Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, gắn với phát triển du lịch bền vững

Bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam bao gồm một tập hợp những giá trị tinh hoa bền vững, được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tạo thành những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng con người, dân tộc, quốc gia. Bảo tồn văn hóa, thực chất là những nỗ lực nghiên cứu, phát huy hệ giá trị, nâng cao hiểu biết của con người về lịch sử hình thành, ý nghĩa và vai trò của di sản văn hóa trong đời sống xã hội. Từ đó, đưa ra các điều kiện cụ thể nhằm bảo đảm sự an toàn, phát triển lâu dài cho di sản văn hóa trong đời sống các dân tộc; tạo sức mạnh nội sinh cho chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng trong quá trình phát triển.

Du lịch, từ thủa sơ khai đã luôn đem đến cho con người cái đích trong những sự trải nghiệm mới lạ, khác biệt… Do đó di sản văn hóa, bản sắc văn hóa của các dân tộc luôn là nguồn tài nguyên vô tận cho việc sản xuất, tái tạo hàng hóa cho hoạt động dịch vụ du lịch. Từ đó kích thích nhu cầu tiêu dùng của xã hội để từ đó nhằm tạo ra những sản phẩm mang giá trị đặc trưng, làm thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của con người, đem lại nguồn tài chính đáng kể, tạo nhân tố tích cực cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa, bản sắc văn hóa. Hơn nữa, việc phát huy tốt giá trị của di sản còn mang lại một lợi ích vô giá về mặt tinh thần, bởi thông qua việc hiểu biết về di sản văn hóa, con người và cộng đồng sẽ tiếp nhận nó, từ đó tác động trực tiếp tới lĩnh vực giáo dục, giúp vun đắp tình cảm cho mỗi cá nhân và cộng đồng. Góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về trách nhiệm gìn giữ và phát huy các giá trị tích cực của văn hóa, di sản văn hóa, bản sắc văn hóa... trong đời sống cộng đồng tộc người, cộng đồng làng bản, quốc gia.

Nghị quyết Đại hội Đảng qua các nhiệm kỳ, và các nghị quyết của Trung ương đã nhấn mạnh đến bảo tồn di sản văn hóa như: Nghị quyết lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Hội nghị lần thứ 9 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Và, gần đây, Đảng ta cũng đã đề ra yêu cầu bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đó là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, định hướng: “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc”; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, trong đó yêu cầu Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân…; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số… Quan tâm phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số…”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngành VHTTDL Hà Giang đã tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, quy hoạch, đề án, nghị quyết như: Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 2-8-2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về phát triển du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030; Nghị quyết về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; UBND tỉnh ban hành “Quy chế xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Hà Giang...

Chủ trương: “Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa” là định hướng chỉ đạo kịp thời nhằm gắn kết công tác phát triển du lịch với việc khai thác tài nguyên văn hóa.

Hà Giang định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, gắn với nâng cao nhận thức và đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững, phát huy văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc bản địa. Xây dựng du lịch Hà Giang theo hướng chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh cao, gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, đảm bảo phát triển bền vững. Chú trọng phát triển du lịch nội địa, kết hợp phục hồi kinh tế - xã hội gắn với kiểm soát dịch bệnh COVID-19, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đồng bộ, hiện đại. Hình thành một số khu, điểm du lịch, dịch vụ tổng hợp có quy mô lớn. Phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, nhất là du lịch cộng đồng. Xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc trong khu vực miền núi phía Bắc.

Định hướng đến năm 2030, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là khu du lịch quốc gia; Toàn tỉnh có 59 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng (trong đó 29 di tích xếp hạng quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh), gồm nhiều loại hình như: Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, lưu niệm sự kiện, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh và hóa thạch cổ sinh trên khu vực Công viên địa chất. Sau khi được xếp hạng một số di tích được quan tâm đầu tư tôn tạo đã phát huy hiệu quả khai thác du lịch. Ngoài ra, chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị đối với các di vật, cổ vật, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 3 bảo vật quốc gia, 21 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Bàn Vương của người Dao đỏ ở Hà Giang - Ảnh: Hà Châu

Việc phát huy các giá trị văn hóa, lễ hội ở Hà Giang đã được chú trọng, một số lễ hội gắn với sự kiện đã được thường niên tổ chức như Lễ hội Hoa tam giác mạch; Tuần văn hóa di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Festival Khèn Mông. Ngày hội văn hóa các dân tộc đã tạo ra điểm nhấn, trở thành thương hiệu trong khai thác du lịch. Hà Giang có khoảng 39 lễ hội có quy mô tổ chức và khả năng thu hút du lịch, trong đó: cấp khu vực có Festival Khèn Mông, Then Tày Nùng, Lễ hội thêu, dệt thổ cẩm; cấp tỉnh 5 lễ hội; cấp huyện 7 lễ hội. Một số lễ hội đang trở thành sản phẩm thu hút khách du lịch, như: lễ hội nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn, dân tộc Dao; Lễ Bàn Vương, cấp sắc dân tộc Dao; lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông; lễ hội chợ Phong Lưu Khâu Vai…

Song, kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, nguyên do Hà Giang là tỉnh khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch còn thiếu, chất lượng thấp, chưa nhiều sản phẩm du lịch đặc thù có chất lượng cao. Nội lực của địa phương không thể bố trí được các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Hệ thống cơ chế chính sách chậm được đổi mới và hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống văn bản pháp quy hướng dẫn chi tiết thi hành các luật. Ảnh hưởng của các yếu tố khách quan như thời tiết, dịch bệnh, đặc biệt là khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến thị trường nguồn...

Vào ngày 24-11-2021 tới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ chủ trì, chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Tôi rất mong muốn Hội nghị này sẽ có bàn thảo về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, gắn với phát triển du lịch bền vững “đúng, trúng, và hiệu quả”. Đồng thời, tôi xin có một số đề xuất:

Một là, đề nghị Bộ VHTTDL tham mưu cho Chính phủ quan tâm đầu tư, nguồn vốn tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu, chiến lược phát triển văn hóa, đảm bảo đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm.

Hai là, Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, đầu tư bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, đầu tư, quan tâm thỏa đáng phù hợp với điều kiện sống và đặc điểm tâm lý xã hội của cộng đồng tộc người, nhất là vùng sâu vùng xa, biên giới.

Ba là, đề nghị cấp có thẩm quyền kịp thời rà soát và sửa đổi bổ sung các văn bản liên quan lĩnh vực văn hóa đã tồn tại lâu không còn phù hợp. Điều chỉnh, bổ sung các quy định về các di sản đối với các di sản như “Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn”, “Công viên Non nước cao Bằng”, Lý Sơn… cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời tạo điều kiện cho việc nghiên cứu về văn hóa các dân tộc một cách đầy đủ, toàn diện trên tất cả các phương diện lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội.

Bốn là, đầu tư kinh phí và có chính sách ưu tiên, hỗ trợ việc trùng tu, tôn tạo đối với các di tích, danh thắng đã được xếp hạng cấp quốc gia, và cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch.

Năm là, có chính sách đặc thù hỗ trợ cho hoạt động hội nghệ nhân dân gian, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, phổ biến ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc thiểu số, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc…

Sáu là, quan tâm đề xuất cơ chế, chính sách đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

TRIỆU THỊ TÌNH

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang

;