Bảo tồn di sản văn hóa trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020

     Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Chính phủ xác định rõ, việc xây dựng chiến lược là nhằm “cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, xác lập rõ những mục tiêu và các giải pháp chủ yếu; là cơ sở hoạch định quy hoạch, kế hoạch để từng bước thực hiện việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (1). Như vậy, chiến lược hướng tới việc giải quyết một cách đồng bộ 3 vấn đề cơ bản là: Các mục tiêu cụ thể cần đạt được; xác định phương thức để đạt mục tiêu; định hướng phân bổ nguồn lực để đạt mục tiêu lựa chọn (2). Tuy nhiên, chiến lược không thể bao quát tất các lĩnh vực liên quan tới văn hóa mà cần ưu tiên cho những lĩnh vực then chốt như: tư tưởng, đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa; di săn văn hóa; văn học, nghệ thuật; giao lưu văn hóa với thế giới; thể chế và thiết chế văn hóa.

     Từ 5 lĩnh vực then chốt nêu trên, có thể thấy bảo tồn di sản văn hóa đã trở thành một trong những thành tố quan trọng của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 với các mục tiêu cụ thể sau: bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, khuyến khích mọi hoạt động sáng tạo của toàn xã hội; bảo đảm sự bình đẳng cho các cộng đồng dân tộc và mọi công dân có quyền tiếp cận và hưởng thụ giá trị di sản văn hóa; bảo tồn di sản văn hóa là nhằm phục vụ con người, phục vụ phát triển.

     Có thể khẳng định, thành tựu lớn nhất mà chúng ta đã đạt được qua 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa, đó chính là việc thay đổi nhận thức của toàn xã hội về vai trò của văn hóa trong phát triển. Trong hoạch định cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta quan tâm nhiều hơn tới văn hóa, xác định toàn diện hơn mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và kinh tế, giữa văn hóa với con người và bản lĩnh của con người cũng như bản sắc văn hóa dân tộc. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội; là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (3).

     Trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, chúng ta cũng chứng minh được khả năng đóng góp to lớn của các giá trị văn hóa cho phát triển kinh tế - xã hội ở các mặt sau: góp phần xây dựng môi trường xã hội ở Việt Nam lành mạnh (an toàn và có văn hóa) - yếu tố quan trọng hàng đầu cho phát triển bền vững; thực hiện chức năng giáo dục nhân cách, đáp ứng yêu cầu xây dựng và vun đắp tư tưởng, đạo đức, lối sống nhân văn và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo tồn di sản văn hóa đã cung cấp cho xã hội những thông tin nguyên gốc, chân thực, chứa đựng các tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm và bài học lịch sử, giúp thế hệ hôm nay hiểu đúng quá khứ, nhận thức đúng hiện tại và định hướng tương đối chính xác về xu thế phát triển trong tương lai (thông qua lễ hội, du lịch và giao lưu văn hóa quốc tế…).

     Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi bổ sung năm 2009 cùng với các Công ước quốc tế liên quan tới di sản văn hóa mà Việt Nam đã tham gia (Công ước 1972, 2003 của UNESCO…) giúp cho chúng ta nhận thức toàn diện hơn, nội hàm của khái niệm di sản văn hóa và vai trò của nó trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, văn hóa nói riêng.

     Trong quá trình sáng tạo văn hóa (tạo lập “thiên nhiên” thứ hai) qua hàng ngàn năm, cha ông ta đã hun đúc ý chí sắt đá và sức mạnh liên kết cộng đồng dân tộc để xây dựng và mở rộng lãnh thổ quốc gia, bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền của đất nước. Như vậy, đất nước hay Tổ quốc chính là “không gian vật chất và văn hóa” do cộng đồng các dân tộc Việt Nam chung tay xây dựng nên chứ không chỉ đơn thuần cùng lãnh thổ do thiên nhiên ban tặng. Như vậy, lãnh thổ quốc qua/không gian sinh tồn của 54 cộng đồng dân tộc Việt Nam phải được nhìn nhận là loại di sản văn hóa quý giá nhất mà cha ông ta quen gọi là “giang sơn gấm vóc” của Việt Nam.

     Luật Di sản văn hóa định nghĩa “di sản văn hóa là sản phẩm vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (4). Từ đó, con người vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là sản phẩm cao cấp của văn hóa. Rõ ràng, con người là vốn quý của quốc gia, đặc biệt là các cá nhân xuất chúng, các bậc hiền tài là nguyên khí quốc gia. Xét về mặt vĩ mô, có thể thấy, lãnh thổ quốc gia và vốn con người/ “nòi giống Lạc Hồng” là hai yếu tố quan trọng bậc nhất cấu thành kho tàng di sản văn hóa Việt Nam và cần có vị trí xứng đáng trong chiến lược phát triển văn hóa.

     Bảo tồn di sản văn hóa trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã cụ thể hóa những đối tượng cần được điều chỉnh bởi Luật Di sản văn hóa và các Công ước quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên với 4 loại hình tiêu biểu là:

     Di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: các hình thức biểu đạt/ thể hiện các giá trị văn hóa phi vật thể; các cá nhân (nghệ nhân)/ cộng đồng bản địa với tư cách chủ thể sáng tạo văn hóa/ chủ sở hữu di sản văn hóa (nắm giữ, truyền dạy, thực hành và bảo tồn di sản văn hóa; môi trường sinh thái - nhân văn/ không gian văn hóa - tâm linh - nơi di sản văn hóa được sáng tạo ra, hiện đang còn được thực hành và phát huy giá trị; đồ vật, dụng cụ, trang phục… phục vụ cho các hoạt động trình diễn và thực hành di sản.

     Di sản văn hóa vật thể bao gồm: di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh; địa điểm, công trình xây dựng/nơi diễn ra các sự kiện lịch sử, hợp thể thiên nhiên và kiến trúc liên quan với các sự kiện lịch sử và các nhân vật lịch sử - danh nhân văn hóa đất nước; đồ dùng sinh hoạt hay đồ thờ tự…; môi trường, cảnh quan thiên nhiên và môi trường kiến trúc bao quanh di tích; giá trị văn hóa phi vật thể gắn với di tích lịch sử và văn hóa.

     Di sản tư liệu trong Chương trình kí ức của nhân loại bao gồm: các cuốn sách, bộ phận, bức ảnh; bút tích, tư liệu trên các loại chất liệu khác nhau được bảo tồn bởi tính độc đáo, quý hiếm, tính chuẩn xác lịch sử cũng như tính nguyên vẹn (2).

     Di sản kiến trúc đô thị hay đô thị di sản bao gồm: ý tưởng quy hoạch kiến trúc; nền cảnh thiên nhiên hay môi trường sinh thái tự nhiên; cấu trúc, diện mạo kiến trúc đô thị hay quỹ kiến trúc của đô thị; các công trình kiến trúc tiêu biểu chiếm vị trí trọng điểm trong mặt bằng tổng thể của đô thị; nếp sống văn minh đô thị.

     Nếu trong phát triển, chúng ta đã nhận thức rõ hơn về vai trò của văn hóa với tư cách là nền tảng tinh thần của toàn xã hội, thì trong bảo tồn di sản văn hóa, các giá trị văn hóa phi vật thể bắt đầu được quan tâm hơn với tư cách là các yếu tố tinh hoa về văn hóa đang được kết tinh hay vật chất hóa trong phần vỏ kiến trúc của các di tích lịch sử và văn hóa. Đặc biệt hơn, người ta bắt đầu nhấn mạnh tới mặt đắc dụng/tính hữu ích của di sản, tức là khả năng thích ứng/đáp ứng hay thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa do con người đặt ra trong đời sống xã hội đương đại. Trong nhiều trường hợp, giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu của con người đã trở thành nhân tố quyết định việc lựa chọn di sản để bảo tồn cũng như xác định các giải pháp khoa học - kỹ thuật cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

     Thay đổi nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di sản văn hóa trong phát triển là cơ sở khoa học vững chắc để chúng ta khẳng định yếu tố bất biến trong văn hóa Việt Nam bao giờ cũng là: chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; ý thức độc lập tự chủ dân tộc; lợi ích quốc gia dân tộc. Từ đó, yếu tố bất biến trong bảo tồn di sản văn hóa sẽ là bản sắc văn hóa dân tộc với 3 bộ phận quan trọng: tính liên kết cộng đồng bền chặt, chủ nghĩa yêu nước truyền thống và sự phản ứng quyết liệt đối với những hành vi đi ngược lại lợi ích dân tộc, chủ nghĩa nhân văn và lòng nhân ái Việt Nam.

     Yếu tố bất biến trong văn hóa nói chung và trong bảo tồn di sản văn hóa nói riêng chính là hạt nhân tạo ra sức mạnh mềm của Việt Nam. Có thể hiểu một cách tổng quan, nhân sinh quan, thái độ ứng xử của một quốc gia trong thế đối sánh với các quốc gia khác, tạo ra sức hấp dẫn, truyền cảm hứng, cuốn hút cộng đồng quốc tế thành đồng minh hoặc ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ta thấy sức mạnh mềm luôn đối lập với cưỡng chế, đe dọa, áp đặt và ép buộc. Sức mạnh mềm đòi hỏi phải có sự thuyết phục để có được sự thừa nhận và ủng hộ một cách tự nguyện. Đó là khác biệt giữa sức mạnh mềm và sức mạnh cứng (tiềm lực kinh kế và quân sự). Tuy nhiên, ta lại rất cần có hai loại sức mạnh mềm và sức mạnh cứng để xây dựng sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Đồng thời cũng phải nhận rõ, sức mạnh mềm là yếu tố có khả năng làm cho sức mạnh tổng hợp của quốc gia tăng lên theo cấp số nhân.

     Lịch sử cho thấy, sức mạnh mềm Việt Nam được khẳng định rõ trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi với tinh thần “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Chính Bác Hồ là người có công đầu trong việc duy trì và phát triển sức mạnh mềm của đất nước lên tầm cao mới. Điều đó thể hiện rất rõ trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 20-12-1946: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đến năm 1966, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào gian đoạn khó khăn, gian khổ nhất, một lần nữa, Bác lại khẳng định một chân lý sang ngời của nhân loại là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

     Lịch sử cũng đã chứng minh Việt Nam luôn có đủ sức mạnh đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược hùng mạnh vào bậc nhất thế giới để bảo vệ nền độc lập tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên, sau chiến thắng, chúng ta lại ứng xử thật khoan dung làm cho chính kẻ thù phải tâm phục, khẩu phục. Bằng chứng là, chúng ta đã biết cách hòa giải hận thù với tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” thông qua các Hiệp định hòa bình như: Hội thề Đông Quan với quân xâm lược phương Bắc ở ngay tại Thăng Long, Hội nghị Geneve với thực dân Pháp và Hội nghị Paris với đế quốc Mỹ để duy trì nền hòa bình lâu dài cho đất nước và khu vực Đông Nam Á. Có thể nói, di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, là yếu tố hạt nhân làm nên sức mạnh mềm Việt Nam - một dân tộc yêu chuộng hòa bình, luôn biết tha thứ và hòa giải với mọi kẻ thù. Đó cũng là sức mạnh mềm làm nên thương hiệu văn hóa cho đất nước chúng ta trong hội nhập quốc tế.

     Bảo tồn di sản văn hóa trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện khuyến nghị của UNESCO về việc hợp tác đa bên và liên ngành như một phương thức cải cách thể chế quản lý bền vững di sản văn hóa theo hướng: di sản văn hóa phải được bảo tồn trong cộng đồng, dựa vào cộng đồng, do cộng đồng và phục vụ lợi ích cộng đồng. Hợp tác đa bên và liên ngành cho phép mở rộng trao đổi thông tin, tạo ra sự đồng thuận xã hội và nâng cao năng lực cho các bên tham gia, đặc biệt là thu hút các nguồn lực xã hội (cộng đồng và doanh nghiệp) cho các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.

     Tóm lại, việc tạo ra sự thay đổi nhận thức của toàn xã hội theo hướng tích cực về di sản văn hóa đã giúp chúng ta xác định đúng mục tiêu và đối tượng cần được bảo tồn, đồng thời lựa chọn được các giải pháp thích hợp cho việc bảo tồn yếu tố bất biến trong di sản văn hóa Việt Nam là một trong những thành tựu nổi bật của Bộ VHTTDL trong việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Đặc biệt, phải khẳng định việc bảo tồn di sản văn hóa đã góp phần quan trọng nhằm thực hiện những mục tiêu lớn đặt ra trong chiến lược phát triển văn hóa, đó là: “Hướng mọi hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo; tuân thủ pháp luật; có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, lối sống văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội; làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện; thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội…” (5). Tôi nghĩ rằng, đây chính là một trong những thành tựu đáng ghi nhận nhất qua 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa của Chính phủ.

_____________

     1, 5. Quyết định 581/QĐ - TTg ngày 06-05-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020.

     2. Wikipedia.org.

     3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.123.

     4. Luật Di sản văn hóa 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, Điều I, tr.32.

 

Tác giả: Đặng Văn Bài

Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019

 

;