Lễ Hằng thuận trong đời sống văn hóa người dân thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang)

Lễ Hằng thuận ra đời trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ do Hội Phật giáo Bắc Kỳ chủ trì vào giai đoạn nửa đầu TK XX, là một nghi thức tâm linh Phật giáo không thể thiếu trong nghi lễ vòng đời của phật tử trẻ tuổi. Tổ chức lễ cưới tại chùa là một cơ duyên, đôi nam nữ phải có duyên gặp gỡ, duyên vợ chồng, tự nguyện đến với nhau bằng tình yêu chân chính và được sự chấp thuận của gia đình hai bên và của nhà chùa. Bài viết phân tích một số chức năng và vai trò của lễ Hằng thuận trong đời sống văn hóa của người dân thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Trong những năm gần đây, hình thức tổ chức lễ cưới ở chùa hay còn gọi là lễ Hằng thuận đã được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn bởi lễ Hằng thuận mang đậm dấu ấn đạo đức tâm linh của Phật giáo. Thành phố Mỹ Tho là đô thị trung tâm của tỉnh Tiền Giang. Những năm qua, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, phong trào xây dựng nếp sống văn hóa và văn minh, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa không ngừng được đẩy mạnh. Các hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi, công tác quản lý tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều nghi lễ được khôi phục và phát huy giá trị trong đó có lễ Hằng thuận. Nghi lễ Hằng thuận gồm các nội dung cơ bản sau:

Ổn định tổ chức, cầu nguyện gồm 6 bước: Ổn định tổ chức; Niệm “khúc ca tôn kính Phật”; Tuyên bố lý do; Cung thỉnh chư Tôn đức quang lâm hội trường để chứng minh, giới thiệu chương trình và thành phần tham dự; Niệm Phật cầu gia hộ; Tác bạch thỉnh chư Tôn đức cử hành lễ Hằng thuận.

Nghi thức lễ Hằng thuận

Nghi thức lễ Hằng Thuận gồm: Nguyện hương; Đảnh lễ tam bảo; Tán hương; Lạy tứ ân, dâng trà bánh và tân lang cùng tân nương giao bái; Đôi lời giáo huấn của đại diện cha mẹ 2 bên để chúc phúc cho đôi tân hôn; Cô dâu, chú rể làm lễ lạy quyền bình đẳng và lễ thù ân; Trao nhẫn cưới đến tân lang và tân nương; Lời phát nguyện của tân lang và tân nương; Đạo từ của thượng tọa chứng minh; Cha mẹ, người thân trao quà cho cô dâu chú rể; Viện chủ chùa trao giấy chứng nhận lễ Hằng thuận cho cô dâu chú rể; Cô dâu chú rể nói lời cảm tạ Tam Bảo, cha mẹ, người thân hai họ và hứa nguyện sống chung thủy, hạnh phúc bên nhau. Dưới sự chứng kiến của nhà chùa cùng những lời chúc phúc của người thân và quan khách, lễ Hằng thuận đã trở thành chất keo gắn kết tình yêu lứa đôi, tạo nền tảng xây dựng hôn nhân bền vững, gia đình hạnh phúc, an lạc và hướng thiện.

Chức năng của lễ Hằng thuận

Một là, chức năng nhận thức, Phật giáo cung cấp nhân sinh quan - lý giải xây dựng gia đình hạnh phúc

Nhân sinh quan Phật giáo được thể hiện qua lý thuyết duyên khởi. Theo giáo lý đạo Phật, để trở thành vợ chồng của nhau thì đôi nam nữ phải có nhân duyên làm vợ chồng. Nhân duyên được làm vợ chồng của nhau trong kiếp sống này được Đức Phật nói đến “hai cái duyên”: duyên tiền kiếp; duyên hiện kiếp - tức duyên kiếp này.

Duyên tiền kiếp là sự gặp gỡ trong quá khứ và tiếp tục cho đến hiện tại. Trong kinh Tăng Chi, Đức Phật dạy để là vợ chồng kiếp sau phải đạt được 3 yếu tố: vợ và chồng phải phát nguyện chung thủy với nhau. Người chết trước, sau khi tái sinh phải chờ đợi người còn lại. Người còn lại không được tái giá sau khi chồng hoặc vợ qua đời (1). Duyên hiện kiếp - tức duyên kiếp này có nghĩa là đôi nam nữ khi nhìn thấy cái chung của nhau từ ngoại hình, tính cách, đời sống đạo đức, thu hút về giới tính, đặc điểm chung và đặc điểm riêng dẫn đến yêu nhau và tiến đến hôn nhân trong kiếp sống hiện tại.

Đức Phật đề cập đến tiêu chí để chọn vợ, chồng trong nhiều kinh sách, trong đó có kinh Tăng Chi Bộ với 4 tiêu chí để dẫn đến hôn nhân đó là: đồng đức tin, đồng trí tuệ, đồng đức hạnh; đồng thí xả. Theo Đức Phật, đôi nam nữ khi đã có duyên gặp gỡ và hội tụ đủ bốn tiêu chí này sẽ là tiền đề tiến tới hôn nhân.

Nhân sinh quan Phật giáo cũng được thể hiện qua luật nhân quả, nghiệp báo. Đây là một tư tưởng quan trọng, mang tính biện chứng của Đạo Phật. Gieo nhân nào thì gặp quả ấy, nếu một người vợ (chồng) ăn ở thiện lương, luôn cư xử nhân hậu, tôn kính chồng (vợ), người thân, mọi người xung quanh thì ắt hẳn cuộc hôn nhân ấy sẽ hạnh phúc bền lâu và ngược lại. Theo Kinh Thiện Sinh, Đức Phật dạy rằng: “nghiệp tồn tại là: đam mê rượu chè; cờ bạc; phóng đãng; say mê kỹ nhạc; kết bạn với người ác, lười biếng” (2). Để giữ gìn hôn nhân và gia đình, mọi người phải tránh xa các tệ nạn nói trên, có lối sống trong sạch, cư xử hòa nhã phù hợp với đạo đức và văn hóa truyền thống. Đồng thời, phải biết nỗ lực tinh tiến, không phải cam chịu, chấp nhận nghiệp quả từ kiếp trước mang lại mà phải không ngừng hành động, tu thân tích đức để thay đổi nhân duyên, thay đổi nghiệp cũ (chuyển nghiệp).

Hai là, chức năng tâm linh

Lễ Hằng thuận cung cấp giá trị thực dưỡng tâm linh trong đời sống hôn nhân đôi lứa. Lễ Hằng thuận tổ chức trước Tam Bảo, với nghi thức trì tụng thần chú Đại bi, thần chú Kiết tường và sái tịnh đã tạo nên khung cảnh thiêng liêng như gội rửa bụi trần và thanh tẩy những cấu uế của người tham dự, hướng sự thanh tịnh và an lành. Buổi hôn lễ diễn ra không có âm nhạc ầm ĩ, lời chúc tụng cười đùa huyên náo mà hòa quyện với khói hương trầm mặc là tiếng kinh cầu vang lên đều đều, quỳ dưới Tam Bảo, trước sự chứng giám của Đức Phật và chư tăng, cô dâu chú rể phát nguyện cùng nhau. Đây có thể hiểu là góc độ tâm linh thuần khiết, cung cấp về giá trị tinh thần thiêng liêng trong đời sống hôn nhân tôn giáo. Tâm lý này có giá trị nâng đỡ tinh thần cho phật tử vượt qua những trắc trở trong đời sống hôn nhân, hướng tới cuộc sống hạnh phúc bền vững, mang lại nguồn cảm hứng “sống đạo” rất sâu lắng. Ngoài dấu ấn hôn lễ tại tư gia, phật tử còn có dấu ấn tâm linh từ lễ Hằng thuận mang lại, góp phần làm cầu nối giữa đạo và đời, hạnh phúc và tâm linh. Từ đó, trách nhiệm của hai người đối với cuộc hôn nhân và trong mối quan hệ với gia đình càng được ý thức sâu sắc hơn. Trong tôn giáo, “nghi lễ giữ một vai trò quan trọng, đó là mối quan hệ giữa các đấng siêu nhiên với cuộc sống trần gian của cộng đồng và cá nhân, nó làm cho giáo lý tôn giáo trở nên sống động, phổ quát. Nghi lễ tạo ra một trường tôn giáo - một ngôn ngữ hành động cuốn hút con người để ăn sâu vào tâm thức tôn giáo của các thành viên” (3).

Ba là, chức năng giáo dục

Lễ Hằng thuận góp phần giáo dục đạo đức ứng xử giữa cha mẹ với con cái. Tham dự lễ Hằng thuận, không những cô dâu chú rể mà cả gia đình hai bên và quan khách đều được nghe giảng những lời răn dạy của Đức Phật về xây dựng đạo đức gia đình, nhất là bổn phận làm cha mẹ.

Trong lễ Hằng thuận, vị trụ trì cũng răn dạy đạo làm con của Đức Phật như sau: “Hỡi này Thiện Sinh, phương Đông tượng trưng các bậc cha mẹ. Người con hiếu thảo phải kính cha mẹ với năm đạo đức, nhờ đó an ổn, không lo sợ gì: Một là phụng dưỡng, không để thiếu thốn. Hai là trình báo và xin lời khuyên. Ba là không chống điều cha mẹ dạy. Bốn là không trái điều cha mẹ làm. Năm là không cản tất cả chánh nghiệp của cha mẹ làm” (4). Con cái phụng dưỡng cha mẹ phải xuất phát từ thâm tâm, hoàn toàn tự nguyện, coi đó như một nhu cầu thiết yếu.

Bên cạnh đó, lễ Hằng thuận giáo dục ứng xử giữa các người thân. Tại buổi lễ, mọi người được nghe vị trụ trì thuyết giảng lời của Đức Phật về cách ứng xử của người thân trong gia đình với nhau: “Hỡi này Thiện Sinh, phương Bắc tượng trưng bà con thân hữu. Nhờ sống thân kính nên được yên ổn, không còn lo sợ. Phật tử lý tưởng tỏ lòng kính trọng với năm bổn phận. Một là giúp đỡ những khi khó khăn. Hai là nói lời hòa nhã, hiền lành. Ba là hỗ trợ, giúp người tiến bộ. Bốn là mang lại lợi lạc cho nhau. Năm là chân thật, không hề dối gạt” (5).

Lễ Hằng thuận cũng góp phần giáo dục ứng xử giữa vợ và chồng. Trong lễ Hằng thuận, cô dâu chú rể được nghe trụ trì thuyết giảng rất nhiều nội dung về đạo vợ chồng, trong đó có lời răn dạy của Đức Phật về cách cư xử của người chồng đối với vợ phải: “Lấy lễ đối đãi với nhau, oai nghiêm đĩnh đạc, ăn mặc tùy thời, trang sức hợp thời, giao phó việc nhà”. Người vợ cư xử với chồng phải: “Dậy trước, ngủ sau, nói lời hòa nhã, kính nhường tùy thuận, sớm nhận lĩnh ý chồng” (6). Đây thực sự là một tư tưởng bình đẳng, tiến bộ, phù hợp với xu hướng xây dựng hôn nhân, gia đình hiện đại.

Bốn là, chức năng cố kết cộng đồng

Lễ Hằng thuận góp phần bồi đắp tinh thần, thái độ, lối sống đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với dòng tộc, với bà con lối xóm. Ngày 2-10-2021, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch số 288/KH-UBND về thực hiện công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Thông qua những lời răn dạy của Đức Phật tại lễ Hằng thuận, nhận thức của người dân ngày càng đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; là tế bào của xã hội, là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của địa phương và đất nước. Gia đình là đối tượng tác động, thực hiện và thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế, xã hội; gia đình có trách nhiệm với các thành viên và với xã hội.

Vai trò lễ Hằng thuận

Thứ nhất, lễ Hằng thuận góp phần làm giàu các giá trị đạo đức gia đình truyền thống

Tại lễ Hằng thuận, những lời răn dạy về đạo đức gia đình, cách cư xử của con người trong các mối quan hệ được thể hiện cụ thể. Vợ chồng đối đãi với nhau phải tôn trọng, bình đẳng, thủy chung (thể hiện qua 5 bổn phận làm chồng; 5 bổn phận là vợ); cha mẹ với con cái phải gương mẫu, chăm lo cho con cái đến tuổi trưởng thành; ông bà phải mẫu mực; con cái đối với ông bà, cha mẹ phải dùng chữ “hiếu”, chăm lo phụng dưỡng ông bà, cha mẹ; anh em trong gia đình phải kính trên nhường dưới, yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. Từ những tư tưởng trên có thể thấy rằng, lễ Hằng thuận đã góp phần làm giàu các giá trị đạo đức gia đình truyền thống.

Thứ hai, lễ Hằng thuận góp phần xây dựng hôn nhân bền vững

Thông qua lễ Hằng thuận là truyền trao lời Phật dạy về tình yêu, hôn nhân và gia đình, cung cấp cho cô dâu, chú rể nói riêng, các phật tử nói chung kinh nghiệm sống để nâng cao đời sống hạnh phúc trong hôn nhân gia đình. Đồng thời, kinh nghiệm sống phong phú giúp người vợ - chồng chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau trong đời sống thường nhật, thăng hoa trong đời sống tâm linh tôn giáo.

Lễ Hằng thuận còn nêu lên những quy tắc ứng xử bình đẳng bằng tinh thần “lục hòa”, bổn phận và trách nhiệm của tân lang và tân nương qua bài kinh Thiện Sinh, đó là trách nhiệm và bổn phận của vợ và chồng, của cha mẹ và con cái, với dòng họ được thiết lập, tất cả ý nghĩa đó được chia sẻ trong buổi lễ Hằng thuận. Trong hôn nhân, Đức Phật chia sẻ tinh thần bình đẳng giữa vợ và chồng, nêu ra những bổn phận và trách nhiệm đôi bên như nhau, không hà khắc hay thiên vị. Cô dâu, chú rể phát nguyện làm lễ Hằng thuận tại chùa là phát nguyện cuộc sống hôn nhân luôn bình đẳng và tôn trọng đối phương, không làm nhau tổn thương và luôn yêu thương hạnh phúc.

Thứ ba, lễ Hằng thuận góp phần xây dựng gia đình văn hóa

Những lời răn dạy của Đức Phật trong lễ Hằng thuận về xây dựng hôn nhân, gia đình bền vững rất phù hợp với tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa của Đảng, Nhà nước. Đức Phật khuyên rằng cha mẹ với con cái, cùng các thành viên trong gia đình phải kính trên nhường dưới, đối xử với cha mẹ bằng đạo hiếu “Hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật”, “muôn việc ở thế gian không gì hơn công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ” (7). Đối với bà con, lối xóm phải đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau khi cần thiết.

Năm 2020, Mỹ Tho có 51.265/53.953 hộ được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 95,02%), có 11/11 phường đạt chuẩn “Văn minh đô thị”, 6/6 xã đạt chuẩn “Nông thôn mới”, 122/122 khu phố (ấp) đạt danh hiệu “Văn hóa”; thành phố Mỹ Tho được công nhận đạt chuẩn “Văn minh đô thị” giai đoạn 2016-2017, đang tiếp tục thực hiện Đề án Nâng chất lượng thành phố Mỹ Tho đạt chuẩn Văn minh đô thị đến năm 2020 và Đề án Thành phố Thông minh đến năm 2025 (8).

Có thể nói rằng, song song với những biện pháp tuyên truyền vận động, thuyết phục của các tổ chức chính trị xã hội về xây dựng gia đình văn hóa, hôn nhân bền vững hạnh phúc thì những tư tưởng, biện pháp mang tính giáo dục, định hướng về xây dựng gia đình của Phật giáo cũng có vai trò không nhỏ. Lễ Hằng thuận như là một phương tiện, một hình thức đưa tư tưởng đạo đức gia đình của Phật giáo đến gần hơn với đời sống xã hội, làm cho những lời răn dạy về tu tâm, dưỡng tính, ứng xử văn minh, tiến bộ, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc trong xây dựng gia đình văn hóa ngày càng trở nên rõ nét hơn.

Thứ tư, lễ Hằng thuận góp phần đa dạng hình thức tổ chức hôn lễ, tiết kiệm chi phí

Ở Việt Nam hiện nay, có rất nhiều hình thức tổ chức hôn lễ, nhưng chủ yếu nhất, phổ biến nhất là tổ chức hôn lễ tại gia; tổ chức hôn lễ tại nhà hàng, trung tâm tổ chức tiệc cưới, khách sạn; tổ chức hôn lễ ngoài trời; các tín đồ tôn giáo sẽ tổ chức lễ cưới ở cơ sở tôn giáo theo nghi thức đã quy định… trong đó lựa chọn tổ chức lễ cưới tại chùa (lễ Hằng thuận) đang được nhiều đôi bạn trẻ lựa chọn.

Lễ Hằng thuận cũng góp phần làm phong phú thêm nghi lễ hôn nhân trong đời sống con người Việt Nam. Nó vừa kế thừa phong tục tập quán của dân tộc, vừa được cách tân ngày càng văn minh theo sự phát triển của thời đại. Đồng thời, kết hợp nền tảng đạo đức tôn giáo và đạo đức xã hội theo tinh thần hiện đại hóa, là sự kết hợp giữa yếu tố thiêng và thực tiễn đời sống. Nổi bật trong lễ Hằng thuận chính là sự chứng giám và chúc phúc của chư tăng tại các chùa để tăng thêm niềm tin tôn giáo cho người tín đồ theo đạo Phật và buổi tiệc chay thanh đạm tạo nên sự nhẹ nhàng, giản dị. Tất cả đã làm nên không khí rất riêng của buổi lễ Hằng thuận.

Bên cạnh đó, lễ Hằng thuận cũng góp phần tiết kiệm chi phí tổ chức lễ cưới. Lễ cưới là một sự kiện trọng đại trong cuộc đời của đôi bạn trẻ. Để có một lễ cưới tươm tất, đôi bạn trẻ phải chuẩn bị rất nhiều nội dung và chi phí không hề nhỏ. Vì vậy, việc lựa chọn lễ cưới tại chùa hay nói cách khác lễ Hằng thuận là một hình thức tổ chức lễ cưới vừa đáp ứng được yêu cầu về sự trang trọng, linh thiêng lại vừa tiết kiệm chi phí. Đồng thời, góp phần vào việc xây dựng nếp sống văn minh trong cưới hỏi ở địa bàn thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Hôn lễ là một trong những nghi thức vòng đời quan trọng của người Việt mà ai cũng phải trải qua một lần trong đời. Mỗi thời đại, cách thức thực hiện hôn lễ sẽ có sự khác nhau nhất định, nhưng giá trị tinh thần vẫn không thay đổi. Ngày nay, lễ Hằng thuận đã dần trở thành một nghi lễ tâm linh Phật giáo quan trọng trong đời sống hôn nhân đôi lứa phật tử, có vai trò thiết thực trong việc xây dựng một xã hội an lạc trên nền tảng hạnh phúc gia đình.

______________

1. Nhiều tác giả, Nghiên cứu Phật giáo, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2022, tr.79.

2. Kinh Trường A - Hàm quyển 1, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, 2005, tr.558.

3, 4, 5, 6, 7. Thích Nhật Từ (chủ biên), Gia đình hòa hợp và xã hội bền vững, Nxb Tôn giáo, 2019, tr.78, 6, 6, 93, 49.

8. Thành ủy Mỹ Tho, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XI tại Đại hội đại biểu lần thứ XII Đảng bộ thành phố Mỹ Tho, ngày 8-11-2019.

TRƯƠNG PHÙNG GIẼNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023

;