Võ cổ truyền Bình Định - Nghệ thuật biểu diễn dân gian độc đáo

Võ cổ truyền (VCT) Bình Định được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2012. Có thể kể tới một số lễ hội cổ truyền có liên quan đến VCT Bình Định như: lễ hội Đống Đa - Tây Sơn, lễ hội Cúng Tổ võ - Quang Trung, Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định. Có thể nói, nghệ thuật biểu diễn võ thuật, nghệ thuật diễn tấu nhạc võ… đã góp phần không nhỏ tạo nên giá trị, sức hấp dẫn, sống động của di sản. Bài viết bước đầu làm rõ hơn những nội hàm của thành tố nghệ thuật biểu diễn dân gian trong VCT Bình Định xưa và nay.

Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng

1. Nguồn gốc và khái niệm

Nguồn gốc VCT Bình Định có lẽ gắn liền với lịch sử hình thành địa danh tỉnh Bình Định kể từ khi vùng đất này được nhập vào Đại Việt (năm 1471). Sách Đại Nam nhất thống chí, sau là Lịch triều hiến chương loại chí đều chép về huyện Tuy Viễn, tức là tỉnh Bình Định đời Nguyễn: “Trong phủ có thành Đồ Bàn, là nơi vua cũ nước Chiêm ở đó, lộng lẫy, kiên cố, nay dấu cũ hãy còn” (1). Vùng đất đó trở nên nổi tiếng khi lịch sử dân tộc ghi nhận chiến công hiển hách của anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ, tạo lập triều đại mới của dân tộc vào TK XVIII. VCT Bình Định đã theo bước chân người dân, người lính lan tỏa ra các vùng miền trong nước và nước ngoài, làm nên vóc dáng của một môn phái, của di sản văn hóa gắn với tinh thần thượng võ và yêu chuộng hòa bình, độc lập. Dù đã qua chiến tranh, nhưng tinh hoa VCT Bình Định vẫn tiếp tục được lưu truyền, hoàn thiện và trở thành một phần tất yếu của đời sống văn hóa nghệ thuật đương đại với sức sống lâu bền và màu sắc tươi mới.

Vùng đất Bình Định đã sản sinh ra những con người có tài thao lược, làm rạng danh đất võ anh hùng: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu… Đất võ Bình Định và phái võ thuật Tây Sơn đã tạo nên những chiến công vang dội trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, trở thành bản sắc dân tộc mang nét riêng Bình Định: “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định bỏ roi, đi quyền”.

Những sinh hoạt văn hóa thuộc về VCT Bình Định mang tính nghệ thuật biểu diễn dân gian tiêu biểu bao gồm: biểu diễn võ thuật và biểu diễn nhạc võ. Có thể coi đây là biểu hiện rõ nét nhất tinh hoa VCT Bình Định trong bối cảnh hiện nay.

Nghệ thuật biểu diễn dân gian thể hiện bản sắc văn hóa tộc người một cách rõ nét. Tuy nhiên, mức độ gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật biểu diễn dân gian ở các nhóm cộng đồng không đồng đều. Có những di sản tương tự nhau nhưng mức độ thực hành lại khác nhau. Nghệ thuật biểu diễn nảy sinh từ thực tiễn, nó là kết quả của quá trình nhận thức qua các hoạt động lao động, sản xuất và bảo vệ thành quả… sau này còn bao gồm của ý nghĩa vui chơi giải trí, trình độ thẩm mỹ. Bị chi phối bởi môi trường tự nhiên và xã hội, nghệ thuật biểu diễn dân gian là phương thức thể hiện sự hòa điệu với môi trường xung quanh qua trao đổi kinh nghiệm và trao đổi tình cảm với nhau.

Biểu diễn dân gian, trò diễn dân gian, diễn xướng dân gian (performance) đã trở nên quen thuộc trong giới nghiên cứu và thực hành, tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trao đổi xung quanh cách hiểu về thuật ngữ này (2). Trong các tư liệu sưu tầm văn học dân gian xưa và trong đời sống văn hóa dân gian, từ “diễn”, “biểu diễn”, “trò diễn, “diễn xướng” như cách hiểu hiện nay rất ít được dùng. Người dân có cách gọi khác: “ra trò”, “trình trò”, “sắm vai”, “thử vai”, “giữ vai”, “thử vở”, “đóng trò”... và tổ chức “diễn” được gọi là “diễn trò”, “kéo trò”.

Hiểu một cách tương đối đầy đủ, trò diễn bao gồm các nội dung: trò gắn với hèm tục, trò vui khỏe, trò thi tài đua khéo. Về nội dung nghệ thuật, trong trò diễn thường bao gồm: động tác có tính nghệ thuật (quy cách hóa hoặc thẩm mỹ hóa), nghệ thuật ngôn từ (ngôn ngữ nói), nghệ thuật âm nhạc dân gian, nghệ thuật múa dân gian, nghệ thuật tạo hình dân gian, phục trang, hóa trang, đạo cụ. Cách thức thể hiện của các trò diễn cũng rất đa dạng và phong phú, có những trò diễn thiên về hành động (diễn nhiều hơn xướng) và có những trò diễn thiên về lời nói (xướng nhiều hơn diễn), đặc biệt có những trò chỉ có diễn mà không có xướng.

Như vậy, trò diễn, nếu hiểu là một hoạt động nghệ thuật dân gian thì biểu diễn (những động tác của cơ thể con người) là yêu cầu chủ đạo. Khi một cá nhân/ nhóm người nhận lấy trách nhiệm bước ra “sàn diễn”, nếu họ chỉ dừng ở mức độ trình bày, chưa bắt tay vào việc “diễn” lại trò đó theo đúng nghĩa của nó thì chưa thể gọi là “sự diễn xướng thực thụ”. Vậy, cách diễn xướng của trò diễn không đơn giản chỉ là sự thể hiện bên ngoài của cá nhân hay một nhóm người, mà trò diễn phải là sự trình diễn bộc lộ tiềm năng hay sự thăng hoa của ứng xử. Thủ pháp nghệ thuật độc đáo thường được sử dụng trong trò diễn là cách điệu, tượng trưng, theo tác giả Lê Trung Vũ, đây là đặc điểm nổi bật của trò diễn trong lễ hội dân gian (3).

Qua khảo sát thực tế, trên cơ sở lý luận đã trình bày (4), chúng tôi dùng thuật ngữ “biểu diễn” để bước đầu tìm hiểu và đánh giá nghệ thuật biểu diễn VCT Bình Định dưới góc độ sân khấu dân gian, là nghệ thuật biểu diễn dân gian mang tính nguyên hợp.

2. Nghệ thuật biểu diễn võ thuật

Bình Định là một trong những cái nôi của nghệ thuật đánh giặc của cha ông ta. Nơi đây đang bảo tồn, kế thừa và phát huy nghệ thuật chiến đấu mang phong cách Quang Trung - Nguyễn Huệ, một loại hình nghệ thuật - võ thuật vừa bác học, vừa mang tính dân gian gần gũi với quần chúng, bao thế hệ nối tiếp nhau trên mảnh đất này vẫn ra sức gìn giữ, trau chuốt nghệ thuật chiến đấu tay không và binh khí cổ xưa, lưu truyền không chỉ ở Bình Định mà cả các vùng miền khác trên cả nước và nhiều nước trên thế giới.

VCT Bình Định được cấu thành bởi 2 yếu tố: võ đạo võ thuật. Võ đạo là lối sống lý tưởng của các võ sư, võ sĩ, võ nhân yêu nước, thương dân, cùng với tinh thần thượng võ, nhân văn, tôn sư trọng đạo, đã kiến tạo nên giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay.

Võ thuật là nghệ thuật chuyển động thân thể độc đáo bằng tay, chân và binh khí, nhằm rèn luyện sức khỏe để lao động sản xuất, nâng cao sức chiến đấu, bảo vệ thành quả lao động, chống ngoại xâm, là bộ phận kỹ thuật - chiến thuật thi đấu thể thao dân tộc - môn VCT Việt Nam, môn thể thao trải nghiệm, giải trí ngày nay ở trong và ngoài nước.

Võ tay không, còn gọi là quyền thuật tay không thể hiện các kỹ thuật chuyển động thân thể từ đơn giản tới phức tạp với 10 cấp độ bài quyền tay không, và loại hình đối kháng thủ cước với loạt đòn thế tấn công, phản công và phòng thủ. Sức mạnh cương quyền, các đòn công - phản sẽ ra lực nhanh mạnh, tự vệ phòng thân và áp đảo đối phương. Sức mạnh nhu quyền hay còn gọi là miên quyền triển khai mềm mại, né tránh, đỡ gạt, bông pháp, nhu thuận nhưng ẩn chứa sức mạnh phản công rất lớn. Với nguyên tắc “túc bất ly địa” (chân không rời xa đất), coi trọng Tấn pháp, những bài quyền tay không có lời thiệu bằng thơ ca, nổi tiếng như Lão Mai Quyền, Nạp Mã Môn Cương, Bạch Điêu Quyền, Ngọc Trản Quyền, Tứ Hải Quyền, Hùng Kê Quyền, Tiên Ông Quyền, Thiền Sư Quyền, Thần Đồng Quyền, Tứ Môn Quyền, Yến Phi Quyền… đã đi vào lịch sử võ thuật Bình Định từ nhiều đời nay.

Võ binh khí, còn gọi là quyền thuật binh khí, gồm Thập bát ban binh khí (18 ban/môn binh khí chia thành 3 nhóm: binh khí khúc mềm, binh khí đơn đôi ngắn, binh khí dài). Những bài quyền binh khí có lời thiệu bằng thơ ca, sử dụng trong luyện tập và biểu diễn, gồm Côn (hay còn gọi là roi, bằng tre, kim loại, trường côn, trung bình côn, đoản côn) với các bài nổi tiếng như Thái Sơn Côn, Ngũ Môn Phá Trận, Trực Chỉ Côn, Hắc Đảnh Ô Sơn, Đản Côn, Trường Tiên Côn, Vệ Quốc Phong Tiên Côn, Tam Thâu Tùy Hình Côn, Thất Bộ Côn...; Thương (là vũ khí dài, có loại đại thương, trường thương, đoản thương, song đầu thương, câu liêm thương) với các bài nổi tiếng như Nghiêm Thương, U Linh Thương, Độc Long Thương, Độc Lư Thương...; Đao (là vũ khí hạng nặng chia thành đơn đao, song đao, đại đao - Siêu) với các bài nổi tiếng như Địa Đường Đao, Song Đao, Song Đao Phá Thạch, Đại Đao/ Siêu Xung Thiên, Đại Đao Tứ Môn Bát Quái, Lôi Long Đao...; Giáo (hay Mác, là vũ khí dài, cán bằng tre - gỗ, đầu lưỡi sắt, nhọn, giác cạnh) với bài nổi tiếng như Thiên Phủ Giáo; Đinh Ba (hay Chĩa Ba, là vũ khí cán dài với phần 3 lưỡi chĩa xỉa thẳng về phía trước) với bài nổi tiếng như Đinh Ba; Kích (Kích là vũ khí cán dài gọi là Phương thiên họa kích và bán thiên kích) với bài nổi tiếng như Bán Thiên Kích; Xà Mâu (là vũ khí tương tự thương nhưng có phần mũi hình đầu rắn có sừng để tăng hiệu quả sát thương đối thủ, khác bát xà mâu của Trung Quốc có phần mũi hình lưỡi rắn) với bài nổi tiếng như Xà Mâu Trượng; Thiết Lĩnh (là vũ khí khúc đoạn, nguyên bản vừa có tính chất cứng của tre - gỗ và mềm sợi dây nối liền 2 đoạn tre - gỗ dài và ngắn, và phiên bản mới cho côn nhị khúc, côn tam khúc) với bài nổi tiếng như Thiết Lĩnh đánh vào chân ngựa đối phương; Bừa Cào (hay Bồ cào, là vũ khí cán dài với phần đầu tra lưỡi tre - gỗ hình răng lược) với bài nổi tiếng ở Bình Định như Bừa Cào; Kiếm (là vũ khí sang trọng, kiếm lệnh lưỡi cong, kiếm trận lưỡi thẳng, có loại kiếm trường, kiếm trung bình, đoản kiếm, kiếm đơn hoặc dùng song kiếm) với các bài nổi tiếng như Long Phi Kiếm, Tam Tinh Thần Linh Kiếm, Lôi Phong Tùy Hình Kiếm, Long Môn Kiếm, Tru Hồn Kiếm, Song Phượng Kiếm...; Câu (hay Câu liêm, là vũ khí ngắn, đánh đơn, đôi - song câu rất linh hoạt vừa công vừa thủ, phù hợp với trình độ của các cao thủ trong làng võ) với bài nổi tiếng như Thái Long Câu; Khiên (hay Lăn khiên còn gọi là Thuẫn, là tấm chắn gỗ hoặc đan bằng cật tre mây và tay thuận dùng vũ khí đoản đao) với bài nổi tiếng như Lan Khiên; Giản (là loại vũ khí bằng gỗ hoặc sắt dài khoảng 1m, hình lục lăng 6 cạnh hoặc 4 cạnh, công dụng là đập phá giáp sắt, khi dùng 2 giản thì gọi là song giản) với các bài nổi tiếng như Độc Giản, Song Giản; Cung (hay Cung tên, là vũ khí linh hoạt, có thể dùng hiệu quả đắc lực từ xa) với bài nổi tiếng như Chấn Thiên Cung; Xích Thuật (hay Liên Tri, là vũ khí khúc đoạn, liên kết thành chuỗi dây xích và một đầu có gắn phi tiêu) với bài nổi tiếng như Xích Thuật; Khăn Vải Lụa (hay Dải lụa, là vũ khí đoạn mềm) với bài nổi tiếng như Dải Lụa Đào; Búa (Phủ là cái búa, gần giống cái rìu, Búa hay Phủ là vũ khí ngắn, có loại đơn gọi là độc phủ và đôi gọi là song phủ) với các bài nổi tiếng như Độc Phủ, Song Phủ; Chùy (là vũ khí kim loại dùng đơn hoặc đôi/ song chùy) với bài nổi tiếng như Song Chùy.

Nghệ thuật trình diễn VCT Bình Định không hẳn tách rời quá trình luyện tập, thực chiến của võ thuật. Các thế hệ võ nhân, võ sư, võ sĩ, võ sinh ưu tú tham gia biểu diễn/ trình diễn quyền thuật tay không, binh khí (thập bát ban binh khí) và thi đấu đối kháng thủ cước (võ đài). Không gian biểu diễn tại các lễ hội truyền thống, vùng đông dân cư, lực lượng vũ trang, giáo dục thể dục - thể thao trường học, giải đấu thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao, các tour, sự kiện văn hóa, các dịp lễ khai mạc, bế mạc, khai trương, khánh thành, các ngày lễ hội lớn của Bình Định, của đất nước và của quốc tế tại Việt Nam.

Hiện nay, các binh khí đi liền với trình diễn VCT Bình Định không đầy đủ bộ binh khí như đã trình bày ở trên, mà chỉ chọn lựa những binh khí tiêu biểu, điển hình, phù hợp với nội dung bài biểu diễn nhằm phô diễn công phu, vẻ đẹp và tinh hoa võ thuật của môn phái. Nhiều binh khí được gia công về chất liệu và hình thức để trở thành đạo cụ biểu diễn, giảm nhẹ tính sát thương, gia tăng hiệu quả thẩm mỹ và phù hợp với đối tượng sử dụng, nội dung bài võ trình diễn.

VCT Bình Định đã vượt ra ngoài phạm vi vốn có của nó và có khuynh hướng vận dụng trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội. Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ Việt Nam, các cấp chính quyền và ban ngành liên quan ở Bình Định đã tiến hành xây dựng và tổ chức thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2016 đến 2020, với kết quả đạt được rất khả quan. Theo đó, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đang kế thừa những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong những năm qua và tiếp tục xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thiết thực cho giai đoạn 2021-2025, sớm đầu tư toàn diện cho VCT Bình Định phát triển nhanh và bền vững. Mặt khác, trong lĩnh vực văn hóa, việc truyền dạy - giải pháp bền vững nhằm phát triển trong các võ đường - câu lạc bộ tại các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ chưa được quan tâm đúng mức, cho nên việc hội nhập vùng còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc trình diễn nghệ thuật dân gian VCT Bình Định phục vụ du khách thập phương chưa thực sự được triển khai rộng rãi, mới chỉ diễn ra thường xuyên (từ thứ Tư đến Chủ nhật hằng tuần) và tập trung nhiều nhất ở Đội diễn Võ thuật Tây Sơn tại Bảo tàng Quang Trung tỉnh Bình Định.

3. Nghệ thuật trình diễn nhạc võ

Theo truyền ngôn, nhạc võ Tây Sơn là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng oanh liệt chống ngoại xâm năm 1789. Nhạc võ là phương pháp dùng âm thanh nhằm nâng cao khí thế luyện tập võ nghệ cũng như tăng cường ý chí chiến đấu của đội quân khi xung trận.

Trong các kỳ cúng tế nhà Tây Sơn ở đình Kiên Mỹ thời ẩn tích, phần khấn cáo bao giờ cũng chỉ là mật niệm. Cứ mỗi dịp húy kỵ, dân làng Kiên Mỹ lại mượn bản nhạc lễ cổ truyền Tam luân cửu chuyển để tưởng vọng triều vua cũ. Đó là cách thức hậu nhân vừa có thể bày tỏ chính kiến, vừa che giấu được thân phận một cách an toàn trong buổi loạn ly. Trải qua bao thế hệ nhạc công, vẫn giữ những nhạc cụ ngũ cung truyền thống gồm: trống, kèn, chiêng, nhị, mõ, bạt… nhưng ở mỗi thời kỳ, người chơi nhạc lễ lại thêm thắt, biến thể các khúc thức, tiết tấu, làm cho bản nhạc thêm dày dặn, sống động.

Hơn một thế kỷ sau, khi ông vua cuối cùng của triều Nguyễn thoái vị, đình làng Kiên Mỹ mới được công khai thờ cúng ba vị anh hùng và đổi tên thành điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt. Từ đây, bài nhạc lễ trang nghiêm nơi đền, miếu dần được biến chuyển sang hình thức diễn tấu mới rộn ràng, khai mở. Số nhạc cụ trống trong dàn nhạc cũng được bổ sung từ 1 chiếc lên 3, 6, 9, 12 chiếc. Bài nhạc lễ Tam luân cửu chuyển đã vượt khỏi không gian mật niệm, đến với công chúng trong các dịp hội hè, lễ, tết. Từ nơi thờ tự bước ra sân khấu, nó trở thành bài diễn tấu mang tên Đả thập nhị cổ.

Theo ghi chép của sách sử, bài nhạc võ Tây Sơn 12 chiếc trống, tượng trưng cho thập nhị địa chi, được chia thành 3 hàng từ lớn đến nhỏ. 4 trống lớn, đường kính khoảng 40cm, sau đó là bốn trống 30cm, rồi 4 trống khoảng 10cm. Người đánh trống dùng 2 roi (dùi) trống, dài khoảng 30cm, đánh bằng cả 2 đầu, trên cả mặt trống và tang trống. Một bài trống trận Tây Sơn gồm 3 hồi; xuất trận, xung trận - công thành, ca khúc khải hoàn. Điều đặc biệt là không hề có hồi lui quân, vì trong cuộc đời cầm quân, Vua Quang Trung chưa một lần phải lùi bước trước kẻ thù. Hồi xuất trận, mở đầu bằng ba hồi trống đổ dõng dạc, biểu dương lực lượng, rồi tiếng trống lúc dồn dập, khi khoan thai như diễn tả cảnh tiến quân nhanh, chậm, rồi tất cả các nhạc khí khác của dàn nhạc võ bặt đi để dành cho tiếng trống khoan thai, như cái yên ắng của đoàn quân lính bí mật áp sát mục tiêu, chuẩn bị đánh phá thành. Khí thế dồn dập là lúc hãm thành, nhịp trống nhặt hẳn lên. Kết thúc là khúc khải hoàn vui tươi, sôi nổi. Điều thú vị là trong hồi này, hội đủ cả 12 tiếng của 12 trống.

Trống trận Tây Sơn là sự kết hợp giữa tinh thần thượng võ và âm nhạc cổ truyền. Các nhà nghiên cứu coi đây là một giá trị tinh thần lịch sử. Hiện nay, ở vùng đất Tây Sơn hạ đạo năm xưa vẫn có người còn giữ được thứ võ công đặc biệt này.

Ông Tám Nga và con trai là NSƯT Văn Bá Anh ở Đoàn Tuồng liên khu 5, lúc sinh thời đều là những người từng biểu diễn rất thành công bài nhạc 12 trống vào thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau năm 1954, khi tập kết ra miền Bắc, NSƯT Văn Bá Anh từng đem 12 trống đi biểu diễn ở các nước Đông Âu. Ông đã ký âm lại bản nhạc dành cho 12 trống và hướng dẫn cho một số nhạc công biểu diễn. Sau năm 1975, nhạc sĩ Đào Duy Kiền ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn là người tiếp tục ký âm, phát triển thêm một lần nữa bài nhạc trống đặc biệt này.

Ở Bảo tàng Quang Trung, nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận là người biểu diễn thành công nhất bản nhạc trống mang hồn chiến trận. Bây giờ, tuổi cao, bà Thuận đã truyền nghề cho con gái là Dương Thị Hương và một số nữ võ sinh trẻ trong Đội diễn võ Bảo tàng Quang Trung.

Nhạc cụ cấu thành nhạc võ Tây Sơn, bao gồm nhạc cụ truyền thống của nhiều tộc người: người Chăm có kèn xô na; người Bana có cồng chiêng; người Kinh (Việt) có trống chầu, trống chiến, nhị, mõ; người Hoa có não bạt, là những vật dụng tương tác tạo âm vang hồn thiêng núi sông và tiếng gọi đoàn kết các dân tộc anh em, tụ nghĩa ba quân của Quang Trung - Nguyễn Huệ, hun đúc tinh thần yêu nước, hăng say luyện võ, xung trận chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

Dàn nhạc võ Tây Sơn là một tổ hợp dàn nhạc khí gồm: bộ 12 trống chiến, một trống chầu, kèn xô na, nhị, cồng, mõ và não bạt. Trong đó, bộ 12 trống đóng vai trò chủ đạo, các nhạc khí kèm theo có tác dụng hòa điệu, phụ họa, hỗ trợ, nâng cao khả năng diễn tả của bộ trống.

Bộ 12 trống thường được xếp thành 3 hàng theo thuyết Tam tài (Thiên - Địa - Nhân) cong hình rẻ quạt, từ lớn đến nhỏ. Tính từ phía trước mặt người diễn tấu, hàng trên cùng (Thiên) gồm 5 chiếc trống có kích thước lớn, hàng giữa (Địa) gồm 4 chiếc có kích thước vừa, hàng dưới cùng (Nhân) là 3 chiếc có kích thước nhỏ hơn. Tất cả được xếp trên một giá sắt hoặc gỗ.

Trống chầu (còn gọi là trống cái, trống sấm) là nhạc khí gõ loại to, không định âm, có chiều cao khoảng 50-70cm, đường kính khoảng từ 40-60cm. Âm thanh của trống chầu trầm, vang xa, có thể đánh điểm hoặc tạo cao trào… Đánh điểm trống chầu với tiết tấu chậm rãi để minh họa cho những động tác đĩnh đạc, đường hoàng. Đánh với nhịp độ nhanh sẽ sôi nổi, dồn dập, thúc bách, nếu đánh với lực độ mạnh, tăng kịch tính, có thể gây không khí, gây kích động…

Kèn xô na dùng chủ yếu trong các dàn nhạc đám hiếu, tế lễ và dàn nhạc sân khấu tuồng. Kèn xô na làm bằng gỗ. Thân kèn còn gọi là suốt kèn, có 7 lỗ ở phía trên và một lỗ bán âm ở phía dưới, nhạc công có thể tạo ra âm thanh thăng hoặc giáng 1/2 cung. Loa kèn dùng để khuếch đại âm thanh. Thắng kèn, còn gọi là chuột kèn, đầu có gắn dăm (dăm kép) dùng để kích âm.

Âm thanh kèn xô na có tính chất mạnh mẽ, quyết liệt, cũng có lúc trữ tình, ai oán, đau thương thể hiện cả chất “bi”, “hùng”. Kèn xô na có thể tạo ra những tiếng động theo yêu cầu như: tiếng ngựa hí, tiếng gà gáy… Trong dàn nhạc, âm sắc của kèn xô na khi phối hợp với âm sắc, tiết tấu của bộ 12 trống, tạo cao trào cho bản hòa tấu.

Nhị (còn gọi là đàn cò) được sử dụng nhiều trong các dàn nhạc đám hiếu, tế lễ và trong hầu hết các dàn nhạc sân khấu dân tộc như: tuồng, chèo, cải lương, dân ca. Trong dàn trống trận Tây Sơn, nhị là một trong bộ ba (nhị - trống - kèn xô na) phối hợp với nhau. Nhị có thể chạy cùng giai điệu với kèn xô na ở nhiều đoạn, góp phần làm cho dàn nhạc thêm đầy đặn. Đàn nhị có bộ phận bát đàn thường tiện bằng gỗ trắc, dùng da kỳ đà hoặc da trăn để bịt, đây là bộ phận tăng âm lượng của đàn. Cần đàn bằng gỗ tốt, làm điểm tựa cho hai dây đàn căng lên hai trục tăng giảm cao độ. Cung vĩ bằng gỗ hoặc tre. Vĩ đàn là nhiều sợi lông đuôi ngựa hoặc dây cước nhỏ. Giữa cần đàn có sợi dây chặn ngang gọi là khuyết đàn để điều chỉnh cao độ cả hai dây đàn cùng một lúc. Dây đàn trước đây người ta thường dùng bằng dây tơ, dây cước, phát ra âm thanh trầm ấm, dịu dàng nhưng âm lượng hơi nhỏ. Ngày nay dùng dây kim loại (thép) phát ra âm thanh trong sáng, lảnh lót, âm lượng lớn.

Đàn Nhị không có phím, hai dây phát ra bằng vĩ kéo, đẩy giữa hai dây đàn. Tính năng của đàn thể hiện được các chất trữ tình, bi lụy, vui tươi và khỏe mạnh của những làn điệu cung Bắc và cung Nam trong âm nhạc sân khấu dân tộc.

Cồng đúc bằng kim loại đồng, thuộc họ tự thân vang. Cồng sử dụng làm cho bản nhạc thêm hoành tráng. Mở đầu và kết thúc cho bài nhạc, một hồi cồng vang lên, giữa bài thường chỉ điểm xuyết tiếng cồng nhằm gia tăng kịch tính. Khi ra trận, cồng, chiêng, trống dùng làm nhịp điệu cổ vũ tiến quân và làm ám hiệu để điều khiển đàn voi chiến. Âm thanh của cồng nghe vang, xa xăm, có hiệu quả cao trong những đoạn nhạc cao trào.

làm bằng gỗ, tốt nhất là từ lõi gỗ mít già thì cho tần số âm thanh cao. Mõ giữ nhịp cho dàn nhạc và mô tả nhịp điệu tiến quân thần tốc của quân Tây Sơn.

Não bạt (còn gọi là chũm chọe, chập chõa) được dập bằng đồng, rời thành hai nửa, đường kính từ 25-30cm. Khi trình diễn, nhạc công dập hai nửa kim loại với nhau tạo ra âm hưởng của chiến trận hoặc giống tiếng binh khí va chạm nhau. Não bạt giữ nhịp và đệm theo giai điệu của trống, hỗ trợ rất đắc lực để tôn bộ trống lên.

Nghệ thuật trình diễn, không gian trình diễn nhạc VCT được nhiều thế hệ nghệ nhân bồi đắp, sáng tạo thêm lên một tầm cao mới. Bài nhạc lễ ba hồi chín đoạn xưa, chỉ có một trống cùng dàn khí nhạc, nay được phối âm cho 12 trống và chia thành năm khúc thức, đặt tên theo nội dung tiết tấu từng phần gồm: tập binh, hành quân, xung trận, phá thành và khải hoàn. Bản nhạc mang kết cấu như một vở nhạc kịch, mô tả không khí chiến trận với sự kết hợp khéo léo giữa bộ hơi và bộ gõ, tạo nên sự đa tầng, đa dạng trong phối âm, đưa nội dung thể hiện ngày càng đến gần với sự hoàn mỹ. Từ một bản nhạc tế chỉ tấu lên mỗi dịp vọng linh xưa, ngày nay bài Đả thập nhị cổ đã được nhiều thế hệ đồng sáng tạo, trở thành tác phẩm mang dáng dấp sử thi, như một bản anh hùng ca. Với cách thức trình diễn hòa quyện giữa chất võ và chất hội, nhạc võ đem đến cho công chúng những cảm thức đặc biệt và mới lạ. Hiện nay, bài nhạc mang nhiều tên gọi: Trống trận Quang Trung, Bài 12 trống, hay đơn giản chỉ gọi là bài Nhạc võ.

Nhạc võ Tây Sơn hay nhạc VCT Bình Định trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đã được nâng niu trân trọng bảo tồn và phát huy với sức sống trường tồn theo theo năm tháng. Bảo tàng Quang Trung hợp tác với NSƯT, nhạc sĩ Đào Duy Kiền viết các bản nhạc lý phổ theo nền nhạc truyền thống để có cơ sở truyền dạy cho các thế hệ trẻ và cùng với sự dìu dắt, chỉ dẫn miệt mài, tâm huyết của diễn viên Nguyễn Thị Thuận. Đến nay, trong đội nhạc võ đã có một số diễn viên trẻ như Phan Phương Mai, Dương Thị Hương… có thể biểu diễn tốt ở Đội diễn nhạc võ Tây Sơn tại Bảo tàng Quang Trung, tỉnh Bình Định.

4. Tạm kết

VCT Bình Định đã trở thành một di sản, một nét đẹp của người dân Bình Định cũng như dải đất Duyên hải Nam Trung Bộ. Đến đây, ngoài việc xem biểu diễn từ các đội chuyên nghiệp, du khách có thể tham quan việc luyện võ trực tiếp từ người dân lao động bình thường nơi thôn dã tại các địa danh, làng võ nổi tiếng qua các câu ca: “roi Thuận Truyền, quyền An Thái” hoặc “trai An Thái, gái An Vinh” hoặc chùa Long Phước (xã Phước Thuận - Tuy Phước) là những nơi lưu giữ, trao truyền cho các thế hệ võ sinh trưởng thành võ sĩ, võ sư, võ nhân nổi tiếng. Du khách có thể đến Nhà Biểu diễn võ thuật Tây Sơn trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung hoặc trực tiếp trải nghiệm làm võ sinh học tập từ các võ đường khác như Phan Thọ (Bình Nghi - Tây Sơn), Hồ Sừng (Bình Thuận - Tây Sơn) Lý Xuân Hủy (Đập Đá - An Nhơn), Phi Long Vịnh (Phước Sơn - Tuy Phước), Hồ Minh Thế (Nhơn Phú - Quy Nhơn)... Trải nghiệm và tận mắt chiêm ngưỡng những bài quyền tay không, bài quyền binh khí roi, đao, siêu, kiếm... mạnh mẽ, uyển chuyển trong không khí thôi thúc, dồn dập của nhạc võ Tây Sơn. Nghệ thuật trình diễn dân gian võ thuật cổ truyền Bình Định là nghệ thuật kết hợp đỉnh cao, nhuần nhuyễn giữa võ và nhạc cũng như nhiều thành tố bổ trợ liên quan đã tạo ra “thương hiệu” gắn với loại hình di sản văn hóa phi vật thể VCT Bình Định độc đáo của Việt Nam.

__________________

1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch của Ngô Hữu Tạo, Trần Huy Hân, hiệu đính Cao Huy Giu, Trịnh Đình Rư, Nguyễn Đổng Chi…, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.168.

2. Xem thêm Đặng Hoài Thu, Trò diễn trong lễ hội dân gian của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2010.

3. Lê Trung Vũ, Tượng trưng, một thủ pháp nghệ thuật của trò diễn cổ truyền, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4, 1984, tr.70-72.

4. Xem thêm Phạm Lan Oanh, Đặng Hoài Thu, “Múa sư tử mèo” của dân tộc Tày - Nùng ở tỉnh Lạng Sơn - một vài nhận thức khái niệm, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, số 4, 2022, tr.49-54.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ VHTTDL, Đề án Bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 10-QĐ-BVHTTDL, 3-1-2014.

2. Hồ Minh Mộng Hùng, Nghiên cứu hiệu quả một số nội dung võ cổ truyền Việt Nam nhằm phát triển thể chất cho sinh viên các trường đại học vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Luận án tiến sĩ, Viện Khoa học Thể dục Thể thao, 2017.

3. Lê Kim Hòa, Võ cổ truyền Việt Nam, tập 1, 2, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2011.

4. Mai Văn Muôn, Lược sử võ cổ truyền Việt Nam, Nxb Thể dục Thể thao, Hà Nội, 1991.

5. Mai Văn Muôn, Bước đầu tìm hiểu võ học Việt Nam, Nxb Thể dục Thể thao, Hà Nội, 2006.

6. Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 2198 QĐ-TTg, 3-12-2010.

7. Trần Thị Huyền Trang, Võ Bình Định nhìn từ tâm thức dân gian, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2016.

TS HỒ MINH MỘNG HÙNG - PGS, TS PHẠM LAN OANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023

;