Lý thuyết mạng lưới xã hội trong nghiên cứu văn hóa gia đình phật tử ở thành phố Đà Nẵng

Văn hóa gia đình Phật tử (GĐPT) có nhiều ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của Phật giáo ở Việt Nam. Trong tâm thức người Việt, Phật giáo đóng vai trò quan trọng, giúp con người sống hướng thiện, hài hòa với môi trường xung quanh. GĐPT là một tổ chức ra đời từ những năm 1940, có đóng góp lớn cho sự phát triển của Phật giáo nhập thế. Tại thành phố Đà Nẵng, GĐPT có những đặc điểm riêng so với nhiều tỉnh thành khác ở Việt Nam. Có nhiều công trình đã nghiên cứu ở góc độ tôn giáo, tâm lý học, sức khỏe tinh thần… về GĐPT được thực hiện trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, cách tiếp cận từ lý thuyết mạng lưới xã hội sẽ giúp làm rõ mối quan hệ giữa các cá nhân trong bối cảnh một “gia đình” rất đặc thù tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Bài viết cung cấp cơ sở khoa học cho việc làm rõ một lý thuyết mới trong nghiên cứu văn hóa GĐPT ở Việt Nam.

Bối cảnh

Phật giáo tham gia vào sự hình thành, định hình bản sắc văn hóa Việt Nam. Thông qua các sinh hoạt cộng đồng, Phật giáo trực tiếp xây dựng hành vi, lối sống, ứng xử chuẩn mực cho các tu sĩ và tín đồ, đồng thời định hình các hệ giá trị xã hội nhất định. Với lịch sử gần 20 thế kỷ du nhập và phát triển ở Việt Nam, Phật giáo với phương châm tùy thời, tùy quốc độ đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Chính sự gắn bó giữa Đạo pháp và dân tộc như vậy đã giúp cho Phật giáo ngày càng ăn sâu vào mạch sống văn hóa, vào trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Có thể nói, Phật giáo đã hòa quyện cùng với quá trình đi lên của đất nước, góp phần hình thành văn hóa và nhân cách con người Việt Nam.

Đến tháng 6-2021, tại Việt Nam, số lượng GĐPT hiện có: 1.035 đơn vị, trong đó có 63.060 đoàn viên các cấp gồm: 9.343 Huynh trưởng, 53.717 Đoàn sinh (1). Số lượng cũng như chất lượng hoạt động của nhiều GĐPT ở khu vực miền Trung, miền Nam ngày càng được nâng cao. Trong khi đó, ở một số tỉnh, thành, nhiều đơn vị đã dừng không hoạt động như Thanh Hóa và Quảng Bình. Tính đến năm 2019, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 57 đơn vị GĐPT sinh hoạt ổn định ở 7 quận, huyện (2). GĐPT tại thành phố Đà Nẵng đã có một thời gian dài phát triển, đóng vai trò là tổ chức rèn luyện thanh thiếu niên trên hai phương diện Đức dục và Trí dục. Phạm vi hoạt động của GĐPT không giới hạn về tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo cũng như trình độ học vấn. Dưới góc độ Phật giáo, GĐPT là hiện thân của Phật pháp nhập thế, hướng dẫn con người đến cái chân - thiện - mỹ. Dưới góc độ văn hóa học, văn hóa của cộng đồng các GĐPT tại địa phương là sự kết nối hoàn hảo giữa đạo và đời.

Có nhiều cách tiếp cận để nghiên cứu GĐPT ở phạm vi toàn quốc hoặc ở cấp độ một tỉnh/ thành. Trong đó, nghiên cứu tôn giáo học cơ bản chiếm ưu thế và ảnh hưởng lớn đến kết quả nghiên cứu của nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, đơn vị GĐPT không chỉ dừng lại ở khía cạnh niềm tin tôn giáo, đó là sự chuyển hóa từ niềm tin tôn giáo đến thực hành văn hóa - xã hội trong đời sống hằng ngày. Giáo lý của nhà Phật không chỉ dừng lại ở cửa chùa mà đã lan tỏa vào ý thức cộng đồng dân cư với sự mềm dẻo vốn có của Phật pháp. Trên cơ sở đó, nghiên cứu GĐPT ở góc độ tôn giáo cần làm rõ về cấu trúc, chức năng và quá trình phát triển của GĐPT đến xã hội đương đại. Mỗi cá nhân trong GĐPT được hiểu như một điểm nút của mạng lưới xã hội mang theo niềm tin tôn giáo để chuyển hóa giáo lý đạo Phật đến với thực hành văn hóa hằng ngày. Cách tiếp cận mạng lưới xã hội giải quyết được các câu hỏi: Thành viên trong cộng đồng Phật tử là ai? Cách thức tổ chức của GĐPT là gì và chức năng của tổ chức này là gì? Quá trình GĐPT liên kết mỗi cá nhân? Cách thức mở rộng mạng lưới? Hay cách thức chuyển giao tư tưởng Phật pháp đến hành vi văn hóa. Đây cũng là một các tiếp cận mới, phù hợp với đặc điểm riêng có của Phật giáo tại Việt Nam.

Lý thuyết về mạng lưới xã hội

Đây là một vấn đề của phương pháp luận liên quan đến các nghiên cứu về Xã hội học, Văn hóa học, Nhân học và một số chuyên ngành khoa học xã hội khác. Các phân tích bằng thuyết mạng lưới xã hội xuất hiện lần đầu tiên năm 1954 trong bài viết của John A. Barnes, nhà xã hội học thuộc trường phái Manchester, công bố trên Tạp chí Quan hệ con người. Những tư tưởng tiên phong xuất hiện trong triết học xã hội của Georg Simmel (đầu TK XX), tư tưởng tâm lý xã hội của Moreno (đầu những năm 30), nhân học cấu trúc chức năng của Radcliffe Brown, nhân học cấu trúc của Claude Levis - Strauss, ngôn ngữ học của Roman Jakobson và các lý thuyết toán học (đại số tuyến tính, ma trận và các lý thuyết về biểu đồ) để thể hiện và phân tích các dữ liệu về quan hệ nhằm làm rõ các đặc tính cấu trúc mạng lưới.

Mạng lưới xã hội là cấu trúc xã hội do cá nhân hay tổ chức tạo lập qua các điểm nút (Node), được gắn bó bằng một hay nhiều kiểu phụ thuộc lẫn nhau như bạn bè, họ hàng, mối quan tâm chung, trao đổi về tài chính cũng như sự ghét bỏ, quan hệ giới, hoặc các mối quan hệ về niềm tin, tri thức hay uy tín. Gắn với vấn đề mạng lưới xã hội, còn có khái niệm phân tích mạng lưới xã hội, tức là sự nhìn nhận mối quan hệ xã hội trong lý thuyết về mạng lưới, bao gồm những điểm nút và các mối quan hệ. Điểm nút là tác nhân trong mạng lưới, còn mối quan hệ là sự gắn bó giữa các tác nhân. Kết quả của cấu trúc mạng là phức hợp nhiều loại quan hệ giữa các điểm nút. Mạng lưới xã hội vận hành ở nhiều cấp độ khác nhau, từ gia đình đến quốc gia, có vai trò đối với việc xác định các vấn đề đang đặt ra, những tổ chức đang hoạt động và mức độ thành công của các cá nhân trong việc đạt được mục tiêu của họ (3). Borgatti và cộng sự lại có định nghĩa ngắn gọn hơn khi cho rằng, mạng lưới xã hội là việc thiết lập và liên kết các điểm nút; trong phân tích mạng lưới xã hội, điểm nút là các cá nhân hoặc tập thể (gia đình, nhóm, tổ chức, quốc gia) (4). Còn theo Pereira và cộng sự, khái niệm mạng lưới xã hội có từ hàng thế kỷ trước, đề cập đến mối quan hệ giữa các thành viên với hệ thống xã hội (5). Đến nay, khái niệm đó được bổ sung cả internet để xem xét cấu trúc của cá nhân hay tổ chức được thiết lập nhằm chia sẻ các mối quan tâm, động cơ, giá trị và mục tiêu chung. Hợp phần được bổ sung này thuộc phạm vi truyền thông xã hội, nơi mà sự tham gia và tương tác của con người đóng vai trò lớn.

Mạng lưới xã hội là một cách tiếp cận mới với công cụ nghiên cứu được xây dựng trên 4 định đề cơ bản: Các cá nhân cá thể hóa trong các mối quan hệ; Các kinh nghiệm được sử dụng và mang ý nghĩa trong các hệ thống các mối quan hệ; Các mối quan hệ quyết định một phần các kinh nghiệm thực tế và các biểu hiện của nó; Nghiên cứu các mối quan hệ giúp ta hiểu được các hiện tượng xã hội.

Trong văn hóa học, các nghiên cứu mạng lưới được nhận biết như mạng lưới quan hệ bạn bè, mạng lưới thân tộc, mạng lưới đồng tộc... và J. A. Barnes còn nhận thấy, những mối quan hệ xã hội giữa các cư dân trên cũng mang tính “chuyển tiếp” theo nghĩa là một cá nhân A nào đó có quan hệ với hai cá nhân B và C, do đó nhiều khả năng B và C cũng sẽ có quan hệ với nhau. Mỗi người trong xã hội đều xây dựng cho mình những mối quan hệ và tạo thành những mạng lưới xã hội. Mạng lưới xã hội của một người càng lớn (càng nhiều mạng lưới) thì họ có cơ hội tiếp cận được nhiều thông tin, nhiều sự trợ giúp, nhiều cơ hội liên kết làm ăn. Mạng lưới xã hội vì vậy cũng được xem là “tư bản”, là “vốn”, là “vốn xã hội”.

Đối với GĐPT, mạng lưới xã hội là một lý thuyết quan trọng để tìm hiểu quan hệ giữa mọi người trong cộng đồng. Thông qua đánh giá vai trò của từng chủ thể trong việc kiến tạo, giữ gìn và phát triển văn hóa cộng đồng để tìm hiểu mạng lưới cộng đồng GĐPT tại Đà Nẵng. Mỗi cá nhân là một thành tố quan trọng trong cộng đồng đó.

Gia đình phật tử

Trong bài viết Vì sao Gia đình phật tử ra đời đăng trong Viên âm Nguyệt San, Hòa thượng Thích Minh Châu - một trong những vị sáng lập ra GĐPT đã khẳng định mục đích của GĐPT là: “GĐPT không phải là cơ quan chuyên môn lo tuyên truyền đạo Phật để lôi cuốn tín đồ phật tử. GĐPT chỉ là một tổ chức gia đình thanh thiếu niên dựa trên nền tảng giáo lý nhà Phật, tạo cho đời sống thanh thiếu niên một đời sống chơn chánh, lợi ích cho mình và cho mọi người. Cho nên, GĐPT chỉ áp dụng những phương tiện trong sạch và chơn chánh để thực hiện mục đích của mình. GĐPT không lôi cuốn thanh thiếu niên cho đông để làm vây cánh đối lập với các đoàn thể khác. GĐPT không dựa vào áp lực chính trị, không dựa vào sức mạnh khủng bố để mở rộng thế lực” (6).

GĐPT là một tổ chức gồm những Phật tử, tùy theo tuổi tác sắp xếp như sau: từ 8 đến 12 tuổi gọi là Oanh vũ; từ 13 đến 17 tuổi gọi là Thiếu niên, từ 18 tuổi trở lên gọi là Thanh niên. Mỗi GĐPT gắn liền với một chùa hay một tịnh xá, niệm phật đường. Hai thành phần chính của GĐPT là Huynh trưởng và Đoàn sinh. Mỗi GĐPT có một Ban Huynh trưởng điều hành gồm: Gia trưởng (là một hội viên có hiểu biết về GĐPT hoặc có thể là Huynh trưởng có uy tín, tuổi trên 40); Liên đoàn trưởng (trường hợp có nhiều Đoàn và đông Đoàn sinh có thể thêm một hoặc hai Liên đoàn phó); Thư ký; Thủ quỹ; các đoàn trưởng và đoàn phó của các Đoàn.

Đoàn sinh bao gồm: Đoàn Oanh vũ nam, Oanh vũ nữ; Đoàn Thiếu nam, Thiếu nữ; đoàn Thanh nam, Thanh nữ. Mỗi giới Đoàn sinh lại chia thành 3 ngành: ngành Đồng (từ 7 đến 12 tuổi), ngành Thiếu (từ 13 đến 17 tuổi), ngành Thanh (từ 18 tuổi trở lên).

Sinh hoạt cộng đồng GĐPT Pháp Lâm - Ảnh: Mai Sa

Trong tâm thức người dân Việt Nam, xét góc độ gia đình, Huynh trưởng (con trai cả, con trai trưởng) có vị trí, vai trò quan trọng, có thể thay thế cha mẹ gánh vác trách nhiệm quan tâm, chăm lo cho các em,   cho các thế hệ nhỏ hơn. Huynh trưởng GĐPT là một cư sĩ Phật tử (nam hoặc nữ) từ 18 tuổi trở lên, đã hiểu rõ và tự nguyện chấp nhận mục đích, lý tưởng GĐPT, có lòng yêu trẻ, thích nghề dạy trẻ, có tư cách đạo đức, khả năng chuyên môn về GĐPT, rèn luyện tinh thần, ý chí và đã phát nguyện trước Tam Bảo suốt đời góp phần phụng sự đạo pháp xây dựng xã hội qua nhiệm vụ điều khiển, hướng dẫn giáo dục Đoàn sinh theo đường lối giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và GĐPT.

Tính đến năm 2019, trên địa bàn thành phố có 57 đơn vị GĐPT sinh hoạt thực sự ổn định, cụ thể tại các quận, huyện như sau: Hải Châu (9 đơn vị), Thanh Khê (12 đơn vị), Sơn Trà (11 đơn vị), Liên Chiểu (7 đơn vị), Cẩm Lệ (6 đơn vị); Ngũ Hành Sơn (3 đơn vị), Hòa Vang (9 đơn vị).

Nghiên cứu văn hóa GĐPT từ cách tiếp cận mạng lưới xã hội

Khi xem xét cách tiếp cận nghiên cứu mạng lưới xã hội, Emmenuel Pannier tổng hợp được hai cách, đó là thực hiện theo phân tích cấu trúc và phân tích phi cấu trúc. Phân tích cấu trúc mang tính định lượng, có nguồn gốc từ truyền thống trắc lượng xã hội và là hiện thân của trường phái “phân tích cấu trúc” kiểu Ăng-lô-xắc-xông. Phương pháp phân tích phi cấu trúc là nghiên cứu định tính với sự “thấu hiểu”, chịu ảnh hưởng của trường phái Manchester. Nếu cách tiếp cận thứ nhất chủ yếu dựa vào việc khai thác và thu thập dữ liệu sẵn có, thì cách tiếp cận thứ hai ít chú trọng các nguồn dữ liệu đã có nhưng lại chú tâm vào việc đưa ra những nghiên cứu đặc thù về phương pháp cũng như về kết luận (7).

Trong nghiên cứu về văn hóa GĐPT ở thành phố Đà Nẵng, cách tiếp cận mạng lưới xã hội gợi ý phương pháp nghiên cứu định tính. Đề tài đã tiến hành phỏng vấn 20 cuộc tại 9 quận và huyện Hòa Vang. Việc lựa chọn mẫu nghiên cứu căn cứ vào các tiêu chí: tỷ lệ Huynh trưởng/ Đoàn sinh, giới tính, độ tuổi, những cá nhân có trải nghiệm đặc biệt, có quá trình gia nhập hoạt động đa dạng hơn những cá nhân khác.

Kết quả phỏng vấn cho thấy, quá trình chuyển biến của các đoàn sinh từ “đời” đến “đạo” thường do sự định hướng của gia đình, chỉ bảo của Huynh trưởng trong thời gian theo bố mẹ đến sinh hoạt tại các chùa trên địa bàn thành phố. Một số trường hợp đặc biệt, do có những biến cố lớn trong cuộc đời, cá nhân đó bế tắc trước những áp lực, khó khăn của cuộc sống, cần đến một cộng đồng “an yên về tinh thần”, chỉ dẫn họ bước qua áp lực hoặc nỗi đau trong cuộc sống. Không ít người cũng tìm đến sinh hoạt trong GĐPT vì nhờ niềm tin vào cửa Phật mà họ chiến thắng được bệnh tật. Khi cận kề với cái chết, niềm tin tôn giáo là cứu cách và giúp họ nhận ra các giá trị Phật pháp trong cõi đời. Mỗi cá nhân trong GĐPT là một câu chuyện dài. Bằng niềm tin tôn giáo, con người trong đời thường sống với nhau dựa trên ý niệm về “nhân quả”, hướng thiện nhiều hơn.

Những câu chuyện của Huynh trưởng/ Đoàn sinh là cuộc đời của họ. Nỗi đau họ đã trải qua, niềm vui họ từng được đón nhận. Khi sống giữa “đạo” và “đời”, niềm tin Phật pháp lan tỏa nhanh chóng nhờ vào sự kết nối của mỗi thành viên. Khi ở chùa, cùng với GĐPT, Huynh trưởng/ Đoàn sinh thấm nhuần các giáo lý cửa Phật. Với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, niềm tin đó là nền tảng, gợi ý cho những lựa chọn trong cuộc sống. Mỗi cá nhân là một nút thắt trong mạng lưới xã hội. Bằng hình thức này, đạo pháp được đến với đời tự nhiên hơn.

Kết luận

Có thể nói, xét ở nhiều khía cạnh khác nhau của góc độ văn hóa học, lý thuyết mạng lưới xã hội đã giải quyết được cơ bản các vấn đề mà GĐPT đề ra. Cấu trúc, chức năng và quá trình phát triển của GĐPT được soi rọi rõ nét khi thực hiện phân tích từ cách tiếp cận lý thuyết mạng xã hội. Trong quá trình nghiên cứu văn hóa GĐPT từ lý thuyết mạng lưới xã hội, nhiều “điểm nút” văn hóa sẽ xuất hiện, vẽ lên bức tranh toàn cảnh về mạng lưới trong cộng đồng các gia đình. Sơ đồ này có sự tác động qua lại mạnh mẽ giữa từng nhân tố, đó có thể là quan hệ nhân quả, cũng có thể là quan hệ tương tác một chiều… nhưng đủ để thấy được vai trò quan trọng của mỗi cá nhân trong mạng lưới.

_______________________

1. Quảng Điền, Kỷ niệm 70 năm thành lập gia đình phật tử Việt Nam, giacngo.vn, 20-12-2021.

2. Kết quả khảo sát, tổng hợp của tác giả bài viết, 2021.

3. Social Network Analysis: Theory and Applications (Phân tích mạng xã hội lý thuyết và ứng dụng), code.pediapress.com, 2011, tr.2.

4. Borgatti, S.P. and Halgin, D.S., On Network Theory (Lý thuyết mạng lưới xã hội), tập 22, Tạp chí Tổ chức khoa học, 2011, tr.1157-1167.

5. Pereira, Sara and others, Internet and Social Networks: Caught up in the Web, EDUMEDIA - Communication and  Society Research Centre (Internet và Mạng xã hội: Bắt kịp trên Web, EDUMEDIA - Trung tâm Nghiên cứu Xã hội và Truyền thông), comedu.blogspot.com, 2011, tr.4.

6. Thích Minh Châu, Vì sao Gia đình phật tử ra đời, tập văn Thành đạo, số 31, tr.85-86.

7. Pannier, Emmenuel, Phân tích mạng lưới xã hội: Các lý thuyết, khái niệm và phương pháp nghiên cứu, Tạp chí Xã hội học, số 4 (104), 2008, tr.100-115.

Tài liệu tham khảo

1. Rowson, Jonathan and others, Connected Communities: How Social Networks Power and Sustain the Big Society, Royal Society for the Encouragement of Arts, Manufactures and Commerce (RSA) (Cộng đồng được kết nối: Các mạng xã hội tạo sức mạnh và duy trì xã hội lớn, Hiệp hội Hoàng gia khuyến khích các dự án nghệ thuật, sản xuất và thương mại (RSA), Projects, Report, London, UK.

2. Vương Xuân Tình, Nghiên cứu về mạng lưới xã hội trên thế giới, Tạp chí Dân tộc học, số 2, 2019.

Ths HOÀNG THỊ MAI SA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022

;