Để sân khấu thiếu nhi không chỉ là thời vụ

Trong cơn lốc phát triển của các phương tiện nghe, nhìn, sân khấu truyền thống gặp khá nhiều trở ngại. Khán giả vẫn là bài toán nan giải nhiều năm qua khi chưa có chìa khóa để mở rộng cánh cửa cho hoạt động sân khấu. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi phải có sân khấu hay kịch chuyên nghiệp dành cho thiếu nhi càng trở nên xa vời.

Vở Chú mèo dạy hải âu bay

Nhiều năm qua, không chỉ khán giả mà chính các nghệ sĩ cũng nhận thức rõ, chúng ta đang thiếu những sân khấu chuyên nghiệp dành cho thiếu nhi. Do thiếu những sân khấu và các kịch bản dành cho lứa tuổi này nên thiếu nhi ngày càng ít được tiếp cận và trở nên xa lạ với các loại hình sân khấu truyền thống. Để nuôi dưỡng và đào tạo lớp công chúng tiềm năng này cần có một chiến lược dài hơi. Chỉ khi thiếu nhi được tiếp cận, đào tạo và nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật thì trong tương lai các em mới có thể là đối tượng khán giả tiềm năng của sân khấu. Nếu không có kế hoạch nuôi dưỡng, chăm chút tình yêu sân khấu từ lúc các em còn nhỏ thì khi lớn lên các em khó có thể yêu sân khấu được khi không hiểu, không thích. Điều này đặc biệt đúng với sân khấu truyền thống khi có quá nhiều thứ hấp dẫn chi phối đời sống tinh thần, giải trí của thiếu nhi hiện nay.

Trong thực tế, trong nhiều năm qua, sân khấu cho thiếu nhi cũng đã manh nha phát triển nhưng chủ yếu mang tính thời vụ, phục vụ thiếu nhi vào các dịp lễ, Tết như dịp hè, ngày Quốc tế Thiếu nhi, rằm Trung thu... Những ngày đó, sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Chèo Hà Nội, rạp xiếc Trung ương, Nhà hát Múa rối Trung ương… tấp nập các suất diễn. Nhưng khi mùa vụ đi qua thì không ít sân khấu, vở diễn dành cho thiếu nhi lại đóng cửa chờ tới các dịp lễ, Tết thiếu nhi năm sau. 

 Vở diễn Hai viên ngọc thần

Năm nay khi Nhà hát Tuổi trẻ dành tặng cho khán giả nhí một chương trình nghệ thuật đặc biệt trong khuôn khổ dự án Mùa hè yêu thương 2023 với 2 vở diễn Giấc mơ của BờmChú mèo dạy hải âu bay. Nhà hát Kịch Hà Nội ra mắt vở diễn Hai viên ngọc thần (hay còn gọi là Sự tích dã tràng). Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp với Nhà hát Star Galaxy ra mắt chư?ng tr?nh ơng trình Biệt đội siêu anh hùng tại 87 Láng Hạ. Rạp Xiếc Trung ương cho ra mắt phiên bản kịch xiếc thiếu nhi Tấm Cám 2023 với tên gọi Tấm Cám - Bống bống, bang bang… Nhà hát Múa rối Việt Nam mang đến vở diễn Thế giới thần tiên kết hợp giữa nghệ thuật múa rối cạn, rối nước cùng cốt truyện Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn…

Dù có nhiều cố gắng nhưng điều các nghệ sĩ kỳ vọng là tạo ra một sự thay đổi toàn diện và tổng thể về sân khấu thiếu nhi. Nhìn một cách dài hạn, cần phải có kế hoạch đào tạo được một lượng khán giả cho nghệ thuật sân khấu và hơn nữa, nó còn có giá trị trong việc tạo nền tảng hiểu biết về văn hóa, truyền thống cho các em.

Vở rối Bạch Tuyết và bảy chú lùn

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - NSND Thuý Mùi cho biết: “Chúng tôi cần sự vào cuộc của các loại hình nghệ thuật và những người làm nghề, phải làm một cách đồng bộ và không tự phát. Mỗi thể loại có một đặc trưng riêng, chèo, tuồng, cải lương, kịch nói đều phải được dàn dựng theo chuẩn mực. Khi dàn dựng tác phẩm xong, chúng ta có thể giới thiệu từng loại hình nghệ thuật cho các cháu vào những ngày nghỉ, ngày hè hay lồng ghép vào các lớp học ngoại khóa... Đó chính là cách nuôi dưỡng và đào tạo có gốc rễ, tôn trọng các giá trị tinh hoa và góp phần bảo tồn nó. Tôi tin, với cách làm này sẽ mang đến cho sân khấu một sức sống mới. Ngoài ra, cần phát động cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi và sẽ gửi cho các đơn vị thông báo về liên hoan các vở diễn về đề tài thiếu nhi để tạo cho sân chơi này một đầu ra cũng như các hoạt động để kích thích và duy trì”.

Nếu kế hoạch xây dựng và đào tạo lớp khán giả tiềm năng này được thực hiện thì các nhà hát sẽ chủ động trong việc tổ chức, lên kế hoạch cụ thể trong lịch trình hằng năm với các kịch mục dành cho thiếu nhi. Không chỉ ở Hà Nội và TP. HCM mà các nhà hát ở địa phương cũng có thể chủ động tạo sân chơi mới cho mình. Một cuộc liên hoan toàn quốc về sân khấu cho thiếu nhi có thể sẽ là nhân tố để kích hoạt các hoạt động sáng tác, biểu diễn cho các nhà hát trong cả nước. Nhưng, tổ chức cuộc thi như thế nào để có hiệu quả, đó là trăn trở của những người cầm cân nảy mực cho sân khấu hiện nay. Bởi nhiều năm qua, tình trạng các tác phẩm dự thi xong về đắp chiếu rất phổ biến và khán giả cũng ít có cơ hội được thưởng thức tác phẩm vì không có lịch diễn đều đặn. NSND Thúy Mùi chia sẻ: “Các đơn vị cần xác định đây là một mảng quan trọng, dần dần chúng ta sẽ chuyên nghiệp hóa các tác phẩm sân khấu phục vụ thiếu nhi. Sẽ khó để có một sân khấu thường niên cho thiếu nhi nhưng trong kịch mục của các nhà hát ở các loại hình khác nhau sẽ có các tác phẩm cho thiếu nhi bên cạnh sản phẩm dành cho người lớn. Đặc biệt, các đơn vị nghệ thuật tỉnh, thành cũng nên chú trọng đến mảng kịch này. Phải từ nhận thức của người làm nghề, đến các cấp quản lý nhà nước đối với mảng kịch dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng thì mới tạo ra được sân chơi cho các con”.

Vở Trại hoa vàng

Rõ ràng, thiếu nhi là một đối tượng tiềm năng của sân khấu, cả hiện tại và tương lai. Nếu từ nhỏ, chúng ta nuôi dưỡng được tình yêu sân khấu cho trẻ thơ, chắc chắn sau này, một phần trong các em sẽ có thói quen thưởng thức văn hóa nghệ thuật, từ đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa trong thời buổi các em rất dễ bị chi phối và mất phương hướng bởi những giá trị ảo đang lan tràn trên mạng xã hội. 

Bên cạnh một chiến lược đồng bộ để đào tạo khán giả trẻ cho sân khấu của Hội Nghệ sĩ sân khấu, các nhà hát cũng đang nỗ lực thay đổi để tiếp cận khán giả. NSƯT Sỹ Tiến chia sẻ: “Khán giả thưởng thức nghệ thuật bây giờ rất tinh nên chúng tôi phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của họ. Nhạc kịch không còn mới lạ trên thế giới nhưng vẫn là một món ăn mới ở Việt Nam. Một món ăn cao cấp, cần được đầu tư kỹ lưỡng, bài bản. Chúng tôi đã làm một vở nhạc kịch của Việt Nam, mang đậm màu sắc văn hóa Việt. Tôi hy vọng, đây là một hướng đi mới của nhà hát trong nỗ lực đi tìm khán giả của mình”

Vở diễn Giấc mơ của Bờm

Trước đó, Nhà hát Tuổi trẻ đã cháy vé với một số vở nhạc kịch dành cho thiếu niên như Trại hoa vàng, Thiên nga… Trong đó, vở nhạc kịch Trại hoa vàng được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm văn học vốn đã rất quen thuộc với đông đảo độc giả trẻ qua thông điệp của ước mơ, khát vọng và nghị lực để vượt qua khó khăn, thử thách trên con đường lập thân, lập nghiệp của các bạn trẻ. Nhạc kịch Trại hoa vàng được dàn dựng bởi đạo diễn, NSƯT Ánh Tuyết, từng giành Huy chương vàng Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2021. Việc tạo ra những món ăn mới, hấp dẫn, đa dạng mà vẫn đảm bảo chất lượng nghệ thuật ở mức cao là một yêu cầu tất yếu để đáp ứng thị hiếu của khán giả trong nỗ lực thay đổi để lấy lại thị phần khán giả cho sân khấu trong thời điểm khó khăn. 

Rõ ràng, sân khấu cần những nỗ lực đổi mới quyết liệt để giải quyết bài toán “khủng hoảng” khán giả từ nhiều năm nay. Đây không phải là bài toán của một sớm một chiều mà cần sự bền bỉ, lâu dài, sự vào cuộc của các loại hình, các ban - ngành để những giá trị của thánh đường sân khấu được trở lại với khán giả, trong đó có thiếu nhi.

BẢO KHÁNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 541, tháng 7-2023

 

;