Văn hóa bản địa ở các nước Đông Nam Á lục địa

Văn hóa Đông Nam Á ngày nay là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, giàu bản sắc. Nó là tổng hòa, đan xen của nhiều sắc màu văn hóa bao gồm cả văn hóa bản địa lẫn văn hóa ngoại lai do ảnh hưởng từ các cuộc giao lưu, tiếp biến văn hóa với Ấn Độ, Trung Quốc, Ả Rập và phương Tây. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp cận với một số đặc điểm của văn hóa bản địa ở các nước Đông Nam Á lục địa bao gồm: Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan

1. Khái quát về văn hóa bản địa Đông Nam Á

Rất nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa khu vực đều khẳng định Đông Nam Á có một nền văn hóa bản địa độc đáo. Văn hóa bản địa “là văn hóa tại chỗ, có nguồn gốc tại chỗ, do cư dân tại chỗ sáng tạo ra” (1). Ở Đông Nam Á, lớp văn hóa bản địa là lớp văn hóa cổ nhất tính từ khi con người xuất hiện ở khu vực này cho đến thế kỷ thứ nhất trước công nguyên - lớp văn hóa thuần khiết do cư dân Đông Nam Á tạo nên từ thời tiền sử và sơ sử trước khi người Đông Nam Á có tiếp xúc văn hóa với thế giới bên ngoài (2).

Không phải ngẫu nhiên, trong công trình Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, G. E. Coedes đã dành hẳn một chương sách để mô tả khái quát cơ sở hình thành và những nét chính của nền văn hóa bản địa Đông Nam Á. Theo tác giả, “…người ta có thể chỉ ra ở đây những nét đặc trưng của nền văn minh này, thí dụ như về mặt vật chất là canh tác ruộng nước, sự thuần dưỡng trâu bò, việc sử dụng một cách thô sơ các kim loại, kỹ xảo đi thuyền; về mặt xã hội, vai trò quan trọng của giới nữ và quan hệ nối dõi theo dòng mẹ, tổ chức xã hội xuất phát từ những nhu cầu thiết yếu của việc canh tác ruộng ngập nước; về mặt đời sống tôn giáo: tín ngưỡng vật linh, tục thờ cúng tổ tiên và thờ thần đất… Về mặt thần thoại, có một lưỡng nguyên về vũ trụ, đối lập núi với biển…; về mặt ngôn ngữ học, cách dùng những tiếng nói đơn âm, có được một khả năng phong phú để biến tấu như vào những tiền tố, hậu tố và trung tố” (3).

Ở Việt Nam, những công trình nghiên cứu về văn hóa Đông Nam Á của các học giả Phạm Đức Dương, Nguyễn Tấn Đắc, Mai Ngọc Chừ dựa trên nguồn tư liệu khảo cổ học, dân tộc học, thư tịch cổ đã gắng làm sáng tỏ nền văn hóa bản địa ấy. Nó nảy sinh trên cơ tầng văn minh nông nghiệp lúa nước. Nếu nhìn Đông Nam Á (rộng hơn là phương Đông) từ góc độ văn hóa học, có thể thấy: khác với người phương Tây (tồn tại trong môi trường giá lạnh, khí hậu khô, thực vật không thể phát triển, chỉ có những đồng cỏ mênh mông - sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi), người Đông Nam Á sống trong môi trường nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao, có những con sông lớn cùng các đồng bằng trù phú, thích hợp cho thực vật sinh trưởng nên sống thiên về nghề trồng trọt. Vì thế, loại hình văn hóa gốc của phương Tây là du mục, còn loại hình văn hóa gốc của Đông Nam Á là nông nghiệp (4). Loại hình văn hóa gốc nông nghiệp ở Đông Nam Á có những đặc trưng cơ bản sau:

Về cách ứng xử với môi trường tự nhiên, cư dân Đông Nam Á phụ thuộc rất nhiều vào trời, đất, nước… Vậy nên, trong mối quan hệ với tự nhiên, người Đông Nam Á luôn chú ý và đề cao sự hòa hợp.

Trong văn hóa nhận thức, do xuất phát từ nền nông nghiệp lúa nước, phải “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”… nên từ xa xưa, người Đông Nam Á đã hình thành lối tư duy tổng hợp, biện chứng. Những thứ mà người làm nông nghiệp quan tâm không phải là sự tồn tại riêng rẽ mà là quan hệ qua lại giữa chúng. “Tổng hợp” bao quát được mọi yếu tố; còn “biện chứng” chú trọng tới quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng.

Về mặt tổ chức cộng đồng, người Đông Nam Á sống theo nguyên tắc trọng tình, cư xử bình đẳng và dân chủ với nhau. Đó là nền dân chủ làng, xã (văn hóa làng, xã ra đời trước khi có nền quân chủ phong kiến và dân chủ tư sản). Văn hóa làng, xã với cấu trúc của nó suốt hàng ngàn năm lịch sử góp phần hình thành bản sắc của văn hóa Đông Nam Á. Hàng xóm sống lâu ngày với nhau phải tạo ra sự cố kết, hòa thuận trên cơ sở lấy tình nghĩa làm đầu… Lối sống trọng tình này tất yếu dẫn đến thái độ trọng đạo đức, trọng văn, đề cao người phụ nữ.

Trong ứng xử với môi trường xã hội, tư duy biện chứng và tổng hợp quy định thái độ mềm dẻo, dung hợp trong tiếp nhận thế giới xung quanh của người Đông Nam Á. Vì thế, về sau, khi tiếp xúc với những nền văn hóa khác, các dân tộc Đông Nam Á đã linh hoạt tiếp biến tinh hoa của những nền văn hóa ngoại lai để làm giàu cho nền văn hóa dân tộc mình, tạo ra động lực phát triển văn hóa xứ sở. Rất nhiều sắc màu văn hóa vốn có gốc gác khác nhau đã cùng tồn tại trong mỗi quốc gia và trong toàn khu vực là vì thế.

Thực tế trên đây cho thấy, khu vực Đông Nam Á có một nền văn hóa bản địa ở cả phương diện vật chất lẫn tinh thần. Và khi đề cập đến nền văn hóa này ở các nước Đông Nam Á lục địa thì ngoài những đặc trưng mang tính “mẫu số chung”, mỗi nước do vị trí địa lý và những đặc thù về lịch sử - văn hóa lại có những đặc điểm riêng.

2. Nền văn hóa bản địa ở các nước Đông Nam Á lục địa

Từ góc nhìn địa lý, khu vực Đông Nam Á ngày nay có hai vùng lãnh thổ khác nhau: một phần là Đông Nam Á lục địa bao gồm lãnh thổ các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam; phần còn lại là Đông Nam Á hải đảo bao gồm lãnh thổ các nước: Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei, Singapore và Đông Timo. Do vậy, bên cạnh những đặc điểm văn hóa chung của toàn khu vực thì các nước thuộc hai vùng lãnh thổ trên cũng ít nhiều có những nét khác biệt. Trong khi cư dân ở các nước Đông Nam Á hải đảo có truyền thống đi biển thì cư dân ở các nước Đông Nam Á lục địa lại thiên về làm nông nghiệp, nhất là nông nghiệp lúa nước. Chính loại hình văn hóa gốc nông nghiệp đã sản sinh ra những giá trị văn hóa tinh thần của cư dân Đông Nam Á lục địa trước khi họ có sự giao lưu, tiếp xúc với các quốc gia bên ngoài. Đó là các tín ngưỡng nguyên thủy như: tín ngưỡng đa thần giáo, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên...

Về tín ngưỡng đa thần giáo: người Đông Nam Á lục địa xưa kia là những cư dân làm nông nghiệp lúa nước nên đời sống hằng ngày của họ cũng như các công việc sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Với tính chất này, họ luôn sợ hãi và sùng bái các hiện tượng tự nhiên. Bởi họ tin rằng, tất cả mọi hiện tượng đó, nhất là hiện tượng tự nhiên cực đoan đều do thần linh sinh ra, tổ tiên của họ cũng là con cháu của thần. Từ đó, mỗi người dân cảm thấy có sự linh thiêng, huyền bí trong trời đất, trong tổ tiên ông bà của mình. Họ tự nguyện thờ cúng. Sự thờ cúng ấy lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, dần dần trở thành tín ngưỡng. Theo GS Mai Ngọc Chừ: “Ở Myanmar, Lào, Campuchia…, đồng thời với việc thờ thần Nước, người ta còn thờ cả thần Sông - vị thần giữ vai trò chính trong việc cung cấp nước cho đồng ruộng. Ngoài ra, liên quan đến nước là các hiện tượng mây, mưa, sấm, chớp và các hiện tượng này cũng đóng một vai trò đáng kể trong đời sống cư dân nông nghiệp. Do đó, các vị thần Mưa, thần Sấm, thần Chớp, thần Gió cũng được tôn thờ ở mọi nơi” (5).

Về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên: xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh” và nhớ ơn tổ tiên, mong nhận được sự hỗ trợ từ phía các thế lực siêu nhiên mà các cư dân Đông Nam Á lục địa duy trì tục thờ cúng tổ tiên.

Ở Campuchia, hằng năm vào tháng 9 dương lịch có lễ Đôn Tà (Prôchungbân) với quan niệm đó là thời gian ông bà tổ tiên được lên thăm con cháu trong vòng 15 ngày (6). Đây là một trong những lễ hội thường niên lớn nhất của người Campuchia. Theo đó, các gia đình làm bánh dâng lên tổ tiên thể hiện sự thành kính của mình đối với người đã khuất và mong muốn được tổ tiên phù hộ độ trì trong cuộc sống cũng như công việc.

Ở Lào, người dân quan niệm mọi vật đều có linh hồn, ai đó dẫu mất đi thì linh hồn vẫn tồn tại. Những linh hồn này nhập vào một vật thể nào đó mang uy lực thì trở thành vật thiêng. Con ma (phỉ) có thể giúp đỡ hoặc cũng có thể gây hại cho con người nên đã hình thành hai khái niệm “phỉ đi” (ma lành) và “phỉ hại” (ma dữ) (7). “Phỉ đi” là ma bản, ma nhà (ông bà, cha mẹ, người có công) thường trú quanh nhà, bản mường để che chở, bảo vệ con cháu.

Ở Thái Lan, việc thờ cúng ông bà tổ tiên không tiến hành trong từng gia đình mà cả làng xóm. Đến ngày tế lễ, mọi người sinh sống trong xóm làng đều quy tụ về một địa điểm chung nào đó để cùng tham dự. Lễ vật chủ yếu là gà, rượu, xôi, nước... Việc tế lễ thường do một người cao tuổi, có đạo đức, đảm nhiệm vai trò trung gian liên lạc giữa ông bà tổ tiên với người dân trong xóm làng tiến hành (8).

Bên cạnh các tín ngưỡng nói trên thì hệ thống thần thoại, truyền thuyết bản địa phong phú cũng biểu hiện cho đời sống văn hóa tinh thần của người Đông Nam Á thời tiền - sơ sử dựa trên loại hình văn hóa gốc nông nghiệp gắn với việc trồng cây lúa nước là chủ yếu.

Khi khảo sát thần thoại các nước Đông Nam Á, chúng tôi thấy nổi bật hơn cả là các truyện giải thích nguồn gốc con người và các nhân vật văn hóa.

Về mảng thần thoại giải thích nguồn gốc con người: hầu hết các dân tộc Đông Nam Á lục địa đều giải thích nguồn gốc con người sinh ra từ cây cối. Thần thoại Lào giải thích: Tất cả các tộc người trên đất Triệu Voi đều chui ra từ quả bầu mẹ (9). Người Lào Thơng sinh ra trước, rồi đến người Lào Lùm, chui ra sau cùng là người Lào Xũng.

Ở các nước Đông Nam Á lục địa, khi đề cập đến cây cối, không thể không nhắc tới vai trò của cây lúa. Không phải ngẫu nhiên mà trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây, bên cạnh mảng thần thoại về nguồn gốc tộc người (từ cây cối sinh ra) còn có mảng thần thoại về nhân vật văn hóa liên quan đến quá trình con người thuần dưỡng cây lúa. Dưới đây là một câu chuyện trong số đó: “Có anh thanh niên dũng cảm muốn lên thiên đình xem trên đó người ta làm gì. Anh ta cưỡi lên một con ngựa có cánh và bay vào một làng ở chín tầng mây. Anh nhìn thấy mặt trời đang làm khô thóc. Anh không biết đó là lúa nên mới hỏi một người dân trên thiên đình: Cái gì thế này? Người trời ngạc nhiên vì sự ngờ nghệch của anh ta nên hỏi lại: “Anh từ đâu đến? Anh không phải là cư dân ở đây à?”. Anh thanh niên đáp: “Tôi từ hạ giới lên”. Người trời mách anh thanh niên đến gặp thần Pue Lamola. Thần tiếp niềm nở, mời anh ăn cơm. Món cơm làm anh thanh niên ăn thấy ngon miệng, thích thú. Anh ngỏ ý xin thần đem một ít lúa xuống mặt đất. Thần không cho. Khi anh đi qua đám thóc đang phơi thì một số hạt mắc vào chỗ da nẻ ở gót chân anh. Anh đem những hạt thóc ấy về. Bấy giờ, lúa được gieo trồng khắp chốn dưới trần gian” (10).

Từ câu chuyện trên, chúng ta thấy cả một quá trình tiến hóa: con người từ chỗ sống bằng săn bắt, hái lượm đã biết canh tác lúa, hình thành nền văn hóa/ văn minh nông nghiệp. Kho tàng thần thoại ở các nước Đông Nam Á lục địa còn có những truyện về sự tích cây lúa, giải thích tại sao ngày xưa hạt lúa to, tự đi về nhà không phải gặt hái mà bây giờ hạt lúa lại nhỏ và cứ ở ngoài đồng, không tự động đi về nhà. Nhiều văn bản truyện khác thì nói về các tục lệ thờ cúng cây lúa cũng như những nghi lễ nông nghiệp liên quan trực tiếp đến quá trình sinh trưởng và thu hoạch loại cây lương thực chính này. Tiêu biểu và sống động nhất có lẽ là nghi lễ vun thóc (Khun khảu nay lan), lễ mừng cơm mới (Bun Khau chì) ở Lào... Nghi lễ vun thóc được tiến hành khi lúa đã đập xong và vun thành đống ở ngoài sân. Nghi lễ này bắt nguồn từ một truyện cổ kể về người anh không làm lễ chín lần trong một vụ lúa nên thất bát, còn người em làm đủ nên bội thu. Người em sống sung túc nhưng vẫn không quên các nghi lễ thờ cây lúa (11).

Có thể thấy, cư dân Đông Nam Á nói chung và cư dân các nước Đông Nam Á lục địa nói riêng đã sáng tạo ra nền văn hóa/ văn minh nông nghiệp mà thành tựu rõ nhất là nền nông nghiệp lúa nước. Tại đây, người ta đã trồng được các loại cây như: bầu, khoai, chuối, mít, cọ, tre… Trong đó, lúa là cây lương thực quan trọng nhất. Sự xuất hiện của cây lúa không chỉ giải quyết vấn đề lương thực cho con người lúc bấy giờ mà còn dẫn đến những biến đổi sâu sắc trên các phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội Đông Nam Á.

3. Kết luận

Hiện nay, trong dòng chảy của văn hóa, văn minh nhân loại thì các nước Đông Nam Á nói chung, Đông Nam Á lục địa nói riêng có một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, giàu bản sắc. Trên nhiều phương diện, có thể nói, những yếu tố thuộc đời sống văn hóa tinh thần chính là nền tảng, truyền thống, tập quán của cư dân Đông Nam Á lục địa trước khi có sự giao lưu, tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Về sau, khi tiếp nhận ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, Ả Rập, phương Tây… các yếu tố văn hóa bản địa đó sẽ biết tích hợp những giá trị phù hợp để tạo nên một bức khảm văn hóa Đông Nam Á đặc sắc như chúng ta đã thấy!.

_______________

1. Nguyễn Tấn Đắc, Văn hóa Đông Nam Á, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2005.

2. Nguyễn Đức Ninh (chủ biên), Xây dựng cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013, tr.13.

3. George Coedes (Nguyễn Thừa Hỷ dịch), Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2011, tr.40-41.

4. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008, tr.21-22.

5. Mai Ngọc Chừ, Văn hóa Đông Nam Á, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.124.

6. Lương Thị Thoa - Nguyễn Thị Kiều Trang, Tìm hiểu tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở các quốc gia Đông Nam Á, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4, 2006, tr.41.

7. Tôn giáo tín ngưỡng Lào, yeutienglao.blogspot.com, 8-8-2014.

8, 10. Đức Ninh (chủ biên), Về một số vấn đề văn hóa dân gian Đông Nam Á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008, tr.159-160, 66.

9. Nhiều tác giả, Văn học các nước Đông Nam Á, Viện Đông Nam Á xuất bản, 1983, tr.65.

11. Quế Lai, Ngô Văn Doanh, Nguyễn Đức Ninh, Nguyễn Hào Hùng, Tìm hiểu văn hóa Lào, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1995, tr.47.

TS HÀ THỊ ĐAN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023

;