Xu hướng biến đổi trong hôn nhân của người Dao Đỏ ở Cao Bằng hiện nay

Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, hôn nhân của người Dao Đỏ chịu ảnh hưởng của quá trình giao lưu văn hóa giữa các tộc người họ, đã tiếp thu có chọn lọc những yếu tố văn hóa mới. Nghi lễ cưới xin của người Dao Đỏ ở Cao Bằng nói riêng và ở Việt Nam nói chung là một trong những nét văn hóa đặc trưng có ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì nòi giống, cố kết cộng đồng, dòng họ. Vì vậy, hôn nhân luôn luôn biến đổi theo thời gian và thích nghi với điều kiện mới, hôn nhân của người Dao Đỏ cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Cô dâu và những phù dâu trong đám cưới người Dao Đỏ - Ảnh: Phương Thảo

Cao Bằng là tỉnh miền núi, nằm ở Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới dài trên 333km. Phía Tây của tỉnh giáp Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp Bắc Kạn và Lạng Sơn. Cao Bằng có diện tích 6.703,42km2, với dân số 530.341 người (năm 2019), trên 95% là người dân tộc thiểu số. Trong đó, dân tộc Dao đứng thứ tư về dân số,    chỉ sau dân tộc Tày, Nùng và Mông, phân bố, cư trú chủ yếu ở các huyện Nguyên Bình, Hà Quảng, Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thạch An. Tuy nhiên, người Dao Đỏ chủ yếu cư trú tại huyện Hà Quảng và Nguyên Bình. Người Dao Đỏ ở Cao Bằng là một trong các nhóm địa phương của tộc người Dao có nhiều phong tục, tập quán, nghi lễ đậm đà bản sắc văn hóa tộc người còn được bảo lưu, gìn giữ. Họ coi hôn nhân là tiền đề quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Vì vậy, trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng là nghĩa vụ và trách nhiệm của từng cá nhân đối với gia đình, tổ tiên, dòng họ, đồng thời là trách nhiệm, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái. Theo quan niệm của người Dao Đỏ, sự trưởng thành của đàn ông được khẳng định thông qua lễ cấp sắc và việc lập gia đình. Còn đối với phụ nữ, hôn nhân đánh dấu sự trưởng thành thông qua việc chăm lo công việc nhà chồng, sinh con để duy trì nòi giống.

Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cũng như hôn nhân của người Dao Đỏ. Ngoài các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa của người Dao nói chung và người Dao Đỏ nói riêng đang chịu tác động mạnh mẽ từ nền văn hóa của các tộc người sống cận cư như người Tày, Nùng, Kinh… được thể hiện qua sự tiếp thu các yếu tố văn hóa mới trong hôn nhân, thực hành các nghi lễ, đặc biệt là sự biến đổi trang phục, món ăn, quà mừng cưới, âm nhạc…

Trong những năm gần đây, người Kinh, Tày, Nùng sống khá gần với cộng đồng người Dao Đỏ cho nên sự giao thoa về văn hóa với người Kinh và các dân tộc khác cư trú trên địa bàn cũng nhiều hơn. Điều này khiến cho các cuộc hôn nhân giữa người Dao Đỏ với người Tày, Nùng và Kinh tăng lên, nên văn hóa trong gia đình (ăn uống, trang phục, ngôn ngữ, phong tục tập quán) của người Dao Đỏ có nhiều thay đổi. Chẳng hạn, đồ mừng cưới cho cô dâu, chú rể rất ít người mang tặng  gạo, thịt, rượu, củi như phong tục tập quán truyền thống, hầu hết được thay bằng tiền mặt được cho vào phong bì. Hoặc như trong đám cưới, người Dao cũng thuê dựng rạp, trang trí hoa văn, kê hàng ghế, loa đài, treo biển và hát các bài hát hiện đại, cô dâu chú rể nào cũng cố gắng lên phố huyện chụp ảnh cưới mặc váy tây, com-lê treo trong nhà để minh chứng cho một cuộc hôn nhân tốt đẹp…

Vì vậy, quá trình giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ và rộng lớn đã, đang và sẽ tạo nhiều cuộc hôn nhân khác dân tộc và sự tiếp nhận, biến đổi các giá trị văn hóa cốt lõi. Một số yếu tố văn hóa truyền thống chưa đủ sức bảo tồn hoặc không còn thích ứng cao với sự biến đổi của xã hội đã dần mất đi, thay vào đó là các yếu tố văn hóa dân tộc khác. Đặc biệt, văn hóa của người Kinh có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tộc người, trong đó có người Dao Đỏ ngày càng rõ rệt. Điều này được biểu hiện trên một số phương diện cơ bản sau:

Một là, xu hướng đơn giản hóa trong việc thực hành một số yếu tố văn hóa trong hôn nhân

Thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với việc thực hiện tiết kiệm, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, nhiều yếu tố văn hóa truyền thống như cúng tế trong gia đình, các nghi lễ trong chu kỳ đời người, trong đó có nghi lễ hôn nhân… cần diễn ra linh hoạt và đơn giản nhằm tiết kiệm thời gian và kinh phí. Hiện nay, nhiều phong tục, tập quán nghi lễ của người Dao Đỏ ở Cao Bằng đã và đang có xu hướng lược bớt các thủ tục không cần thiết, chỉ giữ lại những nghi lễ chính, song vẫn đảm bảo được các giá trị văn hóa đặc trưng của tộc người. Chẳng hạn như trước đây để có một đám cưới diễn ra phải trải qua ba giai đoạn chính là trước, trong và sau đám cưới với nhiều nghi lễ và phong tục, tập quán khác nhau như: xin lá số, xem lá số, thỏa thuận giữa hai gia đình, ăn hỏi và trao vật làm tin, chọn và báo ngày cưới, cúng tổ tiên hai bên gia đình, cưới bên nhà gái, nghi lễ cưới bên nhà trai, đón dâu, trải chiếu, thổi kèn trước khi cô dâu vào nhà chồng, mời cơm họ hàng, quan lang… Ngày nay, một số nghi lễ được gộp lại như lễ xin lá số, xem lá số vào một ngày như là ngày dạm ngõ; nghi lễ thỏa thuận giữa hai gia đình, ăn hỏi và trao vật làm tin vào ngày làm lễ ăn hỏi. Thời gian tổ chức đám cưới tính từ khi dạm hỏi cho đến khi cô gái về nhà chồng không còn kéo dài như trước, thường từ 1-3 tháng. Việc thách cưới gần như chỉ là thủ tục, không còn quá nặng nề như trong truyền thống, trên cơ sở thỏa thuận của hai bên gia đình, nghi lễ mời quan lang rửa mặt trong đám cưới cũng đơn giản, nhiều nghi lễ như tục chăng dây, hát đối đáp trên đường đi đón dâu và đưa dâu cũng đã giảm bớt nhằm rút ngắn thời gian… Có thể nói, đơn giản hóa các nghi lễ là xu hướng phù hợp với nhịp sống của xã hội hiện đại, loại bỏ dần những thủ tục rườm rà, tốn kém, không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại, qua đó góp phần chắt lọc, lựa chọn các giá trị văn hóa cốt lõi của tộc người để bảo tồn, duy trì, phát huy.

Hai là, xu hướng kết hôn với người khác tộc

Hiện nay, tỷ lệ người Dao Đỏ ở Cao Bằng kết hôn với các dân tộc khác đang có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Sự chủ động của nam nữ thanh niên người Dao Đỏ trong hôn nhân được thể hiện rõ ràng hơn, cha mẹ ít can thiệp vào sự lựa chọn của con cái. Bên cạnh đó, mạng lưới giao thông thuận tiện, thông tin truyền thông được phổ cập đến vùng sâu, vùng xa, nên quá trình giao lưu văn hóa ngày càng mở rộng khiến cho nhận thức của người Dao Đỏ có sự thay đổi và đây là nguyên nhân dẫn đến biến đổi trong đời sống hôn nhân của người Dao Đỏ ở Cao Bằng hiện nay.

Theo số liệu khảo sát về tình trạng kết hôn của người Dao Đỏ xã Cần Nông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng cho thấy, năm 2016, trên địa bàn xã có 65 cặp kết hôn, trong đó số cặp kết hôn nội tộc người Dao Đỏ là 63 cặp và kết hôn với dân tộc khác là 2 cặp người Nùng. Sở dĩ người Dao Đỏ hiện nay có xu hướng kết hôn với người Nùng vì họ cho rằng, trong văn hóa có những nét tương đồng với nhau, hơn nữa, do đặc điểm cư trú gần với người Nùng nên xu hướng này được ưa chuộng. Đây cũng là xu hướng chung của lớp trẻ người Dao Đỏ hiện nay trong việc tự do tìm hiểu bạn đời là người cùng dân tộc hoặc khác dân tộc và quyết định việc kết hôn của mình theo Luật Hôn nhân và Gia đình, đồng thời, thể hiện được sự hòa nhập của lớp trẻ người Dao Đỏ với lớp trẻ của các tộc người láng giềng.

Ba là, xu hướng kết hôn với người bên kia biên giới Trung Quốc

Trong bối cảnh hội nhập, xu hướng kết hôn xuyên biên giới của một số tộc người cư trú sát vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc ngày càng gia tăng, trong đó có người Dao Đỏ. Ở Cao Bằng, xu hướng này tăng cả về số lượng và đa dạng hơn về tính chất. Đặc biệt, một số dân tộc kết hôn với đồng tộc của họ ở bên kia biên giới. Trong những năm gần đây, xu hướng kết hôn này giảm dần, thay vào đó là kết hôn với người khác tộc ngày càng trở nên phổ biến hơn không chỉ giữa các tộc người cư trú ở khu vực biên giới mà cả các tộc người cư trú ở sâu trong nội địa.

Bốn là, xu hướng phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống

Trong suốt chiều dài lịch sử, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số nói chung, văn hóa của người Dao Đỏ nói riêng luôn là những di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. Trong lĩnh vực hôn nhân của người Dao Đỏ ở tỉnh Cao Bằng cho thấy, đồng bào vẫn bảo tồn và gìn giữ được nhiều nét truyền thống đặc trưng trong phong tục, tập quán, nghi lễ hôn nhân. Tuy nhiên, do nhu cầu xã hội phát triển và sự giao lưu văn hóa giữa các vùng, các tộc người khác nên thực trạng hôn nhân của người Dao Đỏ cũng có những biến đổi nhất định, thể hiện qua các bước tiến tới hôn nhân giữa nhà trai và nhà gái trước đây rườm rà đi lại mất thời gian và tốn kém, hiện nay các bước này đã được rút ngắn nhưng vẫn thực hiện đầy đủ các nghi lễ theo truyền thống, biến đổi qua trang phục, âm nhac, tục thách cưới.

Tuy nhiên, được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, người Dao Đỏ ở Cao Bằng luôn tự hào và có ý thức trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của mình. Hiện nay, trong các đám cưới của người Dao ở huyện Nguyên Bình và huyện Thông Nông khi thực hành các nghi lễ quan trọng, cô dâu, chú rể đều mặc trang phục truyền thống, thậm chí những người trong gia đình, họ hàng và những người tham dự cũng mặc trang phục của người Dao. Bên cạnh đó, nhiều loại hình âm nhạc, dân ca được sử dụng trong đám cưới, việc sử dụng các loại hình diễn xướng này có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của cộng đồng. Đây là một kho tàng văn hóa độc đáo được hình thành, phát triển qua các thế hệ của người Dao giúp cho đời sống của họ trở nên phong phú. Chính vì vậy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Dao Đỏ đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm nhằm đa dạng bản sắc văn hóa tộc người. Đồng thời, tạo nên nền tảng văn hóa tinh thần cho sự phát triển của tộc người Dao Đỏ ở Cao Bằng.

Hôn nhân là một trong những thành tố thể hiện rõ bản sắc văn hóa tộc người và chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội của người Dao Đỏ. Trong bối cảnh đổi mới, hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, hôn nhân của người Dao Đỏ ở tỉnh Cao Bằng đang có nhiều biến đổi một cách sâu sắc. Song, biến đổi để thích ứng với sự phát triển của xã hội, những giá trị văn hóa tộc người, giá trị nhân văn và cố kết cộng đồng, tín ngưỡng… trong hôn nhân của người Dao Đỏ vẫn được bảo tồn và phát huy. Bên cạnh đó, chúng ta cần có ý thức và trách nhiệm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các tộc người nói chung và người Dao Đỏ ở Cao Bằng nói riêng, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội, ổn định về chính trị, vững về quốc phòng, an ninh, xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

______________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thị Song Hà (chủ biên), Biến đổi hôn nhân của người Mường ở Hòa Bình và người Mường di cư ở Đắk Lắk, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 232- 233.

2. Đặng Thị Hoa, Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội (Sách chuyên khảo), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016.

3. Lê Thị Thỏa, Nghi lễ hôn nhân của người Dao di cư thôn Hợp Thành, xã Ea Mdrah, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, lưu trữ tại Thư viện Viện Dân tộc học, 2014.

4. Hoàng Kim Tuyến, Báo cáo tổng kết đề tài, Nghiên cứu, phục dựng đám cưới dân tộc Dao Đỏ tỉnh Cao Bằng, tài liệu lưu tại Sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng, 2012.

Ths NGÔ THỊ PHƯƠNG THẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022

;