Nước Ý đa dạng công cụ ngoại giao văn hóa và những gợi mở cho Việt Nam

1. Dẫn luận

Trong đời sống nhân loại nói chung và trong quan hệ quốc tế nói riêng, văn hóa đóng một vai trò quan trọng, được ví như sức mạnh hay quyền lực mềm mà mỗi quốc gia, nếu biết nắm bắt và tận dụng tốt, sẽ có được những lợi thế đặc trưng mà chỉ quốc gia đó sở hữu.

Ngày nay, dưới tác động của toàn cầu hóa, các quốc gia buộc vừa phải có mối liên kết chặt chẽ trong sự tương tác và phụ thuộc lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển, lại vừa biết gìn giữ phát huy truyền thống dân tộc. Các quốc gia hội nhập trên trường quốc tế nhưng không đồng nghĩa rằng họ chấp nhận đánh đổi bản sắc dân tộc, họ cần tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nước khác để tiếp biến phát triển văn hóa bản địa, lại phải xây dựng văn hóa của mình thành quốc lực với những lợi thế được hun đúc nhiều thế hệ. Văn hóa của từng dân tộc, từng quốc gia làm nên sự khác biệt, là một trong các tiêu chuẩn để phân biệt các quốc gia với nhau. Nếu các quốc gia không có những truyền thống văn hóa đặc sắc hoặc không chú trọng đến việc xây dựng nền văn hóa, việc bị xâm chiếm bởi các luồng văn hóa ngoại lai, bị đồng hóa về văn hóa sẽ dễ bị hòa tan, phụ thuộc, mất bản sắc...

Đấu trường La Mã - Ảnh: Getty

Trước sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế và chủ trương bành trướng, gây ảnh hưởng văn hóa của một số nước lớn ra nước khác, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ được đặt ra cho mỗi nước trên thế giới, nhất là trong chính sách ngoại giao văn hóa. Việc sử dụng ngoại giao văn hóa để gia tăng “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia là điều vô cùng cấp bách. Có những quốc gia trước đây có thời từng là cường quốc văn hóa và nhiều lĩnh vực khác, nhưng đến thời hiện đại khi thấy một số chỉ số định lượng phát triển của mình bị tụt xuống; họ đã mạnh dạn, sáng tạo dùng giải pháp văn hóa, ngoại giao văn hóa để thúc đẩy quan hệ hợp tác, phát triển quốc gia. Ví dụ điển hình về một quốc gia không chỉ sở hữu nền văn hóa đồ sộ mà còn có những chiến lược phát triển văn hóa cụ thể cho đất nước, đó là Ý. Ý nổi tiếng là cái nôi của nhiều nền văn hóa châu Âu, là nơi bắt nguồn của phong trào Phục Hưng - phong trào đã bồi đắp nên nhiều thiên tài xuất chúng, tạo những bước ngoặt vĩ đại cho lịch sử loài người. Có thể nói, đó là một trong số ít các quốc gia trên thế giới mang lại cho nhân loại nhiều đặc trưng văn hóa đậm chất Ý tại vùng Địa Trung Hải. Riêng “chủ nghĩa duy lý - nguồn gốc của đầu óc tư duy khoa học xuất hiện từ thời Phục Hưng của Ý, theo đó tiêu chuẩn chân lý dần được kết tinh từ các yếu tố lý tính và khoa học. Chính quan điểm này đã giáng đòn mạnh vào tôn giáo hủ lậu Trung cổ, chấm dứt đêm trường Trung cổ, mở đầu thời kỳ cận đại cho lịch sử phát triển châu Âu” (1). Xin được khái quát một số điểm lợi thế của văn hóa Ý, có thể làm nền tảng, cơ sở, nguồn lực… cho việc phát triển văn hóa, ngoại giao văn hóa nước này.

Con người Ý

Chỉ cần nhắc đến Ý, nhiều người liên tưởng đến những vẻ đẹp mê hoặc lòng người của cảnh vật, nghệ thuật, âm nhạc, ẩm thực, kiến trúc, thời trang… và niềm tự hào là người sinh ra, lớn lên trên mảnh đất chiếm một nửa kho tàng nghệ thuật của nhân loại, cũng dễ hiểu cho việc người Ý thừa hưởng chất nghệ sĩ như thế nào.

Chất nghệ sĩ cao, phóng khoáng, tự do nhưng người Ý rất coi trọng gia đình, niềm tin tôn giáo. Nhà thờ Thiên Chúa giáo La Mã vẫn có ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt đời sống của người Ý. Không giống đa số quốc gia phương Tây khác khi cho con cái 18 tuổi sống độc lập hoặc có thể đi xa nhà lập nghiệp, rất nhiều người Ý dù đã trưởng thành có thể sống chung mấy thế hệ và do mưu sinh thời hiện đại có thể buộc phải dịch chuyển thì họ vẫn luôn đau đáu tìm về tổ ấm chung mỗi khi có dịp. Cách sống trong gia đình của văn hóa Ý có đôi nét tương đồng với văn hóa Á Đông. Cha mẹ yêu thương và chăm sóc, bảo vệ con cái. Con cái cũng mong muốn được phụng dưỡng cha mẹ khi họ về già. Họ trân trọng cuộc sống hôn nhân, đề cao giá trị đạo đức trong gia đình. Lối sống trọng tình nghĩa này đã hình thành nên một đời sống văn hóa Ý đầy tính nhân văn. Người Ý cho rằng gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng nguồn cội và cho họ sự gắn kết với xã hội (2). Qua các thời kỳ dù có nhiều biến chuyển của tình hình xã hội, sự gắn kết gia đình vẫn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng với mỗi người Ý. Đó là một đặc điểm giá trị truyền thống có lợi khi xây dựng hình ảnh văn hóa, con người Ý khi giao lưu, quảng bá quốc tế.

Nghệ thuật, kiến trúc và điêu khắc, âm nhạc

Ý tự hào có một chiều dài lịch sử với sự phát triển của rất nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, từ cổ điển La Mã và Hy Lạp, Gothic, Phục Hưng, Baroque, Neoclassical, Art Nouveau đến hiện đại. Nghệ thuật và điêu khắc thời kỳ Phục Hưng là bảo bối của Ý. Di sản của nó có thể nhìn thấy trong các nhà thờ, cung điện, bảo tàng trên khắp đất nước này (3). Những tên tuổi lừng lẫy góp phần làm nên nền nghệ thuật đồ sộ của Ý có thể kể đến như Leonardo Da Vinci, Michelangelo, Raphael, Titian, Antonio Canova...

Ý là nơi sản sinh ra một trong những dòng nhạc có sức ảnh hưởng nhất thế giới, đó là Opera. Loại hình nghệ thuật này đã thu hút sự quan tâm của các nhà soạn nhạc nói tiếng Đức, tiêu biểu là Mozart, người đã hợp tác với nghệ sĩ hát Opera người Ý Lorenzo da Ponte để cho ra đời nhạc kịch The Marriage of Figaro (Đám cưới của Figaro) - một trong những vở opera được trình diễn nhiều nhất mọi thời đại.

Ngoài Opera, dòng nhạc Pop, Jazz, Hip hop và rock cũng là một phần quan trọng trong nền công nghiệp văn hóa nước này. Âm nhạc dân gian Ý là một nét rất đáng chú ý với những phong cách, điệu múa và nhạc cụ sử dụng độc đáo. Bên cạnh đó, rất nhiều nhạc cụ như violin hay piano hay các thể loại như giao hưởng, concerto hay sonate đều được phát minh tại chính đất nước này (4). 

Thời trang, ẩm thực, du lịch

Thời trang Ý đề cao sự tinh tế và phong thái lịch lãm của văn hóa Ý. Cảm hứng thiết kế của các nhà thời trang nổi tiếng thường gắn liền với tinh thần hoài cổ, tình yêu thương và tư duy nghệ thuật. Nước Ý luôn dẫn đầu trong việc sử dụng những nguyên vật liệu đột phá, đặc biệt là chất liệu lụa cùng với những đường cắt may đơn giản nhưng khéo léo, mang đẳng cấp cao về chất lượng và tính ứng dụng. Thời trang Ý được biết đến với rất nhiều hãng lâu đời và tạo dựng được tên tuổi như Prada, Gucci, Valentino, Dolce & Gabbana, Armani, Versace, Miu Miu…

Ôm trọn hơn 20 vùng văn hóa khác nhau, mỗi miền lãnh thổ tại Ý lại có sự khác biệt về tự nhiên và phương thức chế biến trong các món ăn với những hương vị đặc trưng riêng, đa dạng về công thức và kỹ thuật chế biến. Ẩm thực Ý nức tiếng toàn cầu với những món ăn đặc trưng như: Pizza, Lasagna, Focacia, Pasta, Spaghetti, Risotto… mỳ Ý có tới hơn 400 loại cùng các loại nước sốt đặc trưng khác nhau. Phong cách ẩm thực Ý mang tính lành mạnh, ngon, đẹp mắt, hướng tới chăm sóc sức khỏe lâu dài. Hàm lượng dinh dưỡng và ít béo trong thành phần chế biến món ăn Ý được chú ý cho người có vấn đề tim mạch, kiểm soát đường huyết, giảm cân và giảm các bệnh trầm cảm liên quan (5). Nhờ có lịch sử văn hóa lâu đời rực rỡ, phong cảnh nên thơ, người Ý từ lâu đời đã biết kết hợp du lịch với văn hóa, kinh tế, quảng bá đất nước mình qua du khách. Ý là điểm thu hút khách du lịch đứng thứ 4 trên toàn thế giới. Nhờ có di sản văn hóa, lịch sử, nghệ thuật nổi bật và một loạt sản phẩm được thị trường quốc tế công nhận như rượu vang, thực phẩm và môi trường tự nhiên, Ý có tiềm năng lớn để phát triển ngành Du lịch hơn nữa. Các ngành có tiềm năng phát triển với nhiều cơ hội đầu tư liên quan đến ngành Du lịch là giải trí, sức khỏe và sắc đẹp, nhà ở, ngành dịch vụ du lịch tổng hợp. Với doanh thu hằng năm khoảng 70 tỷ euro, chiếm 5,4% GDP, hơn 33.000 khách sạn và cung cấp 400.000 công ăn việc làm, ngành Du lịch là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế Ý. Mỗi năm nước Ý đón nhiều triệu lượt khách du lịch khắp thế giới tới đây. Để bảo vệ môi trường, tạo thời gian giãn cách phù hợp việc duy tu bảo trì di tích, thắng cảnh, nước Ý đã có nhiều giải pháp để vừa đảm bảo hoạt động du lịch thực địa đúng mức, vừa sử dụng công nghệ số hóa, truyền hình, các phương tiện truyền thông mới, truyền thông đa phương tiện giới thiệu văn hóa, thực hiện ngoại giao văn hóa bài bản, nghệ thuật, giúp du khách ngồi tại nước họ vẫn có thể chiêm ngưỡng những nét đặc sắc văn hóa Ý… Không chỉ gắn du lịch với ngoại giao văn hóa tại các thành phố, đô thị, Ý còn chú ý xây dựng chương trình quảng bá du lịch làng mạc, nhất là tu sửa, thiết kế chuẩn mực nhiều làng nhỏ, có đặc điểm lịch sử, văn hóa, du lịch để vừa giới thiệu truyền thống lâu đời, nên thơ các “cổ trấn” này, vừa thúc đẩy đối ngoại nhân dân. Chính những đặc điểm văn hóa khái quát nêu trên đã góp phần quan trọng cho việc xây dựng chính sách văn hóa, ngoại giao văn hóa của quốc gia này.

2. Chính sách ngoại giao văn hóa đa dạng, gắn với quảng bá đất nước, thương hiệu quốc gia, hiệu quả kinh tế của Ý

 Trong chính sách đối ngoại và nền ngoại giao toàn diện Ý, ngoại giao văn hóa luôn là một hoạt động, một công cụ uyển chuyển, đa màu sắc quan trọng. Không kể đến thời kỳ đế quốc La Mã, thời chủ nghĩa phát xít ở Ý, thì các giai đoạn đất nước đi theo con đường dân chủ phát triển, ngoại giao văn hóa luôn đại diện cho một nguồn lực quan trọng, có tác dụng tích cực đối với đất nước. Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai, văn hóa và các nguồn lực văn hóa đóng một vai trò thiết yếu trong quan hệ quốc tế của Ý. Sau thời chiến, chính phủ dân chủ mới đã chuyển đổi hoạt động này từ một hành động tuyên truyền sang ngoại giao văn hóa, trong đó nhấn mạnh hơn vào các vấn đề đối thoại và hợp tác, quảng bá văn hóa, con người, đất nước Ý, xây dựng thương hiệu Ý mạnh trên trường quốc tế.

Nàng Mona Lisa, tranh của Leonardo da Vinci - Nguồn: internet

Vào đầu tháng 1-2022, Bộ Ngoại giao Ý đã thành lập Cục Văn hóa và Ngoại giao Công chúng với mục đích đưa “quyền lực mềm của Ý” trở thành một công cụ sử dụng gây dựng ảnh hưởng tích cực và được quốc tế ủng hộ về các chủ đề mà đất nước này coi là ưu tiên. Với những trụ cột chính như truyền thông, ngoại giao văn hóa, chiến lược truyền thông bài bản và sự hiện diện trong các tổ chức quốc tế, cơ quan mới này sẽ xây dựng các cuộc đối thoại lâu dài với giới truyền thông, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy thương hiệu Ý và phát triển một “câu chuyện hiện đại” hơn về nước Ý phù hợp với vai trò, vị thế quốc tế của quốc gia này (6).

Chính sách ngoại giao văn hóa hiện đại của Ý thường không nặng về chủ đề chính trị mà hướng đến sự thông cảm và tình hữu nghị, mở rộng giao lưu văn hóa với các quốc gia khác. Một công cụ lâu đời nhất của ngoại giao văn hóa Ý là “Hiệp hội Dante Alighieri” (Lấy tên của Dante Alighieri (1265-1321), tác giả văn học nổi tiếng, người được coi là cha đẻ ngôn ngữ văn học Ý). Cộng đồng này hướng tới việc hỗ trợ và quảng bá bản sắc Ý ở nước ngoài. Đầu tiên, cộng đồng tổ chức các khóa học và diễn thuyết để duy trì tình cảm dân tộc của những người di cư Ý, nhưng sau đó mở rộng bằng cách thành lập các khóa học tiếng Ý, thư viện, phổ biến sách, ấn phẩm và tổ chức các hội nghị trao đổi văn hóa, tri thức khoa học. Ngoại giao văn hóa cũng được thực hiện thông qua các tổ chức giáo dục và trường đại học, các chương trình hợp tác song phương giữa các trường đại học, các thỏa thuận song phương về hợp tác khoa học, công nghệ và văn hóa, tổ chức các triển lãm lớn ở nước ngoài. Việc thiết lập các trường học Ý ở nước ngoài (nơi có nhiều cư dân Ý di cư) là một trong những công cụ ngoại giao văn hóa lâu đời nhất của Ý (7). Sau này, Ý mở rộng thêm chính sách cấp học bổng, hoặc khuyến khích trao đổi sinh viên nước ngoài đến học đại học ở Ý, đồng thời hỗ trợ đại học nước ngoài mở khoa đào tạo tiếng Ý và văn hóa Ý (Tại Việt Nam, Trường Đại học Hà Nội có khoa này). Đối với Việt Nam, ngày càng có nhiều đại học ở Ý có hợp tác với đại học Việt Nam. Có thể kể tên Đại học Brescia, Đại học UniCuSano, Đại học Torino… và các học bổng của các cơ quan chức năng Ý như: “Ivest Your Talent in Italia”, học bổng “IUNITO” của University of Turin…

Các công cụ khác phục vụ ngoại giao văn hóa Ý là các buổi hòa nhạc tài trợ, các hợp tác khảo cổ và các chương trình trao đổi học thuật. Xin lấy dẫn chứng hoạt động ngoại giao văn hóa Ý tại Việt Nam: Năm 2019, Bộ Ngoại giao Ý đóng góp tài chính cho một phái đoàn các nhà khảo cổ học của quỹ Lerici, kết hợp với Đại học Bách khoa Milano để cải tạo khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam), di sản văn hóa thế giới được UNESCO ghi danh. Giai đoạn 2 của dự án có tổ chức khóa học đào tạo cho các chuyên gia về tái cấu trúc, trùng tu các công trình khảo cổ học.

Nước Ý chủ trương thực hiện ngoại giao văn hóa cần gắn với hiệu quả kinh tế cụ thể. Từ tháng 10-2021, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Ý cùng với Thương vụ Ý đã chính thức phát động chiến dịch “Đất nước Ý - Phi thường từ những điều giản dị: beIT”. Hai mục tiêu chính của chiến dịch là đẩy mạnh xuất khẩu của Ý thông qua việc giới thiệu về những thế mạnh và tiềm năng sản phẩm thương hiệu Ý một cách đầy bản sắc và sáng tạo; đồng thời hỗ trợ thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa của các doanh nghiệp Ý, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ mở rộng và đa dạng hóa thị trường nước ngoài. Chiến dịch tập trung vào 9 lĩnh vực thế mạnh: Cơ sở hạ tầng và năng lượng bền vững; Công nghiệp ô tô và hàng hải; Máy móc, tự động hóa và linh kiện; Thời trang, hàng xa xỉ và phong cách sống; Thiết kế; Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần; Công nghệ hàng không vũ trụ và an ninh tiên tiến; Văn hóa và giải trí (gồm cả công nghiệp văn hóa); Thực phẩm nông nghiệp. Sau một năm triển khai, chiến dịch beIT không chỉ mang đến những dấu ấn đậm nét về văn hóa, con người mà qua đây còn giới thiệu được tinh thần tiên phong với những sản phẩm dịch vụ chất lượng toàn cầu của nước Ý. Tinh thần ấy được khơi nguồn từ 6 giá trị cốt lõi “sáng tạo, đam mê, di sản, đổi mới, phong cách và đa dạng”.

Tại lãnh thổ đối tác là Việt Nam, chiến dịch beIT được ra mắt vào tháng 12-2021 tại Triển lãm thực phẩm và đồ uống Ý “A taste of Italy Everyday - Hương vị nước Ý mỗi ngày” diễn ra tại Hà Nội và tiếp tục được giới thiệu sau đó tại TP.HCM thông qua “Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam - Vietnam International Fashion Week”. Kể từ đó đến nay, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật và xúc tiến thương mại đã được tổ chức thu hút sự quan tâm của công chúng Việt Nam.

Với những nỗ lực có tầm nhìn chiến lược được tiến hành trong thời gian dài, nước Ý đã gặt hái nhiều kết quả, nhận được nhiều sự công nhận từ thế giới. Năm 2020, Ý xếp thứ 9 trong thống kê về Chỉ số Thương hiệu quốc gia và thứ 11 trong bảng xếp loại về quyền lực mềm của cơ quan Portland (Anh). Sang năm 2021 (năm beIT được phát động), Ý được vinh dự trở thành “Quốc gia của năm” do tờ báo The Economist bình chọn nhờ khả năng lãnh đạo, khả năng phục hồi sau đại dịch và những thành công về thể thao và văn hóa sáng tạo của quốc gia này (8). Năm 2022, theo đánh giá của Đại sứ Ý tại Việt Nam Antonio Alessandro: “Sau một năm triển khai, chiến dịch không chỉ mang đến những dấu ấn đậm nét về văn hóa, con người, mà còn giới thiệu tinh thần tiên phong với các sản phẩm, dịch vụ ‘Made in Italy’, theo chất lượng đã được công nhận trên toàn cầu” (9).

3. Một số khuyến nghị cho công tác ngoại giao văn hóa ở Việt Nam

Được thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 23-3-1973, Việt Nam và Ý đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (1-2013), đến nay, Ý và Việt Nam đã cùng nhau hợp tác và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hai nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và giao lưu nhân dân. Với bề dày gần 50 năm giao lưu hợp tác, Việt Nam có thể nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng phù hợp từ những chính sách, thành tựu mà ngoại giao văn hóa Ý đã đạt được.

Trường học Athens, tranh của Raphael - Nguồn: internet

Nước Ý tập trung bảo tồn, quảng bá bản sắc của nền văn hóa nhằm truyền phát sức hấp dẫn của nền văn hóa đó với việc hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ; chú ý văn hóa tinh hoa (nhạc kịch opera, giao hưởng, nhạc không lời, hội họa điêu khắc xuất sắc…); đầu tư cho công nghiệp văn hóa có hiệu quả kinh tế cao (phim ảnh, thời trang, du lịch văn hóa...) mà không quá thiên lệch vào hướng văn hóa đại chúng và các thị hiếu tầm thường. Việt Nam, một quốc gia với 54 dân tộc anh em, sở hữu tới 15 di sản văn hóa thế giới, 4 di sản tư liệu thế giới được UNESCO ghi danh, 14 di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, có thể phát triển công nghiệp văn hóa bằng cách lựa chọn một vài lĩnh vực khả dụng, có lợi ích kinh tế và nền tảng văn hóa lâu đời để thí điểm, hợp tác với Ý và các nước khác để vừa tranh thủ kinh nghiệm vốn, thị trường… Là một quốc gia có nền văn hóa đa dạng được vun đắp bởi hơn 50 dân tộc, nhưng chúng ta cần lựa chọn những thứ tiêu biểu nhất để đầu tư mọi mặt (nghệ sĩ, vật liệu trang phục, nơi diễn xuất) mà không cần đầu tư dàn trải. Những lĩnh vực có tính đặc thù nhưng ít công chúng thì nên tổ chức lại, lồng ghép với đơn vị đào tạo trong trường nghệ thuật, đại học văn hóa để bảo tồn, duy trì. Cần nhìn nhận văn hóa gắn với ngoại giao văn hóa chặt chẽ để từ đó xây dựng và triển khai hiệu quả chiến lược, sách lược đối ngoại của đất nước nói chung và chiến lược phát triển văn hóa trong chiến lược tổng thể phát triển bền vững quốc gia: chính trị - kinh tế lành mạnh, ổn định; văn hóa tinh thần phong phú giàu sáng tạo; quan hệ quốc tế thân thiện, có tín nhiệm; môi trường xanh sạch…

Việt Nam có thể tham khảo những cách làm của Ý như xây dựng chiến dịch truyền thông toàn cầu về thương hiệu quốc gia mình, thúc đẩy và xúc tiến nhiều hơn nữa các chương trình giao lưu, trao đổi văn hóa trên các lĩnh vực như thời trang, ẩm thực, âm nhạc, nghệ thuật… Trong chiến dịch truyền thông toàn cầu beIT của Ý, quốc gia này chỉ tập trung vào những lợi thế vượt trội và chọn đó là mũi nhọn trong kế hoạch của mình. Việt Nam cũng có thể chú trọng phát triển một số những ngành chủ chốt, gắn với đầu tư theo kết quả đầu ra, với hiệu quả kinh tế, có chiến lược, kế hoạch rõ ràng. Theo định kỳ hằng năm, cần tổng kết, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, để điều chỉnh chương trình, nội dung, tăng giảm tài chính phù hợp.

Cũng tương đồng với Ý, Việt Nam ngày càng quan tâm đặc biệt hơn đến việc phát triển văn hóa. Đại hội XIII của Đảng xác định “Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”, “Xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để thực sự là đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế”. Với lợi thế của một nền văn hóa có nhiều nét độc đáo, mang lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế, việc phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam là một chiến lược đúng đắn để thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới (10). Biến văn hóa thành “sức mạnh mềm” là một chiến lược, một lời hiệu triệu đối với nhiều quốc gia hiện đại, Việt Nam cần nâng cao và thống nhất nhận thức toàn xã hội để mọi ngành, mọi cấp, các địa phương và mỗi công dân ý thức sâu sắc điều đó, vận dụng vào công việc, sứ mệnh cụ thể của mình, khơi dậy sáng kiến, sức sáng tạo, lòng yêu nước, thúc đẩy văn hóa, ngoại giao văn hóa trở thành quốc lực mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đại sứ quán Ý tại Việt Nam cho biết sẽ khánh thành Viện Văn hóa Ý đặt tại Casa Italia, 18 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội trong năm 2023 để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Việc mở Viện Văn hóa Ý tại Hà Nội với nhân sự là các chuyên gia từ Ý sẽ thiết thực củng cố sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, thúc đẩy quan hệ hai nước về nhiều lĩnh vực, trong đó có ngoại giao văn hóa, nhằm tăng cường hơn nữa giao lưu giữa các tầng lớp nhân dân trong bối cảnh Ý đã trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam. Đây là tiền đề cho việc tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương văn hóa, khoa học, đại học, nghiên cứu tại Việt Nam và khối ASEAN trong tương lai. Học tập Ý, Việt Nam nên nghiên cứu để lập các Viện Văn hóa (có thể nằm trong thiết chế Nhà văn hóa Việt Nam) tại một số địa bàn nước ngoài thích hợp để quảng bá văn hóa Việt Nam, sử dụng cơ sở vật chất, nguồn lực mà Nhà văn hóa Việt Nam ở nhiều nước có tiềm lực để phát huy ngoại giao văn hóa hiệu quả hơn. Các cơ quan chuyên môn Việt Nam như Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Viện Văn học… nên chuẩn bị nhân sự, phác thảo dự án phối hợp để chủ động sớm triển khai các hoạt động trao đổi hợp tác hiệu quả với Viện Văn hóa Ý.

Là cường quốc về du lịch quốc tế, Ý đang tăng cường quảng bá phong cảnh và văn hóa tại các ngôi làng nhỏ, có truyền thống lịch sử (Việt Nam và một số nước phương Đông hay dùng từ “cổ trấn” để chỉ các làng này). Việt Nam có thể lựa chọn các ngôi làng nhỏ, cổ trấn có truyền thống và có những đặc sản nổi tiếng để tổ chức du lịch thật bài bản, đầy tính sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Ví dụ, tại Bắc Ninh, Nhà nước kết hợp với tổ chức tư nhân, xã hội hóa việc chọn làng đẹp như Đông Hồ, sửa sang tô điểm lại cảnh quan, tổ chức phường/ đội hát quan họ, phường/ đội vẽ tranh giấy dó, quán ăn uống lịch sự bảo đảm vệ sinh an toàn, để khách du lịch thưởng thức được nhiều thứ tổng hợp. Ở vùng quê Nguyễn Du, cũng chọn làng phù hợp tổ chức phường/ đội hát ví, giặm, biểu diễn tích Kiều, chọn người đóng Kiều và các nhân vật điển hình (du khách có năng khiếu cũng có thể tham gia đóng vai)… Làng mạc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cần gắn bó với dân ca vùng này, ca Huế, hò mái nhì, mái đẩy, gắn với sông nước, gắn sự tích Nguyễn Hoàng vào Nam hay các nhân vật khác để làm du lịch lịch sử - văn hóa. Đối với Quảng Nam - Đà Nẵng, ngoài di tích Hội An, cần khai thác chuyện tình duyên giữa công nữ Ngọc Hoa với thương nhân - võ sĩ Nhật và cảnh quan của vùng này. Vùng Bình Định - Phú Yên, nên phát triển làng võ, trống trận, các cuộc thi tài văn võ… chắc sẽ hấp dẫn du khách. Đến Nam Bộ, có thể khai thác đờn ca tài tử trên kênh rạch làng, trấn nên thơ, chợ nổi, ẩm thực và du lịch…

_________________

1. Lê Thanh Bình, Một số vấn đề về quản lý nhà nước kinh tế, văn hóa, giáo dục trên thế giới và Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2009, tr.297.

2, 3. Barry Tomalin, Italia - Culture Smart: The essential guide to customs and culture (Nước Ý - Văn hóa thông minh: Hướng dẫn cơ bản về phong tục và văn hóa), 2021.

4. Italian Music (Âm nhạc nước Ý), slowitaly. yourguidetoitaly.com.

5. Andy Nguyen, Điều gì làm ẩm thực Ý nổi tiếng trên thế giới, toidi.net.

6. Hà Trần, Chiến dịch truyền thông quảng bá thương hiệu quốc gia “Made in Italy” đánh dấu kỷ niệm một năm triển khai trên toàn cầu, thuonghieucongluan.com.vn, 1-11-2022.

7. David Ellwood, Italy: Soft power superpower? The new official projection of Italy Creativity (Italy: Sức mạnh mềm của siêu cường? Dự báo chính thức mới về nước Ý Sáng tạo), uscpublicdiplomacy.org, 16-1-2022.

8. The Economist, Which is The Economist’s country of the year for 2021 (Quốc gia của năm 2021? - Bình chọn của tờ Economist)?, economist.com.

9. Những điều thú vị về Italy, vnexpress.net, 8-11-2022.

10. Vietnamplus, “Sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam, special.vietnamplus.vn, 18-4-2022.

PGS, TS LÊ THANH BÌNH - TRẦN NGỌC BẢO TRÂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023

;