Lễ hội Kỳ yên ở đình Phú Hựu (Đồng Tháp)

Từ ngày 16 đến 18-3 (âm lịch) hằng năm, tại đình Phú Hựu, ấp Phú Hòa, thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp có tổ chức lễ hội Kỳ yên. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm tại đình, nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, tạ ơn thần Thành hoàng bổn cảnh đã giúp đỡ nhân dân. Lễ hội trước đây do người dân trong ấp Phú Hòa đứng ra tổ chức, đến nay phát triển thành lễ hội lớn, có giá trị tiêu biểu trong toàn tỉnh và cả khu vực Tây Nam Bộ; lễ hội mang đậm nét văn hóa dân gian vùng đồng bằng sông nước.

1. Giới thiệu về đình Phú Hựu

Đình Phú Hựu là một trong những ngôi đình có quy mô khá đồ sộ ở Nam Bộ, do nhân dân quyên góp xây dựng vào khoảng đầu TK XIX. Năm 1903, do nền bị sạt lở, đình phải di dời, cất lại trên phần đất hiện tại diện tích 4.394m2 (cách nền cũ khoảng 100m) với chiều dài 47,17m, ngang 14,65m theo kiểu “sắp đọi”, gồm ba gian, hai chái, với 96 cột căm xe, tường xây bằng ô đước, mái ngói âm dương trang trí nhiều hoa văn, hình tượng, nền bằng đá xanh cao 0,6m. Năm 1852, đình được Vua Tự Đức ban sắc phong “Thần Thành hoàng bổn cảnh”. Đình không những là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân trong làng, mà còn là cơ sở cách mạng suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Thời chống Pháp, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Sa Đéc tập hợp nhân sĩ, hương chức và nhân dân ở Phú Hựu, An Khánh, An Định... làm lễ tuyên thệ “Quyết tử để Tổ quốc sinh tồn” tại ngôi đình này. Thời chống Mỹ, đình Phú Hựu là cơ sở trong đường dây giao liên từ Khu 8 qua Khu 9. Xuân Mậu Thân (1968), đình bảo vệ và nuôi các vị lãnh đạo của huyện. Sau năm 1975, đình Phú Hựu được sử dụng làm kho lương thực và trường bổ túc văn hóa. Tháng 8-1993, đình được giao cho Ban Hội hương và nhân dân chăm lo việc cúng tế.

Đình Phú Hựu được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào ngày 22-12-2005 và được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 18-12-2009. Đình Phú Hựu là một công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu vùng Nam Bộ, minh chứng cho lịch sử hào hùng của dân tộc qua các thời kỳ dựng nước, giữ nước, nên cần được nghiên cứu, gìn giữ, bảo tồn và phát huy một cách khoa học, nhằm truyền lại cho thế hệ con cháu mai sau.

2. Lễ hội Kỳ yên tại đình Phú Hựu

Khái quát về lễ hội

Lễ hội Kỳ yên được tổ chức từ ngày 16 đến 18-3 (âm lịch) hằng năm tại đình Phú Hựu. Ngoài ra, trong năm, tại đình còn có các lễ hội khác như: lễ hạ điền vào ngày 17-6, lễ thượng điền vào ngày 17-9, lễ chạp miễu vào ngày 17-12 (âm lịch)…

Lễ hội Kỳ yên tại đình Phú Hựu hay còn gọi là lễ hội cầu an, là lễ tế thần lớn nhất trong năm ở đình Nam Bộ nói chung, nhằm cầu cho nhân dân an cư lạc nghiệp, cầu cho cuộc sống an khang, thịnh vượng, quốc thái, dân an, sóng yên, biển lặng, con người yên tâm canh tác, sản xuất. Để tiện lợi cho đồng bào đi lễ hội dễ dàng hơn, Ban Quý tế chọn ngày 16 đến 18-3 (âm lịch), ngày trăng sáng suốt đêm làm ngày tổ chức lễ hội. Trước đây, phương tiện chủ yếu là xuồng, ghe, thời gian này triều cường cao, người dân đi lại thuận tiện. Hơn nữa, đây là tháng giao mùa, không xuống giống hay thu hoạch gì nên người dân đều rảnh rỗi, đi xem hát bội/ tuồng miễn phí cũng là sở thích của họ. Các tuồng tích cổ xưa nêu cao gương trung can nghĩa khí, trung quân ái quốc được người dân yêu thích như: Chiêu Quân cống Hồ, Địch Thanh...

Các lễ vật cúng tế chính trong lễ hội Kỳ yên gồm xôi và thịt. Xôi cúng thần bắt buộc phải là xôi trắng, thịt thì có thịt heo và thịt bò. Hằng năm, đình chuẩn bị hàng trăm ký nếp ngổng (nếp trắng, không lẫn gạo tẻ) để nấu xôi; khi nấu xong, đơm vào các mâm ấu và mâm trệt. Ngoài hai lễ vật chính còn có các món phụ khác như bánh mỳ, bún, rau sống, cháo… đặc biệt là phải có bánh tét và bánh ít; trái cây dâng lên thần phải tinh khiết, sạch sẽ trước khi cúng. Thức uống dâng cúng thần thường là rượu và trà; nghi lễ cúng tế thường dâng ba tuần rượu, một tuần trà.

Lễ hội Kỳ yên được xem là lễ lớn nên phải đem trống lớn ra giữa sân đình đánh, gọi là trống chầu hay trống chiến. Thanh niên nam, nữ gác lại công việc, lo sắm sửa quần áo, tóc tai để gặp người mình đang mong đợi nhân dịp lễ cúng đình tháng 3, nên có câu: “Nghe trống chiến chết điếng cái đầu/ Nghe trống chầu cái đầu láng mướt”.

Lễ hội Kỳ yên gồm các nghi thức, nghi lễ như: thỉnh tổ, thỉnh sắc thần, an vị, khai mạc, bầu ông, chiến sĩ, cầu an, túc yết, xây chầu, đoàn cả, tống gió, hoàn sắc. Mỗi nghi thức cúng tế phải được diễn ra tại đình Phú Hựu, do Ban Quý tế đảm nhiệm, theo trình tự kế hoạch đã định sẵn.

Diễn trình lễ hội

Lễ thỉnh tổ hát bội, được tiến hành ngay ngày đầu tiên, đoàn hát bội chuyển tới, sắp đặt sân khấu, các đạo cụ một cách bài bản. Ban Tế tự phân công một hương chức, khăn áo chỉnh tề, có bộ khay trầu, rượu, tiền tổ, nhang, đèn, giấy, tiền vàng, bạc vào bên trong võ ca, nơi thờ tổ hát bội theo tiếng nhạc hòa. Viên tế tự thắp hương nguyện tổ, cầu phù hộ, độ trì cho các nghệ sĩ mạnh chân, khỏe tay, múa may điêu luyện, nhằm nghinh thần, phục vụ nhân dân trong các ngày lễ hội một cách hoàn chỉnh nhất.

Lễ thỉnh sắc thần, diễn ra lúc 7 giờ 30 phút, ngày 16-3. Trước khi lễ rước được tiến hành, Ban Tổ chức mời đội múa lân, đội nhạc lễ, và các em học sinh (5 nam, 5 nữ), cầm cờ ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Hai em đi đầu với trang phục áo quan (quan trạng) cầm cờ lễ hội, cờ nước, kèm theo một đội trống trường mặc đồng phục trỗi nhạc từ khi bắt đầu đi cho đến khi quay về đình. Bên cạnh đó, lễ thỉnh sắc có ban nhạc cổ truyền, hai lễ sinh, hai cô đào và kép của đoàn hát bội cùng đi. Long đình, bao gồm bộ lư hương, lẵng hoa được chuẩn bị từ ngày hôm trước. Đội khiêng long đình gồm 20 người. Hai hương chức cầm lỗ bộ, hai hương chức cầm tàn, hai hương chức cầm lọng. Hai hương quan thỉnh sắc với trang phục nghi lễ, một ông bê hòm sắc, một ông bê khay trầu, rượu để thỉnh tro tại ba điểm: chùa ông, nhà ông cất giữ sắc, chùa Hưng Hựu.

Đúng 7 giờ 30 phút, hai ông hương quan vào đình thắp hương bái thần và đốt hai cây nến trên khay để xuất phát. Đoàn rước vừa đi qua ngạch cửa đình thì khởi đại cổ, tiểu cổ, trống chiến, bát nhã hòa tiếng trống vang rền, dưới sự chỉ huy của tiếng còi do ông hướng đạo làm trưởng đoàn. Đoàn rước sắc rợp dưới bóng cờ lễ hội, hai bên là hai hương án của đồng bào, với đầy đủ hương đăng, hoa quả, kéo dài vài cây số. Đi trước là trống lệnh và chiêng lệnh dẹp đường, rồi thứ tự đến cờ Tổ quốc, cờ lễ hội, cờ ngũ hành, chiêng lớn, trống chầu, trống chào, đội lân, nhạc bát âm, học trò lễ, bốn lỗ bộ (hai đao, hai chùy đồng), hai tàn, hai lọng, có hai cô đào và hai kép hát bội, khay thỉnh sắc, long đình, Phò cận hương chức nam, Phò cận hương chức nữ, thỉnh tro, và sau cùng là toàn thể nhân dân tham gia. Đến nơi thỉnh sắc, hai hương quan đứng hai bên, giữa là kế hiền, rót ba chung rượu, ông trưởng ban lễ xướng. Dâng một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà, hương chức nữ bước vào cúng bái thần, chuẩn bị thỉnh sắc. Không khí lúc này như lắng đọng lại, ông hương quan bước vào bê khay thỉnh sắc lên và đứng đợi; ông kế hiền thỉnh hòm sắc trao cho một hương quan bê ra long đình. Lúc này, đội nhạc lễ cùng vang lên. Đội khiêng long đình tiến hành rước sắc về đình an vị.

Lễ an vị sắc thần, diễn ra lúc 9 giờ, ngày 16-3. Đoàn rước, rước sắc về đến đình, các hương quan đặt hòm sắc vào nơi trang trọng nhất, cao nhất trên bàn thờ chính điện. Sắc gồm hai tờ: một tờ có ấn vuông của Vua Tự Đức ghi dòng chữ “Ngũ niên sắc phong Thành hoàng bổn cảnh”, một tờ ghi dòng chữ “Phụng chỉ”. Cả hai làm bằng loại giấy dó, tuy thời gian phong sắc đã hơn 165 năm nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Sau khi đặt sắc lên bàn thờ, hương quan và kế hiền làm lễ dâng một tuần hương, các vị khác dâng tuần rượu, tuần trà, rồi đến các hương quan khác là kết thúc lễ an vị. Thời gian còn lại nhân dân tự do chiêm bái.

Lễ khai mạc, hay còn gọi là khai mạc lễ hội, diễn ra lúc 10 giờ, ngày 16-3. Chủ tịch thị trấn thay mặt Ban Tổ chức lên đọc quyết định khai mạc lễ hội Kỳ yên đình Phú Hựu. Về dự lễ khai mạc có các lãnh đạo Sở VHTTDL, lãnh đạo ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo cấp huyện, lãnh đạo cấp thị trấn, các đoàn đình miếu bạn trong và ngoài tỉnh, nhân dân trong huyện và khách hành hương... Sau khi Chủ tịch thị trấn đọc quyết định xong, đại diện Ban Tổ chức lên phát biểu và mời tất cả quan khách dự lễ dùng bữa cơm thân mật.

Lễ bầu ông, diễn ra lúc 14 giờ, ngày 16-3. Tương truyền, ngày xưa, thời còn hoang vắng, rừng rậm, người dân nơi đây rất sợ cọp, nên chức to nhất của mỗi làng cũng chỉ đến hương chủ; còn chức hương cả (hương chức đứng đầu) để nhường cho cọp. Do đó, lễ Kỳ yên hằng năm phải bỏ phiếu bầu ông cọp lên chức hương cả. Lễ này được tổ chức tại miếu ông hổ. Lễ vật gồm: thủ, vĩ heo luộc chín, cháo, gạo, muối, nước, củi. Bên cạnh có trống nhạc, học trò dâng lễ, có hai tán để che. Nghi lễ này do ba vị hương chức thực hiện, cúng, đọc tờ “cử”, sau đó dán lên miếu, gọi là “bầu Ông”.

Lễ chiến sĩ, hay còn gọi là lễ chiến sĩ trận vong đồng bào tử nạn, diễn ra lúc 15 giờ, ngày 16-3. Lễ chiến sĩ là lễ cúng các chiến sĩ tử vong ngoài chiến trận, hoặc chết vì bất cứ một lý do nào đó mà không có người trông nom, phụng tự; hay còn gọi là cúng cô hồn, hồn oan... Lễ cúng được tổ chức tại đài chiến sĩ có hương chức dâng hương, đọc văn tế, quỳ khấn theo nhịp nhạc trỗi. Lễ vật dâng cúng gồm: một miếng thịt nọng luộc chín, bún, bánh tráng, giá, rau sống, xôi dẻo, hoa quả, gạo, muối, củi, và một xô nước (được xem là lễ vật quan trọng nhất).

Lễ cầu an, diễn ra vào 16 giờ, ngày 16-3. Đây là nghi lễ cầu cho quốc thái, dân an, thiên hạ thanh bình, mùa màng bội thu. Lễ này do các tu sĩ Phật giáo tới tụng kinh cầu nguyện. Lễ vật dâng cúng gồm hoa quả, chè, xôi, tất cả là đồ chay.

Các trò chơi dân gian, diễn ra lúc 16 giờ 30 phút, việc tổ chức các trò chơi dân gian do công chức văn hóa của UBND thị trấn Cái Tàu Hạ thực hiện. Gồm các trò chơi như: đi thảm, nhảy bao bố, đập heo đất...

Lễ túc yết, diễn ra lúc 21 giờ, ngày 16-3. Lễ túc yết là lễ trình với Thành hoàng việc tổ chức lễ tiết, cũng có nghĩa là chờ đợi, nhóm họp ở đình để yết kiến thần. Các hương chức có mặt, trang nghiêm báo cáo thần các công việc trong năm đã làm; đồng thời ra mắt trình diễn thần để chuẩn bị tiến hành lễ hội. Đầu tiên, ông hương lễ xướng, tất cả viên quan, hương chức của đình tựu vị; mời kế hiền, hương quan, chánh bái tới dâng hương lễ linh thần; sau đó mời chánh tế, bồi tế tựu vị để chuẩn bị làm lễ. Trước hết, kế hiền, hương quan, chánh bái nguyện hương, dâng hương, rồi đến bồi bái dâng hương. Sau đó, học trò lễ dâng một tuần hương, một tuần rượu, một tuần trà. Ông kế hiền đọc sớ với nội dung: giới thiệu toàn bộ các quan viên, hương chức đình Phú Hữu trong buổi lễ tế thần, giới thiệu các vị thần, tiền hiền, hậu hiền đã có công với đình về làm lễ cúng tế. Lễ vật dâng cúng là đồ mặn, gồm hoa quả, xôi, chè, thịt heo quay, heo luộc, canh thịt hầm, cháo, đậu que xào thịt...

Đêm lễ túc yết diễn ra hết sức tưng bừng nhờ có đoàn hát bội, theo lệ xưa, 3 năm mới tổ chức lớn một lần và mới có hát bội. Hiện nay, lễ Kỳ yên ở đình Phú Hựu được tổ chức biểu diễn hằng năm kết hợp với lễ xây chầu hát bội.

Lễ xây chầu đại bội, diễn ra lúc 23 giờ 30 phút, ngày 16 đến rạng sáng ngày 17-3. Đây là lễ quan trọng, chấp sự viên mặc áo rộng, quần trắng, hai ống quần được túm lại bằng vải đỏ, đến trước bàn thờ khấn nguyện một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà. Lễ vật dâng cúng truyền thống là một con heo sống (trên 90 kg) có đầy đủ lông, móng, đuôi; phía ngoài có một bàn hương án, có bộ lư, chân đèn, hoa, quả, có nhạc lễ, xôi dẻo. Hai bên có hai hàng lỗ bộ, có hai vị hương chức cầm chầu và một trống chầu phải đặt theo hướng tuổi, hướng thuận với người chấp sự. Xây chầu hay khởi chầu nhằm mời các vị thần về chứng dám, nhạc công mở màn, phụng tấu khai lễ. Sau khi múa roi và đánh trống, chấp sự cũng cầu nguyện và đọc câu chú trấn tà ma. Đón tiếp quan khách có múa lân lúc 7 giờ 30 phút, ngày 17-3.

Lễ tưởng niệm đức Tổ Hùng Vương và Thành hoàng bổn cảnh, diễn ra lúc 8 giờ, ngày 17-3. Vở hát thứ nhất - Đào Tam Xuân báo phu cừu, diễn ra lúc 8 giờ 30 phút.

Lễ đoàn cả, hay còn gọi là lễ đàn cả, được tổ chức lúc 24 giờ, ngày 17-3. Đây là lễ quan trọng nhất, tổ chức ngay chính điện, tập hợp tất cả mọi người (nam, nữ, già, trẻ, kể cả đào thài...) có công trong việc tổ chức lễ hội vào chứng kiến. Lễ vật cúng tế gồm một con heo trắng và bốn mâm chàm (ở tả ban 1 mâm, hữu ban 1 mâm, chính giữa 2 mâm), có nhạc lễ phục vụ trong suốt quá trình thực hiện nghi lễ và có đào thài dâng hương, dâng rượu theo nghi thức truyền thống. Cuối nghi lễ đoàn cả, mọi người được thưởng một ly rượu, đây được xem như là lộc của thần, uống vào sẽ được khỏe mạnh, may mắn và tài lộc. 8 giờ 30 phút, ngày 18-3 diễn ra lễ Tôn Vương (Vở hát thứ ba - Song kiếm uyên ương của đoàn hát bội trình diễn).

Lễ tống gió, diễn ra lúc 13 giờ, ngày 18-3. Mọi công việc được chuẩn bị trước đó cả tuần như: Ban Tổ chức đóng một cái thuyền tượng trưng nhỏ, trong đó có con búp bê gắn râu cho vai thuyền trưởng, sáu tay phá thủ, một cây súng cối, cây nỏ (làm từ chuối và cây tre). Trên đỉnh tàu có một lá cờ đỏ sao vàng, xung quanh là cờ lễ hội, cờ đuôi nheo. Hai bên hông tàu có hai tấm liễn ghi dòng chữ: “Phong điều vũ thuận dân an lạc, Hải yến hà thanh nước thái hòa”. Các lễ vật cúng tế đặt trong thuyền (thuyền tượng trưng) như: hoa quả, một thủ vĩ luộc chín, gạo, muối, xôi dẻo, củ, tiền, vàng, bạc bằng giấy rất nhiều, với ý nhằm tống ôn, tống dịch, tống những xui xẻo đi, chuộc lại may mắn về. Tất cả được khiêng xuống một chiếc thuyền thật, kích thước lớn, có nhạc lễ đưa rước. Lễ này được thực hiện trước miếu thần nông. Trước khi đưa xuống thuyền thật, ông hương quan, chánh bái, phó bái làm lễ cúng tế: dâng hương, dâng rượu, đọc văn tế (tống gió), dâng trà; xong, ông cả sự, chủ sự cùng khiêng xuống thuyền. Thuyền chở các lễ vật tống gió chạy một đoạn qua chỗ nước xiết, đội nghi lễ bê chiếc thuyền tượng trưng, bao gồm các lễ vật, thả xuống sông cho trôi theo dòng nước dưới sự chứng kiến của người dân đi lễ. Lễ tống gió mang ý nghĩa giúp đồng bào tránh khỏi nạn ôn dịch, tránh được những tai họa bất kỳ ập tới. Người dân hồ hởi, lạc quan, với niềm tin vững mạnh, gia đình an khang, hạnh phúc.

Lễ hoàn sắc, diễn ra lúc 15 giờ, ngày 18-3. Một ông hương quan bê hòm sắc, hai ông chánh bái che hai lọng, một ông chánh bái khác bê khay có bình hương, hai hộp và một nhạo rượu thỉnh từ đình đến nhà ông kế hiền (phải chèo ghe mất khoảng vài cây số). Rước đến nhà ông kế hiền, đoàn cung kính đặt thùng sắc vào vị trí cũ và bày một mâm lễ gồm một con vịt luộc chín, ba chén cháo. Ban nghi lễ làm lễ nguyện hương, dâng hương, dâng rượu, dâng trà để hoàn tất lễ hoàn sắc. Theo thông lệ cũ, khi thỉnh sắc thì rình rang, đông đúc, tấp nập, nhưng khi hoàn sắc thì ngược lại: yên tĩnh, trầm lắng, bởi người ta cho rằng, nếu để đạo tặc biết sắc ở đâu sẽ trộm mất. Sau lễ hoàn sắc, Ban Tổ chức công bố tài chính và bế mạc, lễ hoàn chầu mãn cổ, diễn ra lúc 16 giờ, ngày 18-3.

3. Tạm kết

Lễ hội Kỳ yên ở đình Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu của tỉnh. Lễ hội nhằm ca ngợi đức Thành hoàng bổn cảnh, ca ngợi các bậc tiền hiền, hậu hiền, các bậc tiền bối đã có công khai hoang, lập ấp, mở mang bờ cõi, tạo dựng cơ nghiệp và truyền lại cho các thế hệ con cháu mai sau.

Ngoài việc thực hiện các nghi thức, nghi lễ cúng tế trong đình, lễ hội còn là dịp để mọi người trong cộng đồng cố kết với nhau, tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, giao lưu tình cảm. Đây là dịp để phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian, thể hiện tình thân ái, sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau. Lễ hội Kỳ yên thực sự là nét văn hóa đặc sắc của tỉnh Đồng Tháp nói riêng, của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Thiết nghĩ, cần tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa này cho thế hệ hôm nay và truyền lại cho thế hệ con cháu mai sau.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, Địa chí tỉnh Đồng Tháp, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2014.

2. Nguyễn Hữu Hiếu (chủ biên), Từ điển địa danh Đồng Tháp, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, TP.HCM, 2016.

3. Tạ Chí Đại Trường, Thần, người và đất Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2006.

4. Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Hồ Tường, Đình Nam Bộ - Tín ngưỡng và nghi lễ, Nxb TP.HCM, 1993.

5. Một số tài liệu, bản vẽ hiện trạng di tích đình Phú Hựu do Bảo tàng tổng hợp tỉnh Đồng Tháp thực hiện năm 2009.
 

TS TRẦN VĂN THÀNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023

;