Kịch kinh điển trên sân khấu Việt Nam - Kỳ 2: Đa dạng phương thức dàn dựng kịch kinh điển tại Việt Nam những năm gần đây

Kịch bản kinh điển đã có mặt trên sân khấu Việt Nam từ hàng trăm năm nay với nhiều đạo diễn tên tuổi hàng đầu như Nguyễn Đình Thi, Dương Ngọc Đức… Các tác phẩm kinh điển vẫn tiếp tục hấp dẫn người làm sân khấu bởi nội dung sâu sắc, giàu ý nghĩa nhân văn, tầng ngữ nghĩa mang tính triết học cao. Tuy nhiên, vẫn cần nhìn nhận lại những tác phẩm này để có được kinh nghiệm cần thiết cho các nghệ sĩ.

Cảnh trong vở Macbeth do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng

Dàn dựng kịch bản kinh điển khác gì dàn dựng các kịch bản khác? 

Với không ít đạo diễn, câu trả lời là không có gì khác biệt lắm vì các tác phẩm kịch bản văn học khi được lựa chọn đều cần có những cung cách tiếp cận riêng, những “chìa khóa” riêng để giải mã, để đưa lại những hình tượng nhân vật bằng xương bằng thịt đầy tính thuyết phục. Tuy nhiên, là những tác phẩm có sức sống hằng trăm năm tuổi, các kịch bản kinh điển có sức hấp dẫn riêng, có cái khó riêng mà không phải đạo diễn, nghệ sĩ nào cũng có thể đáp ứng được. Chính vì vậy mà khá nhiều nhà hoạt động sân khấu nhận định, một trong những thước đo trình độ của nền sân khấu mỗi nước được thể hiện khi dàn dựng những kịch bản đã trở thành mẫu mực, cổ điển của thế giới. Nhà viết kịch Chu Thơm cho rằng, các đạo diễn và diễn viên Việt Nam đã làm sống lại những vở kịch kinh điển không chỉ bởi nó mẫu mực về kết cấu lớp lang, cốt truyện, phong cách, thủ pháp nghệ thuật mà trên hết chính là ở những giá trị thẩm mỹ, nhân văn sâu sắc mang đậm tính thời sự trong cuộc sống hôm nay. 

Những vở kịch kinh điển của thế giới được dàn dựng trên sân khấu Việt Nam sẽ giúp các nghệ sĩ có cơ hội bộc lộ tài năng, trau chuốt nghề nghiệp và khán giả cũng có cơ hội được xem những tác phẩm thật sự có chất lượng. Đặc biệt, việc dàn dựng thành công những vở kinh điển sẽ nâng cao trình độ của tập thể sáng tạo và diễn viên, “một công đôi việc”- giống như một cuộc tập huấn, đào tạo chung cho đội ngũ nghệ sĩ trong quá trình “chinh phục” những đỉnh cao nghề nghiệp mới.

NSND Lê Khanh (váy đỏ) và các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ trong vở Nhà búp bê

Với các nghệ sĩ, dựng kịch kinh điển chưa bao giờ là dễ dàng cả. Nghệ sĩ Văn Hải, Giám đốc sản xuất của sân khấu Lệ Ngọc từng tâm sự, dựng vở Vua Lear có nhiều cái nhất, có thể nói gọn là kinh phí gấp 3 lần, thời gian luyện tập gấp đôi, số nghệ sĩ thử vai, vào vai cũng đông gấp nhiều lần… các vở bình thường khác. 

Và không chỉ có vậy, những tình huống, những sự biến và tính cách nhân vật ở các vở này cũng đòi hỏi sự đầu tư rất lớn bởi bề sâu, nét cá tính riêng… cần được người diễn viên thủ vai phải tâm huyết, vất vả hơn nhiều. Chưa kể, văn chương đối thoại, độc thoại cũng rất dài, rất khó để thuộc, để hấp thụ, cảm nhiễm rồi trở thành của chính mình… như yêu cầu vẫn đặt ra đối với các vai diễn khó của sân khấu. NSND Lê Khanh từng tâm sự, mỗi diễn viên đều ao ước trong đời được vào vai các nhân vật nổi tiếng thế giới. Các nhân vật đó đều là những thách thức đối với trình độ diễn viên, trình độ của tập thể nghệ sĩ nhà hát. Dựng kịch kinh điển không đơn giản, không nhiều đoàn nghệ thuật có thể dựng được, lại càng ít đạo diễn dám dàn dựng, không nhiều diễn viên dám diễn. 

Xây dựng những vở kịch kinh điển nghĩa là phải chấp nhận đương đầu với thách thức như kinh phí lớn, kỳ công và cả áp lực khi luôn bị đem ra so sánh với những phiên bản thành công trước đây. Với kịch kinh điển, ê kíp sáng tạo và tập thể diễn viên không thể lười biếng đi theo lối mòn, lặp lại thành tựu trước đây mà bắt buộc phải đầu tư, nỗ lực để mang hơi thở mới, tạo dựng thành tựu mới. Việc dựng các tác phẩm kinh điển không chỉ là thuốc thử tài năng của đơn vị, mà còn góp phần giúp các thế hệ nghệ sĩ trưởng thành, có khả năng đem những giá trị bất hủ của thế giới đến với công chúng trong và ngoài nước.

Một số vở diễn kinh điển trong thập niên vừa qua tại Việt Nam 

Đã có thời kỳ nhiều đơn vị sân khấu Việt Nam chú trọng dàn dựng, thử sức với các kịch bản kinh điển. Có lẽ khởi nguồn là việc Nhà hát Kịch Việt Nam có đợt bồi dưỡng, tập huấn cho các diễn viên qua các trích đoạn kinh điển vào những năm đầu thập niên 2010. Xứng danh anh cả của kịch nói Việt Nam, Nhà hát đã có sự ra mắt thành công với Hăm let (Shakespeare) do NSND Anh Tú đạo diễn, được đánh giá là rất Việt Nam mà vẫn giữ được giá trị tư tưởng, thông điệp của kịch bản quá nổi tiếng này. Các nhân vật được khắc họa sắc nét nhờ vào tài năng của cá nhân các nghệ sĩ và cách dàn dựng kỹ lưỡng, đầy dụng ý của đạo diễn. Đạo diễn dụng công xây dựng chiếc ngai vàng chính giữa sân khấu, mọi sự kiện đều xoay quanh quyền lực đó. Màn độc thoại của vị vua em Clodiut với những day dứt của một chút lương tri còn sót lại để ông ta run rẩy, sợ hãi với những tội ác bất luân do mình gây ra. NSƯT Trung Anh trong vai diễn này xoay trở vòng quanh chiếc ngai vàng, lúc lì lợm bám lấy, lúc lại vật vã chông chênh lay nó để rồi như đổ sập theo sự biến chuyển tâm lý của nhân vật. Những trang trí đơn giản, chuyển động theo từng tâm trạng nhân vật như những khối lập phương màu đen ở màn Hăm lét tự vẫn khiến nhân vật này (NSƯT Tạ Tuấn Minh đóng) như rơi xuống vực sâu hay bị vây trong nhà mồ, ngục tù bức bối của cung điện. Thêm những yếu tố văn hóa rất thuần Việt là những lời thơ song thất lục bát, nhịp trống của sân khấu truyền thống Việt và nhất là điệu múa Xuân Phả của xứ Thanh được sử dụng xuyên suốt, khiến cảnh diễn thêm sinh động, giàu cảnh sắc và làm nổi bật ý nghĩa của những màn diễn. Vở diễn đã gây được tiếng vang khi các xuất diễn đều bán hết vé, giá vé không rẻ và cũng có chuyến lưu diễn nước ngoài khá hoành tráng.

Nhà hát Tuổi trẻ công diễn vở Vòng phấn Kavkaz vào năm 2014, được giới chuyên môn đánh giá cao

Đầu quý II năm 2017, Nhà hát Kịch Việt Nam lại cho ra mắt vở Lão hà tiện - kịch bản rất nổi tiếng của Molière, dưới sự dàn dựng của đạo diễn, NSND Tuấn Hải. Những tiếng cười giàu chất trí tuệ, sâu sắc của kịch bản được NSND Tuấn Hải cùng êkip đưa ra những cảnh diễn độc đáo, nhiều tình huống hài hước qua những lời thoại vòng vèo, tác phong kiểu cách rởm đời, nhấn nhá đài từ để tạo sự dí dỏm, châm biếm. Người xem thú vị với câu nói cửa miệng “Đồ chết treo” của lão Arpagon được thể hiện bằng cách cho diễn viên đu bay trên sân khấu 3 lần với 3 nhân vật, mỗi nhân vật bị treo ở một tư thế khác nhau… hay chỉ với ba hình khối được thiết kế chỉn chu, tỉ mỉ, diễn viên trực tiếp chuyển cảnh trong ánh sáng và âm nhạc cùng vũ đạo đẹp mắt, đã tạo sự biến đổi diệu kỳ của không gian: Lúc là cảnh căn phòng của Harpagon với đầy những hố, góc dành cho ông chủ thích rình mò, chui lủi; lúc là ngoại cảnh lâu đài với những cửa sổ, ban công; lúc lại chuyển thành căn hầm tối giăng đầy tơ nhện. Những chi tiết khá đắt như những lỗ khóa, chìa khóa khắp lâu đài, thể hiện cho nỗi lo mất tiền luôn thường trực trong thâm tâm gia chủ. Cùng năm đó, Nhà hát Kịch Việt Nam còn cho ra mắt vở Romeo và Juliet (tác giả William Shakespeare, NSND Anh Tú đạo diễn). Đây là lần thứ 3 kịch bản kinh điển này được dàn dựng trên sân khấu Việt Nam nhưng vẫn khiến người xem cảm nhận được sự tươi mới với những lát cắt thú vị nhằm hấp dẫn khán giả trẻ. 

Bên cạnh Nhà hát Kịch Việt Nam thì phải kể đến những nỗ lực không mệt mỏi của Nhà hát Tuổi trẻ trong việc dàn dựng kịch bản kinh điển của thế giới. Năm 2014, Nhà hát Tuổi trẻ công diễn vở Vòng phấn Kavkaz của tác giả Bertol Brecht dưới bàn tay đạo diễn Đức Dominik Gunther. Lần thứ hai dựng lại kịch bản này sau phiên bản gắn với tên tuổi của Nhà hát Kịch Việt Nam từ vài chục năm trước, nhưng vở diễn vẫn có được sự trẻ trung, tươi mới, được giới chuyên môn đánh giá cao. Đầu năm 2016, Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã dựng và ra mắt thành công tác phẩm Quan thanh tra (tác giả Nikolai Gogol, đạo diễn NSƯT Chí Trung). Lấy ý tưởng quan tham như chuột, cả một đám quan tham đã bị vạch trần khi một tay công chức quèn lang thang đến một thị trấn miền Nam rồi bị tưởng nhầm là Quan thanh tra từ thủ đô Peterburg đi thị sát khiến cánh quan chức ở đây lo sợ, cuống quýt tìm cách mua chuộc, hối lộ. Cách làm khá mạnh tay của đạo diễn khi sửa lời kịch bản, đưa vào đó bài đồng dao… đã khiến người xem thỏa mãn, thích thú.

Đó là một vài vở diễn của hai nhà hát quốc gia và đều là những vở diễn được đánh giá cao trong khâu dàn dựng, sự tỉ mỉ trong bố cục, mỹ thuật, âm nhạc cũng như công sức của tập thể nghệ sĩ. Các đạo diễn đều rất ý thức đem vào vở diễn những âm hưởng riêng của văn hóa Việt Nam, cung cách xử lý không gian thời gian và mỹ thuật sân khấu mang đậm tính ước lệ. 

Gần đây nhất, sân khấu tư nhân Lệ Ngọc đã dàn dựng hai kịch bản kinh điển là Vụ án người đốt đền (Grigori Gorin), đạo diễn: Lê Quý Dương và Vua Lia (Sheckspear) do NSND Lê Hùng dàn dựng. Với Vua Lia đã có những ý kiến trái chiều khi đạo diễn gọt giũa các câu thoại kinh điển, biến câu chuyện vương triều với các cô công chúa hoàng thất thành những lời thoại rất bình dị, dân dã. Một số tác giả đã cho rằng, việc làm này làm mất đi tính sang trọng, mất đi nét kinh điển của tác phẩm văn học. Nhiều ý kiến khác lại phản hồi, đây là việc kéo gần những tác phẩm quá lâu đời đến với khán giả hôm nay. Ngược lại, với kịch bản Mê Đê (Euripides), NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng cho Nhà hát Thế giới Trẻ với thể loại kịch nói có rất nhiều thử nghiệm mới mẻ hay bản dựng của NSƯT Lê Chức cho Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt gần đây đã nhận được đồng thuận cao khi giữ được chất sang trọng của lời thoại, các đoạn thoại vào ca được biên tập, chuyển soạn rất êm, rất hấp dẫn. Những xử lý sân khấu giàu tính ước lệ cũng là điểm mạnh, sự hấp dẫn cho vở diễn này.

Có thể thấy, việc dựng lại những kịch bản kinh điển là một trong những thành tựu của sân khấu Việt Nam suốt hơn một thế kỷ qua. Ngoài xu hướng dựng theo cung cách vận dụng thủ pháp ước lệ, cách điệu của sân khấu kịch hát truyền thống như đã nêu ở trên, gần đây một số tác phẩm sân khấu kinh điển được dựng theo cách khá mới lạ. Các đạo diễn đã tận dụng ngôn ngữ cơ thể, giản lược lời thoại, rất gần với thể loại kịch hình thể và những vở diễn theo cách này cũng đã đem tới sự ngạc nhiên, yêu thích cho công chúng, nhất là công chúng trẻ. Đó là các bản dựng Ê đip làm vua của NSƯT Bùi Như Lai cho lớp diễn viên trẻ trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, là dự án Sân khấu Antigone (tác gia Hy Lạp vĩ đại Sophocles) được Viện Goethe phối hợp cùng Nhà hát Tuổi trẻ và hợp tác cùng các đạo diễn sân khấu: Trần Lực, Bùi Như Lai, Hà Nguyên Long cùng với nhà sáng tác đa phương tiện Hà Thúy Hằng, biên đạo Trần Minh Hải và đạo diễn Lê Thị Hoà An từ TP.HCM thực hiện. 

Cảnh trong vở Cậu Vanya

Lược bớt lời thoại, dùng ngôn ngữ cơ thể để người xem thấu hiểu, đem lại những thỏa mãn tốt hơn về thị giác, dễ vượt qua rào cản ngôn ngữ để đến với công chúng quốc tế, gần hơn với giới trẻ giàu sự liên tưởng… những ưu thế đó khiến việc dựng vở diễn theo cách này ngày càng được các đơn vị thực hiện.

Nhìn lại những vở diễn trong thời gian chục năm trở lại đây, những vấn đề của việc dàn dựng kịch kinh điển có thể thấy khá rõ. Đó là sự gọt rũa cho gọn lại, làm mới bằng những chi tiết gần hơn với xã hội hiện nay, đem lại sự gần gũi, giản dị cho vở diễn kinh điển chứ không phải bằng không khí đậm đặc của những thế kỷ trước trong những bộ trang phục, trong không khí kịch. Có những đạo diễn mạnh dạn cho các nhân vật thế kỷ thứ 17 của nước Pháp ăn mặc như các nhân vật thời phong kiến ở Việt Nam như bản dựng vở Tác Tuýp của NGƯT, TS, đạo diễn Lê Mạnh Hùng dựng cho sinh viên tốt nghiệp năm 2013… Hoặc bản dựng vở Mê Đê của NSƯT Lê Chức dựng cho Nhà hát Cải lương Việt Nam rất được tán thưởng bởi dù cắt gọn, chuyển thể sang hình thức kịch hát vẫn giữ được những lời thoại sang trọng, tinh tế của kịch bản kinh điển… Hay xu hướng dựng theo cách sử dụng hình thể là chính… Tất cả đều đem tới sự phong phú, đa dạng và nhiều sắc màu cho sân khấu Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm cho sân khấu nhân loại, bổ sung vào sự đa dạng cho công tác dàn dựng cũng như làm đa nghĩa thêm những ý đồ tư tưởng nhân văn vốn luôn tồn tại trong các kịch bản kinh điển. Qua đó, kịch nói Việt Nam đã hoà nhập vào thế giới chung, thế giới của sân khấu kịch, sân khấu drame có tính chất toàn cầu.

Kịch kinh điển đã đồng hành suốt quá trình phát triển của kịch nói Việt Nam hơn một thế kỷ qua, chứng tỏ được sự đa dạng, chuẩn mực của các tác phẩm xứng với tên gọi kinh điển, góp phần giúp đội ngũ nghệ sĩ Việt Nam trưởng thành, phát triển.

(tiếp theo số 535 và hết)

NGỌC BẢO - Ảnh: THẾ TOÀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 538, tháng 6-2023

 

;