Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số: Nghề dệt thổ cẩm của người Mông

Là một trong những dân tộc thiểu số có dân số đông nhất ở Việt Nam, người Mông sống chủ yếu trên những vùng núi có độ cao từ 1.000 m trở lên ở các tỉnh miền núi phía Bắc (Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng…), miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh Tây Nguyên. Với nền văn hóa lâu đời và nhiều bản sắc riêng, người Mông luôn là một phần trong sự thống nhất của khối đại đoàn kết dân tộc và góp phần làm phong phú văn hoá các dân tộc Việt Nam. Một trong những nét văn hóa làm nên bản sắc của người Mông chính là nghề dệt thổ cẩm trên vải lanh.

 Áo chàm truyền thống và một bộ trang phục cách điệu để bán cho khách du lịch - Ảnh: Ngô Hồng Vân

Biểu tượng văn hóa của người Mông 

Dựa trên màu sắc đặc điểm trang phục và ngôn ngữ, người Mông ở Việt Nam được chia thành 4 nhóm địa phương: Mông Trắng, Mông Đen, Mông Xanh và Mông Hoa. Phụ nữ người Mông Trắng thường mặc váy trắng, nhiều màu sắc trang trí trên ống tay, thân áo, ve áo phía sau có hình vuông to, trang trí các mô típ hoa văn hoặc hình dích dắc vuông, chữ nhật. 

Người Mông Đen thì mặc thiên về màu đen nhiều hơn, nam giới thường mặc quần đũng rộng, ống bó, áo ngắn ngang lưng. Nữ mặc áo ngắn hở bụng, chiếc thắt lưng thêu hoa văn khi đeo che kín phần bụng tạo điểm nhấn cho bộ trang phục, váy xoè hoa, khăn đội đầu được tết nhiều sợi bông quấn thành đụm to trên mái, điểm bởi sợi buộc màu đỏ. 

Trang phục người Mông Xanh làm từ chất liệu vải lanh nhuộm chàm đen chủ đạo, hoa văn nền với nhiều họa tiết thêu bằng chỉ trắng, tím, xanh độc đáo, khác biệt với các nhóm người Mông khác.

Các họa tiết hoa văn trên thổ cẩm của người Mông - Ảnh: Ngô Hồng Vân

Trang phục phụ nữ nhóm Mông Hoa rất độc đáo và cầu kì trong cắt ghép, trang trí. Áo của phụ nữ Mông Hoa xẻ nách, cổ cao, trên vai và ngực nẹp vải màu, thêu, in hoa hình xoắn ốc. Váy chủ yếu là gam màu đỏ, xanh đậm, nổi bật rực rỡ, ba đường thêu ngang thân váy từ trên xuống vừa để phân mảng màu cho thân váy, cũng đồng thời hàm chứa trong đó yếu tố lịch sử di cư trong quá khứ, biểu tượng của ba dòng sông mà người Mông phải vượt qua khi về miền đất mới.

 Như vậy, trang phục chính là điểm đầu tiên để phân biệt các nhóm người Mông và trang phục cũng cho thấy bản sắc văn hóa riêng của họ. Dù là nhóm người Mông nào thì trang phục truyền thống cũng đều làm từ chất liệu sợi lanh nhuộm chàm chủ đạo. Có thể nói, cây lanh mang tính biểu tượng văn hoá và có một vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào Mông từ ngàn đời nay, không thể thiếu vắng trong bất kỳ hoàn cảnh nào của đời người.

 Một ngày chớm thu tháng 8, nhân chuyến công tác tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), tôi được gặp chị Giàng Thị Mỵ 52 tuổi, quê ở Hà Giang, là người Mông trắng. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ chuyện trồng lanh dệt vải. Chị Mỵ bảo, vải lanh có một giá trị đặc biệt trong đời sống tinh thần của người Mông. Người Mông sống trên núi cao thường nói rằng: Ở đâu có cây lanh, ở đó có người Mông. Dệt vải lanh thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ và là một trong những tiêu chí đánh giá tài năng phẩm hạnh của người phụ nữ Mông. Ngay từ khi còn bé, chị cùng bạn bè trang lứa đã được bà và mẹ dạy cách trồng lanh, se lanh, dệt vải và thêu thổ cẩm. Chàng trai Mông khi đi hỏi vợ thường để ý xem người con gái có biết se lanh, dệt vải không, bởi đó mới là người khéo tay, chăm chỉ, chịu khó. Cầm miếng vải lanh trắng, chị Mỵ vừa thêu chiếc thắt lưng vừa ngân nga: “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu. Gái xinh chưa biết cầm kim là hưCuối nhà là nơi em dệt lanh, thêu váy. Đầu nhà là nơi anh thổi sáo, nhảy khèn”.

Chị Mỵ kể, ngày xưa khi đi lấy chồng, chị tự dệt và may hai bộ váy áo mới mang theo, một bộ để mặc khi về nhà chồng, một bộ để biếu mẹ chồng. Bây giờ, khi cưới vợ cho hai cậu con trai, chị cũng làm theo đúng tục lệ xưa: Lễ vật nhà trai mang sang nhà gái gồm 50 kg thịt lợn, 50 lít rượu cùng tiền mặt, vòng cổ vòng tay bằng bạc cho con dâu. Còn cô dâu mới mang về nhà chồng ba bộ váy lanh biếu bà nội, bà ngoại và mẹ chồng, một bộ vải lanh biếu bố chồng.

Đôi bàn tay khéo léo của chị Mỵ - người đã được học se lanh, dệt vải, thêu thùa từ khi còn nhỏ - Ảnh: Phạm Tuấn Minh

 Không chỉ là lễ vật không thể thiếu trong mỗi đám cưới, người Mông còn cho rằng vải lanh gắn kết giữa người sống và tổ tiên. Sợi lanh dẫn đường cho người chết trở về với tổ tiên và đầu thai trở lại làm người sống kiếp sau. Quần áo, giày, dép của người quá cố đều phải làm từ vải lanh, nếu không tổ tiên sẽ không nhận, “chỉ có mặc vải lanh, mình mới không bị lạc tổ tiên!”.

Ngoài mục đích chính lấy sợi dệt vải, cây lanh còn rất thông dụng trong đời sống hàng ngày của người Mông: lá cây lanh có thể làm thuốc, thức ăn cho gia súc và làm phân bón, sợi lanh là một trong những vật linh thiêng được sử dụng trong cưới xin, đám tang, cúng, giỗ... 

Độc đáo kỹ thuật dệt thổ cẩm của người Mông 

Chị Giàng Thị Mỵ kể, từ bé chị đã quen với việc phụ mẹ trồng lanh, dệt vải. Cứ sau Tết, vào khoảng tháng hai âm lịch, người Mông thường đi gieo hạt trồng lanh. Sau khi thu hoạch, cây lanh được phơi nắng 3 - 4 ngày và phơi sương hai đêm rồi mang về nhà, tước vỏ. Tiếp đó là giã lanh và nối sợi - đây là công đoạn được coi là vất vả và tốn nhiều công sức nhất. Sợi lanh đưa vào cối giã cho mềm suốt 4 - 5 ngày liền và nối lại với nhau. Khi tước phải giữ cho sợi lanh không bị đứt đoạn, hạn chế ít nhất các mối nối. Nối sợi đòi hỏi sự khéo léo, bền bỉ, kỹ thuật chính xác. Nối lanh đều, đẹp là các mối nối không bị lộ, các sợi đều nhau để khi lên vải, các thớ sợi mới đều, vải dệt mới phẳng, mịn. Sau khi nối, vỏ lanh được ngâm nước, se thành sợi. Để khỏi bị đứt, các cuộn sợi này được nhúng vào nước chừng 15 - 20 phút trước khi se cho mềm và tăng độ dẻo dai. Các sợi lanh mắc vào khung quay thành từng cuộn tròn và mang đi giặt. Khi đó lanh vẫn có màu nâu nhạt của vỏ, sợi lanh được cuộn thành từng con lớn rồi luộc cùng tro của cây gỗ trai để tẩy trắng. Sáp ong được bỏ thêm vào đun trong một ngày để tạo độ bền, đẹp cho sợi. Đến khi lanh mềm, trắng thì mang ép hết nước và phơi lên một chiếc dàn phơi rồi guồng chia sợi. Lúc này, những sợi lanh đã xoắn kết lại thành sợi dài và dai. Đến lúc này việc chế biến sợi nguyên liệu đã hoàn thành, sợi được đưa vào khung dệt. Sau khi dệt thành vải với khổ vải khoảng 40 - 45 cm, lanh được phơi trên phiến đá, dùng đá cuội đập cho vải mềm, bóng, mịn, sau đó thực hiện các công đoạn nhuộm màu, in hoa văn và chế tác trang phục. 

Chị Giàng Thị Mỵ ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Ảnh: Phạm Tuấn Minh

Người Mông dùng kỹ thuật vẽ sáp ong vô cùng độc đáo để tạo hoa văn cho vải. Chị Mỵ kể, sáp ong được đun trên bếp lửa cho nóng chảy, sau đó dùng bút vẽ có cán bằng gỗ, ngòi bằng đồng nhúng vào sáp nóng và vẽ lên vải. Chất “mực” đặc biệt này vẽ đến đâu khô đến đó, hoa văn ăn vào từng thớ vải. Việc vẽ sáp ong là nhằm ngăn màu chàm nhuốm vào vải, bởi khi nhuộm xong, vải được đem ngâm trong nước nóng, lúc này sáp ong sẽ chảy ra và để lộ những họa tiết hoa văn. Do tính chất cầu kỳ, đòi hỏi kỹ thuật cao nên quy trình này thường do người phụ nữ lớn tuổi, giàu kinh nghiệm đảm nhiệm.

Khi vẽ xong thì đem vải đã in sáp ong ngâm qua nước lã cho ngấm đều sau đó nhuộm chàm. Lá cây chàm già được rửa sạch, ngâm trong nước từ ba ngày đến một tuần rồi vò nát, sau đó bỏ vôi bột vào khuấy kỹ, để lắng xuống đáy thùng rồi gạn hết nước đi, phần bột sánh dưới đáy giữ lại chính là cao chàm. Để có được màu chàm đậm, không dễ bạc màu, vải lanh sẽ được nhuộm đi nhuộm lại ít nhất là 12 lần. Mỗi lần nhuộm, người ta cho vải vào ngâm, đun sôi trong nước tro khoảng 30 phút, đến khi vải đạt được màu và mềm như ý muốn mới thôi. Chu trình nhuộm này có thể kéo dài đến hàng tháng trời. Thường thì người Mông sẽ nhuộm chàm và phơi khô vào những ngày nhiều nắng.

Sau đó, những tấm vải sẽ được giặt tẩy sáp và tiếp tục được giặt đi giặt lại nhiều lần rồi mới lăn để tạo độ bóng mịn, bền, đẹp. Khi vải đã có màu sẫm đem nhúng vào nước sôi, sáp ong sẽ chảy ra để lại những hoa văn màu xanh lơ và chuyển sang công đoạn thêu theo hoa văn đã được in được làm thủ công và mất nhiều thời gian.

Hoa văn trên thổ cẩm của người Mông rất đa dạng, chủ yếu là các hoa văn hình học như khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi và những họa tiết cách điệu hình hoa cỏ, lá cây, muông thú. Các mẫu hoa văn được lưu giữ qua trí nhớ của người phụ nữ. Mỗi hoa văn mang một ý nghĩa riêng, phản ánh tập tục sinh hoạt, đời sống của người Mông. 

Ví như hoa văn hình tổ nhện gửi gắm ước muốn người mẹ che nắng, mưa cho người con, ao ước các con của mình lớn lên khỏe mạnh, có thể sống trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như con nhện. Hoa văn hình cối đá xay ngô thể hiện sự cần cù lao động, che chở bao dung, gìn giữ cho gia đình được ấm no.

Họa tiết cây dương xỉ trên bộ váy áo thổ cẩm mặc khi đi làm dâu có ý nghĩa cầu mong hạnh phúc của hai vợ chồng trường tồn, vượt qua mọi khó khăn như cây dương xỉ. Hoa văn quả trám với bốn hình xoắn ốc với ý nghĩa “mâm cơm” bao hàm tình đoàn kết trong một gia đình hoặc cộng đồng. Hoa văn này kết hợp giữa hoa văn mâm cơm với mô típ xoắn ốc trên bốn cạnh của hình quả trám và hoa văn mặt cồng với mặt trời chính tâm và bốn cột tỏa ra bốn hướng, thuộc nhóm bố cục đối xứng thường có trên thổ cẩm của người Mông. 

 Những bộ trang phục thổ cẩm cách điệu của người Mông bày bán cho khách du lịch ở Sapa - Nguồn: Internet

Người Mông còn hay thêu hình hoa bí trên cổ áo hoặc thắt lưng, hình khung dệt, hình hoa hồi, hình chim thú… những thứ vốn gắn bó mật thiết với đồng bào người Mông từ bao đời nay. Những họa tiết dân gian đó phản ánh trí tưởng tượng phong phú và ước mơ về cuộc sống no ấm, hạnh phúc, khát vọng vươn lên vượt khó để có cuộc sống tốt đẹp hơn của người Mông. 

Ngoài một số mẫu hoa văn đặc trưng của người Mông, mỗi địa phương lại có mẫu hoa văn riêng. Chỉ với bốn màu chủ đạo xanh - đỏ - trắng - vàng của chỉ tơ tằm mà tấm thổ cẩm tỏa ra muôn sắc màu. Những mẫu thêu, màu thêu, đường nét to nhỏ đều phải được tính toán tỉ mỉ chính xác sao cho khi hoàn thành, toàn bộ hoa văn trên vải săn mịn và đều đặn đến từng chi tiết. Đặc biệt, phụ nữ Mông có cách thêu rất khác thường, thêu từ mặt trái của tấm thổ cẩm.

Từ tấm vải lanh, đôi bàn tay khéo léo, tinh xảo của người phụ nữ Mông đã tạo nên những bộ trang phục phù hợp với từng mục đích sử dụng khác nhau. Trang phục truyền thống của người Mông được chia ra thành hai loại: Trang phục dùng trong cuộc sống lao động hằng ngày và trang phục dùng trong các ngày đặc biệt như: lễ, Tết, đám cưới, đám ma… 

 Với đặc điểm là đẹp, thoáng, ấm, bền, không bám bụi; phù hợp với đặc điểm địa hình núi đá, đèo đốc, khí hậu vùng cao rất lạnh, công việc làm nương rẫy, ra nhiều mồ hôi… nên vải lanh rất được người Mông ưa chuộng. 

 Chị Giàng Thị Mỵ kể rằng, trước đây người Mông thường tự se lanh, dệt vải để may trang phục. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại vải chất liệu tốt, giá thành rẻ, nên bà con mua vải sẵn về may trang phục truyền thống sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng việc se lanh, dệt vải vẫn được phụ nữ Mông duy trì để may các bộ trang phục dùng trong dịp lễ, Tết, các nghi lễ quan trọng, lễ hội truyền thống của dân tộc. Hơn nữa, với lòng tự hào và tự tôn dân tộc rất cao nên những bộ trang phục bằng lanh là những thứ không thể thiếu trong mỗi nghi lễ, tập tục của các gia đình người Mông.

Công đoạn phơi lanh của người Mông - Nguồn: Internet

Chị Mỵ cho biết, trước đây, các sản phẩm thổ cẩm của người Mông hầu như chỉ phục vụ nhu cầu bản thân và gia đình, làm của hồi môn cho con gái khi lấy chồng. Ngày nay, với bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông, những sản phẩm từ thổ cẩm như váy, áo, trang phục cách điệu, khăn quàng, ví, túi đeo điện thoại, ba lô, những chiếc móc chìa khóa xinh xắn đã trở thành hàng hóa được rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ưa chuộng. Việc này đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho rất nhiều phụ nữ người Mông.

Nhằm lưu giữ nghề dệt cho thế hệ mai sau, chị Mỵ mong muốn thời gian tới, nghề dệt thổ cẩm của người Mông vẫn được duy trì và phát triển để gìn giữ bản sắc văn hóa, mang lại thu nhập ổn định, gắn liền với các sản phẩm phục vụ du lịch trên địa bàn. Chị cũng mong muốn học thêm được nhiều kiến thức để cải tiến mẫu mã, mang sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng, góp phần đưa thổ cẩm của người Mông không chỉ là món hàng hóa tiện dụng và phổ biến mà còn trở thành một sản phẩm văn hóa đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc.

NGÔ HỒNG VÂN 

Nguồn: Tạp chí VHNT số 544, tháng 8-2023

;