Văn hóa và phát triển - những kỳ vọng hướng về Hội nghị Văn hóa toàn quốc

Việt Nam có truyền thống văn hóa lâu đời, đã đúc kết bồi đắp từ đời này qua đời khác, trải qua hàng ngàn năm lịch sử đã hun đúc tạo nên những giá trị văn hóa trong xây dựng và đấu tranh bảo vệ đất nước. Con người Việt đã tạo những chiến công hiển hách, có bao anh hùng dân tộc lãnh đạo, xây dựng, đấu tranh bảo vệ đất nước: Vua Hùng, Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Chủ tịch Hồ Chí Minh…; những danh nhân văn hóa: Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi...

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo văn hóa, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó chính là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Văn hóa dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển, là thành quả của hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường của toàn dân, của dân tộc. “Văn hóa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử của dân tộc, nó làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao sống gió và thác ghềnh tưởng chừng không thể vượt qua được, để không ngừng phát triển và lớn mạnh” (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng).

Trong đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, chúng ta nhận thấy bản chất văn hóa ứng xử, sự đoàn kết, đại đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong việc phòng chống COVID; Thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái… vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hòn đá to/ Hòn đá nặng/ Chỉ một người/ Nhấc không đặng…/ Nhiều người nhấc/ Nhấc lên đặng”.

Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, khẳng định được tầm vóc, trình độ, bản lĩnh và bản sắc của văn hóa Việt Nam trong giao lưu và hợp tác quốc tế. Cùng với chính sách mở cửa, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, Đảng ta đã chỉ rõ cần chủ động hội nhập kinh tế để phát triển đất nước. Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng ta xác định: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh”.

Náo nức ngày Tết Độc lập ở làng VH-DL các dân tộc Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa là bản sắc dân tộc được giữ gìn và phát triển, văn hóa và phát triển đi đôi với sự phát triển kinh tế; sự phát triển kinh tế lại tạo điều kiện cho sự phát triển của văn hóa và tạo động lực cho những sáng tạo, văn hóa góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Kế thừa truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh thần của thời đại, học tập tinh hoa của thế giới, dựa trên định hướng phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng chiến lược, chính sách về văn hóa, tiến đến một nhận thức mới sâu sắc, toàn diện về văn hóa và vai trò của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Quan điểm, đường lối, chủ trương và chính sách phát triển, Đảng ta luôn khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những năm qua, đặc biệt trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng khẳng định: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì cần phải coi trọng vai trò động lực của văn hóa. Một nền văn hóa càng phát triển thì càng có điều kiện đẩy nhanh việc phát triển kinh tế và cải thiện đời sống xã hội. Bởi vì, một nền văn hóa tiên tiến, bản thân nó có khả năng mang lại cho con người cái chân, thiện, mỹ, mang đến những kiến thức thời đại để mọi người có điều kiện tham gia, sáng tạo, sản xuất ra nhiều của cải vật chất cho xã hội.

Như vậy, để văn hóa thực sự trở thành mục tiêu của sự phát triển, đồng thời cũng cần có cơ chế chính sách đảm bảo cho kinh tế và văn hóa phát triển hài hòa, bền vững. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội dân chủ, công bằng, văn minh để con người phát triển toàn diện, phát huy năng lực của mình cống hiến cho xã hội. Văn hóa là kết quả sáng tạo, lao động của con người trên các lĩnh vực hoạt động xã hội trong đó có hoạt động kinh tế, nó là động lực của sự phát triển kinh tế.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội

Văn hóa tinh thần đóng vai trò quyết định nhất trong việc xây dựng đời sống tinh thần, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của nhân dân. “Văn hóa tinh thần là bộ phận cấu thành hữu cơ của văn hóa, bao gồm hệ thống những giá trị tinh thần được sáng tạo và tích luỹ trong lịch sử nhờ hoạt động sản xuất tinh thần của con người. Văn hóa tinh thần biểu hiện sự phát triển về trí tuệ, tinh thần, cảm xúc của con người hướng tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp”.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, vị thế của nước nhà càng được xác định trên trường quốc tế; Đảng, Nhà nước luôn lấy người dân là trung tâm, là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Vì vậy, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế, Đảng ta chú trọng đến sự phát triển về văn hóa để tạo ra sự phát triển hài hòa, cân đối. Trong cơ chế thị trường, văn hóa một mặt dựa vào chuẩn mực, cái tốt, cái đẹp, hướng dẫn và thúc đẩy người lao động không ngừng phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, nâng cao tay nghề, tạo ra năng suất, chất lượng cao, làm giàu cho mình và cho xã hội. Mặt khác, văn hóa với chức năng vốn có của nó sẽ tham gia vào quá trình ngăn chặn, khắc phục những mặt xấu do cơ chế thị trường tạo ra. Văn hóa sử dụng sức mạnh mềm, các giá trị truyền thống, của đạo lý dân tộc và góp phần xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú, hướng con người tới cái chân, thiện, mỹ.

Với ý nghĩa như vậy, văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sợi chỉ đỏ, là kim chỉ nam cho phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, một xã hội phát triển hài hòa, văn minh và vững bền.

Văn hóa trong hội nhập quốc tế

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra những động lực kích thích để xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao năng lực nội sinh của văn hóa dân tộc trong quá trình hiện đại hóa, hội nhập với trình độ phát triển chung của nhân loại, cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế cũng đang tạo ra những thách thức to lớn đối với nền văn hóa dân tộc. Một số lĩnh vực văn hóa hiện nay chưa phát huy ngang tầm với tốc độ phát triển kinh tế, nhất là trong quá trình hội nhập văn hóa, kinh tế toàn cầu.

Trong Văn kiện Đại hội IX Đảng ta đã khẳng định: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đảm bảo độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường”.

Học tập, phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện di chúc của Bác Hồ kính yêu, trong quá trình triển khai công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những quyết sách phù hợp về chủ trương, đường lối cũng như biện pháp tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng, tranh thủ có hiệu quả các nguồn lực và sự ủng hộ của quốc tế, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra thế và lực mới cho đất nước, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế càng ngày càng cao. Bên cạnh đó, ngày càng hội nhập sâu rộng, toàn diện vào nền kinh tế thế giới, chúng ta cũng phải xây dựng các kịch bản, phương án, xử lý các vấn đề khó khăn, phức tạp nhằm đưa đất nước ta phát triển vững chắc xứng tầm quốc tế.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã nêu: “Hội nhập kinh tế quốc tế là yêu cầu khách quan, phải chủ động, có lộ trình phù hợp với bước đi tích cực, vững chắc, không do dự chần chừ, nhưng cũng không được nóng vội, giản đơn.

Phải tích cực mở rộng thị trường bên ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời phải chủ động mở cửa thị trường trong nước, kể cả thị trường dịch vụ, để thu hút mạnh vốn đầu tư, công nghệ và kỹ năng quản lý tiên tiến, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Sau 35 năm thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa nền kinh tế cho thấy sự tác động tích cực của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực lên nền kinh tế nước ta. Chúng ta đã thực hiện cùng một lúc ba quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nước, tích cực hội nhập và đang từng bước thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, đó là thành quả lãnh đạo tài tình của Đảng, của Nhà nước với sự đoàn kết và nỗ lực của toàn dân, toàn dân tộc.

Văn hóa trong phát triển nguồn nhân lực

Thực hiện đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; vừa hồng, vừa chuyên, xây dựng con người có tài, có tâm, có tầm, có trí thức để phục vụ cộng đồng, phục vụ nhân dân, phục sự sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Thực tế hiện nay, cán bộ, viên chức nói chung, cán bộ hoạt động, công tác trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn, nhưng một số cán bộ năng lực quản lý chưa cao, một bộ phận chưa được đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ về chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là về quản lý hành chính, dẫn đến thực tế là chưa theo kịp tình hình phát triển của xã hội.

“Kinh tế và văn hóa là hai nội dung cốt lõi của sự sinh tồn và phát triển của dân tộc. Muốn xây dựng kinh tế phải có con người được đào tạo, rèn luyện trong môi trường văn hóa lành mạnh” (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Vì vậy, việc đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, quản lý và đạo đức cho cán bộ viên chức nhà nước là vấn đề quan trọng, cốt lõi nhằm thực hiện nghiêm túc, đúng, tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về việc: con người là trung tâm, con người là chủ thể, con người là nhân tố quan trọng trong phát triển xã hội văn minh hiện đại.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng).

Văn hóa là nền tảng, là mục tiêu là động lực cho phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần phải chung sức, chung lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, nêu cao ý chí và quyết tâm tiếp tục đổi mới, hình thành đồng bộ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế,… đưa đất nước ta vững bước tiến lên trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thực hiện “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” (Văn kiện Đại hội X của Đảng).

Ngày 24-11-2021, sẽ diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với kỳ vọng Hội nghị sẽ có nhiều giải pháp căn bản để phát triển sự nghiệp văn hóa bền vững trong giai đoạn mới, tôi xin có một số đề xuất giải pháp:

Một là, phát huy truyền thống văn hóa đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh của toàn dân, nhất là xây dựng ngành công nghiệp văn hóa trong thời đại công nghiệp lần thứ tư với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thức đẩy và ưu tiên.

Hai là, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực văn hóa: nhanh, nhạy, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nói đi đôi với làm với tinh thần trách nhiệm cao.

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong vấn đề quản lý văn hóa nghệ thuật, phát huy giá trị bản sắc văn hóa Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa nhằm đảm bảo sự phát triển nhưng không để phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc.

Bốn là, tăng cường phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển kinh tế, nhất là bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn kết với phát triển du lịch - một ngành công nghiệp không khói mang lại lợi ích to lớn cho quốc gia.

Năm là, Đảng và Nhà nước có cơ chế chính sách nâng cao đời sống vật chất cho các nhà văn hóa, cán bộ, viên chức, người lao động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, để đội ngũ những người làm công tác văn hóa yên tâm cống hiến, tận tâm, tận lực cho sự nghiệp phát triển văn hóa.

PGS, TS NGUYỄN VĂN DƯƠNG

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

____________________

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Văn Bính (chủ biên), Văn hóa dân tộc trong quá trình mở cửa ở nước ta hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.

2. Nguyễn Khoa Điềm (chủ biên), Về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

3. Phạm Duy Đức (chủ biên), Những thách thức của văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb Văn hóa - Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2006.

4. Phạm Minh Hạc, Phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc kết tinh với tinh hoa nhân loại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996.

6. Mấy vấn đề văn hóa và phát triển ở Việt Nam hiện nay, Bộ Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1992.

7. Phan Ngọc, Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1994.

9. Trần Ngọc Thêm, Văn hóa Việt Nam đối mặt với kinh tế thị trường, Tạp chí Cộng sản, số 16 (11-1995).

10. Toàn cầu hóa, khu vực hóa: Cơ hội và thách thức đối với các nước đang phát triển, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Hà Nội, 2000.

12. Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.

13. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.

14. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021.

;