đạt hiệu quả thì không thể không học tập, nghiên cứu và cập nhật công nghệ khoa học về bảo quản. Phải nắm bắt, tìm hiểu sâu về Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan, học hỏi các bảo tàng đi trước về cách thức bảo quản có tính khoa học. Đặc biệt, ngoài việc sử dụng những dụng cụ chuyên dụng cần cập nhật máy móc, thiết bị có công nghệ hiện đại hỗ trợ công tác bảo quản hiện vật, tư liệu.

Đối với công tác phát huy giá trị di sản văn hóa, ngoài hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho công chúng qua các tư liệu, hiện vật, Nhà trưng bày cần đẩy mạnh việc tăng cường tổ chức hoạt động xúc tiến, phối hợp cùng các cấp, các ngành xây dựng nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa nhằm đưa giá trị di sản văn hóa về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đến với du khách trong và ngoài nước. Có thể tổ chức các triển lãm giới thiệu về di sản văn hóa như lễ khao lề thế lính Hoàng Sa; trưng bày Mộc bản triều Nguyễn và chuyển tải giá trị nghệ thuật đặc sắc tới công chúng. Năm 2020, Nhà trưng bày phối hợp Trung tâm Lưu trữ quốc gia dự kiến tổ chức triển lãm về Châu bản triều Nguyễn, tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 phức tạp buộc hoạt động phải tạm dừng. Đây được xem là một chương trình được đầu tư bài bản và tâm huyết của các đơn vị phối hợp nhằm phát huy giá trị tư liệu di sản thế giới Châu bản triều Nguyễn đối với công chúng. Ngoài ra, Nhà trưng bày có thể phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đưa việc học tập, tham quan, nghiên cứu tư liệu, hiện vật tại Nhà trưng bày vào chương trình giáo dục ngoại khóa hằng năm của các cấp học, trường học…

Bên cạnh đó, để phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, tìm hiểu thông tin của người dân địa phương và du khách, cần chuyển đổi số Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Hiện nay, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã thiết kế bảo tàng ảo 3D. Vận dụng công nghệ này có thể thực hiện chương trình 3D tour giới thiệu các tư liệu, hiện vật. Qua những câu chuyện hay, xúc động, hình ảnh rõ nét, đa chiều… du khách có thể tiếp cận các giá trị di sản một cách dễ dàng. Ngoài ra, Nhà trưng bày có thể số hóa các hiện vật 3D, thiết kế bộ sưu tập online sinh động, thu hút người xem. Việc xây dựng ngân hàng di sản văn hóa cũng rất cần thiết. Các bảo tàng, nhà trưng bày trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cần phối hợp định hướng xây dựng ngân hàng các di sản văn hóa tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng cần nghiên cứu, học tập, đặc biệt phát huy giá trị di sản với công chúng.

Vấn đề cấp bách và cần thiết là xây dựng, phát triển nguồn nhân lực có tính chuyên nghiệp, được trang bị và nắm vững những quy định của pháp luật về di sản văn hóa, phương pháp khoa học bảo tồn truyền thống và hiện đại. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa; hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố Đà Nẵng về di sản văn hóa.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ khao lề thế lính Hoàng Sa 

Thay lời kết luận

Trong thời gian qua, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Nhà trưng bày Hoàng Sa đã được quan tâm, với những kết quả đáng ghi nhận, ngày càng chuyển biến, khởi sắc theo thời gian. Bước đầu, Nhà trưng bày đã khai thác các giá trị văn hóa để phục vụ du lịch và phát huy tác dụng trong việc giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương cũng như tuyên truyền khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Với những kiến nghị và giải pháp trên, hy vọng công tác bảo vệ, pháp huy giá trị di sản văn hóa tại Nhà trưng bày sẽ đạt hiệu quả, ngày một chất lượng hơn.

 

LÊ HƯỜNG - TRẦN THỊ LÊ NA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021

 

;