Việt Nam, với sự hiện diện của hàng ngàn các di sản văn hóa (DSVH) vật thể, phi vật thể độc đáo, đặc sắc, là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, việc nhận diện, khai thác, bảo tồn, phát huy giá trị của các DSVH là việc làm cần thiết để khẳng định, tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống; góp phần bồi dưỡng, xây dựng nhân cách con người. Bài viết nghiên cứu về thực trạng bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị các DSVH vật thể, phi vật thể ở Việt Nam trong mối tương quan với phát triển du lịch như Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đề ra; đề xuất giải pháp để gắn kết giữa DSVH với phát triển kinh tế, xã hội nước ta trong thời gian tới.
Vai trò của DSVH
DSVH là tài sản vô giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hệ thống các DSVH ở Việt Nam phong phú, đa dạng, hiện diện ở khắp các vùng miền, trải qua nhiều niên đại, là những minh chứng sinh động về truyền thống lịch sử, trình độ văn minh cũng như nét đẹp trong sáng tạo văn hóa, sự phong phú trong tâm hồn dân tộc. Đồng thời, DSVH còn là nơi kết tụ, phản ánh những nét độc đáo làm nên bản sắc văn hóa ngàn đời của cha ông.
DSVH có vai trò quan trọng trong việc giáo dục tri thức lịch sử, tìm về cội nguồn dân tộc, đem lại những xúc cảm thẩm mỹ cho công chúng, nhất là giới trẻ. Đồng thời, giá trị của DSVH sẽ khơi nguồn sáng tạo, thắp lên niềm tin, tự hào dân tộc.
Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, trước những tác động xấu của nền kinh tế thị trường, mặt trái của toàn cầu hóa, việc trở về với hành trình DSVH dân tộc cùng những giá trị nhân văn truyền thống, những kinh nghiệm dân gian được đúc kết, lưu truyền sẽ giúp cân bằng xã hội, tạo cơ sở niềm tin vững bền về khát vọng sáng tạo, cống hiến vì Tổ quốc, nhân dân.
Mặt khác, trong thời kỳ giao lưu, hội nhập quốc tế sâu rộng, những giá trị kinh tế trong văn hóa, trong đó có việc khai thác hợp lý giá trị các DSVH đang được nhiều quốc gia chú trọng, đầu tư, là xu hướng phát triển thịnh hành ngày nay.
Ở Việt Nam, trong những thập niên vừa qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển nền văn hóa dân tộc, phát huy thế mạnh, tiềm năng của các loại hình DSVH. Tiêu biểu có thể kể tới các văn kiện, nghị quyết, các chiến lược phát triển văn hóa như: Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020; Luật DSVH; Nghị quyết T.Ư 9 khóa XI về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030 ban hành ngày 8-9-2016…
Thực trạng khai thác nguồn lực DSVH
Những tín hiệu tích cực
Hiện cả nước có 8 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO công nhận, bao gồm: Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Di sản Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Quần thể danh thắng Tràng An. 12 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bao gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ, Ca trù, Hội Gióng, Hát xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, Nghi lễ kéo co, Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt, Nghệ thuật bài chòi Trung bộ. 3 di sản tư liệu thế giới, bao gồm: Mộc bản triều Nguyễn, Bia đá tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Cuốn sách cổ Hoàng hoa sứ trình đồ do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh biên soạn. 4 tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm: Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản trường Phúc Giang tại Hà Tĩnh.
Bên cạnh đó, hàng ngàn các di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia hiện diện trên khắp mọi miền đất nước. Theo số liệu của Bộ VHTTDL, hiện cả nước có trên 4 vạn di tích trong đó có gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.461 di tích quốc gia, 105 di tích quốc gia đặc biệt. Có 62.355 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh/thành được kiểm kê, trong đó có 271 DSVH phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia. 164 bảo vật quốc gia được công nhận, 162 bảo tàng với hơn 3.000.000 hiện vật được lưu giữ. Bên cạnh đó là hệ thống các danh lam thắng cảnh, các lễ hội truyền thống độc đáo (theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở, cả nước có 7.966 lễ hội được tổ chức mỗi năm, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 544 lễ hội tôn giáo, 322 lễ hội lịch sử cách mạng…), các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống (múa rối, chèo, tuồng, cải lương…), tạo nên mạng lưới DSVH rộng khắp, mang đậm dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, truyền thống sinh hoạt văn hóa phong phú ngàn đời của cha ông.
Múa rối nước - Ảnh Phạm Lự
Việc phát huy giá trị kinh tế của các DSVH, nhất là các di sản được UNESCO vinh danh đã đóng góp ngân sách lớn cho nền kinh tế thông qua con đường du lịch. Theo kết quả thống kê, tiền bán vé tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, du lịch đã có những nguồn thu lớn, đóng góp vào ngân sách quốc gia, địa phương.
Là một tỉnh ven biển miền Nam Trung Bộ, Quảng Nam có nhiều lợi thế để phát huy du lịch gắn liền với việc khai thác giá trị văn hóa của phố cổ Hội An, di sản Mỹ Sơn, nghệ thuật bài chòi. Theo báo cáo của ngành du lịch, “năm 2018, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch đạt 6,5 triệu lượt, tăng 21,5 %; trong đó khách quốc tế đạt 3,8 triệu lượt, tăng 36,58% so với cùng kỳ năm 2017. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch năm 2018 đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 21,76% so với cùng kỳ năm 2017. Thu nhập xã hội từ tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 11.100 tỷ đồng; 10 thị trường khách quốc tế tham quan, lưu trú nhiều nhất đến Quảng Nam gồm: Hàn Quốc, Úc, Anh, Pháp, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Tây Ban Nha” (1).
Thừa Thiên Huế trong những năm qua đã phát huy có hiệu quả lợi thế của hệ thống DSVH, coi đây là một nguồn lực quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Theo thống kê, “Số lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế năm 2018 đạt hơn 4,3 triệu lượt, tăng 14% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt hơn 1,9 triệu lượt, tăng 30% so với cùng kỳ. Khách lưu trú đạt trên 2 triệu lượt, tăng 13,1% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 989.405 lượt, tăng 21% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch ước đạt 4.473 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ, doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt 11,3 ngàn tỷ đồng. Festival Huế 2018 thu hút gần 1,2 triệu lượt khách đến tham quan, giới thiệu một loạt các chương trình văn hóa, nghệ thuật có khả năng xây dựng thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn” (2).
Còn với Hà Nội, nơi có sự hiện diện của hàng ngàn DSVH, cũng đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong việc phát triển du lịch, dịch vụ gắn liền với việc phát huy sức mạnh của các di sản. Theo thống kê của Sở VHTTDL: “Tổng số khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 26,04 triệu lượt khách (tăng 9,3% so với năm 2017), trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 5,74 triệu lượt khách (tăng 16%). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 75 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ gần 190 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó khách từ các quốc gia châu Á chiếm khoảng 60% trên tổng số khách quốc tế đến Hà Nội, khách từ các quốc gia châu Âu chiếm khoảng 24%, khách từ các quốc gia châu Mỹ chiếm 9%... Trong nhóm 10 thị trường khách hàng đầu đến Hà Nội chiếm tỉ trọng lớn hầu hết là từ các thị trường thuộc châu Âu như: Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Ý, Pháp, New Zealand, Anh, Thụy Sỹ, Đức” (3). Lượng khách du lịch đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích danh thắng Hương Sơn… đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Quảng Ninh cũng là địa phương có sự hiện diện của nhiều DSVH, trong đó có vịnh Hạ Long, danh thắng Yên Tử. Với lợi thế về mặt địa lý, cảnh quan, môi trường sống, trong những năm qua, du lịch Quảng Ninh gắn liền với việc phát huy sức mạnh mềm của hệ thống di sản đã đem đến cho vùng đất mỏ những nguồn thu không hề nhỏ. Theo thống kê từ Sở Du lịch Quảng Ninh, “tổng lượng khách du lịch đến với Quảng Ninh năm 2018 ước đạt 12,2 triệu lượt khách, tăng 102% so với kế hoạch, tăng 24% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 5,2 triệu lượt, đạt 105% so với kế hoạch, tăng 22,1% so với năm 2017; tổng thu từ khách du lịch đạt 23,6 nghìn tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ, chiếm 9% tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh” (4).
Với ngành du lịch Quảng Bình, những tín hiệu khởi sắc qua khai thác vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí, mạo hiểm, kỳ thú của động Phong Nha - Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng đã mang lại nguồn thu lớn cho kinh tế địa phương. Theo báo cáo của Sở Du lịch, “tổng số lượt khách du lịch đến Quảng Bình năm 2018 ước đạt 3,9 triệu lượt, tăng 18,2% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 200.000 lượt, tăng 53,8% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt 4.485 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng doanh thu của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong năm 2018 đã đón, phục vụ 834.316 lượt khách đến tham quan, trong đó có 158.983 lượt khách quốc tế, 675.333 lượt khách nội địa. Tổng doanh thu đạt hơn 238,2 tỷ đồng” (5).
Qua khảo sát, tìm hiểu các địa phương có DSVH được UNESCO vinh danh, các loại hình nghệ thuật truyền thống mang những giá trị đặc sắc đã tạo cơ sở nền tảng quan trọng để phát triển ngành du lịch, dịch vụ, thu hút du khách trong, ngoài nước, đóng góp nguồn thu lớn vào ngân sách quốc gia.
Hạn chế, bất cập
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì việc khai thác, phát huy tiềm năng DSVH trong phát triển du lịch cũng đang đặt ra những khó khăn, thách thức xuất phát từ những tác động, ảnh hưởng xấu của bối cảnh tình hình trong, ngoài nước.
Những nhận định, cảnh báo này có thể bắt gặp ở nhiều di tích, DSVH trên nhiều địa bàn ở nước ta hiện nay. Một trong những điều đáng lo ngại trong công tác bảo tồn, phát huy di sản là tình trạng DSVH bị xâm hại về cảnh quan không gian, kiến trúc. Nạn ô nhiễm môi trường, xả rác bừa bãi tại các khu di sản, hiện tượng nhiều DSVH xuống cấp do tác động của thời gian, điều kiện khí hậu, sự yếu kém trong công tác quản lý, bảo tồn. Nạn trộm cắp, buôn bán cổ vật vẫn diễn ra. Nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đang ngày càng mai một, thưa vắng người xem.
Ở không ít địa phương do khai thác quá mức giá trị kinh tế của DSVH, cho xây mới nhiều công trình với lối kiến trúc lai tạp, mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ nhà hàng đã phá vỡ cảnh quan không gian di sản. Cung cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp của một số công ty lữ hành, nạn chèo kéo, “chặt chém” du khách, giật đồ của khách nước ngoài đã để lại những ấn tượng không tốt về về đất nước, con người Việt Nam vốn trọng tình, mến khách. Cũng chính vì lý do này mà lượng du khách đến với một số di sản vẫn còn khiêm tốn.
Bên cạnh đó, do trình độ nhận thức còn hạn chế, không đồng đều của người dân giữa các vùng miền, dân tộc nên việc ý thức sâu sắc về vai trò, sức mạnh của DSVH chưa thực sự đầy đủ. Ở nhiều nơi, do hoàn cảnh đời sống khó khăn, nhiều hộ dân đã đem bán đi những di sản văn hóa vật thể độc đáo do cha ông truyền lại như hiện tượng chảy máu cồng chiêng Tây Nguyên. Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2017, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắc, địa phương vốn được coi là trọng điểm của cồng chiêng Tây Nguyên, “toàn tỉnh còn có 2.307 bộ chiêng đủ chiếc. Như vậy, so với năm 1993 thì đã có trên 2.000 bộ chiêng không cánh mà bay. Điều đáng lo ngại là ngoài số bộ chiêng chiếm chủ yếu của dân tộc Ê đê đang hiện hữu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắc (2.064 bộ), nhiều dân tộc chỉ còn sở hữu số cồng chiêng ít ỏi như Bru Vân Kiều có 9 bộ, Xê Đăng có 8 bộ” (6).
Điều này đặt ra nhiều vấn đề về công tác quản lý, bảo tồn các di sản, nhưng hiện nay đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu về DSVH còn mỏng; ở không ít nơi, cán bộ quản lý văn hóa cơ sở còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ; đầu tư cho tu bổ, bảo tồn DSVH còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại...
Những bối cảnh, tác nhân trên đang cản trở, ảnh hưởng đến công tác phát triển DSVH trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Cần phải có những cơ chế, chính sách cụ thể để huy động sức mạnh cộng đồng, chung tay bảo vệ, phát huy để DSVH thực sự trở thành tài sản vô giá, là nguồn lực nội sinh quan trọng trong quá trình phát triển bền vững.
Một số giải pháp phát huy nguồn lực DSVH
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của DSVH, những báu vật mà thiên nhiên ban tặng, là sự kết tinh trí tuệ, tâm hồn, khát vọng ông cha, không thể sản xuất, tái tạo được, vì thế cần phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn về tầm quan trọng của di sản để nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong bảo tồn, phát huy di sản. Để tạo sự đồng thuận trong nhận thức, cần quán triệt nghiêm túc tinh thần chỉ đạo, chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về DSVH được ban hành trong các văn kiện quan trọng như: Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 và tới đây là Chiến lược phát triển văn hóa tới năm 2030, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn… Cụ thể hóa, chấp hành nghiêm những quy định trong Luật Di sản văn hóa, thực hành tốt Công ước của UNESCO về bảo vệ DSVH. Bảo tồn nguyên trạng không gian, cảnh quan xung quanh di tích, không có hành vi xâm hại, làm tổn thương di sản.
Thứ hai, di sản về bản chất thuộc quá khứ, gắn với các giai đoạn thời kỳ lịch sử nên dễ bị lãng quên. Vì thế trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cần “đánh thức” giá trị của di sản trong cuộc sống hôm nay bằng nhiều hình thức phong phú, đa đạng. Tăng cường giáo dục cho thế hệ trẻ về ý nghĩa, giá trị lịch sử, giá trị thẩm mỹ của di sản gắn với đặc trưng, không gian vùng miền. Bên cạnh đó, việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch dịch vụ cần có chiến lược, kế hoạch cụ thể, đảm bảo sự gắn kết hài hòa giữa quá khứ và hiện tại, truyền thống và phát triển. Không đánh đổi di sản bằng mọi cách, tránh hiện tượng thương mại hóa, khai thác triệt để giá trị kinh tế của di sản mà thiếu sự liên kết bền vững. Cần hình thành những điểm nhấn trong hành trình di sản với sự liên kết, hợp tác của chính quyền các địa phương. Đổi mới cách làm du lịch theo hướng văn minh, lịch sự, tiến bộ, thân thiện, tạo được ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong, ngoài nước tham quan, khám phá về vẻ đẹp đất nước, tâm hồn dân tộc thông qua các di sản độc đáo.
Thứ ba, để di sản luôn hồi sinh, phát huy giá trị, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó cần khẳng định vai trò của người dân trong quản lý, tổ chức, bảo tồn di sản. Đầu tư nguồn lực tài chính trong trùng tu, tôn tạo di tích. Nghiên cứu, đề xuất, đánh giá đúng hiện trạng của những di sản đang bị xuống cấp, mai một, lãng quên, nhất là loại hình DSVH phi vật thể. Tranh thủ ý kiến của các chuyên gia trong, ngoài nước về bảo tồn di sản để phục dựng, trùng tu. Bên cạnh đó, việc đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực trong công tác bảo tồn, bảo tàng, quản lý văn hóa cần được chú trọng với lực lượng cán bộ đủ mạnh về chất lượng, lẫn số lượng để quảng bá tốt hơn hình ảnh, giá trị của DSVH dân tộc đến với đông đảo du khách quốc tế. Có cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý đủ mạnh, mang tính răn đe để xử lý những hành vi xâm hại di tích, phá hủy không gian, cảnh quan di sản. Việc phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của các bộ, sở ngành từ trung ương đến địa phương về quản lý di sản cần được cụ thể hóa, tăng cường tinh thần trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng để bảo tồn, phát huy tốt nhất giá trị của di sản.
Thứ tư, đối với DSVH phi vật thể, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống cần có đề án, chiến lược phát triển với tầm nhìn dài hạn để các di sản, loại hình nghệ thuật truyền thống không bị thất truyền. Cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực sáng tạo văn hóa, nhất là đối với các nghệ nhân cao tuổi, các em thiếu niên nhi đồng có năng khiếu về nghệ thuật, văn hóa cần được quan tâm, động viên, truyền dạy để di sản luôn sống trong lòng các thế hệ.
Thứ năm, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin, những kỹ thuật tiên tiến trong việc làm mới, sáng tạo trong hình thức quảng bá, lưu giữ di sản cần được đẩy mạnh nhằm đưa hình ảnh di sản đến gần hơn với công chúng. Việc số hóa các tư liệu, hình ảnh, nghi lễ, không gian diễn xướng cần được tính đến để hành trình tìm về với DSVH cha ông trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để con người sống, cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
Có thể khẳng định rằng trong xu thế phát triển, hội nhập hiện nay, văn hóa đang ngày càng giữ vị thế quan trọng, không chỉ là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của sự phát triển mà văn hóa được xác định là nguồn lực nội sinh quan trọng, làm nên sức mạnh tổng hợp quốc gia. Ở Việt Nam, DSVH đang ngày càng phát huy thế mạnh, lan tỏa những giá trị nhân văn, tạo sự kết nối, phát triển liên tục, bền vững. Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng DSVH đang ngày càng được bồi đắp, kết tinh ý chí, sức mạnh, truyền thống dân tộc, tạo thế lực để gia tăng sức mạnh nền kinh tế quốc gia.
______________
1. vhttdlqnam.gov.vn.
2. bvhttdl.gov.vn.
3. sodulich.hanoi.gov.vn.
4. thethaovanhoa.vn.
5. baoquangbinh.vn.
6. bienphong.com.vn.
Tác giả: Nguyễn Huy Phòng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019