Những nhân tố ảnh hưởng đến sự biến đổi của đình làng truyền thống ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

Đình làng Việt Nam là công trình kiến trúc cổ mang nhiều nét đặc trưng. Đình làng được xem như một biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống làng xã. Đình làng là nơi thể hiện sự sinh hoạt cộng đồng của người dân Việt. Tại Nam Bộ, đình làng góp phần vào sự giữ gìn, đoàn kết, gắn bó cộng đồng, thể hiện khát vọng của người dân về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, các ngôi đình truyền thống ở TP.HCM đã thay đổi về chức năng và hình thức thực hiện tín ngưỡng để phù hợp với đời sống văn hóa - xã hội của cư dân đô thị.

Thực trạng của ngôi đình truyền thống ở TP.HCM hiện nay

Về lịch sử: Trong lịch sử hình thành và phát triển làng xã người Việt, đình làng là một biểu tượng văn hóa, phản ánh tâm lý, tình cảm và nhân sinh quan, thế giới quan của người Việt. Đình là một thiết chế văn hóa cổ truyền, là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nơi diễn ra các lễ hội dân gian của cư dân trong làng. Trải qua thời kỳ lịch sử cùng với quá trình khai hoang, lập làng, lập ấp của các dòng lưu dân đến định cư tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa, TP.HCM hiện nay đã trở thành đô thị lớn nhất, phát triển nhanh nhất của vùng Nam Bộ. Với lịch sử hơn 300 năm khai phá và phát triển, các ngôi đình đã được hình thành bên cạnh các công trình phúc lợi khác, trở thành biểu tượng truyền thống của làng xã Việt Nam. Đình được hình thành ở TP.HCM và vùng Nam Bộ như một nhu cầu tất yếu về văn hóa, tín ngưỡng của những lưu dân người Việt trong buổi đầu khai hoang, lập ấp. Đình như một “nhân chứng” cho lịch sử hình thành và phát triển thành phố, phản ánh nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc dân gian, giáo dục những truyền thống tốt đẹp, là biểu tượng niềm tin của người dân thành phố.

Theo số liệu thống kê của chúng tôi, hiện nay ở TP.HCM có 300 ngôi đình. Trong đó, xây dựng tập trung nhiều ở các vùng Tây - Bắc thành phố như Bình Chánh có 51 ngôi đình, Củ Chi có 32 ngôi đình, Hóc Môn có 21 ngôi đình, Thủ Đức có 15 ngôi đình…; trong đó, TP.HCM có không ít các ngôi đình cổ hàng trăm năm tuổi (1). Nhiều ngôi đình được xây cất từ hơn 100 năm trước và mang kiến trúc độc đáo của đình làng Nam Bộ. Trong hơn ba thập kỷ qua, TP.HCM đã mở rộng địa giới hành chính khu trung tâm, nhiều làng xóm đã bị đô thị hóa; ngày nay các ngôi đình vẫn còn hiện diện và trở thành nơi tập trung dân cư thể hiện tín ngưỡng của người dân thành phố. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn, hiện nay có nhiều ngôi đình đã xuống cấp do nhiều nguyên nhân, có những ngôi đình có bề dày lịch sử trên 100 năm cũng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị “xóa sổ” vĩnh viễn như trường hợp đình Nam Tiến (còn gọi là đình Lý Nhơn ở phường 6, quận 4) thuộc khu vực Bến Nghé xưa. Mặt khác, có không ít ngôi đình nằm trong khu quy hoạch các chung cư cao tầng, hạng mục công trình của nhà nước, phải di dời đến nơi khác, xây dựng mới nhưng với diện tích nhỏ hơn nhiều so với ngôi đình cũ.

Về vai trò và chức năng: Đình thờ thần Thành hoàng, một vị thần bảo hộ chung cho cả làng. Một số ít Thành hoàng của các làng có tên, còn phần lớn được gọi là: “Thành hoàng bổn cảnh”. Một số đình không có sắc phong Thành hoàng; các đình ở TP.HCM cũng giống như đình ở Nam Bộ, ngoài thờ thần Thành hoàng còn thờ nhiều vị có công và hy sinh cho đất nước: các chiến sĩ trận vong, cô hồn, mộc tinh, thủy tinh, sơn thần, thổ địa… Lễ cúng đình được duy trì cho tới nay, nhưng các nghi lễ giản lược đi nhiều và thời gian tổ chức các lễ chính như: Đàn Cả, Ếm Mao huyết, Túc yết... cũng được thay đổi về hình thức để phù hợp với cuộc sống của cư dân đô thị.

Ngày nay, những lễ nghi gắn với nghề nông (Hạ điền, Thượng điền, Cầu Bông) trong các ngôi đình ở TP.HCM hiện đã bị mất dần. Trong số 300 ngôi đình ở TP.HCM hiện chỉ có 71 đình còn thực hiện nghi lễ Hạ điền, lễ Cầu Bông hoặc có những ngôi đình chỉ thực hiện một trong hai nghi lễ đó. Cư dân quanh đình không còn làm nghề nông, do vậy, các nghi thức lễ Hạ điền, Thượng điền cầu cho mùa vụ bội thu hầu như không được các đình tổ chức. Lễ cúng đình ở TP.HCM tự nhiên cũng tiết giản. Số lượng và thời gian tổ chức lễ hội lược bớt cho phù hợp với sinh hoạt đô thị của người dân. Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Khánh cho rằng: “Quá trình đô thị hóa đã làm các di tích này vỡ vụn, mất mát, nhất là ở nội thành, các tính chất và đặc trưng văn hóa gắn với vùng đất; các lễ hội đình đậm tính nhân văn như lễ Kỳ Yên, lễ Cầu Bông ngày càng trở nên xa lạ, lạc lõng trước cái tất bật của cuộc sống thị dân” (2). Thậm chí, các đình ở TP.HCM hiện nay còn tổ chức tích hợp các nghi lễ khác ngoài không gian của ngôi đình truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân: “Ngoài lễ Kỳ Yên là hội lễ lớn nhất, hằng tháng, Ban Quản trị đình còn phải chú ý đến những ngày sóc, vọng, những ngày giỗ kỵ của những vị thần thuộc tín ngưỡng dân gian cùng các đối tượng thần linh khác”, hay “do ảnh hưởng của Phật giáo nên những ngày Phật đản, những ngày rằm, quan trọng nhất là rằm tháng Bảy cũng được tổ chức nghi lễ cúng bái ở đình” (3).

Như vậy, dưới sự tác động của điều kiện kinh tế, xã hội dẫn tới hệ thống quản lý đình ở TP.HCM cũng có những đổi thay nhất định. Những năm gần đây, Nhà nước đã có các phương án bảo vệ di tích tín ngưỡng truyền thống, trong đó, có đình làng. Cơ sở pháp lý ngày càng được hoàn thiện để bảo vệ di tích văn hóa một cách tốt hơn. Tuy nhiên, vai trò của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa đình ở TP.HCM vẫn chưa được phát huy một cách hiệu quả. Người dân chưa thực sự quan tâm đúng mức đến di tích, chưa nắm bắt nội dung, giá trị của di tích, vì vậy đối với di tích này, cộng đồng có tham gia nhưng lượng đóng góp rất nhỏ. Nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa đình ở TP.HCM có vai trò rất quan trọng. Người dân nhận thức đúng về giá trị của di tích mới có hành động bảo vệ di tích. Ngược lại, nhận thức của cộng đồng chưa cao sẽ dẫn đến sự thờ ơ, không quan tâm đến giá trị của di tích, lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà cửa, công trình dân sinh vi phạm vào phạm vi của đình, làm mất cảnh quan không gian của di tích, hay nạn kinh doanh buôn bán tràn lan trước cửa di tích. Khi nền kinh tế nông nghiệp ở ngoại thành TP.HCM đang chuyển dịch sang nền kinh tế phi nông nghiệp, biến động dân số cơ học ngày càng tăng, cộng với áp lực về việc môi trường văn hóa nông thôn đang chuyển đổi thành văn hóa đô thị thì cội rễ làng xã, đình làng, văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung, ở TP.HCM nói riêng đang phải đứng trước thách thức lớn. Vì vậy, cần có các thiết chế văn hóa để bảo tồn, gìn giữ những công trình di sản đó.

Những yếu tố ảnh hưởng đến sự biến đổi của ngôi đình truyền thống ở TP.HCM hiện nay

Khoảng trước những năm 1975, đình làng là nơi diễn ra sinh hoạt văn hóa cộng đồng và cũng là nơi giải quyết các vấn đề của làng xã. Nó mang chức năng tương tự như trụ sở của UBND xã hiện nay. Sau Cách mạng Tháng Tám, phần lớn ủy ban hành chính xã lập trụ sở tại đình làng.

Về mặt văn hóa, đình là một trung tâm tín ngưỡng, hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục truyền thống, duy trì những thuần phong mỹ tục. Khoảng từ TK XV, đình không còn chức năng thờ Phật như trong những thế kỷ trước, mà là nơi thờ Thành hoàng - người có công với nước, với dân làng, hoặc thờ các vị tổ nghề, đôi khi chỉ là những nhân vật huyền thoại hoặc có cái chết bất thường tại vùng này. Chính vì thế, đình làng được xây dựng ở nơi trung tâm, cao ráo, thoáng đãng với quy mô bề thế nhất trong hệ thống cơ sở thiết chế văn hóa của làng xã.

Đình còn mang tính cố kết cộng đồng rất cao. Người dân trong làng mỗi khi có việc quan trọng đều đến đình làng cầu xin các vị thần bảo hộ cho cuộc sống của gia đình, là nơi thực hành các nghi thức tín ngưỡng vào những dịp quan trọng trong năm. Theo nhận xét của Paul Giran: “Đình là nơi ngự trị của vị Thành Hoàng của mỗi làng xã, và trung tâm của đời sống tập thể, của cộng đồng, chính ở đó các kỳ mục dùng làm nơi nhóm họp, hoạch định các vấn đề hành chính, tố tụng nội bộ, và cũng chính ở đó người ta cử hành các nghi lễ tín ngưỡng. Tóm lại là nơi diễn ra tất cả các sinh hoạt xã hội của làng xã” (4). Vì thế, chức năng chính của các ngôi đình làng vẫn là thờ Thành Hoàng. Đây là nơi người dân trong vùng thể hiện lòng thành kính của mình đối với đấng siêu nhiên, vị thần mà họ vẫn ngưỡng vọng trong cuộc sống, lao động sản xuất và cầu xin những điều mong muốn.

Trong những ngày hội, lễ, mọi trò diễn dân gian được dịp thăng hoa, tạo nên niềm tin và hy vọng cho một cộng đồng làng, xã nhằm nuôi dưỡng và phát triển nền văn hóa truyền thống của dân tộc; đêm giao thừa, hầu hết mọi người đến đình làng để thắp hương lễ Thành Hoàng làng hoặc ra chùa lễ Phật, khi về thường hái một cành lộc để lấy may mắn cho cả năm. Những việc làm như thế có tác dụng giáo dục rất lớn, quy định hành vi, tình cảm, nếp sống của cả cộng đồng.

Về mặt xã hội: Đình làng là nơi giải quyết những vấn đề xã hội của làng xã, là ngôi nhà chung của làng. Giải quyết tốt các vấn đề về chính trị và văn hóa là đã giải quyết căn bản vấn đề xã hội; không những thế, đình làng còn là nơi hội họp, bàn luận và giải quyết mọi chuyện vui, buồn của xã thôn; hòa giải những bất đồng trong nội bộ cộng đồng. Chính vì vị thế của đình làng như vậy mà mọi thành viên trong làng đều có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ. Đình làng thường được trang bị cơ sở vật chất tốt nhất, đồng thời được người hảo tâm cung tiến những đồ tế tự quý báu nhất. Có thể nói, đình là công trình kiến trúc lớn nhất của làng xã, là hiện thân văn hóa của người Việt, ở đó văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần cùng tồn tại và phát triển. Tinh hoa văn hóa nơi thôn dã là nền tảng, tạo nên bản sắc dân tộc, không chỉ được diễn tả, nâng cao bằng các trò diễn dân gian qua mỗi mùa hội làng mà nó còn kết tinh định hình ở các bức chạm trên các chi tiết của kiến trúc.

Với sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt về văn hóa - xã hội của một đô thị mới hiện nay, nhiều lĩnh vực trong đời sống văn hóa - xã hội của cư dân ở đây đã có sự biến chuyển, từ tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa nghệ thuật, tín ngưỡng tôn giáo cho đến diện mạo của ngôi đình:

Một là, quá trình toàn cầu hóa trong văn hóa

Toàn cầu hóa là khái niệm để chỉ những vấn đề lan tỏa vượt khỏi biên giới một quốc gia, châu lục và mang tính quốc tế; hơn thế, nó tác động trực tiếp đến từng quốc gia. Trong lĩnh vực văn hóa, có một vấn đề là liệu sự lan tỏa, sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ hơn, có ý thức hơn của các yếu tố của các nền văn hóa, nhất là nền văn hóa phương Tây. Ngày nay, sự xâm nhập mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu không chỉ của hàng hóa tiêu dùng mà cả trên nhiều phương diện: thể thao, âm nhạc, phim ảnh, thời trang, ẩm thực... Hơn nữa, trong chuỗi cung ứng toàn cầu của hàng hóa, mỗi quốc gia, mỗi khu vực càng có nhu cầu hội nhập quốc tế và sự lệ thuộc vào nhau. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, người ta ghi nhận sự mất đi của nhiều yếu tố văn hóa phi vật thể như văn học dân gian, nghệ thuật dân gian, tín ngưỡng và cả trong phong tục tập quán. Nhận thức rõ xu thế tất yếu cùng những cơ hội và thách thức của toàn cầu hóa, Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế để tránh tụt hậu xa hơn về kinh tế, thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển và vươn lên trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cùng với các vùng khác trong cả nước, trong 30 năm đổi mới, hội nhập quốc tế, TP.HCM đã đạt được những thành tựu to lớn ở cả phương diện vật chất cũng như tinh thần.

Bên cạnh ảnh hưởng tích cực, cũng còn không ít ảnh hưởng tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đến sự biến đổi ngôi đình trong đời sống văn hóa - xã hội của cư dân đô thị ở TP.HCM. Do đó, vấn đề đặt ra làm thế nào để trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta không đánh mất những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc mà còn có thể giữ gìn, kế thừa, phát huy và đổi mới những giá trị đó, biến chúng thành sức mạnh tinh thần của người dân, đưa TP.HCM trở thành một đô thị kiểu mẫu của đất nước. Đây là một vấn đề cấp bách, đang tạo sự quan tâm của nhiều cấp ngành, đặt ra cho các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu phải trăn trở suy nghĩ, tìm ra cách thức bảo vệ, gìn giữ những giá trị tích cực của ngôi đình trong đời sống văn hóa - xã hội của cư dân đô thị ở TP.HCM hiện nay.

Hai là, do sự tác động của nền kinh tế thị trường

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước nhằm xây dựng xã hội mới với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là nền kinh tế “với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh” (5).

Trong những năm qua, việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở TP.HCM đã đạt được những thành tựu khả quan và mang tính tích cực, khơi dậy, thu hút nhiều tiềm năng và các nguồn lực phát triển phục vụ thiết thực cho đời sống văn hóa - xã hội của cư dân nơi đây. Kinh tế thị trường luôn kích thích sự tăng lên nhu cầu của con người, luôn tạo ra sự cạnh tranh trong mọi lĩnh vực hoạt động và lấy tiêu chí “năng suất - chất lượng - hiệu quả” làm thước đo cơ bản. Kinh tế thị trường góp phần tích cực hình thành cách nghĩ, cách hiểu, cách làm năng động, sáng tạo hướng đến hiệu quả kinh tế trong đời sống tinh thần, tâm lý của cư dân đô thị ở TP.HCM. Vì thế, kinh tế thị trường cũng tác động không nhỏ đến sự biến đổi ngôi đình ở TP.HCM. Sự tác động này diễn ra dưới hai chiều hướng cả biến đổi tích cực lẫn tiêu cực làm thay đổi cả đối tượng thờ cúng, lễ hội, chủ thể quản lý, kiến trúc và cảnh quan trong đình.

Như vậy, ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường đến sự biến đổi ngôi đình trong đời sống văn hóa - xã hội của cư dân đô thị ở TP.HCM hiện nay, đan xen nhau cả yếu tố tích cực và tiêu cực. Vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu, đánh giá thực trạng sự biến đổi này một cách khách quan dựa trên những căn cứ khoa học để có cơ chế, chính sách thích hợp và giải pháp đồng bộ, để một mặt, định hướng và thúc đẩy việc bảo vệ gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ngôi đình đối với cư dân đô thị ở TP.HCM; mặt khác, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường.

Ba là, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa

Đây là nguyên nhân tác động mạnh mẽ nhất đến quá trình di dân nông thôn - đô thị. Điều này thể hiện rất rõ trong sinh hoạt tại đình ở TP.HCM với sự tham dự của người nhập cư trong các lễ cúng đình. Mặt khác, biến động dân cư mạnh nên trong việc quản lý hành chính đã hình thành nên các đơn vị hành chính mới vậy nên tên ngôi đình đã không còn gắn với địa bàn hành chính xưa cũng như của một bộ phận dân cư.

Quá trình công nghiệp hóa làm gia tăng dân số hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Một bộ phận đáng kể người lao động ở nông thôn TP.HCM đã không còn làm nông nghiệp mà chuyển sang làm các nghề phi nông nghiệp. Người nhập cư vào TP.HCM làm các nghề phi nông nghiệp như công nghiệp, buôn bán, dịch vụ phát triển đẩy nhanh quá trình đô thị hóa với cường độ chưa từng có. Trong bối cảnh đó, việc thờ thần trong ngôi đình cũng bị tác động và thay đổi theo. Có thể nói, sự thay đổi nghề nghiệp nói riêng, hoạt động kinh tế nói chung của cư dân đã tác động trực tiếp đến tín ngưỡng của đình làng truyền thống.

Cách thức tổ chức lễ trong đình cũng thay đổi một cách rõ rệt. Đó là việc “tận dụng” các hoạt động dịch vụ như thay vì huy động người dân đến nấu nướng để đãi khách đến dự, các Ban quản lý Di tích đình đã đặt mâm cỗ cho các dịch vụ nấu ăn hoặc các gia đình thay vì phải tự làm lễ vật thì nay đã mua hay đặt từ các dịch vụ nấu ăn… Thậm chí, lễ phục vào các ngày lễ lớn trong đình cũng không còn phải mua sắm và để sẵn để phục vụ các lễ lớn, mà đến nay, các loại lễ phục này cũng được thuê từ các dịch vụ cho thuê trang phục.

Sau hơn 30 năm thực hiện quá trình công nghiệp hóa, TP.HCM đã trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp không chỉ tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh, mà còn tạo ra lớp người lao động mới với phong cách tư duy và lối sống công nghiệp. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa cũng diễn ra ngày càng sâu rộng trên khắp các quận huyện của TP.HCM. Ngoài tác động đến khía cạnh kinh tế, đô thị hóa ở TP.HCM còn tác động đến khía cạnh văn hóa. Đô thị hóa về khía cạnh văn hóa là quá trình chuyển đổi văn hóa nông thôn thành văn hóa đô thị. Trải qua quá trình lịch sử hình thành và phát triển, qua những biến động của đô thị hóa, văn hóa cũng chịu ảnh hưởng và biến đổi. Văn hóa Sài Gòn là sự kết hợp của nhiều nhân tố hỗn hợp của văn hóa cư dân Việt 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Ngoài ra, văn hóa Hán vùng Nam sông Dương Tử, đặc biệt là văn hóa Hán ở 3 tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây miền Nam Trung Quốc, thông qua những dân nhập cư lâu đời tạo nên một nền tảng của văn hóa Sài Gòn trên nhiều bình diện khác nhau. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố văn hóa phương Tây du nhập từ cuối TK XIX đến nay.

Do sự kết hợp của nhiều nhân tố nên quá trình đô thị hóa ở TP.HCM khiến cho đời sống văn hóa - xã hội của cư dân đô thị ở đây đã có những thay đổi mạnh mẽ. Ở một góc không gian đô thị, sự biến đổi mạnh mẽ của lối sống đô thị ảnh hưởng rất lớn đến diện mạo của ngôi đình. Nhà phố san sát làm cho không gian ngôi đình như nhỏ bé hơn. Giữa các tòa nhà nguy nga là những ngôi đình cổ kính tạo nên bức tranh đối lập giữa cũ và mới, truyền thống và hiện đại thôi thúc ý thức cộng đồng dân cư cần và nên gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống. Đồng thời, cùng với nếp sống văn minh nơi đô thị hình thành suy nghĩ tiến bộ trong đời sống cư dân về sự tiết giảm các lễ nghi thờ cúng trong các dịp lễ tết ở ngôi đình. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa trong những năm qua ở TP.HCM đã có những tác động tiêu cực nhất định đến sự biến đổi ngôi đình trong đời sống văn hóa - xã hội ở TP.HCM từ kiến trúc, cảnh quan, lễ hội, đối tượng thờ cúng cho đến việc quản lý.

Vì vậy, cùng với sự phát triển của đất nước, của thời đại và hội nhập quốc tế đã tạo ra cho TP.HCM những thuận lợi nhưng cũng đối mặt với rất nhiều thách thức trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, văn hóa tâm linh chịu ảnh hưởng rất lớn, tác động đến các hoạt động tín ngưỡng mà nhất là dẫn đến sự biến đổi ngôi đình trong đời sống văn hóa - xã hội của cư dân đô thị. Sự biến động, toàn cầu hóa về văn hóa mang tính thời đại đặt ra nhiều vấn đề cấp bách ngày càng bức thiết cần được giải quyết mới có thể bảo tồn, phát huy những giá trị tích cực của đình làng ở TP.HCM, giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa và lịch sử dân tộc.

___________________

1. Lê Thị Hồng Nhung, Khảo sát, điền dã đình làng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Hồ sơ điền dã, 9-2022, tr.15.

2. Trần Ngọc Khánh, Đề cao giá trị tinh thần trong bảo tồn di sản các di tích lịch sử văn hóa ở Việt Nam, Những vấn đề Khoa học xã hội và Nhân văn, chuyên đề Văn hóa học, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2016, tr.148.

3. Quách Thu Nguyệt, Hội đình của người Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh, Luận án Phó Tiến sĩ khoa học Lịch sử, Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM, 1996, tr.165.

4. Paul Giran, Magie et religion Annamite (Magie et Tôn giáo An Nam), Paris Challemel, 1912, tr.334.

5. Anh Tú, Nhận thức đúng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, binhphuoc.com.vn, 29-12-2022.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Quang Ánh, Biến đổi văn hóa truyền thống trong quá trình đô thị hóa ở huyện Hóc Môn - thành phố Hồ Chí Minh, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, 2007.

2. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Giáo dục, 2000.

Ths LÊ THỊ HỒNG NHUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023

;