Mê Đê - Bi kịch của tham vọng

Mê Đê là kịch bản kinh điển, là ví dụ thường được phân tích về thể tài bi kịch, là tác phẩm rất được chú ý, yêu thích của Euripide (480 - 406 TCN). Euripide cùng với Eschyle và Sophocle là ba nhà viết kịch tiêu biểu của nền văn minh Hy Lạp Cổ đại. Kịch bản này đã có rất nhiều phiên bản sân khấu trên khắp thế giới, ở nhiều thời kỳ với những cách diễn giải rất khác nhau, ở nhiều hình thức nghệ thuật sân khấu. Vì lẽ gì một kịch bản bi kịch cách đây hơn hai ngàn năm vẫn hấp dẫn thế giới hiện đại, vẫn hiển hiện trên sàn diễn ở ngay Việt Nam trong thập niên 20 của thế kỷ XXI?

Sân khấu Việt Nam từng có nhiều nàng Mê Đê ở các trích đoạn cho học sinh nghệ thuật bởi sự giằng xé, bởi hành động bất thường của một người mẹ khi giết hai con để trả thù sự phản bội của chồng. Sự quyết liệt, đớn đau cùng những biến chuyển tâm lý mạnh mẽ của nhân vật chính đã thu hút người làm nghệ thuật trên khắp thế giới và Việt Nam. Năm 2016, ê kip sáng tạo của tác giả Lê Chí Trung và NSND Trần Ngọc Giàu quyết định dàn dựng lại vở này cho sân khấu Nhà hát Thế giới Trẻ để tham dự Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần 3 -2016 tại Hà Nội, cũng ghi được ấn tượng mạnh.

Nhưng đa số các tiểu phẩm, hay vở Mê Đê của sân khấu thử nghiệm năm đó cũng là những tác phẩm kịch nói. Lần đầu tiên, kịch bản này được các nghệ sĩ dùng hình thức cải lương để thể hiện. Ê kíp (dịch giả Hoàng Hữu Đản; kịch bản cải lương Lê Chức - Triệu Trung Kiên; đạo diễn: NSƯT Lê Chức; âm nhạc: NSND Trọng Đài; thiết kế mỹ thuật: NSƯT Doãn Bằng; biên đạo múa: Thành Trung) đã rất cố gắng để dù là dùng hình thức kịch hát nhưng vẫn giữ được chất sang trọng, kể được câu chuyện kịch vốn rất dữ dội này. 

Nguyên nhân sâu sa của mối hận thù dữ dội khi bị bội phản của nàng Mê Đê là cô đã hy sinh rất nhiều (từ bỏ thân phận cao quý, lừa cha, giết em ruột rồi băm xác em rải xuống biển để ngăn thuyền của vua cha đuổi theo) nhằm giúp Jadong lấy được bộ lông cừu vàng đem về kinh thành Lolcos, trả mối thâm thù với vua Pélias. Vậy nhưng, khi Mê Đê cùng Jadong và hai con phải chạy đến vương quốc Coranh ẩn thân thì Jadong vì tham vọng địa vị đã phản bội, ruồng bỏ Mê Đê, lấy công chúa, con vua Creong trị vì Coranh. Nhà vua nơi này sợ Mê Đê trả thù nên đã đuổi mẹ con Mê Đê ra khỏi xứ sở. Nhưng bằng sự khéo léo, Mê Đê đã xin Creong cho ở lại một ngày. Chỉ với một ngày này mà người phụ nữ thông minh, kiêu hãnh và cũng là người mạnh mẽ, quyết đoán cùng nỗi đau khổ tột cùng do bị phản bội và lòng thù hận quá lớn, Mê Đê đã tạo nên tấn bi kịch khiến ngàn đời sau nhân loại còn kinh sợ. Với năng lực và sự thù hận dữ dội, Mê Đê đã dùng nhiều thủ đoạn khá độc ác để giết chết cô công chúa vàng ngọc cùng cha nàng, Vua Creong bằng cái chết đau đớn vì độc dược. Kinh khủng hơn, vì biết Jadong rất yêu con, Mê Đê còn tự tay đâm chết hai con đẻ của mình, kết thúc những khổ đau tột cùng... kết thúc sự hận thù kinh hãi. 

NSƯT, đạo diễn Lê Chức đã tôn trọng để gắng giữ tối đa tính nguyên bản của tác phẩm vì đây là tác phẩm văn học đã qua nhiều lần chuyển ngữ (dịch sang tiếng Việt, từ đó lại biên tập, chuyển thể sang cải lương). Vở diễn được dàn dựng tối giản với chiếc bục tròn ở trung tâm cùng những dải lụa nhiều màu được treo nhờ vào một khung tròn trên cao. Dùng lụa vốn là cách xử lý mềm mại, linh hoạt nhưng cũng rất khó bởi không thể để ngưng lặng mà luôn phải được bay lượn, biến hóa để tạo sự vận động, hỗ trợ cho hành động kịch. Sự xuất hiện của ánh trăng và “Ngôi sao Thiên mệnh” cùng sự linh hoạt của những dải lụa màu trong tay các diễn viên trên sân khấu đã khiến sân khấu sống động, màu sắc, hấp dẫn hơn rất nhiều. Đạo diễn tôn trọng nguyên tác và thậm chí giữ nguyên dàn đồng ca xuất hiện trên sàn diễn, bình luận, dẫn dắt, tham gia vào hành động kịch… Biên tập cho gọn nhưng các tình tiết vừa đủ cho thời lượng, tiết chế ca, âm nhạc và múa cũng rất đúng liều lượng, lại giữ được chất nhân văn khi thay thế diễn viên đóng vai hai con trai của Mê Đê là hai con rối trong tay diễn viên đồng ca… Tất cả chứng tỏ sự chắc tay của đạo diễn và sự vừa đủ này vô cùng quan trọng trong sự thẩm định, thưởng thức tác phẩm thì ông đã đạt tới. 

Cùng với đạo diễn, sự góp mặt, sáng tạo vai diễn của dàn diễn viên rất “xịn” của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã làm nên một đêm diễn hấp dẫn, thu hút. Nhất là vai diễn Mê Đê, nhân vật trung tâm của vở được nghệ sĩ Như Quỳnh thể hiện thật sự khiến khán giả và bạn nghề khâm phục. Mê Đê của Như Quỳnh hình thức mảnh mai, mong manh nhưng lại gây được ấn tượng mãnh liệt, đầy sinh khí với những biến đổi nội tâm rất khó diễn tả. Vậy mà một Mê Đê từ yêu thương cho tới thù hận qua từng ánh mắt, cử chỉ đã sống động, giàu tính thuyết phục. Đứng về phía Mê Đê, đạo diễn thấu cảm được nỗi đau bị phụ bạc, bị ruồng rẫy, bị coi như trò chơi của người chồng bội phản… để rồi cùng diễn viên thăng hoa khi thể hiện sự giằng xé nội tâm, nàng đã đi đến việc thực hiện hành động khủng khiếp nhất của người mẹ: tự tay giết chết con mình. Cùng với chị, các diễn viên khác như Minh Hải (Ja-đông), Xuân Thông (Vua Crê-ông), Thu Hiền (công chúa), Đức Hảo (Vua xứ A-ten)... đều đã ghi được ấn tượng tốt với vai diễn của mình, thể hiện được sự dày công luyện tập, xử lý ca hát, diễn xuất tốt nhất cho đêm diễn. 

Một vở cải lương hấp dẫn, lại đảm bảo được trọn vẹn giá trị của một kịch bản kinh điển vào loại khó của thế giới, mà còn nâng tầm được tác phẩm khiến cảm nhận chung về vở là mới mẻ, sang trọng… quả là thành công không dễ thấy trên sân khấu Việt Nam hiện đại.

CAO NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 535, tháng 5-2023

;