Về một vấn đề của Chiến lược văn hóa: Để văn hóa thực sự trở thành động lực phát triển

Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, ngoài những vấn đề quan thiết khác, cặp phạm trù đồng hành văn hóa và phát triển đã, đang và sẽ trở thành một vấn đề quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều khu vực, quốc gia cộng đồng, gia đình, cá nhân… Thông điệp xuyên suốt của UNESCO về vai trò ngày càng to lớn, quan trọng, mạnh mẽ của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở tầm quốc gia hay liên quốc gia; thực tiễn sinh động và khắc nghiệt của sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở phạm vi mỗi quốc gia hay toàn nhân loại những năm vừa qua đã minh chứng một sự thật hùng hồn rằng: không thể phát triển kinh tế - xã hội một cách lành mạnh, bền vững nếu sự phát triển ấy không dựa trên động lực văn hóa, không nhằm vào mục tiêu văn hóa và không dựa trên nền tảng tinh thần của xã hội - tức văn hóa.

 

     1. Quan điểm về văn hóa và phát triển

     Có thể nói, sự gặp gỡ giữa quan điểm của UNESCO mang tính phổ quát nhân loại và quan điểm của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và chính sách trong Chiến lược phát triển văn hóa quốc gia là một sự hòa quyện tất yếu, thống nhất khẳng định vai trò, vị thế, tác động lớn hơn của văn hóa đối với phát triển nói chung, phát triển kinh tế - xã hội nói riêng, trong bối cảnh mới. Và, việc Đảng, Nhà nước Việt Nam kế thừa truyền thống văn hóa, kế thừa sự phát triển quan điểm văn hóa, khẳng định việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đề cao phát triển văn hóa gắn với xây dựng con người, xét đến cùng, là xây dựng một nền văn hóa tổng thể, giữ vai trò “là nền tảng tinh thần của xã hội; vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” (1) là một đổi mới tư duy văn hóa, đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn văn hóa. Và, như đã thấy về mặt lý luận phát triển văn hóa cũng như thực tiễn hoạt động văn hóa nhiều năm qua, định hướng then chốt này đã mở ra một bầu không khí mới cho sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội, tạo chất xúc tác tích cực đến quá trình đổi mới tư duy văn hóa và thực hành văn hóa trên phạm vi toàn quốc, ở các cấp, các ngành, trung ương và địa phương… trên cả hai chiều tương tác: văn hóa là mục tiêu của sự phát triển, đồng thời, văn hóa cũng là động lực của sự phát triển, trong đó có phát triển kinh tế - xã hội.

     Cho đến thời điểm này, chúng ta rất dễ thống nhất và đồng thuận với phương diện thứ nhất, văn hóa là mục tiêu của sự phát triển xã hội. Bởi lẽ, như đã biết, thực tế phát triển xã hội ở nhiều nước, trên các phương diện chính trị, kinh tế…, trong nhiều thời kỳ đã cho thấy mọi sự phát triển, mọi mô hình phát triển, mọi phương thức và hình thức phát triển, nếu không dựa trên văn hóa như nền tảng tinh thần, không dẫn đến văn hóa như mục tiêu cuối cùng, thì hầu như đều khập khiễng, thiếu hoàn thiện, thiếu bền vững và phải trả giá đắt. Quan trọng hơn, coi văn hóa là mục tiêu phát triển là bởi văn hóa do con người sáng tạo ra, dưới dạng những hoạt động sản xuất đặc thù nhằm cung cấp năng lượng tinh thần cho con người, chi phối toàn bộ hoạt động trong cuộc đời con người, làm cho con người ngày càng hoàn thiện, xã hội ngày càng phát triển văn minh.

     Ở phương diện thứ hai, văn hóa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, sự băn khoăn không phải là vấn đề tại sao văn hóa lại là động lực mà chính là câu hỏi làm thế nào để văn hóa thực sự trở thành động lực phát triển xã hội trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế. Thực ra, không ít nghiên cứu, không ít cuộc khảo sát ở những cấp độ khác nhau đã đưa ra những lời đáp chấp nhận được trước câu hỏi này. Tuy nhiên, để có câu trả lời thực sự thuyết phục cho vấn đề văn hóa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở rất nhiều nội dung, bình diện, vấn đề mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, Chiến lược phát triển văn hóa quốc gia… đề cập đến là một việc làm không đơn giản. Vì thế, cho đến nay, sau nhiều năm thực hiện có trách nhiệm nhằm đưa tinh thần các Nghị quyết và Chiến lược đi vào cuộc sống, nhiều vấn đề về việc xây dựng và phát triển văn hóa đặt ra vẫn chưa đạt được tầm cỡ mà lẽ ra nó phải có, trong đó có vấn đề làm thế nào để văn hóa thực sự trở thành động lực phát triển đất nước.

     Ở đây, để thêm một chút dữ liệu trả lời câu hỏi đó, chúng tôi đề cập tới hai vấn đề hết sức quan trọng, góp phần tăng cường tính chất động lực của văn hóa đối với phát triển: đó là xã hội hóa văn hóavăn hóa phát triển nguồn lực con người.

     Trước khi đề cập tới hai khía cạnh quan trọng này, cũng cần nhắc lại một điều: toàn bộ quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam đã thể hiện cách nhìn về một văn hóa tương lai, gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với cơ chế thị trường và những vấn đề nảy sinh phức tạp trong xu thế toàn cầu hóa. Ở đó, nổi bật quan niệm rộng về vị thế và nội hàm văn hóa, nhận thức sâu về phương pháp lãnh đạo, quản lý văn hóa; và thể chế hóa thích hợp đường lối, chủ trương, chính sách bằng các chương trình hành động văn hóa, phong trào thi đua văn hóa, hệ thống thiết chế văn hóa… Chính sự đồng bộ này tạo nên những thành quả văn hóa cụ thể, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nền tảng tinh thần xã hội.

     2. Văn hóa thể hiện vai trò động lực qua chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa

     Đây là một nội dung quan trọng về văn hóa, được đề cập lần đầu trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (2). Đến nay, có thể nói, từ tư cách một giải pháp xây dựng chính sách văn hóa, xã hội hóa hoạt động văn hóa đã triển nở nội hàm, mở rộng phạm vi và tầm quan trọng, trở thành một chủ trương, chính sách lớn, nhất quán, chi phối toàn bộ hoạt động văn hóa xã hội ở nước ta.

     Xã hội hóa văn hóa thực ra là gì? Trong bối cảnh hoạt động văn hóa những năm khó khăn, và cả hiện nay, xã hội hóa văn hóa chứa đựng một ý nghĩa khá giản dị: đó là chủ trương, phương thức, chính sách, hành động nhằm tạo sự quan tâm mạnh mẽ của toàn xã hội đối với văn hóa; thu hút trí lực, nhân lực, vật lực của toàn xã hội để thúc đẩy hoạt động văn hóa phát triển lên một bước mới theo hướng biến đổi về nội dung và hình thức, số lượng và chất lượng. Nói đơn giản hơn, đó là một lời hiệu triệu toàn xã hội, tùy vào sức mình, chung tay đóng góp trí tuệ, nhân lực, của cải, kinh phí, tấm lòng…để quản lý, phát triển sự nghiệp văn hóa nước nhà. Sự ra đời chủ trương đó không chỉ bởi hoàn cảnh kinh tế của nước ta khó khăn, Nhà nước không thể bao cấp toàn bộ và lâu dài mà còn bởi, bước vào cơ chế thị trường, chúng ta nhận ra rằng có những lĩnh vực, những hoạt động văn hóa không nhất thiết cần có sự quản lý của Nhà nước mà thích hợp với cơ chế tự quản của cộng đồng người dân, của xã hội. Vì hai lý do đó mà vấn đề xã hội hóa văn hóa được đặt ra và nhấn mạnh như một hình thức và biện pháp mới để tác động vào đời sống hoạt động văn hóa tuy bước vào cơ chế kinh tế thị trường đã hơn chục năm, nhưng còn nấn ná với phương thức hoạt động bao cấp, xin cho còn rơi rớt. Và, điều bất ngờ là từ một giải pháp tình thế, xã hội hóa nói chung, xã hội hóa văn hóa nói riêng, khi đi vào cuộc sống, lan tỏa vào từng lĩnh vực đời sống xã hội đã thể hiện được tính đúng đắn và thích ứng nhanh của nó khi đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của hoạt động văn hóa và mặc nhiên tự nâng tầm thành một chủ trương lớn, một phong trào vận động văn hóa toàn diện và sâu sắc.

     Có thể nói, thành tựu to lớn, nhiều mặt của phong trào toàn dân thực hiện xã hội hóa văn hóa là không thể phủ nhận. Từ chỗ Nhà nước hoàn toàn quản lý các hoạt động văn hóa đến chỗ Nhà nước và nhân dân cùng làm văn hóa là một bước chuyển về chất của nền văn hóa, của hoạt động văn hóa theo hướng xã hội hóa, có lợi cho cả Nhà nước và người dân. Từ chỗ các hoạt động văn hóa cứng nhắc, kế hoạch hóa, cầm chừng đến chỗ các hoạt động văn hóa bừng nở, đa dạng, phong phú, đầy cảm hứng… cũng là một bước chuyển cả về lượng và chất của nền văn hóa, của hoạt động văn hóa đổi mới. Chưa có những thống kê thật chính xác, toàn diện những thành tựu văn hóa có được nhờ vào chủ trương, phong trào, giải pháp xã hội hóa hoạt động văn hóa, nhưng rõ ràng, quan sát thực tiễn văn hóa, chúng ta rất dễ nhận rõ sự phát triển sâu, rộng của tất cả các lĩnh vực văn hóa từ khi thực hiện phương thức này. Do vậy, cần khẳng định rằng, văn hóa đã thể hiện vai trò động lực của mình qua chủ trương xã hội hóa văn hóa và thực sự đã thúc đẩy rất nhanh sự phát triển văn hóa, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội.

     3. Văn hóa thể hiện vai trò động lực qua việc phát triển nguồn nhân lực

     Có thể nói, trong các phương thức tác động của văn hóa một cách gián tiếp (thông qua việc tác động lên các động lực trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội mà thể hiện vai trò động lực của mình), phương thức thể hiện mối quan hệ giữa văn hóa và con người được đặc biệt chú trọng. Quả thật, khi nói văn hóa là động lực của sự phát triển thì đó chính là sự khẳng định vai trò con người, vai trò nguồn nhân lực, bởi, xét đến cùng, mọi sự phát triển đều do con người tạo ra, quyết định, chi phối. Văn hóa, hoặc nhân cách văn hóa, chính là nhân tố chính khơi dậy và nhân lên mọi tiềm năng sáng tạo của con người, mọi nguồn lực nội sinh to lớn trong một cá nhân, một cộng đồng người, cả xã hội loài người, góp phần vào sự phát triển xã hội ở những không gian, thời gian khác nhau. Nhận rõ sức mạnh to lớn của văn hóa như một động lực phát triển nguồn lực con người, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương… biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển” (3). Đồng thời, Đảng ta khẳng định cụ thể hơn: “Mọi hoạt động văn hóa nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách (4). Đây thực sự là một quan niệm đúng, một sự đánh giá cao vai trò quyết định của văn hóa đối với việc phát triển xã hội và con người.

     Trước đây, trong xã hội chưa phát triển, để phát triển kinh tế - xã hội, các nhà lãnh đạo, quản lý thường nhấn mạnh và khai thác yếu tố lao động cơ bắp, lao động chân tay của con người. Ngày nay, trong bối cảnh của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, cách mạng tri thức, thì yếu tố quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội là trí tuệ, công nghệ thông tin, là sự sáng tạo và đổi mới không ngừng sức mạnh tri thức, sức mạnh văn hóa của con người nhằm tạo ra nhanh nhất, nhiều nhất, tốt nhất những giá trị vật chất và tinh thần, đáp ứng nhu cầu của con người và nhu cầu phát triển xã hội. Như vậy, ngày nay, vai trò của con người được đề cao hơn lúc nào hết, “con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển” (5). Trong đó, văn hóa chính là thiên nhiên thứ hai, nơi chứa đựng toàn bộ sức mạnh bản chất, tinh hoa, trí tuệ, phẩm chất, ý chí, năng lực, khát vọng, niềm tin của con người. Và khi văn hóa hiện thực hóa tất cả những sức mạnh bản chất của con người cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội thì chính là lúc văn hóa thể hiện vai trò động lực của phát triển, bắt đầu từ con người - chủ thể và trung tâm của sự phát triển - như là điều kiện tiên quyết, cơ sở vững chắc để lan tỏa, kết nối các nguồn lực khác (như vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, vốn, tư liệu sản xuất, thông tin, công nghệ…) thể hiện và phát huy vai trò của chúng trong phát triển kinh tế xã hội.

     Như vậy, trên bình diện chung, chúng ta có thể đồng thuận quan điểm văn hóa thực sự có vai trò động lực trong sự phát triển nguồn lực con người. Trên bình diện riêng của sự nhìn nhận về con người, có thể thấy vai trò động lực của văn hóa đối với sự phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh mới ở một vài khía cạnh cụ thể sau:

     Về mặt nhận thức, lý trí, tri thức, văn hóa góp phần hoàn thiện nhận thức, chuyển đổi tư duy, nâng cao hiểu biết của mỗi người, mỗi cộng đồng người trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội…

     Về mặt lối sống, phong cách tư duy, phương thức hành động, văn hóa góp phần quy định hiệu quả, chất lượng sáng tạo của mỗi cá nhân, cộng đồng qua việc trang bị phương thức tư duy, phương thức hoạt động cho con người.

     Về đạo đức, tâm lý, tính cảm, văn hóa góp phần bồi dưỡng những tư tưởng đúng đắn, tình cảm cao đẹp cho con người, đồng thời loại bỏ những nhu cầu không lành mạnh ở con người. Những trạng thái tình cảm tích cực như tình yêu thương con người, sự căm ghét cái ác… không chỉ thể hiện trình độ phát triển nhân cách mà còn là những yếu tố kích thích khát vọng của con người trong lao động sáng tạo, trong khẳng định cái đẹp, cái thiện, chống cái xấu, cái ác, thúc đẩy phát triển xã hội.

     Như vậy, văn hóa hóa thân vào con người thông qua tri thức, trí tuệ, đạo đức, phong cách, trình độ, năng lực hoạt động…, góp phần xây dựng, phát triển con người toàn diện, hài hòa, trở thành nền tảng, động lực và nguồn lực nội sinh làm tăng trưởng mọi hoạt động của con người và xã hội.

     4. Kết luận

     Từ hai vấn đề không hẳn lớn, vấn đề văn hóa như một động lực thông qua quá trình xã hội hóa văn hóa và văn hóa như là động lực phát triển nguồn lực con người, chúng tôi đã nêu vài lý giải và khẳng định tầm quan trọng, vai trò, vị trí to lớn của văn hóa với tư cách động lực phát triển đất nước. Không chỉ với hai vấn đề này, nhiều vấn đề vĩ mô và vi mô trong quan điểm, chính sách về văn hóa của Đảng và Nhà nước, cho đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự và sức sống mãnh liệt của nó.

     Những vấn đề đó đã lan rộng, thấm sâu vào từng tế bào xã hội, từng thiết chế xã hội, tạo thành nguồn sức mạnh văn hóa toàn dân, toàn diện, góp phần văn hóa hóa toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo thành động lực nâng tầm và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế xã hội ở nước ta nhiều năm qua. Và, chỉ với sự phát triển của phong trào xã hội hóa văn hóa rộng lớn toàn xã hội, với điểm nhấn văn hóa trong kinh tế, kinh tế trong văn hóa, với sự phát triển, nâng cao tầm vóc bản chất xã hội của con người Việt Nam nói chung, nguồn lực con người nhiều trí tuệ, giàu cảm xúc lành mạnh nói riêng, có thể khẳng định văn hóa, ngoài vị thế là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đã thực sự trở thành động lực to lớn của sự phát triển đất nước theo tinh thần dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

     Và việc chúng ta cần làm hiện nay là tiếp tục chuẩn hóa, cụ thể hóa những khái niệm, nội dung, vấn đề hết sức đúng đắn, phong phú được đặt ra, trong đó có vấn đề mở rộng xã hội hóa văn hóa và gia tăng nguồn lực con người; đồng thời thực hiện chúng ở những bước đi mới cao hơn, chất lượng và hiệu quả hơn, để văn hóa không chỉ là nền tảng, mục tiêu mà còn thực sự trở thành động lực quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội văn minh, tiến bộ.

_______________

     1, 2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.53-55.

     4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.114.

     5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.76.

 

Tác giả: Phạm Vũ Dũng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019

 

;