Những dự báo về sự chuyển mình của nghệ thuật điêu khắc - nhìn từ các tác phẩm đạt giải Triển lãm điêu khắc toàn quốc

Với kết quả và số lượng các tác giả, tác phẩm tham gia ngày càng gia tăng từ các lần triển lãm điêu khắc định kỳ trong vòng 5 thập kỷ vừa qua (1973-2013), cho chúng ta nhìn nhận một cách khái quát và rõ nét được tính tích cực của ngành điêu khắc hiện đại. Bằng những sự diễn giải của ngôn ngữ điêu khắc, các nhà điêu khắc gồm nhiều thế hệ đã tạo nên bức tranh toàn cảnh của xã hội Việt Nam qua 5 thập kỷ có rất nhiều sự biến động, nhưng sự phát triển ngày càng có hướng tích cực hơn, tiếp cận công nghệ và nhạy bén hơn rất nhiều. Nhìn từ tác phẩm đạt giải trong 5 kỳ triển lãm vừa qua để bước đầu đánh giá, nhận xét và dự báo về sự phát triển của loại hình nghệ thuật này với tính ứng dụng của nó trong đời sống xã hội đương đại.

1. Những dấu hiệu chuyển mình của điêu khắc nhìn từ các tác phẩm đạt giải qua 5 kỳ triển lãm

Khi nhìn vào những tác phẩm được giải trong các kỳ triển lãm điêu khắc toàn quốc (TLĐKTQ) (1973-2013) để nhận thấy các nhà điêu khắc về cơ bản đã biết khai thác vẻ đẹp của tạo hình cũng như trí tuệ tạo hình truyền thống. Đáp ứng phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của các tầng lớp xã hội, tạo cơ hội cho mỹ thuật nước nhà giao lưu, quảng bá với các nước trong khu vực. Các tác phẩm đạt giải trong các kỳ TLĐKTQ đại diện cho sự trưởng thành của chuyên ngành điêu khắc. Xu hướng sáng tác cũng là vấn đề quan trọng đối với lĩnh vực điêu khắc hiện đại, mỗi nghệ sĩ khi sáng tác thường phát huy khả năng biểu đạt nghệ thuật. Nếu nhìn tổng thể tại 5 kỳ TLĐKTQ sẽ thấy các chủ đề sáng tác tập trung vào các vấn đề nổi cộm như: các vấn đề về xã hội, gia đình, khát vọng hòa bình, hạnh phúc, môi trường, giáo dục… Đó là những vấn đề thực tế mà các nghệ sĩ đã tham gia vào công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Mặt khác, cuộc sống xã hội phong phú và đa dạng cũng là những gợi ý tạo cảm hứng sáng tác cho các nhà điêu khắc, nhưng đi cùng đó là những trăn trở khi xác định xu hướng sáng tác của mình.

Có thể thấy, trong quá trình vận động và phát triển của điêu khắc hiện đại và qua những tác phẩm đạt giải trong 5 kỳ TLĐKTQ để thấy sự đổi mới và mở rộng đề tài là gợi ý cho sự phát triển rõ nét ngôn ngữ điêu khắc hiện đại trong quá trình hội nhập. Các thế hệ nghệ sĩ điêu khắc khi đặt vấn đề thường cân nhắc kỹ nội dung chủ đề tác phẩm và phong cách thể hiện. Một số đề tài mũi nhọn như: gia đình xã hội, khát vọng, hòa bình hạnh phúc... là những chủ đề được nhiều nhà điêu khắc vận dụng cho tác phẩm của mình. Với cuộc sống hiện đại phong phú và đa dạng, các nhà điêu khắc không ngần ngại mở rộng phong cách và đề tài sáng tác, làm cho ngôn ngữ điêu khắc cũng mở rộng hơn về khuynh hướng sáng tác. Mặt khác, quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đã ảnh hưởng lớn đến cái nhìn về nghệ thuật; giờ đây, nghệ thuật không gò bó một chiều. Vì vậy, diện mạo điêu khắc ngày càng phong phú, xu hướng sáng tác cũng được phát triển nhiều hơn, hội nhập với mỹ thuật nhân loại rõ nét hơn.

Bản chất nghệ thuật là sự tìm tòi khám phá vô tận của nghệ sĩ, mỗi thời đại con người có những quan niệm thẩm mỹ khác nhau. Công việc sáng tác của nghệ sĩ là truyền đạt những thông điệp và giá trị thẩm mỹ tới người xem, làn gió đổi mới và sự tự do trong quá trình sáng tạo đã tạo điều kiện cho nền điêu khắc hiện đại Việt Nam phát triển những khuynh hướng sáng tác tiêu biểu như: xu hướng hiện thực tả thực truyền thống, xu hướng khai thác cội nguồn văn hóa và ước lệ dân gian hay xu hướng trừu tượng... Các cuộc TLĐKTQ là những quá trình vận động sáng tạo từ các nghệ sĩ để tổ chức triển lãm. Qua đó, chúng ta có thể nhìn nhận, đánh giá các tác phẩm điêu khắc để thấy chất lượng và sự phát triển của lĩnh vực điêu khắc cũng như khả năng sáng tác theo các xu hướng ngày càng mở rộng biên độ tư duy, kỹ thuật.

Mỗi kỳ TLĐKTQ cho thấy sự đông đảo về số lượng tác phẩm, mở rộng hơn về kỹ thuật, chất liệu, nhưng điều đặc biệt là sự đa dạng về xu hướng sáng tác. Trong đó, xu hướng trừu tượng hoặc tác phẩm có ý tưởng trừu tượng được thấy trong các TLĐKTQ định kỳ. Tuy rằng, có những tác phẩm đã không thật giữa các xu hướng, nhưng rõ ràng những tác phẩm có xu hướng trừu tượng đã đóng góp vào cái nhìn đa chiều, đa hướng nhìn, không gian mở không còn bó hẹp trong quan niệm. Tác phẩm Đàn của Nguyễn Trọng Cần đã sử dụng kỹ thuật tạo khối lồi, lõm hoặc đặc, rỗng, tạo những điểm nhấn đến bất ngờ về hiệu quả của khối. Tính trừu tượng thể hiện dưới nhiều cách nhìn về chủ đề, cũng đang hấp dẫn một số nhà điêu khắc đạt giải trong TLĐKTQ năm 1993 như: Nguyễn Hải Nguyễn có tượng Bồng, chất liệu đồng, đạt giải Nhì; Nguyễn Trọng Cần với tượng Đàn, chất liệu đất nung, đạt giải Khuyến khích; Phạm Hạng với tượng Bố cục bằng chất liệu đồng, đạt giải Khuyến khích; Nguyễn Luận với tượng Công kênh, trên chất liệu gỗ, đạt giải Ba; Hà Trí Dũng với tượng Lặng lẽ, chất liệu đá, đạt giải Ba; Đặng Đức Thành với tượng Suy tưởng mang chất liệu gỗ, đạt giải Ba…

Về cơ bản, tượng của những nhà điêu khắc này là những khối thuần túy, nêu bật cảm thức về cái đẹp biểu hiện ở đa chiều tác phẩm. Những tượng này thường thực về dáng, nhưng trừu tượng về khối. Ở xu hướng này, các nhà điêu khắc đã biết xử lý không gian trong tác phẩm, có khối rỗng, khối đặc, làm cho mỗi tác phẩm chứa nhiều ý nghĩa hơn. Phần lớn các chi tiết được triệt tiêu tạo ra sự đơn giản thuần khiết, gợi mở nhiều chiều cho không gian và ý tưởng. Cách gợi khối lồi, lõm những khoảng rỗng giải quyết không gian hư hư thực thực, nó chứa đựng những ẩn ý mà người xem luôn tìm thấy trong đó những ý tưởng hay giả thiết cho một vấn đề người xem có thể liên tưởng hoặc đôi khi tên tác phẩm cũng phần nào giải mã cho tác phẩm.

Nhìn từ các tác phẩm được trưng bày trong các TLĐKTQ ở cả 5 kỳ để thấy đội ngũ sáng tác được tiếp nối từ các thế hệ, ngày càng tăng về số lượng tác giả. Mỗi kỳ triển lãm là một kết quả đánh giá việc nhìn lại chặng đường phát triển của điêu khắc hiện đại Việt Nam. Chính sự góp sức hùng hậu của thế hệ điêu khắc đã tạo sự thành công, bền vững, bởi sự chuyển tiếp giữa các thế hệ điêu khắc là sự liền mạch và phát triển.

2. Những dự báo cho sự phát triển của điêu khắc với đời sống xã hội đương đại

Nếu nhìn từ các tác phẩm đạt giải để bàn luận về đội ngũ sáng tác sẽ dễ nhận thấy nhất đó là: triển lãm lần 1, năm 1973 xuất hiện những tác giả có tác phẩm đạt giải mà từng được công nhận là thế hệ đầu, bậc đàn anh của điêu khắc hiện đại Việt Nam: Nguyễn Hải, Lê Công Thành, Đinh Rú, Lê Thược, lúc đó các nhà điều khắc này đang ở độ khoảng 40-50 tuổi. Đây là độ tuổi chín chắn cả về đời và nghề. Với kỳ TLĐKTQ lần 2 năm 1983, các tác phẩm đạt giải của TLĐKTQ lần này gắn với tên tuổi: Tạ Quang Bạo, Hứa Tử Hoài, Duy Độ, Trần Hùng…, các nhà điêu khắc này cũng đang ở độ trên dưới 40 tuổi. Đến TLĐKTQ lần 3 năm 1993, xuất hiện các tác phẩm đoạt giải của các tác giả: Nguyễn Hải Nguyễn, Nguyễn Ngọc Thành, Hồ Uông, Đinh Rú, Nguyễn Luận, Nguyễn Trọng Cần, Lưu Danh Thanh, Vân Thuyết, Phan Gia Hương..., họ ở độ tuổi xấp xỉ 30. TLĐKTQ lần thứ 4 năm 2003, với các tác giả Nguyễn Hồng Dương, Lý Châu Hoàn, Bùi Hải Sơn, Vũ Hữu Nhung, Đoàn Văn Bằng..., các nhà điêu khắc đạt giải phần lớn đang ở độ tuổi trên 20. Kỳ triển lãm lần thứ 5 với các tác giả được giải: Trần Văn An, Kù Kao Khải, Lương Đức Hùng, Nguyễn Ngọc Lâm...

Về cơ bản trong tương lai, các thế hệ nhà điêu khắc khi tham gia TLĐKTQ vẫn sẽ là những nghệ sĩ được đào tạo từ các cơ sở có mã ngành mỹ thuật, trong có đó ngành điêu khắc như ở các trường: Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Đại học Kiến trúc Hà Nội… Mỗi kỳ TLĐKTQ được duy trì tổ chức sẽ là cơ hội để các tác giả được trưng bày tác phẩm của mình cũng như chiêm ngưỡng những tác phẩm khác với nhiều loại hình và phong cách thể hiện khác nhau: “Lực lượng chủ đạo làm nên một TLĐKTQ chững chạc bề thế, hoành tráng và thanh xuân thuộc về 2 thế hệ thứ 4 và thứ 5 những tác giả trẻ dưới 35 tuổi theo thông lệ quốc tế. Tôi xin dẫn ra một số liệu tác giả tác phẩm tham dự TLĐKTQ lần thứ 5 tuyển chọn trưng bày 286 tác phẩm của 230 tác giả của 27 tỉnh thành: Hà Nội 94 tác giả, TP.HCM 49 tác giả, trong đó có 82/230 tác giả trẻ dưới 35 tuổi. Đặc biệt có 16/21 tác giả được giải thưởng thuộc về thế hệ thứ 5 dưới 35 tuổi” (1). Giải thưởng được trao trong mỗi kỳ triển lãm được hội đồng đánh giá dựa theo các tiêu chí chuyên môn. Những tác phẩm trong TLĐKTQ lần đầu nói chung, các tác phẩm đạt giải nói riêng thường là những chất liệu không thật bền chắc. Càng về sau, các triển lãm sẽ khẳng định sự thay đổi, phát triển nhiều chất liệu bền chắc được thể hiện như: đồng, sắt, inox, composite…

Hy vọng, nhiều nghệ sĩ sẽ tham gia bằng những tác phẩm điêu khắc hướng đến những ý tưởng sáng tác phản ánh đời sống nhiều khía cạnh của hiện đại từ nhiều góc nhìn khác nhau. Những xu hướng nghệ thuật đương đại cũng được thể hiện và sẽ được ghi nhận bằng những tác phẩm đạt giải; ghi dấu những trào lưu nghệ thuật thế giới hiện đại đã lan tỏa vào Việt Nam một cách tự nhiên. Sự toàn cầu hóa không chỉ ở một khía cạnh, góc nhìn đơn lẻ mà còn được các nghệ sĩ điêu khắc tiếp nhận nhanh chóng. Nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn được nghệ thuật hóa bằng sự chuyển động của không gian, ánh sáng, khối, hình. Trong tương lai, ngày càng nhiều nghệ sĩ nghiên cứu vận dụng những kỹ thuật và phương pháp thể hiện trên các chất liệu bền chắc và mới mẻ: sắt uốn, sắt hàn, kim loại, từ phế liệu, từ môi trường sống xung quanh… Các nghệ sĩ sẽ vận dụng chất liệu, kỹ thuật và ý tưởng sáng tạo ra ngôn ngữ mới cho điêu khắc. Qua đó, gửi vào tiếng nói của điêu khắc những nỗi niềm, sự trăn trở, lời cảnh báo đa góc nhìn: môi trường, lối sống, tôn giáo, giáo dục, giao thông.

Như vậy, dự báo cho sự tích cực của nghệ thuật điêu khắc để thấy: về tổng thể, các tác phẩm đạt giải trong TLĐKTQ đã đem đến tính khả quan và tích cực. Mỗi tác phẩm đạt giải mang thông điệp chuyển tải tính xã hội, thời cuộc rõ nét. Nhiều tác phẩm đạt giải được công nhận như những nỗ lực tìm tòi thể nghiệm trên các kỹ thuật, chất liệu từ truyền thống đến hiện đại và đương đại. Thế mạnh của đội ngũ tác giả trẻ chính là những thể nghiệm chất liệu mới cũng như những tư duy sáng tạo mới, nhưng vẫn níu giữ những yếu tố truyền thống và bản sắc dân tộc trên định hướng toàn cầu hóa. Nếu TLĐKTQ lần 1, 2, 3 còn thể hiện những loay hoay đi tìm ngôn ngữ mới cho điêu khắc thì ở TLĐKTQ lần 4, 5 đã có những bứt phá bằng sự hội nhập quốc tế. Đó là sự xuất hiện và ghi nhận của Hội đồng chấm giải với những tác phẩm điêu khắc sắp đặt. Mặc dù điêu khắc sắp đặt chỉ là những ngôn ngữ biểu đạt mang trong nó các ý tưởng nhất định nào đó từng có trong muôn vàn nội dung của cuộc sống và thời đại.

Kết luận

Những tác phẩm đạt giải được trưng bày trong không gian của mỗi kỳ TLĐKTQ là sự đa dạng về chất liệu được thể hiện như chất liệu truyền thống: gỗ, đá, gốm đến chất liệu hiện đại như: composite, inox, tổng hợp... tạo ra những tác phẩm tượng tròn có nhiều kỹ thuật thể hiện phù hợp với đặc thù chất liệu. Cũng có thể chỉ ra sự thay đổi hình thức kỹ thuật thể hiện của các tác phẩm đạt giải trong các kỳ TLĐKTQ, góp tiếng nói tích cực cho sự hội nhập với nghệ thuật hậu hiện đại ở mảng điêu khắc trong hiện tại và tương lai. Cùng những dự báo về sự phát triển của điêu khắc đương đại cũng là sự kết hợp cùng các công trình kiến trúc nội, ngoại thất. Điều đó còn hy vọng nhiều hơn ở sự mở rộng về ngôn ngữ của điêu khắc không chỉ bó hẹp với quan điểm là khối, hình mà nó còn được mở rộng bởi sự đa chiều về không gian, ánh sáng, không chỉ là những kỹ thuật đẽo, gọt mà còn có thể đắp, hàn, uốn chồng xếp lên nhau. Sự giao thoa về hình thức thể hiện và chất liệu cũng có thể là sự xâm lẫn giữa lĩnh vực hội họa và điêu khắc, nghĩa là các họa sĩ cũng có thể làm điêu khắc và ngược lại. Trong tương lai chúng ta cùng tin tưởng rằng trước bối cảnh toàn cầu hóa và thời kỳ công nghệ số cho phép đường biên của điêu khắc sẽ được mở rộng hơn nữa, các tác phẩm điêu khắc còn được tham gia vào cuộc chơi của âm thanh, ánh sáng gắn với thời kỳ công nghệ thông tin một cách hữu ích.

____________________

1. Lê Quốc Bảo, Nhận diện tác giả, tác phẩm trong triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc lần thứ 5 (2003-2013), Kỷ yếu hội thảo Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc lần thứ 5 (2003 - 2013) và điêu khắc Việt Nam, Bộ VHTTDL, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Hội Mỹ thuật tổ chức, 2014.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ VHTTDL, Vựng tập triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc lần thứ 5 (2003 - 2013), 2013.

3. Bộ VHTTDL, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Vựng tập triển lãm điêu khắc toàn quốc 1993 - 2003, 2003.

4. Điêu khắc hiện đại Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1997.

Ths PHẠM THÁI BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022

;