Biến đổi về phương thức mưu sinh của người dân làng Xuân La (Hà Nội)

Làng Xuân La thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, là một làng thuộc vùng đồng chiêm trũng điển hình của châu thổ Bắc Bộ với xuất phát điểm khó khăn về mọi mặt, đồng ruộng ngập nước, cả năm chỉ cấy được một vụ lúa năng suất thấp, đời sống của người dân bấp bênh. Từ hoàn cảnh đó, người dân nơi đây đã khắc phục, tìm mọi phương thức mưu sinh để đảm bảo cuộc sống, trong đó có nghề nặn tò he, nay đã được cả nước biết đến. Vài chục năm sau Đổi mới (1986), bước vào nền kinh tế thị trường, cư dân của làng đã năng động, nhạy bén chuyển đổi phương thức mưu sinh, đem đến bộ mặt đổi mới cho làng quê.

1. Vài nét về làng Xuân La và phương thức mưu sinh truyền thống

Làng Xuân La nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km về phía Nam, có diện tích đất thổ cư 255.000m2, đất thổ canh 1.427.496m2, dân số 1.091 hộ với hơn 4.000 nhân khẩu. Trong truyền thống, làng Xuân La có cốt đất thấp, trũng, trong khi đó vào mùa mưa, nước ở con sông Nhuệ gần đó và các nơi thường tràn về gây ngập úng cục bộ, biến Xuân La thành một ốc đảo cách biệt hoàn toàn với các làng xung quanh. Người dân ở đây thường dùng hình ảnh “sáu tháng đi bằng tay, sáu tháng đi bằng chân” (tức là sáu tháng trong năm phải chèo thuyền và sáu tháng còn lại thì đi bộ trên mặt đất) để diễn tả tình trạng này. Cũng chính điều kiện chiêm trũng đó đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, cư trú của cư dân ở đây, khiến họ phải tìm mọi phương thức mưu sinh, thích ứng với môi trường tự nhiên để sinh tồn.

Phương thức mưu sinh được hiểu là cách thức mà con người lao động, thích ứng với các điều kiện tự nhiên, xã hội để có được các giá trị vật chất, tinh thần nhằm đảm bảo cuộc sống, thỏa mãn các nhu cầu. Với một làng quê chiêm trũng như Xuân La, phương thức mưu sinh truyền thống được thể hiện trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, khai thác, đánh bắt các loại thủy sản, sinh vật trong đồng trũng, đặc biệt là trong việc phát triển các nghề phụ.

Trong sản xuất nông nghiệp truyền thống, người dân đã sáng tạo ra bộ nông cụ thích ứng với điều kiện vùng đồng trũng như a cỏ, cày, cuốc, hái, thuyền thúng để vận chuyển trên đồng. Chiếc cày ở đồng chiêm có đặc điểm là phần diệp tiếp giáp với mũi cày được thiết kế uốn cong để khi cày, đất đổ về bên phải tạo ra luống đều nhau, khác với cày đồng mùa, diệp thẳng, khi cày, đất đổ sang cả hai mặt, dùng để xới luống, gieo hạt. Để vận chuyển lúa trong mùa thu hoạch, ngoài gánh là phổ biến người dân còn dùng thuyền nan, hay còn gọi là thuyền thúng mỗi khi mưa về ruộng đồng ngập nước. Chiếc a cỏ cũng là nông cụ thường thấy ở đồng chiêm trước kia, là dụng cụ làm bằng sắt hình tam giác có răng cưa rất sắc. Đồng chiêm vào vụ tháng 10 thường có nhiều loại cỏ năn, cỏ lác, người dân đã dùng chiếc a này để đẩy cho đứt cỏ, vớt lên bờ, sau đó mới cày, cấy.

Với công đoạn thu hoạch, từ xa xưa, ở Xuân La, vào tháng 4 âm lịch, khi vụ gặt chiêm bắt đầu cũng là lúc mùa mưa đến, kinh nghiệm thích ứng với tự nhiên nhiều đời của người dân ở đây đúc kết là càng gặt sớm càng tốt: “Lúa hoa ngâu, đi đâu không gặt?”, “Xanh nhà hơn già đồng” (thà gặt lúa về nhà còn hơi xanh, chưa thật chín còn hơn để ngoài đồng cho lúa chín vàng mới gặt). Nếu không gặt nhanh, những cơn mưa rào ập xuống, nước tràn về, đồng ruộng ngập úng, phải gặt mò hoặc đi vớt lúa, nhiều khi mất trắng và cày phải cắm vè, rất vất vả.

Về cơ cấu mùa vụ, cây trồng, từ năm 1954 trở về trước, người dân Xuân La một năm chỉ cấy một vụ chiêm, năng suất khoảng 50-60kg/ sào/ vụ. Giống lúa ở đây được chọn lựa để thích ứng với đồng chiêm như: lúa chiêm (còn gọi là lúa tẻ), lúa nếp trắng (cấy ở những chân ruộng trũng, cây cao, bông dài, gạo dẻo nhưng không thơm), lúa hóp, lúa tám cánh, gié đen, gié cánh... Nhìn chung, các giống lúa cũ chịu được rét, cây cao, chịu được sâu bệnh nhưng năng suất không cao, quá trình sinh trưởng phát triển dài ngày, cấy từ khoảng tháng Chạp đến rằm tháng 4 âm lịch mới gặt được.

Nhìn chung, nền nông nghiệp truyền thống ở Xuân La hoàn toàn mang tính thủ công, không có máy móc hỗ trợ, nên năng suất thấp, đời sống của người dân rất bấp bênh. Ngoài sản xuất nông nghiệp là hoạt động chính, để đảm bảo cuộc sống, người dân Xuân La còn tiến hành mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau, trong đó có hoạt động khai thác nguồn thủy sản, sinh vật trong đồng trũng và tổ chức làm các nghề phụ.

Về đánh bắt thủy sản, tận dụng diện tích mặt nước là các ao hồ, sông ngòi, mương máng xung quanh làng, người dân ở đây tổ chức hoạt động đánh bắt quanh năm. Để đánh bắt hiệu quả, họ đã sáng tạo ra nhiều loại công cụ, nhiều hình thức và kinh nghiệm đánh bắt thủy sản và các sinh vật rất đa dạng, phong phú. Theo thống kê sơ bộ, ở Xuân La có khoảng trên 20 hình thức đánh bắt thủy sản, từ đơm, quăng, câu, cất, chao, dủi đến bắt bằng tay. Công việc diễn ra quanh năm, mùa nào cũng có những hình thức đánh bắt riêng: mùa xuân soi ếch, mùa hè kéo vó các loại, đánh giậm, móc cua, tát giòn, mùa thu câu cá, úp nơm và mùa đông thì đánh rọ, bắt chạch, lươn, bắt ếch hang...

Cùng với đánh bắt thủy sản thì săn chuột đồng làm thức ăn cải thiện cho người dân, trong khi nguồn thực phẩm khan hiếm cũng là một hoạt động tiêu biểu có từ lâu đời của người dân nơi đây.

Phương thức mưu sinh của người dân Xuân La truyền thống còn được thể hiện bằng nhiều nghề phụ khác như: nấu rượu, làm bánh cuốn, bánh đa, đặc biệt là nghề nặn tò he nổi tiếng một vùng. Tò he trong truyền thống là hình tượng các con vật và cây cỏ, hoa, lá, quả... quen thuộc, gần gũi với nghề nông, được làm từ bột gạo, các loại phẩm màu sẵn có thiên nhiên như gấc, nghệ, lá tre, nhọ nồi, lá chàm, lá riềng. Gạo được giã nhỏ, chọn những hạt mịn nhất đem hấp chín rồi nhào trộn với phẩm màu và tạo hình trên các khung được làm từ nan tre, nặn xong đem hấp cách thủy cho rắn lại, vớt ra để nguội rồi đem đi tiêu thụ tại các phiên chợ trong vùng. Tò he ngoài để trẻ em chơi còn dùng cho người đi lễ đền, chùa, miếu, phủ vào các dịp lễ trọng trong năm. Trước Cách mạng Tháng Tám (1945), nặn tò he cũng là nghề góp phần cải thiện cuộc sống cho nhiều hộ gia đình ở Xuân La.

Phương thức mưu sinh trong truyền thống của Xuân La chủ yếu vẫn dựa vào nền nông nghiệp chiêm trũng với kỹ thuật sản xuất hoàn toàn mang tính thủ công và hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Các nghề phụ ở đây một mặt mang tính phụ trợ cho nông nghiệp, mặt khác mang tính chất tự cung, tự cấp, khép kín. Chính vì vậy, về cơ bản, nền kinh tế ở đây chậm phát triển, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

2. Một số biến đổi về phương thức mưu sinh của người dân Xuân La hiện nay

Biến đổi trong sản xuất nông nghiệp

Dưới tác động của chính sách đổi mới và xu thế hiện đại hóa, nền nông nghiệp chiêm trũng ở Xuân La đã biến đổi rất nhiều so với truyền thống, được thể hiện trên một số phương diện: Thứ nhất, việc thay thế hầu như hoàn toàn các công cụ sản xuất truyền thống bằng máy móc hiện đại, giải phóng sức lao động cho người nông dân. Thứ hai, từ những xứ đồng manh mún, phân bố rải rác xung quanh làng, ngày nay, thông qua việc thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, đồng ruộng của người dân đã có sự quy hoạch tập trung, phục vụ cho người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ nông nghiệp trồng lúa và hoa màu sang kinh doanh. Thứ ba, việc từng bước áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng làm cho năng suất, chất lượng sản phẩm của cây trồng cũng được nâng cao hơn so với truyền thống. Ngày nay, nhiều giống lúa mới như Mộc Tuyền, Bao Thai, Bắc Thơm, lai Trung Quốc, Khang Dân… được người dân đưa vào gieo trồng, sinh trưởng ngắn ngày hơn và cho năng suất cao hơn so với trước.

Đối với đất ruộng trồng lúa, một vài năm trở đây, người dân đi làm nghề hoặc buôn bán dẫn đến tình trạng bỏ ruộng ngày càng nhiều. Từ thực tế này, một số hộ dân đã năng động đứng ra nhận canh tác với tổng diện tích lớn. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Đặng Văn Khuynh đã nhận cấy gần 3 ha ruộng của các hộ, tổ chức thuê cấy, gặt. Vụ chiêm xuân năm 2021, gia đình ông thu hoạch được trên 10 tấn thóc.

Cùng với việc trồng lúa, người dân ở đây cũng đã năng động mở rộng mô hình VAC (vườn - ao - chuồng), chăn nuôi trâu với số lượng lớn tận dụng diện tích đồng cỏ, cho thu nhập cao. Về mô hình VAC tiêu biểu có thể kể đến hộ gia đình ông Nguyễn Văn Nam. Trên diện tích 4.000m2 sau quy hoạch chuyển đổi, ông Nam đã tiến hành đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, vịt, ngan, trồng các loại cây ăn quả. Riêng tổng đàn lợn của ông vào lúc cao điểm có khoảng 20 con lợn sề, 200 con lợn thương phẩm. Những năm thuận lợi, không bị dịch bệnh, có thể đem lại nguồn thu khoảng 400 triệu đồng/năm.

Về phân phối và tiêu thụ sản phẩm, nếu như trước đây, mỗi hộ gia đình tự cấy lúa để đảm bảo lương thực thì khoảng chục năm trở lại đây, người dân làm nghề phụ và các dịch vụ, không cấy ruộng nên việc phân phối, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp (gạo) đã dần chuyển sang hình thức trao đổi, mua bán.

Nhìn chung, nền sản xuất nông nghiệp ở Xuân La hiện nay đã có sự vận động biến đổi theo hướng hiện đại hơn nhờ sự áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm bớt sức lao động cho nông dân, nâng cao năng suất cho sản phẩm. Việc phân phối tiêu thụ sản phẩm ở đây đã có sự chuyển đổi từ hình thức tự cung tự cấp sang hình thức dịch vụ, hàng hóa.

Biến đổi về khai thác thủy sản và sinh vật trong đồng trũng

Khai thác thủy sản và bắt chuột là những hoạt động phụ trợ cho nông nghiệp. Trước đổi mới, đây được coi là một nghề phổ biến ở Xuân La. Ngoài việc cải thiện cho bữa ăn hằng ngày, sản phẩm đánh bắt được còn đem đi tiêu thụ, trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân. Sự biến đổi của các nghề này được thể hiện trên các khía cạnh sau đây:

Về hình thức và dụng cụ đánh bắt, ngày nay, phương tiện đánh bắt không đa dạng như trước, nhưng hiệu quả đánh bắt cao hơn. Cụ thể, để đánh bắt cá, từ sau 1986, nhiều hộ dân đã dùng lưới quét khổ lớn đánh bắt ở các diện tích mặt nước khác nhau như mương, máng, đầm, ao hồ cho hiệu quả cao hơn. Một số hộ hay dùng loại lưới “bát quái”, một dụng cụ lưới được bọc trên các khung sắt có thể trải ra, thu gọn vào và có nhiều cửa để tôm cá, cua, ếch, lươn, chạch có thể lọt vào mà không ra được. Lưới bát quái có ưu điểm là đánh bắt được nhiều loại thủy sản mà lại rất thân thiện với môi trường nên được người dân ở đây ưa sử dụng.

Đối với hoạt động săn bắt chuột đồng, trước đây người dân ở Xuân La thường bắt chuột bằng cách dùng chó săn và các dụng cụ như xà beng, thuổng, chúm, gầu tát nước... Ngày nay, họ sử dụng một số dụng cụ mới như đèn pin để soi về ban đêm, lưới quây (người dân ở đây quen gọi là chã) để giăng bẫy chuột tại ven các hồ đầm ven làng vào mùa khô, sau đó xua và dồn chuột vào lưới/ chã rồi bắt. Bằng cách này sẽ cho hiệu quả cao hơn, bắt được nhiều hơn.

Trong khâu chế biến và tiêu thụ, nếu như trước kia thủy sản và chuột đồng chủ yếu dùng cải thiện cho bữa ăn, thì ngày nay hoạt động tiêu thụ theo hình thức mua bán lại trở nên phổ biến hơn. Cá, tôm, cua và chuột đồng sau khi đánh bắt về đều được phân loại, sơ chế rồi đem ra chợ làng tiêu thụ. Lươn, chạch, ốc, ếch, chuột đồng... đều được chế biến thành những món đặc sản phục vụ nhu cầu của thực khách. Hiện nay, ở làng Xuân La có 3 hộ gia đình chuyên kinh doanh chế biến đồ đặc sản phục vụ nhu cầu của người trong làng và trong vùng.

Nhìn một cách tổng thể, hoạt động khai thác, tiêu thụ thủy sản, sinh vật trong đồng trũng ở Xuân La ngày nay đã biến đổi theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và có sự ứng dụng của một số yếu tố khoa học kỹ thuật, từ khâu đánh bắt cho đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm với thịt chuột cần được người dân và chính quyền lưu tâm, phòng ngừa nguồn lây dịch bệnh.

Biến đổi trong nghề nặn tò he

Trong bối cảnh mới, nghề nặn tò he đã biến đổi rất nhiều so với truyền thống để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của khách hàng.

Về nguyên liệu và cách sơ chế, sản phẩm tò he truyền thống được làm từ bột gạo, tuy đẹp mắt và chơi xong có thể ăn được nhưng chỉ chơi được vài ngày, để lâu sẽ bị thiu, mốc, độ bền và dai không cao. Vì vậy, người làm nghề Xuân La đã không ngừng thử nghiệm, tìm kiếm những chất liệu mới nhằm làm cho sản phẩm có độ bền hơn, dai hơn và để được lâu hơn. Hiện nay, ở làng Xuân La, loại bột nặn thịnh hành được nhiều người ưa dùng chính là bột công nghiệp được pha chế với một số loại bột khác như tinh bột sắn, bột gạo… đã qua xử lý với công nghệ riêng, kết hợp với chất phụ gia, phẩm màu của ngành công nghiệp làm bánh kẹo. Ưu điểm của loại bột này là độ kết dính cao, khi nặn sản phẩm có độ sắc nét và có mùi thơm. Sản phẩm làm ra có độ an toàn, không độc hại, không bị nứt, mốc, để được lâu. Việc sản xuất bột nặn cũng được “chuyên môn hóa”, có một số hộ gia đình chuyên sản xuất bột nặn cung cấp cho các hộ làm nghề.

Về đề tài, nếu như trước kia, các hình tượng để nặn tò he chủ yếu là các loại cây quả, con giống, hình các nhân vật trong tích truyện của Trung Quốc như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, hay hình tượng “tứ linh” (long, ly, quy, phượng)... phục vụ cho nhu cầu chơi của trẻ em và nhu cầu của người đi lễ, thì ngày nay, sản phẩm tò he phong phú hơn rất nhiều và chủ yếu phục vụ nhu cầu chơi của trẻ em, đó là các hình tượng chú công an, bộ đội, nhân vật hoạt hình… Anh Arseniy Zorin đến từ thành phố Saint Petersburg (Nga) nhận xét: “Tôi đã tận mắt chứng kiến các nghệ nhân nặn tò he tại phố cổ. Họ tỏ ra rất năng động và sáng tạo. Tôi đã thấy có rất nhiều trẻ em vây quanh nghệ nhân và yêu cầu nghệ nhân nặn các hình tượng mà các em yêu thích. Chỉ một ít phút sau, họ đã nặn được đúng những món quà theo yêu cầu và sở thích của bọn trẻ. Thậm chí họ còn nói với tôi, họ sẽ nặn hình của chính tôi nếu tôi muốn”.

Đối với hoạt động tiêu thụ, ngày nay, với phương tiện đi lại thuận tiện và sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, hoạt động tiêu thụ tò he của Xuân La đã có sự phát triển hơn nhiều so với truyền thống. Nếu xưa kia, tò he hiện chỉ bó hẹp trong vùng hoặc phổ biến mở một vài tỉnh thành ở miền Bắc, miền Trung, thì ngày nay, tò he Xuân La đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, thậm chí còn được mở rộng thị trường sang các nước như Mỹ, Nhật, Anh, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc… Tò he Xuân La không chỉ xuất hiện trong các lễ hội truyền thống mà còn có mặt ở các sự kiện văn hóa, hội chợ, trường học, khu đô thị… Vào những dịp Tết cổ truyền dân tộc, nhiều trường đại học, tiểu học, mầm non muốn cho sinh viên, học sinh được trải nghiệm trong không gian Tết truyền thống đã mời nghệ nhân của làng đến giới thiệu và hướng dẫn cách làm.

Có thể thấy, cho đến nay, nghề nặn tò he của làng Xuân La đã biến đổi trên tất cả các mặt: nguyên liệu, đề tài, cách làm, hoạt động tiêu thụ nhằm thích ứng với xã hội đương đại.

Sự xuất hiện các nghề mới

Ngày nay ở làng Xuân La, trong bối cảnh kinh tế thị trường và nền sản xuất kinh tế hàng hóa, nhiều nghề cũ bị mất đi do không phù hợp với thời đại như cào bông, làm bánh đa... nhưng thay vào đó, nhiều nghề mới xuất hiện, làm cho bức tranh kinh tế ở làng có nhiều thay đổi, phong phú, đa dạng và sống động. Về sản xuất kinh doanh, có thể kể đến các nghề: may mặc xuất khẩu, sản xuất ô, may màn khung, sản xuất bàn ghế inox, làm đồ cơ khí, đồ sắt, sản xuất nhựa composite, dịch vụ hội chợ... Đây là những nghề đang đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đem lại thu nhập cao cho người lao động.

Bên cạnh đó, khoảng 20 năm trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu phục vụ hát chầu văn, lên đồng ở các đền phủ, nhiều nghệ nhân trong Câu lạc bộ Cải lương Xuân La truyền thống đã chuyển sang học, chơi nhạc và hát chầu văn. Làng hiện tại có đội phục vụ chầu văn khoảng hơn 10 người, bao gồm cả cung văn, nhạc công được tổ chức rất chuyên nghiệp và cơ động, tham gia phục vụ các giá đồng ở các đền, phủ khắp miền Bắc.

Ngoài ra, cũng không thể không nhắc tới hoạt động kinh doanh dịch vụ tại làng như ăn uống, vui chơi giải trí tại làng... cũng góp phần đem lại thu nhập không nhỏ cho người dân. Hiện nay, chợ Xuân La được phát triển sôi động hơn, với nhiều loại hàng hóa hơn. Ngoài các loại thực phẩm còn có nhiều gian hàng ăn uống và các loại quần áo, vải vóc, đồ gia dụng... phục vụ đa dạng nhu cầu người tiêu dùng. Đối tượng bán và mua hàng tại chợ Xuân La không chỉ có người làng mà còn có nhiều chủ hàng, khách hàng đến từ các làng xã xung quanh. Chợ Xuân La từ chỗ mang tính chất khép kín đã chuyển mạnh sang tính chất mở, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của làng. Báo cáo của Đảng ủy xã Phượng Dực về kết quả thực hiện Chương trình số 05-CTr-HU ngày 8-1-2019 của huyện ủy Phú Xuyên về phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch làng nghề giai đoạn 2015-2020 cho biết: “Thu nhập bình quân của lao động làm nghề tiểu thủ công nghiệp 100 tỷ đồng tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017. Mức thu nhập bình quân đầu người: Năm 2016: 37 triệu đồng/ người/ năm; Năm 2017: 39 triệu đồng/ người/ năm; Năm 2018: 42 triệu đồng/người/năm” (1). Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của các ngành nghề mới ở thôn Xuân La.

3. Kết luận

Từ sau Đổi mới (1986), dưới tác động của nhân tố hiện đại hóa và nền kinh tế thị trường, phương thức mưu sinh của người dân Xuân La đã có nhiều biến đổi so với truyền thống, thể hiện ở việc chuyển đổi từ một nền nông nghiệp phụ thuộc vào tự nhiên và hoàn toàn mang tính thủ công, tự cấp tự túc sang nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa. Ngoài nông nghiệp, người dân ở đây đã nhạy bén, năng động, đa dạng hóa các ngành nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường. Với nghề truyền thống như nặn tò he, người làm nghề đã không ngừng sáng tạo, cải tiến kỹ thuật tạo hình, đa dạng hóa các hình thức tiếp cận thị trường để thích ứng với nhu cầu của người tiêu dùng đương đại. Sự chuyển đổi trong phương thức mưu sinh đã làm cho bức tranh kinh tế của Xuân La ngày càng đa dạng, góp phần làm thay đổi tư duy, lối sống của người dân và đem đến bức tranh văn hóa mới cho làng quê chiêm trũng này.

_______________

1. Đảng ủy xã Phượng Dực, Báo cáo kết quả thực hiện chương trình số 05 - CTr - HU ngày 8/1/2016 của Huyện ủy Phú Xuyên về phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch làng nghề giai đoạn 2015-2020, bản đánh máy, lưu tại Văn phòng Đảng ủy xã Phượng Dực, 2019.

Tài liệu tham khảo

1. Trương Công Nguyên, Nghề nặn tò he ở Xuân La, Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Tây, Luận văn Thạc sĩ, Thư viện Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.

2. Xuân Quế, Làng Xuân La với nghề nặn tò he, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tây, 2008.

Ths NGHIÊM XUÂN MỪNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 524, tháng 2-2023

;