Nghệ thuật điêu khắc Việt Nam có một quá trình lịch sử phát triển liên tục. Sự đa dạng của điêu khắc cổ Việt Nam không chỉ hình thành nên các mảng điêu khắc qua từng thời kỳ, từng dân tộc mà còn tiếp nối chất liệu cho tới tận nền điêu khắc đương đại Việt Nam. Một trong những chất liệu đó là chất liệu sơn ta. Đó là chất liệu quý, đẹp, góp phần lớn vào việc bảo tồn gìn giữ được lâu dài các tác phẩm điêu khắc. Đồng thời nó cũng đem đến những thành công nhất định, những vẻ đẹp rất riêng của một nghệ thuật tạo hình điêu khắc.
Bức tượng Hồng cầu, chất liệu sơn mài, (cao 120cm), 2010, Phạm Văn Tiến
Nghệ thuật điêu khắc ở nước ta có mặt từ rất sớm, ngay từ thời văn hóa Đông Sơn và đã đạt đến trình độ cao. Trong đó, những ứng dụng của nghề sơn vào cuộc sống thực tế con người cho thấy, sơn ta từ lâu đã có một vị trí nhất định trong đời sống người Việt Nam; đồng thời qua đó, thấy được trình độ kỹ thuật của các nghệ nhân và tư duy thẩm mỹ của người đương thời.
Trải qua thời Lý, Trần, Lê tới Mạc, Nguyễn, và cho đến ngày nay, nghệ thuật điêu khắc không ngừng cống hiến cho nền mỹ thuật nước nhà những tác phẩm, những cuốn tư liệu lịch sử, mang sắc thái riêng biệt mà không thể hòa lẫn. Đây là mạch chảy xuyên suốt, mang đến cho cuộc sống con người phong phú hơn về cảm nhận thẩm mỹ, tạo nên những giá trị văn hóa rất Việt Nam.
Nghệ thuật điêu khắc sơn ta thời Lý, hầu như chưa xuất hiện, tới thời Trần thì rất ít, thời Lê bắt đầu phát triển để rồi rực rỡ ở các TK XVII và XVIII, rồi lại yên ả, đi vào một nhịp khác của thị hiếu thời đại. Đến nay, nghệ thuật điêu khắc kết hợp chất liệu sơn ta, tuy không phải là có nhiều số lượng về tác phẩm, nhưng những đóng góp của thể loại này cũng không nhỏ, nhất là trong các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, như trong trang trí không gian nội thất, các tác phẩm không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật đơn thuần, mà còn phát huy được những giá trị thực dụng.
Điêu khắc Việt Nam bước sang TK XXI, rất nhiều tác động của hoàn cảnh xã hội, của sự giao lưu tiếp thu nhiều nền văn hóa các nước trên thế giới. Nghệ thuật điêu khắc nhiều biến động, nhiều cái cũ, nhưng cũng lắm cái mới, thậm chí chứa đựng vô vàn ẩn số, đến mức ngạc nhiên. Nghệ thuật điêu khắc truyền thống và điêu khắc hiện đại ngày nay vẫn còn là những bài toán cần lời giải đáp.
Nghệ thuật điêu khắc chất liệu sơn ta, chỉ là một thể loại trong rất nhiều các cách diễn tả của người nghệ sĩ, nó là sự kết hợp của hình khối, không gian, ngôn ngữ tạo hình điêu khắc và kết hợp với chất liệu sơn ta (sơn, vàng, bạc…) rất phong phú về cách thể hiện, đem đến những hiệu quả bất ngờ; tuy mang cái trầm lặng, bóng bẩy của sơn và hoàn kim, nhưng không u tịch như những bức tượng cổ, không lặng lẽ như những bức phù điêu mang màu thời gian vào tác phẩm cái hồn, cái không khí của xã hội, cái tâm tư, giãi bày cởi mở tấm lòng của nghệ sĩ đối với người xem.
Vì vậy, những thành tựu của điêu khắc chất liệu sơn ta, đi từ những tác phẩm chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng, chỉ ở trong những ngôi chùa, đình, miếu hay những cung điện xa hoa lộng lẫy, thì nay đã đột phá, bước ra hòa nhập, gần gũi với cuộc sống con người, tác phẩm mang tính nghệ thuật mang lại vẻ đẹp cho cuộc sống, làm đẹp cho không gian sống của con người.
Nghệ thuật điêu khắc nói chung, điêu khắc chất liệu sơn ta nói riêng, tuy mỗi thời một khác, nhưng nó liên tục phát triển, cái sau kế thừa cái trước, nó luôn mở rộng mà không khép kín. Từ mạch nguồn dân tộc, điêu khắc Việt Nam đã tiếp thu sáng tạo, tạo thành bản sắc riêng, nhất là đối với loại hình điêu khắc có sự kết hợp chất liệu với sơn ta.
Những năm gần đây, các tác phẩm của nghệ sĩ điêu khắc đã có nhiều sự thay đổi trong tư duy sáng tác cả về hình thức và nội dung, đòi hỏi các nghệ sĩ phải kịp thời nắm bắt được xu thế trong nước và quốc tế. Những trải nghiệm về chất liệu tạo hình trong điêu khắc đã tạo nên nhiều thể loại mới như điêu khắc trong không gian ánh sáng, điêu khắc sắp đặt trong trang trí và kết hợp với nhiều hình thức điêu khắc sắp đặt khác như tượng tròn, chạm khắc trên mặt phẳng với các chất liệu dân gian như kim loại, gỗ, thạch cao, men gốm, khảm, sơn ta… mang tính chất trang trí cao, giá trị nghệ thuật cao cho không gian nội thất nhà ở, khách sạn, công cộng…
Tác phẩm của Thái Nhật Minh với bức Hoa rừng trong hình thức tượng tròn (gỗ - phủ sơn mài) - tác giả đã tạo dựng hình tượng hoa rừng trong một không gian bố cục có nhịp điệu hình chữ nhật, các hình khối tròn đều lần lượt đứng cạnh nhau được phủ sơn ta bóng loáng trên nền tối có ánh sáng chiếu từ một phía tạo nên những vệt sáng đều bởi những hình bông hoa mới lạ; không chỉ đơn thuần là những hình khối tạo dựng từ các chiều thẳng đứng mà tác giả đã rất tinh tế với những khối nét ngang giản đơn cách điệu, tinh, liên kết lại trong một bố cục chặt chẽ. Đó chính là lối tạo hình tư duy độc đáo trong điêu khắc tượng mà các họa sĩ đương đại đã sử dụng trong thời gian gần đây.
Trong cách tạo hình, khối theo nhịp điệu và cách phủ sơn ta ấy, tác giả Trần Thị Ngọc Anh cũng đã thể hiện các hình tượng cô gái trong tác phẩm Đường về (gỗ - phủ sơn mài) trong nhịp điệu cùng chiều với hình khối chất liệu gỗ được phủ sơn ta toàn bộ bề mặt để tạo nên không gian chuyển động về sắc độ từ màu sơn đen óng ả cho đến màu sơn vàng sáng bóng ở các phần tạo hình đầu ngực các cô gái tạo nên độ tinh tế bóng bẩy mà vẫn có chất xù xì, thô nhám độc đáo của gỗ.
Tuy chất liệu sơn ta rất phức tạp, quá trình làm công phu nhưng hầu hết các nghệ sĩ đã rất khéo léo để sơn phủ lên các khối hình bằng gỗ thô nhám một cách rất chủ động khi cố gắng dựa vào tính ưu việt của thể loại điêu khắc này. Sự kết hợp vừa ngẫu nhiên vừa chủ động của các tác giả đã tạo nên những bất ngờ, hiệu quả hơn cả mong đợi; điều này, đã tạo nên những điều thú vị khi chiêm ngưỡng tác phẩm trong các không gian trang trí cận hoặc viễn cảnh trong sáng hoặc tối, hay trên mặt phẳng… để thấy được sự phong phú muôn hình, muôn vẻ sáng tạo khi các nghệ sĩ có thể sử dụng nhiều chất liệu với chất liệu sơn ta.
Với nhiều tác phẩm mang tính tổng hợp khác ngoài gỗ, đá, sắt, thép, composite… như tác phẩm Hồng cầu của Phạm Văn Tiến và tác phẩm tượng: Đôi lứa của Trần Ngọc Canh, hầu như các tác giả đã khai thác được ưu điểm nổi trội của chất liệu sơn ta trên hình tượng nghệ thuật, những vẻ đẹp óng ả: vàng, đỏ, đen của sơn ta được phủ cho hình tượng Hồng cầu với nhịp điệu tròn đặt trong không gian sâu lắng gợi cho người xem những cảm xúc ấm áp giữa con người với con người; hay một hình tượng trừu tượng về đôi lứa, Trần Ngọc Cảnh sáng tác lấy cảm hứng từ tình cảm con người để mang đến cho người xem những cảm nhận đa chiều với nhiều ý nghĩa. Có thể nói, nghệ thuật điêu khắc đương đại với cách sử dụng sơn ta đã tạo nên những biểu cảm đa dạng, những ấn tượng mạnh mẽ về thị giác cả về hình thể, độ bóng bẩy của sơn và cả về nội dung đề tài. Điều đó đã tạo ra sự biến đổi trong tư duy thẩm mỹ cũng như tính quy mô của tác phẩm. Các hình tượng nghệ thuật không quá lớn về kích thước, song sự sáng tạo đó được chắt lọc, thậm chí tối giản thành những hình khối cơ bản, hoặc rất trừu tượng, ý niệm; nội dung của các hình tượng là những câu chuyện cụ thể có ý nghĩa sâu sắc được truyền cảm hứng, gợi mở cho người xem từ trong hình thức và tên của tác phẩm, như hình tượng hồng cầu, hình tượng đôi lứa… đó là sự yêu thương, đoàn kết, gắn bó, chia sẻ sự sống còn; tình yêu nam nữ; vẻ đẹp thiên nhiên vạn vật, môi trường và nhiều khía cạnh của cuộc sống, xã hội đương đại của chúng ta.
Trong một hình thức chạm khắc khác, tác giả Nguyễn Việt Hà đã chạm khắc bức phù điêu Hoa vườn, tác phẩm được được sáng tác thiết kế cho sảnh khách sạn số 1 Nguyễn Hữu Huân, tại Hà Nội; với chất liệu compozít, phủ bạc làm gợi lên cảm xúc trong hình thức phủ bạc lên bề mặt phù điêu với bạc lá, phẩm màu, sơn son để tạo lên hiệu ứng sâu, trầm ấm cho tác phẩm.
Không gian hoa vườn trong tác phẩm, tác giả tập trung chủ yếu khắc họa hình hình tượng chủ đạo là lá và hoa cây chuối cảnh, những mảng cây hoa lá mềm mại với những thủ pháp tạo hình xếp lớp, đan xen, bố cục trải dài tổng thể 10m, cao 1m chạy dọc sảnh; tạo nhịp điệu bố cục chạy dài ở sảnh chính của khách sạn, tạo nên điểm nhấn khi bước vào không gian. Với kỹ thuật chạm khắc nét nông, sâu gợi cảm như đang chuyển động nhẹ, nhờ vào hiệu ứng màu sắc lung linh khác nhau khi ánh sáng phản chiếu, óng ả, ẩn hiện những mảng màu đậm nhạt của kỹ thuật phủ sơn son, phẩm màu, bạc… đã tạo nên cái nét đẹp đằm thắm, chắc khỏe của những mảng hình chùm hoa được tạo hình xen kẽ trong bố cục không gian cây và hoa.
Các tác phẩm đã đem lại những giá trị về thẩm mỹ, gần gũi, ấm cúng, và đó là sự kết hợp giữa lối tạo hình hiện đại kết hợp chất liệu sơn ta truyền thống đã tạo nên những hiệu quả thẩm mỹ nhất định, đưa người xem đến những cảm xúc mới lạ như có sự mới mẻ nhưng lại rất gần gũi quen thuộc; và như một minh chứng cho nền nghệ thuật điêu khắc đương đại được kết hợp với một loại sơn truyền thống, hay còn gọi là sơn ta mà ngày càng gần gũi, hòa nhập với xu thế hiện đại.
Những tác phẩm điêu khắc nói chung từ cổ điển tới hiện đại, dù phong cách nào đều là sự tổng hợp của phần nội dung và hình thức, đem đến sự chuyển tải cho người xem thấy được một tác phẩm hoàn chỉnh có thẩm mỹ. Ở đó, tác phẩm điêu khắc khao khát diễn tả hài hòa hình tượng văn học và cảm giác tạo hình, những giá trị nghệ thuật là điều không thể thiếu để hình thành tác phẩm. Nội dung ấy chính là những tiền đề để tạo nên hình thức của khối, mảng, đường nét, ánh sáng và bóng tối của tác phẩm điêu khắc.
Giá trị nghệ thuật, các bức tượng điêu khắc cổ cũng như hiện đại, như một kho tàng nghệ thuật quý giá của dân tộc, đạt tới được những giá trị chuẩn mực cổ điển, sự chuẩn mực trong các tác phẩm, nhất là những bức tượng về Phật giáo, những yêu cầu về bố cục, những trục cân đối, chu vi trau chuốt… là những tiêu chí cổ điển được tuân thủ trong các tác phẩm. Tiêu chuẩn về nghệ thuật của điêu khắc còn được thể hiện ở sự thay đổi, tính toán về ánh sáng tác động tới tác phẩm điêu khắc, nhất là những điêu khắc cổ trong chùa, đình, miếu trước đây; còn ngày nay với những bức tượng việc ánh sáng nhân tạo tham gia vào nhiều hơn.
Hình khối là sự quyết định cấu trúc quan trọng trong nghệ thuật điêu khắc, bởi khối có diễn tả mạch lạc, cân đối, không giả định, không ước lệ tạo nên một cấu trúc lớn hoàn chỉnh, phát huy được tính tự thân của khối sẽ làm tác phẩm hoàn chỉnh cân đối.
Nét góp phần trong trang trí tạo thành công của phần khối, những nét mềm, cứng, thô… được chạy linh hoạt nhưng không bị rối, hướng chuyển động đa chiều, phá bứt ràng buộc… làm cho tác phẩm điêu khắc thêm phần linh hoạt và bộc lộ những hình khối một cách rõ ràng hơn.
Không gian của tác phẩm điêu khắc là sự chủ động của tác giả và họ luôn muốn tạo cho tác phẩm có những không gian thích hợp nhất.
Nghệ thuật điêu khắc đương đại ngày nay với nhiều thể loại điêu khắc: điêu khắc môi trường (tượng vườn, tượng đài… ngoại thất nói chung), điêu khắc tạo hình trưng bày, điêu khắc trang trí ứng dụng, dạng tượng tượng tròn và phù điêu… ở mỗi loại hình lại rất phong phú về phong cách. Những phong cách tạo hình mới mẻ phù hợp với xu thế thời đại, với những chất liệu cốt tiên tiến hơn của thạch cao, xi măng, nhựa compozit, sau đó được phủ lớp hoàn kim, không chỉ gây sự rực rỡ, sang trọng, mà còn góp phần tăng giá trị thẩm mỹ cho công trình nội thất.
Vậy, sự tham gia của chất liệu sơn ta vào các loại hình của nghệ thuật điêu khắc đương đại, được các nhà điêu khắc kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ hình khối của điêu khắc với chất liệu sơn ta, được khai thác đa dạng, mang lại những giá trị của chất liệu cổ truyền mà vẫn đầy sự nóng hổi của thời đại, sự óng ả mà vẫn nói lên cái sự quyết liệt, màu son đỏ mà vẫn có sự tươi mát… đó là sự quý giá mà chất liệu sơn ta mang đến cho nghệ thuật.
Kết luận
Những ứng dụng của chất liệu sơn ta đã để lại cho ngày nay những hệ thống tượng Phật, trở thành những tác phẩm điêu khắc kiệt tác, đánh dấu từng thời kỳ phát triển của nghệ thuật tạo hình điêu khắc Việt Nam. Với chất liệu sơn ta được sử dụng một cách rộng rãi và sáng tạo hơn ở nhiều thể loại của nghệ thuật tạo hình điêu khắc đương đại, chúng ta có những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đa dạng về chất liệu, phong phú về sự biểu cảm. Đồng thời, nghệ thuật tạo hình điêu khắc cho thấy được sự tiếp biến và việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của nền Mỹ thuật Việt Nam nói chung, của nghệ thuật tạo hình điêu khắc nói riêng.
________________
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Đức Dương, Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á, Nxb Khoa học Xã hội, 2000.
2. Lê Huyên, Nghề sơn cổ truyền Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, 1995.
3. Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Mỹ thuật của người Việt, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1989.
Ths NGUYỄN VIỆT HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022