Đề án Huế - Kinh đô Áo dài: Bảo tồn và phát triển Áo dài trong bối cảnh hiện nay

Thời trang Áo dài biểu diễn bên sông Hương - Ảnh: Phillip Pham

Trong Đề án Huế - Kinh đô Áo dài do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt, ngày 29/3/2023 có nhiều nội dung đề ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như: Nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu Áo dài Huế; Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá; Xây dựng các chương trình, hoạt động, video, clip quảng bá, truyền thông về Áo dài Huế: Tổ chức Tuần lễ Áo dài Huế định kỳ hàng năm, trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Huế; Tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô Áo dài”; Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để ngành may đo Áo dài Huế phát triển; Hình thành Bảo tàng, Trung tâm trưng bày, may đo, đào tạo và trình diễn thời trang Áo dài; Xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Hình thành các tour du lịch, sản phẩm du lịch gắn với Áo dài Huế; Phát động, khuyến khích và nhân rộng phong trào mặc Áo dài trong cộng đồng. Với vai trò là những người nghiên cứu thực nghiệm, chúng tôi đề xuất một số ý kiến nhỏ, hy vọng bảo tồn và phát triển Áo dài trong bối cảnh triển khai Đề án Huế - Kinh đô Áo dài được hiệu quả hơn.

Nguyên liệu và đội ngũ nghệ nhân may Áo dài truyền thống 

Hình thành được đội ngũ nghệ nhân có tay nghề cao là một thách thức lớn không chỉ ở Huế, mà với cả nghề may Áo dài ở các địa phương khác của nước ta. Để bảo tồn nghề may, phát triển nghề may Áo dài truyền thống, tỉnh Thừa Thiên Huế cần điều tra, khảo sát, nghiên cứu, chọn lựa các nghệ nhân có tay nghề cao, nắm bắt kỹ thuật may tốt, sau đó có cơ chế chính sách để các nghệ nhân truyền dạy nghề cho thế hệ kế cận (nghề may và kỹ thuật may Áo ngũ thân truyền thống chứ không phải Áo dài hiện đại). Còn việc phát triển, cách tân Áo dài là thuộc phạm vi, lĩnh vực của các nhà thiết kế, những người làm công việc sáng tạo.

Cũng giống với vấn đề nghệ nhân/nguồn nhân lực may, nguyên vật liệu phục vụ may Áo ngũ thân là một vấn đề hết sức khó khăn. Hiện nay, nguồn nguyên vật liệu để phù hợp may Áo dài nói chung và Áo ngũ thân nói riêng chủ yếu là nhập khẩu, nguồn trong nước ít, chất lượng chưa đảm bảo và giá thành rất cao. Chính điều này đã làm cho giá thành sản phẩm cao, Áo ngũ thân khó đáp ứng được nhu cầu của người mặc, đặc biệt là giới trẻ (học sinh, sinh viên).

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT TT Huế và GS, TS. Rui Oliveira Lopes trong trang phục Áo dài ngũ thân, tham dự Hội thảo khoa học quốc tế "Kết nối với Việt Nam" lần thứ 14, tại Huế - Ảnh: Phillip Pham

Để tháo gỡ vấn đề này, ngoài các doanh nghiệp may mặc lớn, thì các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế cần có biện pháp thúc đẩy hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp (cả Nhà nước và tư nhân) nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm vải, nguyên liệu phù hợp, đảm bảo cung cấp cho ngành may Áo dài và Áo ngũ thân truyền thống.

Ví dụ với nghề dệt: Hiện nay, nhiều xưởng dệt trong cả nước đang hoạt động, nhưng không phải loại vải sẵn có của họ đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật để may Áo ngũ thân, hoặc Áo dài đẹp. Có những xưởng dệt, nghệ nhân nắm bắt được quy trình, loại vải đáp ứng may (không nhiều), nhưng giá thành lại cao. Tháo gỡ vấn đề này, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong công tác nghiên cứu, đầu tư ban đầu cho ngành dệt nói riêng và nguyên phụ liệu nói chung, nhằm bảo tồn và phát triển bền vững, tránh phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ ngoài nước. Tạo ra những loại vải, nguyên phụ liệu mang đặc trưng của Huế.

Hiện nay, Áo dài hiện đại của phụ nữ phần lớn đang sử dụng nguyên liệu ngoại nhập, nhiều chất liệu không phù hợp với khí hậu, chính vì vậy tính ứng dụng của loại trang phục này cũng bị hạn chế, khó mặc thường xuyên. Nếu chúng ta đầu tư nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm phù hợp khí hậu, thuận tiện xử lý kỹ thuật may Áo dài, giúp giá thành sản phẩm hạ và tạo việc làm cho nhiều người lao động, nhiều người sẽ có cơ hội tiếp cận Áo dài đẹp.

Ban hành tiêu chuẩn cho Áo ngũ thân truyền thống 

Như chúng ta đã biết, trong một thời gian dài, từ nửa đầu thế kỷ 20, do biến thiên của lịch sử, việc may, mặc Áo ngũ thân đã bị mai một, nên nó đã mất đi hình dạng ban đầu và trở thành tên chung là Áo dài.

Áo dài là sản phẩm hiện đại, không còn giữ được những chuẩn mực ban đầu và có nhiều kiểu dáng khác nhau, chỉ còn giữ lại được 2 tà áo. Mỗi một lần có những vấn đề liên quan tới cách may, mặc, sử dụng Áo dài hiện đại thì sự tranh luận của xã hội khó đến hồi kết. Nhiều nhà thiết kế khẳng định trên truyền thông rằng họ thiết kế Áo dài truyền thống, nhưng hình dáng áo của họ lại thêm thắt, khác xa với chiếc áo ngũ thân truyền thống.

Sự lẫn lộn áo truyền thống và áo hiện đại đã khiến xã hội phải đau đầu nhận dạng, khách quốc tế phải dè chừng, không hiểu đâu là Áo dài của Việt Nam. Chính vì lý do trên, các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế cần ban hành bộ nhận diện Áo ngũ thân truyền thống Huế, để từ đó các nhà may, nhà thiết kế bám sát, cách tân sáng tạo trên những hình mẫu chuẩn mực. 

Áo dài và nhan sắc vượt thời gian - Ảnh: Phillip Pham

Thời gian qua, ngành Văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực quảng bá giá trị của Áo dài ngũ thân truyền thống thời Nguyễn, điều này tác động tích cực tới các du khách đến với Huế. Dịch vụ cho thuê trang phục Áo ngũ thân, có người còn gọi là cổ phục, nở rộ. Đây là tín hiệu hết sức tích cực, phản ánh hiệu quả của Đề án Huế - Kinh đô Áo dài. Không những tạo công ăn việc làm cho nhiều người, còn tạo ra một sản phẩm phục vụ du lịch hết sức độc đáo, giúp quảng bá hình ảnh Huế và Việt Nam rộng rãi.

Nhưng đáng buồn thay, chúng ta dễ dàng thấy những hình ảnh du khách mặc luộm thuộm, áo trong dài hơn áo ngoài, nam mặc lẫn đồ của nữ, nữ mặc đồ của nam, vạt áo dài đến mắt cá chân, khăn đóng nam chụp lên đầu méo mó, nhiều bộ xanh đỏ, tím vàng hoa cả mắt, có nhiều chị em chụp khăn lên đầu lụp xụp, khuôn mặt rũ rượi… Đây là những hình ảnh đáng buồn cho những người yêu Áo dài truyền thống.

Vì vậy, nhằm đảm bảo thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài, các cơ quan quản lý cần có những hoạt động tuyên truyền, tập huấn, quảng bá cho những người làm nghề và hoạt động dịch vụ du lịch cũng như hoạt động dịch vụ may, cho thuê Áo dài. Để họ hiểu hơn ý nghĩa, thẩm mỹ của Áo dài, của tà Áo ngũ thân để cùng đồng hành và góp sức quảng bá. 

Thi thiết kế, cách tân Áo ngũ thân 

Nhằm phát huy các giá trị Áo ngũ thân, song song với công tác bảo tồn nghề may, cách sử dụng, tỉnh Thừa Thiên Huế cần thường xuyên tổ chức các cuộc thi thiết kế Áo dài hiện đại.

Cuộc thi này không nhằm mục tiêu phá bỏ cái cũ để thiết lập kiểu dáng trang phục mới, mà tìm ra những nghệ nhân - nhà thiết kế có những phương án tiếp thu tinh hoa của Áo dài truyền thống, bồi đắp thêm cho chiếc Áo dài trở nên đặc sắc, mang lại giá trị thẩm mỹ, văn hóa mới. Đồng thời, khắc phục được những nhược điểm mà trang phục cũ còn hạn chế, đặc biệt là giải pháp ứng dụng Áo dài truyền thống trong đời sống đương thời, phù hợp với khí hậu và con người hiện nay.

Phụ nữ Huế trong trang phục Áo dài ngũ thân.- Ảnh: Phillip Pham

Áo ngũ thân truyền thống và Áo dài hiện đại có một đặc điểm khá thú vị đối với các nghệ nhân, nhà thiết kế, đó là dễ sử dụng các kỹ thuật in, vẽ, thêu, đính… để bộ trang phục trở nên mới mẻ và sinh động. Đặc biệt, Áo dài là mảnh đất màu mỡ cho các nhà thiết kế, sáng tạo thành những tác phẩm nghệ thuật trên sàn diễn thời trang và sân khấu.

Chính vì lẽ đó, những hoạt động thời trang gắn với Áo dài là mảng nghệ thuật thị giác đặc trưng của Việt Nam. Tại Huế, cần thường xuyên tổ chức các không gian, sự kiện gắn với thiết kế sáng tạo Áo dài mang các chủ đề khác nhau. Hoạt động này không chỉ thu hút các họa sĩ, nhà thiết kế thời trang trong nước, mà cần tìm cách thu hút các nhà thiết kế chuyên nghiệp của nước ngoài cùng tham gia.

Không chỉ dừng lại ở các nghệ sĩ chuyên nghiệp, các không gian sáng tạo Áo dài cần tạo điều kiện để du khách cùng tham gia trải nghiệm, tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của Huế - Kinh đô Áo dài.

NGUYỄN ĐỨC BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 544, tháng 8-2023

;