Xây dựng môi trường văn hóa - nhiệm vụ quan trọng trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay

Văn hóa là một lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội, có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội nói riêng, với tổng thể chiến lược phát triển quốc gia nói chung. Để phát huy được giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi phải quan tâm đồng bộ tới các yếu tố văn hóa, trong đó, xây dựng môi trường văn hóa là một trong các nhiệm vụ trọng yếu. Vì môi trường văn hóa không chỉ có ý nghĩa với sự hoàn thiện của từng thành viên trong xã hội, với sự phát triển nền văn hóa dân tộc mà một môi trường văn hóa lành mạnh còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, tạo nên thế và lực của quốc gia trong công tác đổi ngoại và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

1. Vai trò của môi trường văn hóa trong phát triển con người, xã hội

Môi trường văn hóa là tổng thể sống động các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể bao quanh con người trong một không gian, thời gian xác định, các yếu tố đó tác động lẫn nhau và có quan hệ tương tác đối với con người, nhằm phát triển, phát huy vai trò con người vừa là sản phẩm vừa là chủ thể văn hóa. Môi trường văn hóa vừa là sản phẩm do con người tạo ra nhưng đồng thời, môi trường văn hóa cũng tác động đến sự phát triển con người và xã hội.

Trước hết, đối với quá trình xây dựng và phát triển con người, môi trường văn hóa có một vai trò hết sức quan trọng. Nếu thiên nhiên là sinh quyển thứ nhất, nơi con người hiện diện với tư cách là một thực thể sinh học, một phần của tự nhiên thì môi trường văn hóa là nơi con người tồn tại với tư cách là một thực thể xã hội, là nơi con người hoàn thiện nhân cách bản thân. Những môi trường văn hóa mà mỗi cá nhân đã trải qua trong suốt cuộc đời chính là nơi mà họ được “dạy dỗ”, được học hỏi để phát triển nhân cách, để trở thành một con người xã hội. Từ gia đình, nhà trường, cơ quan, đoàn thể đến các cộng đồng dân cư,... đó là những môi trường được định vị trong không gian, thời gian xác định, bồi đắp cho mỗi con người không chỉ về tri thức, kinh nghiệm sống, kỹ năng sống mà còn là nơi trao gửi yêu thương, bồi dưỡng những xúc cảm thẩm mỹ, những giá trị văn hóa, đạo đức... Môi trường văn hóa lành mạnh sẽ vun đắp, hình thành cho con người những đức tính, phẩm chất tốt đẹp; đồng thời góp phần đẩy lùi cái lạc hậu, cái giả dối, cái xấu.

Đối với nền văn hóa quốc gia dân tộc, môi trường văn hóa chính là nơi các hệ giá trị - yếu tố cốt lõi của bản sắc dân tộc - được hình thành, được gìn giữ, được kế thừa và phát huy. Môi trường văn hóa không chỉ là nơi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc mà còn là nơi để khơi nguồn cảm hứng, sáng tạo những giá trị mới; đồng thời, đây cũng là nơi để tiếp nhận những giá trị ngoại sinh, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Những giá trị đặc trưng của mỗi quốc gia dân tộc thấm đẫm trong những yếu tố của môi trường văn hóa, biểu hiện thành những chuẩn mực, những khuôn mẫu ứng xử, hoặc được biểu tượng hóa, mã hóa trong các di sản văn hóa, bộc lộ qua các hoạt động, các thực hành văn hóa,... Có thể nói, môi trường văn hóa là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sức hấp dẫn - sức mạnh mềm quốc gia trên trường quốc tế.

Đối với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, môi trường văn hóa thể hiện chiều sâu văn hóa của dân tộc, góp phần định hướng, điều chỉnh các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại theo hướng nhân văn, vì hạnh phúc của con người, vì sự cường thịnh, phồn vinh của đất nước. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh sẽ góp phần giảm thiểu những tiêu cực trong xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để cho cái đúng, cái tốt, cái đẹp thẩm thấu, dẫn dắt các hoạt động, các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Vòng xòe - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

2. Quan điểm của Đảng về xây dựng môi trường văn hóa trong thời kỳ đổi mới

Trong thời kỳ đổi mới, Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng nhất quán khẳng định vai trò của văn hóa. Nhiều vấn đề lý luận mới về văn hóa cũng như công tác tổng kết thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa được đề cập tới trong các Nghị quyết của Đảng. Đối với vấn đề xây dựng môi trường văn hóa, phải đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, thuật ngữ “môi trường văn hóa” mới xuất hiện trong Văn kiện của Đảng.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996) khẳng định: “Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội”(1).

Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa VIII đã đề cập đến vấn đề môi trường văn hóa một cách cụ thể hơn (2):

Trước hết, Nghị quyết khẳng định “Môi trường văn hóa là môi trường chứa đựng những giá trị văn hóa và diễn ra các quan hệ văn hóa, các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của con người”(3). Và xây dựng môi trường văn hóa là để đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng và không ngừng tăng lên của các tầng lớp nhân dân. Nghị quyết cũng khẳng định, xây dựng môi trường văn hóa là một trong mười nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để xây dựng môi trường văn hóa, Nghị quyết nhấn mạnh vào các giải pháp sau: Tạo ra ở các đơn vị cơ sở (gia đình, làng, bản, xã, phường, khu tập thể, cơ quan, xí nghiệp, nông trường, lâm trường, trường học, đơn vị bộ đội...) đời sống văn hóa lành mạnh. Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Coi trọng xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, ấp, xã, phường văn hóa, nâng cao tính tự quản của cộng đồng dân cư trong xây dựng nếp sống văn minh. Thu hẹp khoảng cách đời sống văn hóa giữa các trung tâm đô thị và nông thôn, giữa vùng kinh tế phát triển với các vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới, hải đảo, giữa các tầng lớp nhân dân. Phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở; đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa trọng điểm. Tăng cường hoạt động của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, phát triển phong trào quần chúng hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 - 2010 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng tiếp tục nhấn mạnh đến các yếu tố cấu thành môi trường văn hóa: “Mở rộng và nâng cao hiệu quả cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào Người tốt, việc tốt, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hóa đồi trụy, độc hại. Nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân”(4).

Đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa được khẳng định sâu sắc và toàn diện hơn.

Về mục đích và quan điểm xây dựng môi trường văn hóa, Nghị quyết nhấn mạnh: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế.

Về nội dung xây dựng môi trường văn hóa, Nghị quyết khẳng định: Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Gắn kết xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái. Đưa nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân vào các hoạt động giáo dục của xã hội (5).

Để phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân”(6). Trong đó, vấn đề “xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế”(7) được xác định là một nội dung của đột phá chiến lược thứ hai (trong ba đột phá chiến lược) để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

3. Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong xây dựng môi trường văn hóa

Trong những năm qua, công tác xây dựng môi trường văn hóa luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng với sự chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban ngành, chính quyền địa phương với nhiều cơ chế, chính sách mới được ban hành, huy động được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân, nhờ đó môi trường văn hóa ở mỗi khu phố, làng bản, thôn ấp hay trong không gian của mỗi gia đình, nhà trường, cơ quan, đơn vị có những chuyển biến tích cực.

Các phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa được triển khai rộng khắp trên cả nước, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Nhiều phong trào như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Thi đua thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; Phong trào xây dựng làng văn hóa, khu phố, ấp văn hóa, gia đình văn hóa... đã tạo những chuyển biến tích cực trong các cơ quan, đơn vị, trường học, công ty, xí nghiệp, khu dân cư,...

Qua 20 năm thực hiện, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã thực sự trở thành cuộc vận động văn hóa lớn, nhận được sự hưởng ứng và tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, là sợi dây gắn kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động trên toàn quốc. Năm 2017, “đã công nhận hơn 19 triệu gia đình văn hóa. Đến nay, cả nước đã có trên 1,2 triệu tấm gương người tốt, việc tốt; đã công nhận hơn 69 nghìn làng, thôn, ấp, bản, buôn, tổ dân phố văn hóa”(8). Việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội cũng được tổ chức ngày càng văn minh, tiết kiệm, giảm trừ được các thủ tục lạc hậu, lãng phí. Căn cứ vào các tiêu chí được đánh giá thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang quy định tại Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21-1-2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, theo số liệu tổng hợp tính đến năm 2018 có 5.268.756/5.508.539 số đám cưới theo nếp sống văn minh; số đám tang thực hiện theo nếp sống văn minh là 2.622.327/2.817.832 tổng số đám tang; 230.684 đám tang đã thực hiện việc hỏa táng. Những thành quả từ các phong trào này đã góp phần kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, huy động sức mạnh của cộng đồng, đoàn kết trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư thành những môi trường văn minh, hiện đại.

Trong thực tế triển khai thực hiện Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhiều bộ, ngành, địa phương đã có những cách làm hay, thiết thực, hiệu quả. Trong lực lượng Quân đội xuất hiện những phong trào thi đua như: Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy; Xây dựng nền nếp chính quy; Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông; Xây dựng chi đoàn văn hóa mới; các diễn đàn“Sống vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì người thân, gia đình và bạn bè”, “Sống có kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”; mô hình “Người con hiếu thảo, nghĩa tình đồng đội”, “Nói lời hay, làm việc tốt”... hướng cho mọi quân nhân vươn tới lối sống cao đẹp. Thông qua các phong trào này, điều kiện ăn, ở, làm việc, sinh hoạt của bộ đội đã có sự cải thiện rõ nét, nhiều doanh trại được xây dựng chính quy, thống nhất, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, hài hòa, thân thiện với môi trường, thiết thực với đời sống của cán bộ, chiến sĩ. Mối quan hệ đoàn kết máu thịt quân - dân được phát huy, thế trận lòng dân được củng cố vững chắc. Trong lực lượng Công an, phong trào Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy và Cuộc vận động Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ đã được triển khai ở tất cả các đơn vị. Các phong trào trên đã góp phần xây dựng lực lượng công an nhân dân có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; có ý thức tổ chức kỷ luật chặt chẽ, ý thức trách nhiệm cao trong công tác. Văn hóa giao tiếp, ứng xử trong lực lượng công an cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ. Có thể nói, xây dựng môi trường văn hóa trong các lực lượng vũ trang nói chung đã góp phần “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại,...” theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Phong trào xây dựng văn hóa công sở, văn hóa công vụ cũng đã được các cơ quan nhà nước triển khai, góp phần tích cực vào công cuộc cải cách hành chính, nâng cao tính kỷ cương, minh bạch, trách nhiệm của nền hành chính công vụ cũng như đạo đức công vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trong các công ty, xí nghiệp, môi trường lao động, sản xuất, môi trường kinh doanh cũng được quan tâm cải thiện. Việc thực hiện xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động, phát huy trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, vì sự phát triển doanh nghiệp hiệu quả, bền vững.

Xét theo không gian, từ đô thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, mặc dù hiệu quả triển khai xây dựng môi trường văn hóa của các địa phương không hoàn toàn đồng nhất nhưng không thể phủ nhận rằng các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa, khu dân cư văn hóa,... đã làm thay đổi từ những yếu tố bên ngoài như diện mạo cảnh quan, hệ thống thiết chế văn hóa đến các hoạt động văn hóa, các giá trị ngầm ẩn bên trong. Tiêu biểu là phong trào xây dựng nông thôn mới. Qua 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành sớm gần 2 năm so với kế hoạch đề ra. Tính đến hết năm 2019, có hơn 4.800 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 54% tổng số xã. Đến hết năm 2020, có trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 173 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (9). Chương trình xây dựng nông thôn mới không chỉ làm thay đổi diện mạo, cảnh quan văn hóa làng quê mà chất lượng đời sống văn hóa của người dân cũng được cải thiện, nâng cao với những cơ hội, điều kiện về giáo dục, y tế, vui chơi, giải trí ngày càng được đáp ứng đầy đủ, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Điều này được thể hiện qua mức tăng thu nhập bình quân đầu người, tăng 3,1 lần, từ 16,6 triệu đồng năm 2010 lên 51,5 triệu đồng năm 2019. Tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,7 tuổi vào năm 2020, trong đó nam giới 71,2 tuổi, nữ giới 76,5 tuổi. Môi trường văn hóa lành mạnh, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, đồng nghĩa với việc những tệ nạn xã hội sẽ được kiểm soát, đẩy lùi, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp của chân, thiện, mỹ. 

Về nhiều làng quê hiện nay, không gian, cảnh quan văn hóa có nhiều đổi khác, đan xen với những nét đẹp văn hóa truyền thống (hình ảnh của ngôi đình, ngôi chùa cổ kính; lũy tre, cây đa, con đê đầu làng thân thuộc...) là khung cảnh của những khu phố mới khang trang, hiện đại với nhịp phát triển kinh tế nhanh, tạo không khí phấn khởi, vui tươi - động lực lớn để con người không ngừng nỗ lực, cố gắng phấn đấu, góp phần làm cho làng quê ngày càng trù phú, văn minh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì công tác xây dựng môi trường văn hóa thời gian qua cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế. Đánh giá về thực trạng này, Đảng ta chỉ rõ: “Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn; đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn”(10).

Thời gian qua, một số cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, do buông lỏng quản lý, thực thi pháp luật chưa nghiêm dẫn đến tình trạng không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm kỷ cương phép nước, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào tham nhũng, chà đạp lên những giá trị, lợi ích quốc gia dân tộc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường văn hóa, làm suy giảm niềm tin giữa nhân dân với Đảng, chính quyền. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng và đảng viên; đã thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên, trong đó có các cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Hiện tượng ô nhiễm môi trường văn hóa không chỉ diễn ra ở các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp mà ngay cả một số không gian văn hóa vốn được coi là nơi nuôi dưỡng cho những giá trị tốt đẹp cũng có những dấu hiệu rạn vỡ. Trong gia đình, đây đó do mâu thuẫn lợi ích cũng đã dẫn đến xung đột “tan cửa, nát nhà”. Những mối quan hệ rường cột như cha - con, anh - em, vợ - chồng cũng bị đồng tiền hoặc các tệ nạn xã hội làm cho lung lay. Sự xung đột giữa các thế hệ tuy không quá gay gắt như một số quốc gia khác trên thế giới nhưng cũng ẩn chứa những sóng ngầm mà nếu không sớm tìm biện pháp hóa giải thì sẽ dẫn đến nguy cơ va chạm. Sự phát triển của công nghệ, truyền thông đã làm thay đổi các hình thức liên kết xã hội truyền thống. Nhiều người rơi vào tình trạng cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Môi trường học đường cũng xuất hiện nhiều tiêu cực đáng lo ngại. Văn hóa ứng xử giáo viên - học sinh, giáo viên - phụ huynh, học sinh - học sinh có dấu hiệu lệch chuẩn. Nạn bạo lực học đường, hiện tượng chạy điểm, chạy trường,... không những ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, mà nguy hại hơn là ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, đến nhân cách và niềm tin của thế hệ tương lai đất nước.

Môi trường văn hóa ở nhiều nơi bị “ô nhiễm” xuất phát từ nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, nhất là những tác động của bối cảnh, tình hình phức tạp trong và ngoài nước, mặt trái của nền kinh tế thị trường, giao lưu hội nhập quốc tế; việc ban hành quy định, hướng dẫn về xây dựng môi trường văn hóa nói chung chưa đồng bộ, công tác kiểm tra, giám sát chưa nghiêm. Ngoài ra, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển văn hóa chung, xây dựng môi trường văn hóa nói riêng. Chính vì thế, các phong trào, chương trình, kế hoạch hoạt động văn hóa diễn ra còn mang tính hình thức, thời vụ. Các nguồn lực đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với vị thế của văn hóa.

4. Một số giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hóa

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong phát triển đất nước, coi đó là “nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”(11). Để phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, cần phải tập trung nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hóa.

Thứ nhất, làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa. Khi đánh giá đúng mức tầm quan trọng của xây dựng môi trường văn hóa trong phát triển, hoàn thiện nhân cách con người cũng như trong thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực khác của đời sống xã hội thì sẽ có những ứng xử, hành động phù hợp.

Thứ hai, cần tiếp tục đẩy mạnh thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng môi trường văn hóa. Quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa nói chung, về xây dựng môi trường văn hóa nói riêng đã được phát triển, bổ sung, ngày càng toàn diện và sâu sắc. Tuy nhiên, để quan điểm, đường lối, chủ trương đó đi vào cuộc sống cần có sự thể chế hóa thành hệ thống luật pháp, chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Thậm chí, mỗi bộ, ngành, địa phương cũng cần chủ động trong xây dựng các kế hoạch để triển khai cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện cụ thể của bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, cũng cần ban hành chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại những giá trị cộng đồng, làm “ô nhiễm” môi trường văn hóa. Có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi những thông tin xấu độc, những xuất bản phẩm kém giá trị, tuyên truyền những tư tưởng thù hằn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, nhất là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc trên internet và mạng xã hội.

Thứ ba, cùng với quá trình đẩy mạnh thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng là phải tổ chức thực hiện đảm bảo tính khoa học, tính liên thông, tính hiệu quả. Việc xây dựng môi trường văn hóa phải là công việc của tất cả các bộ, ngành, địa phương chứ không chỉ là công việc của Bộ VHTTDL. Bộ VHTTDL là cơ quan tham mưu cho Chính phủ những kế hoạch tổng thể, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện; còn mỗi bộ, ngành, địa phương trên cơ sở đặc thù của mình xây dựng những kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, cũng phải có sự thống nhất giữa các bộ, ngành trong việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách cũng như sự phân công trách nhiệm rõ ràng trong quá trình “cộng đồng trách nhiệm” xây dựng môi trường văn hóa. Nếu không có sự phân công trách nhiệm rõ ràng thì dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo hoặc buông lỏng quản lý.

Thứ tư, tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động có ý nghĩa như: Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Thực hành nếp sống văn minh trong cưới, việc tang, lễ hội; Xây dựng làng bản, khu phố, gia đình văn hóa... Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tấm gương tiêu biểu, những cơ quan, đoàn thể có cách làm hay sáng tạo, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng môi trường văn hóa để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, đồng thời đẩy lùi cái xấu xa, thấp hèn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Điều đó cho thấy, sức ảnh hưởng, lan tỏa của những tấm gương sáng về tinh thần, trách nhiệm với cộng đồng trong việc giữ gìn môi trường văn hóa có ý nghĩa quan trọng, truyền đi những thông điệp nhân văn để khuyến khích, động viên mọi người tích cực học tập, làm theo.

Thứ năm, cần có chính sách khuyến khích sự tham gia của người dân trong xây dựng môi trường văn hóa. Người dân có quyền tiếp cận thông tin, tham gia vào các khâu của chu trình chính sách văn hóa, từ góp ý cho xây dựng chính sách đến phản hồi chính sách. Xây dựng môi trường văn hóa chỉ thành công khi đông đảo người dân tự nguyện tham gia. Muốn vậy, cần cho người dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia xây dựng môi trường văn hóa. Để thúc đẩy sự tham gia của người dân, cần sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng cũng như sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thứ sáu, để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ có ý nghĩa quan trọng. Các công trình văn hóa, các khu vui chơi giải trí, nhà văn hóa cộng đồng, sân vận động, khu liên hiệp thể thao, thư viện, câu lạc bộ nghệ thuật, công viên, trung tâm sinh hoạt cộng đồng,... nếu được quan tâm, đầu tư xây dựng một cách đồng bộ, hiện đại ở các xã phường, thị trấn với những hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ được tổ chức định kỳ, thường xuyên sẽ mang lại những điều kiện thuận lợi để người dân thực hành, sáng tạo và thụ hưởng những sản phẩm văn hóa, từ đó nâng cao năng lực, trình độ nhận thức, tạo đời sống văn hóa tinh thần phong phú với không khí hồ hở, vui tươi để con người hăng say trong lao động, sản xuất, góp phần dựng xây quê hương, đất nước, đẹp giàu.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú với những giá trị nhân văn, tiến bộ là nhiệm vụ trọng yếu để phát triển văn hóa dân tộc hiện nay. Việc xây dựng môi trường văn hóa sẽ góp phần tạo ra những con người mới có nhân cách, đạo đức, tri thức, năng lực và bản lĩnh, đồng thời khắc phục và đẩy lùi cái xấu, cái ác ra khỏi đời sống xã hội. Môi trường văn hóa lành mạnh là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và củng cố an ninh quốc phòng. Để khắc phục những hạn chế, phát huy những thành tựu đã đạt được, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng bộ như tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.

LƯƠNG ĐỨC THẮNG

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL

 

_______________

1, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng trong thời kỳ đổi mới: Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.710, 998-999.

2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 1998, tr.59-60, 59.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương khóa XI, 2014 (Dẫn theo Thông tin Văn hóa phát triển, số 40, 2014).

6, 7, 10, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.144, 222, 84, 47.

8. Văn phòng Chính phủ, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000-2018 (Thông báo số 411/TB-VPCP, ngày 25-10-2018), tr.1-2.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.23.

;