Xu hướng đổi mầu cho nhân vật

Làn sóng kêu gọi bình đẳng giới, tôn trọng các sắc tộc trên màn ảnh đã có nhiều tác động khi có nhiều giải thưởng ghi nhận sự đóng góp xứng đáng của các ngôi sao đến từ khắp thế giới. Nhưng với các tác phẩm đã ăn sâu trong ký ức thì việc xoá nhoà quốc tịch, thay đổi mầu da cho các nhân vật kinh điển lại đang vấp phải những phản ứng.

Bà tiên xanh bị biến đổi mầu da trong phim Pinochie

Được đánh giá là nhanh nhạy, luôn đi trước và tạo nên các xu hướng trong điện ảnh nhưng sự đổi mới gần đây của Nhà chuột (hãng Disney) đã không nhận được nhiều sự đồng tình. Lý do là bởi hãng đã phá nát những hình tượng đã ăn sâu trong ký ức khán giả khi chạy theo trào lưu đổi mầu da cho các nhân vật quen thuộc. Không chỉ nàng tiên cá Ariel, loạt phiên bản người thật của nhân vật hoạt hình đình đám như Công chúa Bạch Tuyết, nàng Belle của Người đẹp và Quái vật, Tinker Bell (Nàng tiên Tinker Bell)... đều đang bị Disney nhuộm đen. Nhiều cư dân mạng gọi đây là hành động phá nát tuổi thơ nhiều thế hệ khán giả đã quá quen với những hình tượng tồn tại nhiều thế kỷ.

Công thức thay đổi màu da hay biến đổi hình tượng nhân vật hoạt hình kinh điển đang được Disney tích cực áp dụng trong các tác phẩm phiên bản người thật (live-action). Điều này khiến nhiều người hâm mộ của nguyên tác phẫn nộ và phản đối mạnh mẽ. Họ lên án Nhà Chuột lấy danh nghĩa ủng hộ bình đẳng sắc tộc tại Hollywood để PR, tạo dư luận với mục đích kiếm tiền. Đỉnh điểm là cả 5 bộ phim của Nhà Chuột đều bị phản đối khi hãng tiến hành thay đổi sắc da cho các nhân vật đã trở thành biểu tượng, ký ức của các thế hệ độc giả, khán giả. Phim Nàng tiên cá Ariel là phiên bản live-action của The Little Mermaid (tựa Việt: Nàng tiên cá) đã phát hành vào ngày 26/5 là một trường hợp như vậy.

Kể từ thời điểm công bố diễn viên, khởi quay và công chiếu, phim liên tục gây ra các cuộc tranh luận và phản ứng dữ dội vì lựa chọn nữ ca sĩ da màu Halle Bailey vào vai nữ chính, nàng tiên cá Ariel. So với phiên bản hoạt hình năm 1989, tạo hình mới của Ariel không chỉ khác biệt màu da, mà còn đổi từ tóc đỏ sang kiểu tóc tết dây thừng đặc trưng của người Mỹ gốc Phi.

Hình ảnh Nàng tiên Tinker Bell trong phim Peter Pan & Wendy

Cư dân mạng không hài lòng về thay đổi này. Trên mạng xã hội, nhiều hashtag #NotMyAriel (Không phải Ariel của tôi) và nhiều chiến dịch phản đối khác được tạo ra. Các fan hâm mộ nguyên tác cho biết đây không phải vấn đề chủng tộc, mà ngoại hình của Halle Bailey không giống nàng Ariel mà họ biết. Trên các diễn đàn phim ảnh, nhiều chỉ trích cho rằng Ariel của Halle và nhân vật trong nguyên tác không có điểm tương đồng.

Năm 2022, khi Disney tung ra bản làm lại vở nhạc kịch nổi tiếng Beauty and the Beast (Người đẹp và quái vật). Trong phiên bản người thật đóng, nữ ca sĩ R&B H.E.R được mời đóng vai Belle.

Khi người đẹp Mỹ gốc Phi chia sẻ tin tức trên Instagram, những người hâm mộ cô đã để lại bình luận ủng hộ, bày tỏ niềm tự hào khi các nghệ sĩ da mầu được xem trọng. Tuy nhiên, không ít khán giả lại chỉ trích quyết định của nhà sản xuất khi cho rằng: “Disney một lần nữa để nữ diễn viên da mầu diễn giải câu chuyện mà người da trắng là nhân vật chính. Điều này đã phá hủy ký ức tuổi thơ của chúng ta”.

Trong phiên bản live-action Snow White (Bạch Tuyết) dự kiến công chiếu vào năm 2024, Rachel Zegler vào vai nữ chính. Ngôi sao 20 tuổi người Mỹ Latinh có nhiều kinh nghiệm đóng kịch trên sân khấu và sở hữu giọng hát tuyệt vời.

Tạo hình của Công chúa Bạch Tuyết gây tranh cãi

Tuy nhiên, người hâm mộ không hài lòng vì màu da nâu của Zegler không hề đúng với mô tả “da trắng như tuyết” trong truyện cổ tích. Họ liên tục chế giễu nữ diễn viên thắng giải Quả cầu vàng là “Công chúa Than Đen” hay “Trông cô ấy giống như vừa mới đi chơi bùn về”.

Ở phiên bản mới này, quả thực sự sáng tạo của Nhà Chuột đã có nhiều mâu thuẫn với nguyên tác khi khán giả không thể tìm được mối liên hệ giữa nàng công chúa “da trắng như tuyết” với diễn viên da mầu Rachel Zegler. Nhưng bỏ qua những phản đối có phần có lý, Nhà Chuột vẫn lên kế hoạch sản xuất khi với họ mọi tranh cãi sẽ càng đẩy cao sự tò mò với dự án và điều đó đôi khi lại nằm trong chiến lược truyền thông.

Một dự án khác là Nàng tiên Tinker Bell cũng nhận về nhiều phản hồi khi đầu tháng 4, Disney tung trailer phim live-action Peter Pan & Wendy. Trong đó, nhân vật nàng tiên Tinker Bell do nữ diễn viên Mỹ Yara Shahidi đảm nhận.

Trong trí nhớ của mọi người, Tinker Bell là nàng tiên nhỏ bé, dễ thương với mái tóc vàng buộc củ tỏi và làn da trắng. Tuy nhiên, Yara sở hữu làn da đen, tóc đen và ngoại hình bị đánh giá không đủ đẹp để trở thành tiên. Sự cải biên này cũng vấp phải sự chỉ trích của đông đảo khán giả dù về cơ bản, tạo hình nhân vật ở phiên bản hoạt hình và người thật khá giống nhau, trừ mầu da.

Nữ ca sĩ da mầu R&B H.E.R được mời đóng vai Belle trong Người đẹp và quái vật

Năm 2022, Disney phát hành bộ phim Pinocchio (Cậu bé người gỗ) phiên bản live-action. Nhân vật phụ quan trọng trong phim là Cô tiên xanh (The Blue Fairy) được giao cho nữ diễn viên/ca sĩ người Anh Cynthia Erivo.

Trong ký ức của khán giả, cô tiên xanh da trắng, tóc vàng nhưng ở phiên bản mới cô tiên đã được cải biên thành da đen và không có tóc. Với các lớp khán giả cũ thì họ không thể nào chấp nhận được sự thay đổi này.

Ở phiên bản hoạt hình, cô tiên xanh có nét tương đồng với nhân vật bà tiên trong Cinderella (Cô bé Lọ Lem). Cả hai đều có mái tóc vàng xoăn bồng bềnh và da trắng. Tuy nhiên, cô tiên xanh của Cynthia Erivo không chỉ da đen mà còn không có tóc. Cư dân mạng bị sốc trước màn phá nát hình tượng triệt để này.

Phim Nàng Tiên cá (The Little Mermaid)

Tuy nhiên, mọi phản đối là của khán giả nhưng hãng phim cũng sẽ có lý do để họ tiến hành nhuộm da hay thay đổi hàng loạt nhân vật kinh điển sang hình hài mới, khác mầu da, khác tạo hình. Ngoài một vài lỗi lozic khi nàng Bạch Tuyết với đặc điểm da trắng như tuyết trở nên phi lý khi mời diễn viên da mầu vào vai thì có lẽ lý do để Nhà Chuột làm vậy là kiếm tiền. Càng tranh luận, càng phản đối thì những tác phẩm phiên bản khác lạ của họ càng gây tò mò. Và khi doanh thu là điểm ngắm thì mọi phản đối chỉ nằm trong dự liệu khi liên tiếp có những phiên bản “nhuộm da cho nhân vật kinh điển” nối nhau ra mắt. Khi làn sóng dâng quá cao có thể sẽ là tiền đề để Nhà Chuột làm tiếp những phần phim mới khi cho nhân vật trở lại nguyên dạng. Sự quyết tâm của Nhà Chuột khiến mọi người nghi ngờ đây là chủ đích khi công chúng yêu điện ảnh có vấn đề để bàn luận và Nhà Chuột thì cứ kiếm doanh thu nhờ vào những tranh luận bất tận khi mà phản đối, tò mò cũng nằm trong dự liệu, trong các chiến dịch truyền thông, quảng bá của hãng. 

TUYẾT NHUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 541, tháng 7-2023

;