Kiên Giang: Sau 20 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa

Qua gần 20 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa, Kiên Giang có trên 160 di tích đã được lập danh mục, với nhiều “địa chỉ” được trong và ngoài nước biết, đến như Đình Nguyễn Trung Trực, thương hiệu nước mắm Phú Quốc..., trong đó có 56 di tích đã được xếp hạng. Mỗi di tích đều mang giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc, của địa phương.

Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

 

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2001 (Luật số 28/2001/QH10), với 74 điều, được chia làm 7 chương, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2002- đây là đạo luật về di sản văn hóa (DSVH) đầu tiên trong lịch sử lập pháp của nước ta. Sau đó 8 năm, tại kỳ họp thứ 5 ngày 18/6/2009, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (Luật số 32/2009/QH12), đã sửa đổi 20 điều, bổ sung mới 5 khoản trong Điều 4, Điều 33 và Điều 36. Đến ngày 23/7/2013, Văn phòng Quốc hội ban hành văn bản hợp nhất Luật Di sản văn hóa số 10/VBHN-VPQH. Luật quy định về phạm vi áp dụng, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với DSVH, các quy định về bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) hoặc vật thể, các quy định về quản lý nhà nước về DSVH, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy định về DSVH… Việc luật hóa các quy định về bảo vệ DSVH ở Việt Nam là phù hợp với Công ước (1972) về bảo vệ DSVH và thiên nhiên thế giới của UNESCO, đã thúc đẩy việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVH trong nước.

Kiên Giang nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, trong vịnh Thái Lan, giáp biên giới với Campuchia trên đất liền và biển, là cửa ngõ hướng ra biển Tây của một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến một số nước trên thế giới… nên từ xa xưa, Kiên Giang là đầu mối giao thương thuận lợi bằng đường biển với nhiều quốc gia. Trải qua thăng trầm của lịch sử, 3 dân tộc chính Kinh, Khmer, Hoa đã cùng chung sống và tạo nên một nền văn hóa hòa quyện, mang đậm bản sắc dân tộc… Với điều kiện địa lý địa hình, tài nguyên thiên nhiên và lịch sử hình thành dân cư mang nét đặc trưng riêng, tạo nên một Kiên Giang đa dạng và đặc sắc về cảnh quan từ đồng bằng, rừng, núi, biển, đảo; có nhiều nghề truyền thống đặc sắc xuất phát từ yếu tố văn hóa tộc người và những di tích (DT) lịch sử, lễ hội văn hóa truyền thống đặc thù... Cùng với sự cần cù, chịu khó trong chinh phục, cải tạo thiên nhiên trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương đã tạo cho Kiên Giang một bề dày văn hóa lịch sử truyền thống, một kho tàng văn hóa dân gian, có phong cách sống và ứng xử quan hệ cộng đồng mang đặc trưng riêng. 

Thực hiện Luật Di sản văn hóa, tỉnh Kiên Giang đã đẩy mạnh hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về DSVH, tuyên truyền cán bộ và nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa và các quy định liên quan. Ngành chức năng và chính quyền địa phương đã phối hợp ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm, sai phạm trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DSVH tại địa phương. Từ năm 2002 đến nay, Kiên Giang kiểm kê có trên 160 di tích (DT) với các loại hình: DT kiến trúc nghệ thuật, DT lịch sử, DT danh lam thắng cảnh, DT khảo cổ. Theo Điều 4 và Điều 26 Luật Di sản văn hóa (2013), đến năm 2020, tỉnh có 56 DT được xếp hạng, gồm: 1 DT quốc gia đặc biệt, 22 DT cấp quốc gia và 33 DT cấp tỉnh, số còn lại đã được lập danh mục kiểm kê. Trong mỗi DT đều gắn liền với nhiều DSVHPVT mang giá trị văn hóa truyền thống lâu đời như: lễ hội, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, phong tục tập quán...

Về văn hóa vật thể, ngành Văn hóa đã tăng cường công tác khảo sát, kiểm kê, hoàn chỉnh thủ tục đề nghị cấp thẩm quyền xếp hạng DT; kịp thời bảo vệ, trùng tu, phục hồi DT, bảo vệ di vật, cổ vật. Gần 20 năm qua, tỉnh đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn: Trung ương, địa phương và nhân dân đóng góp với tổng kinh phí gần 130 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo 35 DT... Xác định đây là công việc thường xuyên, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục khảo sát, lập quy hoạch các DT mang tính cấp thiết trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, các DT có dấu hiệu xuống cấp để đầu tư,…

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT cũng rất được quan tâm. Đến năm 2019, ngành Văn hóa đã thống kê trên địa bàn tỉnh, gồm có: 37 loại hình lễ hội truyền thống, 86 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, 22 loại hình tập quán xã hội, 4 loại hình tiếng nói- chữ viết các dân tộc, 36 loại hình ngữ văn dân gian, 51 loại hình tri thức dân gian, 75 loại hình nghề thủ công truyền thống. Kết quả này có giá trị rất lớn trên các mặt văn hóa - xã hội, là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá, đóng góp vào kho tàng văn hóa, nghệ thuật Việt Nam.

Để các giá trị DSVHPVT được tiếp tục kế thừa thì công tác truyền dạy và phát huy cũng được chú trọng. Ngoài sự quan tâm thường xuyên của ngành Văn hóa, các cấp, các ngành, các nguồn lực xã hội cũng kịp thời hỗ trợ, nhất là trong các loại hình nghệ thuật truyền thống như Đờn ca tài tử, một số loại hình nghệ thuật Khmer, các lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian,... Tỉnh đã thực hiện tốt chính sách khuyến khích và tôn vinh nghệ nhân, định kỳ 2 lần/5 năm lập hồ sơ xét tặng các danh hiệu cho các cá nhân có đủ điều kiện theo quy định. Đến nay tỉnh có 5 nghệ nhân (trong đó có 2 nghệ nhân là người Khmer) được Chủ tịch nước công nhận là Nghệ nhân Ưu tú - đây cũng là nguồn động lực để các thế hệ nghệ nhân tiếp tục cống hiến, phát huy...

Hội thi Đờn ca tài tử - một trong những hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Kiên Giang

Ảnh: ST

 

Hiện nay, Kiên Giang xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành phải gắn việc phát triển du lịch với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH ở địa phương, vì ngoài giá trị về mặt giáo dục lịch sử - truyền thống cách mạng cho các thế hệ nói chung thì các DT đã được công nhận, xếp hạng và DSVHPVT là tiềm năng to lớn, lâu dài để cho ngành Du lịch nói riêng, nền kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh phát triển vững mạnh. Theo đó, trong thời gian tới, Kiên Giang sẽ tiếp tục phát huy, tăng cường thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị DSVH; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu các DSVH. Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH thông qua công tác đối ngoại, các cấp, các cơ quan chuyên môn thường xuyên phối hợp đẩy mạnh xúc tiến quảng bá văn hóa, du lịch; thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu văn hóa, nghệ thuật, trao đổi sách báo, phim ảnh, triển lãm, nghiên cứu, giới thiệu DSVH của Việt Nam với nước bạn Campuchia và khu vực. Hoạt động đó vừa có ý nghĩa góp phần quảng bá các giá trị DSVH của Việt Nam ra thế giới, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, bền vững.

 

TRẦN QUỐC GIANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 477, tháng 10-2021

 

;