Nghệ thuật trình diễn dân gian ở huyện Đông Anh (Hà Nội) hiện nay

Huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội là vùng đất có bề dày lịch sử. Trước khi An Dương Vương xây Loa Thành dựng nước và giữ nước, nơi đây đã là quần cư đông đúc của người Việt cổ với kho tàng văn hóa dân gian phong phú. Điều đó được thể hiện qua những hiện vật khảo cổ học như hình người múa trên cán dao găm, hình khắc vũ nữ múa trên trống đồng, trên các mảnh gốm... Người dân nơi đây lưu giữ được hơn 300 di tích lịch sử văn hóa và một số loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống như tuồng cổ, hát chèo, hát ca trù và múa rối nước.

1. Diện mạo, đặc điểm và giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian ở huyện Đông Anh

Nghệ thuật trình diễn dân gian hay còn được gọi là diễn xướng dân gian (folk performances), bao gồm các hình thức ca múa nhạc, sân khấu (nghệ thuật diễn xướng - performing arts), các hoạt động lễ hội, nghi lễ, trò diễn, phong tục… Đây là hình thức hoạt động của con người thông qua âm thanh, ngôn ngữ, động tác… để thông tin về một cái gì đó đến với rộng rãi khán giả (1). Nghệ thuật trình diễn dân gian là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng và không gian văn hóa, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Trên địa bàn huyện Đông Anh, có 4 loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống tiêu biểu, đặc sắc, đó là: hát ca trù, múa rối nước, hát tuồng cổ, hát chèo cổ.

Nghệ thuật hát tuồng

Nghệ thuật hát tuồng, hay còn có tên gọi khác là hát bộ, hát bội, diễn xuất thiên về tính ước lệ, khoa trương, khuếch đại, động tác diễn ra cường điệu và nhanh hơn. Ngôn ngữ của tuồng phải dùng giọng thật to, cao và rõ. Nói lối là điệu hát quan trọng nhất, nghĩa là nói một lúc rồi hát. Màu sắc hóa trang trong loại hình nghệ thuật này thường là trắng, đỏ, xanh và đen. Mỗi màu sắc tượng trưng cho nét tính cách nhân vật khác nhau. Ví dụ, những nhân vật có diện mạo xinh đẹp, tính cách trầm tĩnh thường được sơn mặt màu trắng. Ngược lại, người mặt rằn sẽ có diện mạo xấu xí và tính tình nóng nảy.

Các cụ cao niên kể lại rằng, tuồng cổ có từ lâu đời và cha ông truyền nghề từ đời này sang đời khác cho con cháu. Ban đầu, chỉ một vài người biết nghề diễn rồi truyền bá, tiếp đó những người yêu thích loại hình nghệ thuật này học theo rồi trở thành đam mê. Các trò diễn, vở diễn phổ biến ở Đông Anh như Bao công xử án, Sơn Hậu, Lưu Đoàn Định, Lưu Toàn Nghĩa.

Dưới chế độ phong kiến, tầng lớp bình dân thưởng thức nghệ thuật theo cách sáng tác ra vở diễn mang tính nhân văn với chủ đề về nông thôn, về cuộc sống thường ngày của người dân lao động. Rồi trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, các thế hệ diễn viên lên đường ra trận, người ở hậu phương lo sản xuất phục vụ tiền tuyến. Chính vì thế tuồng bị mai một. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, các đội tuồng dần được phục hồi, lớp trẻ hăng hái tham gia, các nghệ nhân cũng gắng hết sức mình để truyền nghề, dạy nghề.

Ở Đông Anh, có thể kể tới các thôn có truyền thống hát tuồng như: thôn Lương Quy, xã Xuân Nộn; thôn Dục Nội, Lỗ Giao, xã Việt Hùng; thôn Ngọc Lôi, xã Dục Tú; thôn Cổ Loa, Thụy Lôi, xã Thụy Lâm. Hiện nay, có Câu lạc bộ (CLB) Tuồng thôn Lương Quy, xã Xuân Nộn và CLB Tuồng xã Cổ Loa được duy trì và phát triển tốt. CLB Tuồng thôn Lương Quy đã nhiều lần được đại diện cho huyện Đông Anh tham gia các hội thi, hội diễn cấp thành phố và đại diện cho thành phố Hà Nội tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu không chuyên toàn quốc vào năm 2003 (Nha Trang), năm 2006 (Quy Nhơn), năm 2015 (Đà Nẵng) và đều đạt thành tích xuất sắc.

Có thể nói, nghệ thuật hát tuồng ở Đông Anh đã có từ lâu, thế hệ diễn viên ngày nay đã được đào tạo, dù chỉ ở mức hạn hẹp nhưng có đủ kiến thức cơ bản để lĩnh hội được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống mà họ đang theo đuổi. Đặc biệt, đã có sự quan tâm của Nhà nước trong việc phong tặng nghệ nhân ưu tú cho những người đang thực hành, gìn giữ, nắm bắt di sản.

Nghệ thuật hát chèo

Chèo là loại hình nghệ thuật truyền thống giàu tính dân tộc, ra đời từ TK X và phát triển mạnh mẽ ở miền Bắc. Loại hình sân khấu này mang tính quần chúng và thường xuất hiện trong hội hè. Ngôn ngữ chính trong chèo là ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa, cách nói ví von, trữ tình. Chèo phản ánh sự lạc quan, yêu đời, lòng nhân ái, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sức mạnh kiên cường trong đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.

Nghệ thuật hát chèo ở Đông Anh được du nhập và phát triển từ rất lâu, lúc đầu chỉ là nhóm đàn hát, sau nâng cao thành vở diễn, tích diễn. Chèo phát triển ở các vùng nông thôn, là loại hình nghệ thuật dễ đi vào lòng người nên ở mọi lúc, mọi nơi đều có thể hát chèo. 8 xã trong huyện có truyền thống hát chèo gồm: thôn Tằng My, xã Nam Hồng; thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung; thôn Dục Tú, xã Dục Tú; thôn Hà Khê, xã Vân Hà; thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc; thôn Châu Phong, xã Liên Hà. Hình thức truyền nghề hiện nay không còn duy trì theo phương thức cha truyền con nối như trước, mà được đào tạo theo CLB bài bản và nâng cao cho từng lứa tuổi. Chèo dễ học, dễ hát, luôn được sự quan tâm của các lứa tuổi. Hiện nay, Đông Anh đang có 3 xã với một số CLB duy trì hoạt động thường xuyên gồm Dục Tú, Cổ Loa, Vân Hà.

Nghệ thuật hát ca trù

Ca trù là bộ môn nghệ thuật truyền thống rất phổ biến ở TK XV đến TK XX, còn gọi là hát ả đào, hát cửa đình. Ca trù gắn liền với các sinh hoạt văn hóa cộng đồng như lễ hội, phong tục tập quán, âm nhạc, văn chương, tư tưởng, các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam (gồm cả văn hóa bác học và văn hóa dân gian). Ca trù là một thể loại hát nói có sử dụng đàn đáy, phách, trống, là các loại nhạc khí đặc trưng của nước ta.

Hát ca trù có ở thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, là loại hình nghệ thuật vừa đậm đà về màu sắc dân ca, vừa uyên bác về ca từ, cấu trúc, giai điệu, tiết tấu. Không chỉ đạt tới đỉnh cao nghệ thuật, ca trù còn phong phú về nội dung tư tưởng, phản ánh đủ mọi góc độ, lĩnh vực, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam như tính nhân ái, lạc quan, rất nhạc, rất thơ, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống yên lành bình dị nhưng tràn đầy tự hào dân tộc, kiên cường chống lại giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Người dân Lỗ Khê từ xa xưa đã coi ca trù như một món ăn, một nhu cầu không thể thiếu nên đã có thơ rằng: “Trai luyện tài kiếm cung sách bút/ Gái cần mẫn đồng ruộng cầm ca”. CLB Ca trù Lỗ Khê hiện có 37 hội viên tham gia.

Múa rối nước Đào Thục

Múa rối nước là môn nghệ thuật truyền thống và sáng tạo độc đáo của người Việt Nam. Đến nay, múa rối nước đã trải qua quá trình hình thành và phát triển, trở thành thú chơi tao nhã phổ biến ở vùng đồng bằng sông Hồng và thường được biểu diễn vào các dịp lễ hội, ngày Tết… Đối với múa rối nước, mặt nước là sân khấu, hay còn gọi là nhà rối, thủy đình; phía sau là phông che, được gọi là tấm y môn, xung quanh trang trí cờ, quạt, lọng… Các con rối làm bằng gỗ được trình diễn trên sân khấu nhờ sự điều khiển qua hệ thống dây, sào của các nghệ nhân phía sau phông. Chú Tễu là người mở đầu, giới thiệu, dẫn dắt các tiết mục. Âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong biểu diễn trò rối nước, điều khiển tốc độ, nhịp điệu của các động tác, tạo nên không khí truyền thống với các điệu chèo hoặc dân ca Bắc Bộ.

Gần 300 năm trước, làng Đào Thục có ông Đào Đằng Khiêm, tự Phúc Khiêm, đỗ tiến sĩ, làm quan nội giám thời Lê Ý Tông (1735-1740), ông là người trực tiếp mang nghệ thuật múa rối nước về dạy cho dân làng. Múa rối nước không những mua vui cho dân làng hồi đó, mà còn phục vụ cư dân quanh vùng vào những ngày lễ, Tết. Đặc biệt, rối nước Đào Thục còn được triệu vào cung đình biểu diễn phục vụ hoàng tộc.

Hằng năm, ngày 12-2 (âm lịch) là ngày giỗ Tổ của phường rối nước Đào Thục, nhân dân long trọng tổ chức lễ tưởng niệm và tôn vinh vị Tổ nghề. Sau lễ dâng hương, phường rối nước tổ chức biểu diễn các tích, trò vui, phục vụ nhân dân và khách thập phương tại nhà thủy đình của thôn. Phường múa rối nước hiện nay hoạt động với 36 thành viên.

2. Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn ở huyện Đông Anh trong bối cảnh hiện nay

Đánh giá thực trạng

Công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn truyền thống trên địa bàn huyện Đông Anh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhờ sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, quản lý của Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh và các phòng ban chuyên môn của huyện. Hằng năm, UBND huyện Đông Anh đều có kế hoạch tổ chức các hoạt động tập huấn truyền dạy, biểu diễn giao lưu để các CLB duy trì hoạt động hiệu quả; tổ chức khen thưởng biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn nghệ thuật trình diễn truyền thống. Tổ chức các kỳ liên hoan, hội diễn để các CLB có điều kiện được giao lưu, học hỏi lẫn nhau, hỗ trợ kinh phí biểu diễn giao lưu và đầu tư cơ sở vật chất cho một số CLB, hướng dẫn các nghệ nhân làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú và thực hiện các bước lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo đúng quy định. Hiện nay, 14 nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.

Các thế hệ nghệ nhân đều có niềm đam mê, nhiệt huyết, tâm huyết cống hiến hết sức mình với nghề. Với ý thức trách nhiệm bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn truyền thống, một số xã đã duy trì tốt hoạt động của các CLB như CLB Tuồng truyền thống xã Xuân Nộn; phường múa rối nước Đào Thục, xã Thụy Lâm; CLB Ca trù Lỗ Khê; CLB Chèo xã Dục Tú. Đặc biệt, phường múa rối nước Đào Thục đã có thể hoạt động mang tính dịch vụ, mang lại thu nhập cho các nghệ nhân (mặc dù nguồn kinh phí thu được chưa nhiều), là những tín hiệu, động lực tích cực động viên sự tham gia của người dân.

Bên cạnh đó, một số hạn chế như cán bộ có chuyên môn về nghệ thuật trình diễn truyền thống cấp huyện còn thiếu. Việc đưa bộ môn nghệ thuật trình diễn truyền thống vào các nhà trường chưa được quan tâm đều đặn, do đó, chưa có điều kiện để tìm kiếm và phát hiện tài năng từ thế hệ trẻ. Tất cả các CLB nghệ thuật truyền thống đều đang đứng trước thực trạng bị già hóa, đội ngũ kế cận không nhiều, dẫn tới nguy cơ bị mai một trong thời gian không xa nếu không có giải pháp hiệu quả.

Một số CLB được khôi phục hoặc thành lập mới nhưng hiệu quả chưa cao, hoạt động cầm chừng như CLB Tuồng Thụy Lâm, CLB Tuồng Việt Hùng, CLB Tuồng Liên Hà, do số lượng thành viên ít. Một số tích trò cổ, làn điệu cổ, vở diễn tuồng, chèo cổ không còn được biểu diễn bởi không có kinh phí đầu tư dàn dựng, phục dựng vở diễn.

Thiếu trang thiết bị âm thanh biểu diễn, kinh phí mua sắm đạo cụ, trang phục nhất là trang phục của nghệ thuật tuồng hay con rối rất đắt, vượt quá khả năng của các CLB. Đa phần các CLB được duy trì là từ lòng nhiệt huyết của các thành viên, do đó chưa tạo được sức bật trong hoạt động biểu diễn.

Việc đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống mới chỉ dừng ở việc kiểm kê, sưu tầm và hỗ trợ kinh phí mở các lớp tập huấn đào tạo truyền nghề và mua sắm cơ sở vật chất với mức kinh phí rất ít ỏi. Chưa có kinh phí cho việc quảng bá, tuyên truyền để phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Công tác xã hội hóa cho hoạt động nghệ thuật truyền thống còn hạn chế. Các thành phần kinh tế chưa thực sự quan tâm đầu tư cho công việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống ở cộng đồng.

Các nghệ nhân cơ bản chỉ là những người nắm giữ tri thức, kỹ năng biểu diễn chứ chưa được trang bị một cách đầy đủ lý luận về bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống nên hiệu quả của công tác trao truyền di sản chưa đạt được như kỳ vọng.

Công tác tuyên truyền về di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật trình diễn nói riêng chưa thật sự được chú trọng. Việc thực hiện tuyên truyền như hiện tại đôi khi chỉ mang tính chất sự kiện, chuyên mục tuyên truyền còn đơn giản chưa có sự đổi mới.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu là một số cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tác dụng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay; chưa coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy nhân tố con người, gắn với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nên chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức.

Ngoài nghệ thuật múa rối nước vẫn duy trì lịch biểu diễn thường xuyên, có nguồn thu, thì các loại hình nghệ thuật khác chưa phát huy được thế mạnh. Các nghệ nhân không ai sống được bằng chính nghề truyền thống, tất cả đều duy trì nghề bằng niềm đam mê. Các vở diễn cổ thiếu kinh phí để phục dựng. Việc xây dựng vở diễn mới gặp khó khăn do thiếu cả kịch bản, người dựng và nguồn kinh phí đầu tư. Chính vì vậy, nguy cơ thất truyền đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống này ngày càng cao.

Đề xuất giải pháp

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, công tác bảo tồn nghệ thuật trình diễn truyền thống trên địa bàn huyện Đông Anh đã được triển khai thực hiện với nhiều giải pháp như: xây dựng và ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ chuyên môn của huyện Đông Anh cũng như các xã có nghệ thuật trình diễn truyền thống; đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, các hoạt động tập huấn truyền nghề; tổ chức các buổi biểu diễn giao lưu phục vụ các sự kiện chính trị, các lễ kỷ niệm của đất nước; tiếp tục công tác kiểm kê sưu tầm, biểu dương khen thưởng trong công tác bảo tồn nghệ thuật trình diễn truyền thống… Bên cạnh đó, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo ra môi trường lành mạnh, thuận lợi cho công tác bảo tồn di sản văn hóa. Những kết quả trên đã thể hiện được chủ trương đúng đắn của Huyện ủy - UBND huyện Đông Anh và của toàn dân trong việc bảo tồn các loại hình di sản văn hóa truyền thống này. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo tồn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cộng đồng dân cư, cần phải quan tâm hơn nữa trong thời gian tiếp theo.

Trước sức ép của nền kinh tế thị trường, nhu cầu bảo vệ di sản văn hóa theo hướng vừa tăng cường giao lưu, vừa gìn giữ bản sắc là một bài toán đầy thách thức. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trước hết phải dựa trên đường lối văn hóa đúng đắn của Đảng. Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược phát triển văn hóa bền vững với tư cách là một giải pháp tổng hợp, tạo được kế hoạch, phương thức, cơ chế, bộ máy, con người, phương tiện đồng bộ và lâu dài. Chiến lược đó phải tạo được thói quen, nếp sống coi trọng di sản văn hóa của từng người dân, đó mới là tiền đề cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có hiệu quả và bền vững.

Những giải pháp cụ thể để góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo tồn các di sản nghệ thuật trình diễn truyền thống trên địa bàn huyện Đông Anh trong bối cảnh đô thị hóa gồm:

Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền quảng bá về các loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống. Huyện Đông Anh cần có sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp ủy đến chính quyền từ huyện đến xã, có thực hiện sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các đề án, kế hoạch theo từng giai đoạn cụ thể. Thực hiện việc tuyên truyền về nghệ thuật trình diễn truyền thống có tính chiều sâu, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh trong nhân dân.

Thứ hai, đối với các nghệ nhân, cộng đồng. Đây là những nhân tố có vai trò quan trọng, quyết định sự tồn vong của các loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống. Các nghệ nhân và cộng đồng dân cư phải là người thực hiện việc trao truyền và lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa, thì di sản văn hóa đó mới sống và lưu truyền được. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến việc trang bị, bồi dưỡng những kỹ năng, kiến thức về công tác bảo tồn di sản văn hóa cho các nghệ nhân và cộng đồng dân cư.

Thứ ba, giải pháp về cơ chế chính sách. Để động viên và khuyến khích các nghệ nhân đã có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, gìn giữ đối với các loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống trên địa bàn huyện Đông Anh, ngoài sự quan tâm của Nhà nước về việc khen thưởng theo quy định và chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND Thành phố Hà Nội, tác giả đưa ra giải pháp đối với huyện Đông Anh và các xã có nghệ thuật trình diễn truyền thống nên có cơ chế đặc thù bằng việc trích nguồn ngân sách hoặc xây dựng quỹ bằng nguồn xã hội hóa để hỗ trợ hằng tháng đối với các nghệ nhân, chủ nhiệm các CLB nghệ thuật trình diễn truyền thống.

Thứ tư, giải pháp nâng cao năng lực quản lý. Quan tâm bổ sung đối với cán bộ, viên chức có chuyên môn về nghệ thuật trình diễn truyền thống đối với Trung tâm Văn hóa huyện và tăng cường bồi dưỡng, bổ sung kiến thức về bảo tồn di sản văn hóa cho công chức văn hóa - xã hội các xã, thị trấn để có một cơ sở lý luận chung nhất đáp ứng yêu cầu thực tế tại địa phương.

Thứ năm, giải pháp về nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động thường xuyên. UBND huyện Đông Anh cần có kinh phí hỗ trợ hằng năm cho các CLB. Thống kê, rà soát cơ sở vật chất của các CLB nghệ thuật trình diễn truyền thống để xây dựng dự trù và kế hoạch đầu tư cho các CLB như trang âm loa máy, trang phục biểu diễn, đạo cụ sân khấu… Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến nguồn lực kế cận; huy động các ban, ngành đoàn thể, các phòng ban chức năng như Phòng Giáo dục, Huyện Đoàn tuyên truyền sâu rộng trong thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên quan tâm đến nghệ thuật trình diễn truyền thống. Xây dựng kế hoạch đưa nghệ thuật trình diễn truyền thống vào học đường để phát hiện, tìm kiếm nhân tố để đào tạo, bồi dưỡng, truyền nghề.

Thứ sáu, thực hiện tốt công tác sưu tầm, kiểm kê bảo tồn những giá trị tiêu biểu của nghệ thuật trình diễn truyền thống. Sử dụng các tiện ích hiện đại của công nghệ thông tin để ghi âm, ghi hình các vở diễn, trích đoạn biểu diễn của các CLB để lưu làm tư liệu, số hóa dữ liệu.

Thứ bảy, chú trọng phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với nghệ thuật trình diễn truyền thống sẽ mở ra một hướng đi có nhiều triển vọng trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn truyền thống của huyện Đông Anh. Khách du lịch về với Đông Anh, ngoài những di tích danh thắng, họ còn được thưởng thức nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc. Đây chính là điều kiện mới và cũng là một hình thức để tuyên truyền, quảng bá các loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống trên địa bàn huyện Đông Anh.

3. Lời kết

Di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi địa phương, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống ở huyện Đông Anh có vai trò rất lớn trong đời sống văn hóa cộng đồng. Nó thể hiện việc gìn giữ được nét đẹp văn hóa đậm đặc và độc đáo, là vốn di sản văn hóa phi vật thể quý báu của địa phương, là niềm tự hào của mỗi người dân nơi có di sản.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết tại Thay lời tựa trong cuốn Địa chí Đông Anh: “Đông Anh một vùng đất có vị thế hết sức đặc biệt, luôn được chọn làm “điểm tựa” cho quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô và đất nước, một địa bàn đã trở thành biểu tượng, hằng số của lịch sử, văn hóa Việt Nam” (2). Các loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống ở huyện Đông Anh có giá trị đáp ứng nhu cầu tinh thần và thông qua đó nâng cao nhận thức chân lý, đánh thức những tình cảm ẩn chứa bên trong con người còn làm cho con người nhận thức về sự vật, sự việc một cách phong phú hơn, nhân văn hơn mối quan hệ văn hóa giữa con người với con người, giữa con người với thế giới thiên nhiên và hiểu được về cuộc sống lao động, sinh hoạt, ước mơ của người dân và truyền thống lịch sử của đất nước.

Thực tế cho thấy, các loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống đều mang chức năng nhận thức đời sống, bám sát hiện thực, gắn bó với đời sống, cổ vũ, biểu dương cho cái đẹp, cái thiện, đồng thời lên án, đấu tranh, phê phán những cái xấu, cái ác. Như vậy, trong quá trình phản ánh cuộc sống, nghệ thuật trình diễn truyền thống đã chính thức tham gia vào quá trình cải tạo và hoàn thiện cuộc sống. Vì thế, cùng một lúc nghệ thuật đã thực hiện các giá trị: giải trí, hiện thực, phản ánh đời sống xã hội, nhận thức và giáo dục con người trong xã hội.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn truyền thống có vai trò tuyên truyền giáo dục cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trên địa bàn huyện Đông Anh hiểu rõ về những phong tục tập quán tốt đẹp, truyền thống lịch sử của dân tộc, để từ đó có cái nhìn đúng đắn, có hành vi ứng xử, có trách nhiệm với quê hương đất nước, góp phần quan trọng trong “xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, “phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước”.

_________________

1. Ngô Đức Thịnh, Về các hiện tượng văn hóa phi vật thể, trong Nhiều tác giả, Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội, 2009, tr.36.

2. Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Đông Anh, Địa chí Đông Anh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.

Số liệu bài viết cập nhật đến hết năm 2022, nguồn: tác giả.

Tài liệu tham khảo

1. Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, 1998.

2. Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 về việc Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong những năm sắp tới, 2004.

3. Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, 2014.

4. Nhiều tác giả, Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội, 2009.

NGUYỄN THỊ PHONG ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023

;