Xây dựng môi trường văn hóa số: xu thế tất yếu và những thách thức đặt ra

Sự ra đời, phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội ở Việt Nam mở ra những cơ hội, điều kiện thuận lợi để phát triển con người toàn diện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tiến bộ là những thách thức đặt ra. Xây dựng môi trường văn hóa số với những giá trị nhân văn, nhân bản sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát huy những mặt tích cực, khắc phục những bất cập, hạn chế, đảm bảo an ninh, an toàn con người và sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.

Môi trường văn hóa số

Môi trường văn hóa trên không gian mạng hay còn gọi là môi trường văn hóa số là một môi trường đặc biệt với hệ thống các giá trị, niềm tin, tri thức, hành vi, khuôn mẫu, chuẩn mực được chia sẻ, lan tỏa với sự đa dạng của các chủ thể tham gia tương tác trên nền tảng của khoa học, công nghệ, internet.

Trả lời cho câu hỏi: “Văn hóa số là gì?”, cuốn Cẩm nang chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông biên soạn nhấn mạnh: “Văn hóa trong xã hội thực hình thành qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm. Còn xã hội số mới chỉ đang hình thành trong vài chục năm trở lại đây. Vì vậy, văn hóa số cũng mới chỉ đang hình thành, đó là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức và sự hưởng thụ các giá trị văn hóa của con người trong môi trường số” (1).

Quan điểm trên nhấn mạnh đến hành vi ứng xử, giao tiếp, gắn liền với quá trình tiếp nhận, thụ hưởng văn hóa của người dùng trên môi trường số. Tuy nhiên, không gian mạng còn là nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo, thực hành văn hóa với những giá trị mới không ngừng được sản sinh, tạo kho tàng tri thức, kinh nghiệm khổng lồ, có sức hấp dẫn lớn với con người. 

Môi trường văn hóa số là môi trường nhân tạo với những giá trị nhân văn do con người tạo ra. Tuy nhiên, khác với môi trường văn hóa trong đời thực, môi trường văn hóa số được nuôi dưỡng bởi tinh thần đổi mới, sáng tạo về khoa học, kỹ thuật; là sự dịch chuyển những hành vi, giá trị, những hoạt động của con người trong đời thực vào trong môi trường số, mở ra những cơ hội, điều kiện thuận lợi để con người phát triển toàn diện. 

Trên không gian số, mọi hành vi, lời nói, cử chỉ của con người đều có thể được số hóa bằng những ký hiệu, âm thanh, hình ảnh đặc trưng với tốc độ lan truyền lớn, vì thế nó có khả năng kết nối, tìm kiếm và hình thành những mối quan hệ đa dạng, không bị giới hạn về không gian địa lý và những rào cản về tuổi tác, giới tính, sắc tộc, ngôn ngữ. Những tính năng vượt trội của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo có thể đáp ứng những nhu cầu đa dạng, phong phú của con người và xã hội.

Sự mở rộng của môi trường văn hóa số

Việt Nam hiện có khoảng 70% dân số sử dụng internet, chủ yếu thông qua các thiết bị di động với số giờ truy cập hằng ngày tương đối lớn (trung bình 7 tiếng/ ngày) (2). Dự báo trong thời gian tới, số người sử dụng internet và mạng xã hội không ngừng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. 

Để đáp ứng nhu cầu nghe nhìn, thông tin ngày càng cao, mang lại những tiện ích cho con người, các cơ quan bộ ngành, doanh nghiệp viễn thông không ngừng đổi mới tư duy, năng lực sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, nâng cao tốc độ phủ sóng và khả năng truy cập mạng internet.

Đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, đồng nghĩa với việc không gian, môi trường văn hóa số ngày càng mở rộng về biên độ với sự tham gia đông đảo của người dùng. Đồng thời, các giá trị, các sản phẩm, các hoạt động văn hóa sôi động không ngừng được tạo ra, phản ánh quá trình phát triển và nhu cầu ngày càng lớn của con người và xã hội.

Về những tiện ích khi trải nghiệm, tương tác trên môi trường văn hóa số, có thể thấy không gian mạng là nơi chứa đựng kho tàng tri thức khổng lồ với những thông tin, sự kiện mới không ngừng được cập nhật, chia sẻ. Đó là môi trường học tập lý tưởng với nhiều lựa chọn, đáp ứng nhu cầu học tập ở mọi lúc, mọi nơi. Môi trường văn hóa số cũng là nơi diễn ra những hoạt động giao tiếp, ứng xử của con người với những thông tin phong phú. Không gian mạng còn là nơi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập các giao dịch thương mại; nơi trao đổi, mua bán những mặt hàng, sản phẩm tiêu dùng, quảng bá thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Với tính năng, ưu thế vượt trội trong truyền phát thông tin, hình ảnh, lưu trữ dữ liệu, các cơ quan hành chính nhà nước không ngừng ứng dụng những thành tựu về khoa học công nghệ, internet vào trong hoạt động công vụ, như tiếp nhận, giải quyết các vụ việc; số hóa văn bản, giấy tờ; quản trị xã hội theo mô hình chính quyền điện tử, thành phố, đô thị thông minh, chính phủ số với đối tượng được phục vụ là công dân số, xã hội số.

Thông qua nền tảng internet, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, fanpage, người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các thông tin chính thống; hiểu sâu sắc hơn chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước; dễ dàng tiếp cận các loại văn bản, giấy tờ và các loại dịch vụ công trực tuyến một cách thuận lợi, nhanh chóng. Cũng qua nền tảng số, các cơ quan ban ngành đã đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, mang lại những thông tin, hình ảnh cần thiết cho người dân; nắm bắt kịp thời dư luận để điều chỉnh, bổ sung và ban hành chính sách mới, phù hợp.

Cũng trên môi trường số, nhiều di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc và những hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc trên mọi vùng miền, tộc người được cập nhật, giới thiệu với du khách ở trong và ngoài nước. Từ đó khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc; ý thức gìn giữ, trân trọng truyền thống lịch sử - văn hóa; góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế; tạo động lực cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa.

Có thể nói, môi trường văn hóa số là môi trường, không gian sống, học tập, lao động không thể thiếu với nhiều cá nhân và tổ chức. Những giá trị nhân văn tốt đẹp, mối quan hệ ứng xử văn minh, lịch sự; kho tàng tri thức; sản phẩm, hoạt động văn hóa phong phú, lành mạnh… đã và đang mở ra nhiều trải nghiệm mới, sinh động, hấp dẫn, hướng đến sự phát triển toàn diện con người và sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Những thách thức từ môi trường văn hóa số

Bên cạnh những ích lợi mà môi trường văn hóa số đem lại thì trên không gian, môi trường số cũng tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa sự an toàn con người và an ninh quốc gia.

Internet có mặt tại Việt Nam vào năm 1997. Đến nay, sau hơn 25 năm gia nhập mạng lưới internet toàn cầu, internet Việt Nam đã có những bước phát triển nhảy vọt, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, vì phát triển quá nhanh trong khi nhận thức của người sử dụng lại có những hạn chế, đôi khi không thể bắt kịp sự vận hành, phát triển của internet, mạng xã hội. Nhiều người dùng thụ động, thiếu bản lĩnh, bị cuốn theo những trào lưu công nghệ, từ tò mò, tự khám phá đến lệ thuộc và cuối cùng bị thế giới ảo chi phối, điều khiển nhận thức, hành vi mà tình trạng “nghiện internet, nghiện game, nghiện Facebook, mạng xã hội” xuất hiện ngày càng nhiều ở giới trẻ.

Vì chưa được trang bị đầy đủ những tri thức, kỹ năng ứng xử cần thiết khi tham gia mạng xã hội, nhiều người khi truy cập, tương tác trên mạng vô tình để lộ thông tin cá nhân, từ đó kẻ xấu dễ dàng chiếm đoạt tài khoản, tấn công vào đời tư, gây sức ép để cá nhân phải chuyển khoản, nộp tiền, để lại những tổn thất lớn về tinh thần, vật chất cũng như những phiền lụy cho người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. 

Để quản lý tốt các hoạt động trên internet, các cơ quan quản lý đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động diễn ra an toàn, thuận lợi. Tuy nhiên, internet thì luôn vận động, phát triển với những diễn biến nhanh, khó dự báo, khó kiểm soát, nhất là các nền tảng xuyên biên giới, đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý trong việc xây dựng, ban hành chính sách có tầm nhìn dài hạn, có tính dự báo, có thể ứng phó tốt trước những tình huống phức tạp nảy sinh.

Trên không gian mạng, bên cạnh những thông tin, hình ảnh tích cực; những xuất bản phẩm lành mạnh, nhân văn là những luồng tư tưởng xấu độc, trang web “đen” kích động bạo lực, thù hằn; là hàng loạt những hình ảnh, video có nội dung đồi trụy, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, làm băng hoại đạo đức xã hội. Một số trang mạng phản động của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước thường xuyên cắt ghép, đưa những thông tin, hình ảnh sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; phủ nhận thành quả của cách mạng; xúc phạm danh dự, bôi nhọ hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gây nhiễu loạn thông tin, làm hoang mang dư luận, đầu độc tâm hồn, nhận thức của quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, tình trạng tin giả, tin rác vẫn xuất hiện hằng ngày, hằng giờ làm “ô nhiễm” môi trường văn hóa số. Đó còn là những hành vi ứng xử lệch chuẩn của không ít người dùng mạng xã hội khi họ sẵn sàng nói bậy, chửi thề, tấn công, xúc phạm và hạ thấp uy tín, danh dự người khác khi có mâu thuẫn, bất đồng quan điểm. Đó là sự nở rộ của những trang web, blog do cá nhân tự thiết lập nhằm truyền bá tà đạo, những tư tưởng kỳ bí, cổ súy cho tình trạng mê tín dị đoan tràn lan trên các nền tảng internet.

Một khổ nạn đã và đang làm băng hoại môi trường văn hóa số là trào lưu, lối sống lệch lạc, chạy theo dục vọng cá nhân, xa rời những giá trị văn hóa truyền thống, những tình cảm đời thường; là sự lãng quên cội nguồn, xem nhẹ những mối quan hệ trực tiếp. Khi con người bị cuốn vào thế giới ảo, lệ thuộc vào các thiết bị di động đồng nghĩa với mối quan hệ giữa các cá nhân, giữa cá nhân với gia đình, cộng đồng, xã hội ngày càng lỏng lẻo, thiếu bền chặt.

Lợi dụng kẽ hở của mạng xã hội, sự nhẹ dạ, cả tin của người sử dụng, một số kẻ xấu đã sử dụng những chiêu trò, mánh khóe để lừa đảo, dụ dỗ người dân tham gia vào những trò cá cược, lô đề, đánh bạc, buôn bán ma túy, bắt cóc trẻ em, sa ngã vào tệ nạn xã hội, để lại hậu quả và nỗi đau lớn cho gia đình, xã hội.

Đối với hoạt động của một số cơ quan hành chính, mặt trái của internet và mạng xã hội khiến nhiều cơ quan đối diện với không ít thách thức, nhất là nguy cơ về tình trạng tấn công mạng, đánh sập các trang thông tin điện tử, đánh cắp tài khoản cá nhân, ngân hàng; là nguy cơ lộ lọt thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước. Đó là tình trạng một số cán bộ, đảng viên lợi dụng internet, mạng xã hội để bán hàng, kinh doanh online trong giờ hành chính, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc.

Có thể nói, bên cạnh những mặt tích cực, những giá trị nhân văn, thì hiện nay, môi trường văn hóa số cũng đang bị “ô nhiễm” do những hành vi ứng xử thiếu văn minh, những nhận thức lệch lạc, phiến diện của không ít người dùng, thậm chí là những âm mưu, toan tính của các thế lực thù địch muốn lợi dụng môi trường, không gian số để đầu độc, hủy hoại nhân cách con người, đe dọa nghiêm trọng đến vấn đề an toàn con người và an ninh quốc gia.

Chung tay xây dựng, gìn giữ môi trường văn hóa số lành mạnh

Cùng với môi trường văn hóa thực diễn ra trong đời sống hằng ngày là sự song tồn của môi trường văn hóa số - một môi trường mới không thể thiếu với nhiều cá nhân, tổ chức, nhất là trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Để kiến tạo môi trường văn hóa số lành mạnh với những giá trị nhân văn, nhân bản không ngừng được tạo ra và giữ vai trò chủ đạo trên không gian mạng, cần sự chung tay xây dựng của cả cộng đồng.

Đối với chủ thể quản lý, cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ với những quy định chặt chẽ về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức khi tham gia, sử dụng internet, mạng xã hội. Hiện nay các chế tài, các bộ luật quy định trách nhiệm dân sự của các cá nhân, tổ chức khi tương tác trên môi trường số còn thiếu với nhiều khoảng trống đang đặt ra.

Báo cáo tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết kết quả rà soát các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho thấy một số mâu thuẫn, bất cập. Qua rà soát 59 văn bản quy phạm pháp luật (liên quan đến chuyển đổi số quốc gia, các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số, khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư mạo hiểm, thương mại điện tử, tạo dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh số và xác thực điện tử, thanh toán điện tử, quản lý thuế), gồm 13 luật, 14 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 20 thông tư, thông tư liên tịch, 1 quyết định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, 2 điều ước quốc tế, 8 thỏa thuận quốc tế và 4 văn kiện hợp tác khác, 198 tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến Cách mạng công nghiệp 4.0. Qua rà soát đã phát hiện một số quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn như các quy định mâu thuẫn, chồng chéo về an toàn, an ninh mạng trong Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Các quy định về an toàn, an ninh mạng tại Chương V (từ Điều 38 đến Điều 44) Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về cơ bản không còn phù hợp với Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành (3).

Vì thế trong thời gian tới các cơ quan ban ngành cần nghiên cứu, xây dựng Luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; sớm ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng. Những chính sách được ban hành phải có tính khả thi, có tầm nhìn dài hạn, dự báo và xử lý tốt những tình huống phức tạp nảy sinh.

Tiếp tục thực thi hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, mỗi ngành nghề, lĩnh vực cần ban hành những bộ quy tắc mang tính đặc thù để nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tương tác trên mạng xã hội.

Có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin, hình ảnh xấu độc; những tư tưởng phản động, những hành vi trái với thuần phong mỹ tục, những việc làm xâm phạm đến lợi ích quốc gia, đe dọa an ninh con người. Việc ngăn chặn kịp thời những trang web đen, có những cảnh báo, chỉ dẫn người dùng khi tham gia mạng xã hội, nhất là giới trẻ sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng nhận thức, hành động của con người đến những điều tốt đẹp, góp phần duy trì trật tự, ổn định xã hội và sự phát triển chung của đất nước.

Đối với chủ thể cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số, hiện có nhiều chủ thể là các công ty, tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông đảm trách nhiệm vụ cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, thông tin đa dạng trên môi trường số. Cùng với đó là sự tham gia đông đảo của người dùng với lượng thông tin, hình ảnh khổng lồ không ngừng được đăng tải, chia sẻ. Mỗi thông tin, sự kiện trên mạng đều có tác động sâu sắc đến nhận thức, hành vi của người tiếp nhận. Vì thế mỗi chủ thể cung ứng dịch vụ cần nêu cao tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, vì sự phát triển toàn diện con người, mang lại những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, có giá trị, ý nghĩa, phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa và nhu cầu, thị hiếu của từng đối tượng.

Môi trường văn hóa số chỉ thực sự lành mạnh khi có sự hiện diện của những sản phẩm, dịch vụ tốt. Những thông tin, sản phẩm có chất lượng sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trình độ, tạo sức “đề kháng” để mỗi cá nhân có thể tự bảo vệ mình trước những cám dỗ, cạm bẫy và các chiêu trò trên không gian mạng.

 Đối với người sử dụng internet, mạng xã hội, đây là chủ thể quan trọng quyết định đến việc duy trì, phát triển môi trường văn hóa số lành mạnh. Hành vi ứng xử của người dùng trên không gian số sẽ quyết định đến tính chất, đặc điểm, chất lượng của môi trường văn hóa. 

Để gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp trên môi trường số, người dùng cần trang bị cho mình tri thức, kỹ năng cần thiết trước khi tham gia không gian mạng. Trong mọi tình huống phải luôn chủ động, bình tĩnh trong tiếp nhận, xử lý thông tin, hình ảnh; biết lựa chọn những thông tin thích hợp, chính thống. Hình thành thói quen ứng xử có văn hóa, văn minh trên không gian mạng. 

Thường xuyên phối hợp với các cơ quan hữu quan trong phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi những thông tin xấu độc, tin giả, tin rác, đảm bảo môi trường văn hóa số trong sạch, lành mạnh.

Có thể khẳng định rằng, cùng với việc xây dựng môi trường văn hóa trong đời sống thực thì việc xây dựng, hình thành môi trường văn hóa số với những giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ, hiện đại, văn minh là việc làm cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng môi trường văn hóa số lành mạnh, trong sạch, góp phần giáo dục, hình thành nhân cách, lối sống tốt đẹp cho con người, bởi con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển; là nhân tố quan trọng nhất để hiện thực khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

______________

1. Bộ Thông tin và Truyền thông, Cẩm nang chuyển đổi số, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2021, tr.74.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông, Kỷ yếu tham luận hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, ngày 18-12-2022, tr.101.

3. Hồ Hương, Một số mâu thuẫn, bấp cập trong các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, quochoi.vn, 23-2-2021.

TS NGUYỄN HUY PHÒNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 527, tháng 3-2023

;