Mở rộng trường đề tài

Phim truyền hình Việt đang ở trong giai đoạn bùng nổ với lượng quảng cáo tăng vọt. Sự đón nhận của khán giả cũng minh chứng cho sức hút của phim Việt thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm nhiều dạng đề tài, dòng phim khác nhau nếu muốn níu chân khán giả.

 Cảnh phim Cuộc đời vẫn đẹp sao

Nhìn vào hàng loạt bộ phim lên sóng gần đây có thể thấy sự phát triển của phim truyền hình Việt gắn liền với những tác phẩm mang đề tài gia đình. Ngoài một số phim Việt hóa xoay quanh loạt vấn đề trong cuộc sống gia đình vẫn luôn thu hút khán giả nhờ sự gần gũi, thân thuộc thì nhiều phim nội hiện nay cũng đi sâu khai thác mảng đề tài này. Điểm mạnh của mảng đề tài này cũng không kén chọn đối tượng khán giả bởi ở bất cứ độ tuổi, ngành nghề nào, họ cũng dễ dàng tiếp nhận.

Từ Thương ngày nắng về, Cuộc đời vẫn đẹp sao đến Gia đình mình vui bất thình lình, Món quà của cha… có thể thấy, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa vẫn là đề tài có sức sống mãnh liệt. Trong tương lai, đề tài này vẫn có thể được phát triển nhờ những câu chuyện gia đình được khai thác ở những khía cạnh khác nhau.

Tuy có nhiều lợi thế và nhiều phim hay về mảng đề tài gia đình nhưng về lâu dài phim truyền hình Việt vẫn cần có những kịch bản mang chủ đề mới lạ, phản ánh toàn diện những vấn đề của cuộc sống. Điều này là cần thiết khi nhìn sang thị trường phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc… Họ sở hữu một kho tàng những bộ phim với nhiều mảng đề tài, chủ đề hấp dẫn.

Cảnh phim Mặt nạ gương

 Có thể kể tên một số mảng đề tài được thể hiện trong phim như Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo - bộ phim về đề tài luật pháp Hàn Quốc, Hospital Playlist (Chuyện đời bác sĩ), Penthouse (Cuộc chiến thượng lưu) xoay quanh cuộc chiến quyền lực của giới thượng lưu, The Glory (Vinh quang trong thù hận) phản ánh vấn đề bạo lực học đường gây nhức nhối, Our Beloved Summer (Mùa hè dấu yêu của chúng ta) được yêu thích nhờ những thước phim thanh xuân vườn trường… Khai thác nhiều chủ đề khác nhau nhưng yếu tố gia đình vẫn được lồng ghép khéo léo trong các bộ phim này. Tất cả nhằm mang đến những thông điệp nhân văn về giá trị của gia đình đối với mỗi con người khi không chỉ cuốn hút khán giả mà còn gợi lên trong họ nhiều suy ngẫm.

Giờ đây, “món ăn tinh thần” của khán giả đã được đầu tư chỉn chu, “chế biến” kỹ lưỡng hơn từ khâu kịch bản cho đến dàn diễn viên thực lực. Tuy nhiên, để “món ăn” này ngày càng đa dạng với nhiều hương vị khác nhau, phim truyền hình Việt cần có những kịch bản khai thác đa dạng các chủ đề xoay quanh trong cuộc sống.

Ngoài chủ đề gia đình, các bộ phim về đề tài nông thôn, cuộc sống sinh viên, thanh xuân tươi đẹp hay hình sự, lịch sử… hoàn toàn có khả năng nhận được sự đón nhận của khán giả. Chúng ta đã từng có Phía trước là bầu trời, Hoa cỏ may, Cảnh sát hình sự, Ma làng, Khi đàn chim trở về… Dù khai thác chủ đề nào nhưng sự gần gũi, chân thực sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp níu khán giả xem phim.

Cảnh phim Phố trong làng

NSND Hoàng Cúc chia sẻ: “Không thể phủ nhận, phim truyền hình Việt Nam về đề tài gia đình những năm gần đây thu hút đông đảo người xem nhờ nội dung gần gũi, sâu sắc mà không kém phần kịch tính. Tuy nhiên, phim ảnh cũng như món ăn. Nếu ăn mãi một món, cho dù có thích đến đâu rồi có lúc cũng sẽ thấy chán”.

Nhà văn, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho hay, nhiều biên kịch, trong đó đa số là biên kịch trẻ của phim truyền hình Việt ngày nay không đủ kiến thức nền để cảm nhận và giải đáp các vấn đề xã hội... Do vậy, họ chọn hiện thực quen thuộc để khai thác. Mà cứ khai thác cái gì quá nhiều, lại có tầm nhìn hẹp thì chuyện nhàm, mòn là dễ hiểu. Các đề tài lớn như lịch sử, chiến tranh, những đề tài đòi hỏi có hiểu biết chuyên môn sâu hay dựa trên các tác phẩm văn học đã được khẳng định trên văn đàn dường như đang quá sức với họ.

Trước đây, các kịch bản có đề tài khó hoặc chuyển thể từ văn học, sân khấu đều do các biên kịch gạo cội, có tuổi đời và tuổi nghề thực hiện. Ngày nay, các biên kịch già hoặc không được mời, hoặc nếu được mời thì nhuận bút quá thấp, không đủ kêu gọi sự nhiệt tình của họ. Với độ dài cùng áp lực vừa quay vừa viết thì lực lượng chủ đạo hiện nay là các cây viết trẻ. Do đó, để thay đổi đề tài đối với phim truyền hình Việt nhiều tập là rất khó. Với hàng nghìn trang viết cho mỗi kịch phim dài tập sẽ đòi hỏi sức lao động cực nhọc và bền bỉ. Vì vậy, các biên kịch trẻ sẽ vẫn là lực lượng chính, và chất lượng nội dung đương nhiên thể hiện đúng năng lực của biên kịch. Việc viết kịch bản phim truyền hình nhiều tập thực chất là viết một trường thiên tiểu thuyết xã hội. Không có nội lực, vốn hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực thì rất khó lấn sân sang các mảng khác được.

Phim Gia đình mình vui bất thình lình

Có thể thấy về lâu dài, lớp biên kịch cần được làm nghệ thuật trong môi trường chuyên nghiệp. Và khi ngành công nghiệp giải trí là một ngành quan trọng, các tác phẩm của họ cần được đầu tư xứng đáng. Với người viết, điều quan trọng là biết cân đối cảm xúc, biết cắt gọt khi trong đầu mình là muôn vàn tình tiết hay, nhưng lại phải cân đong đo đếm xem liệu viết thế thì đoàn phim sẽ tìm đâu ra bối cảnh, mượn thế nào cho được đủ đạo cụ nếu kịch bản viết về thời đã qua, đã xa.

Trong điều kiện sản xuất phim của Việt Nam còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh phí, chưa có được sự đồng bộ nên có những thứ biên kịch muốn nhưng không thể đưa hết vào kịch bản nếu muốn bộ phim được nhanh chóng đưa vào sản xuất.

Trong lĩnh vực sản xuất phim, nếu phim điện ảnh cần một đạo diễn xuất sắc để có phim xuất sắc thì phim truyền hình ngược lại, cần có biên kịch xuất sắc để bộ phim có thể thành công. Nhiều ý kiến khẳng định vai trò của biên kịch trong phim truyền hình dài tập đảm bảo đến 80% chất lượng nội dung của phim. Bởi nó cần có sự quản trị nội dung thấu suốt và bản lĩnh sáng tác vững vàng của người biên kịch.

Phim Đấu trí

Với độ dài khá đặc thù của phim truyền hình dài tập, người đạo diễn khó có thể quán xuyến tuyệt đối với nội dung phim. Nhất là trong điều kiện biên kịch vừa viết đạo diễn vừa quay đuổi để đảm bảo sức nóng như việc sản xuất cuốn chiếu hiện nay. Trong bối cảnh đó, các “biên kịch vàng” khó có thể xuất hiện nếu những người viết xuống sức, không kịp nạp tri thức, kiến văn sâu rộng cho mình. Vì vậy, “kịch bản vàng” cũng rất khó xuất hiện. Một vấn đề quan trọng nữa là do kinh phí hạn hẹp nên nhiều êkip chủ trương khai thác câu chuyện về đề tài đô thị, gia đình đương đại mà luôn ngần ngại trước những gợi ý đề tài khó hơn như lịch sử, văn hóa dân tộc, nông thôn, miền núi... 

Với việc phủ sóng trên các kênh phim hiện nay, việc cần thiết là phải có tầm nhìn rộng mở với các loại đề tài phong phú từ hành động, trinh thám, tình cảm, hài hước… để có thể đổi món cho khán giả. Dòng phim cổ trang, khai thác các đề tài lịch sử, các triều đại đã qua cũng cần được nghiên cứu để làm phong phú cho phim Việt cũng như tạo ra nhiều mầu sắc hơn cho phim truyền hình. Để có bước chuyển đó, cần có những cây viết xông xáo, khai mở cũng như sự đầu tư tích cực của các đài. Một yếu tố nữa là cần có sự tham gia của nhiều độ tuổi vào lĩnh vực này khi mà nhiệt huyết, sự dẻo dai của người trẻ cộng với vốn kiến thức, sự trải nghiệm của người có tuổi sẽ có thể cho ra những bộ phim dài hơi và sâu sắc.

HOA NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 544, tháng 8-2023

;