Mối quan hệ giữa nghệ thuật tranh tường và không gian nội thất

Vẽ tranh tường nội thất ngày nay đã trở thành xu hướng phát triển ở khắp mọi nơi. Nghệ thuật thiết kế tranh tường có khả năng biến những bức tường khô cứng trở thành các tác phẩm có cảm xúc và đối thoại với con người. Trong sự phát triển liên tục của kinh tế và xã hội hiện đại, nhu cầu được sống trong các không gian đẹp của con người ngày càng được nâng cao. Bởi vậy, nghệ thuật thiết kế càng có nhiều mẫu mã đa dạng, tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa không gian nội thất với không gian môi trường, biến đổi không gian kiến trúc thành một nơi thân thiện và gần gũi với những người sống trong đó. Theo mối quan hệ qua lại giữa không gian nội thất với môi trường và nghệ thuật tranh tường với con người, nghiên cứu chủ yếu phân tích giá trị ứng dụng của nghệ thuật thiết kế tranh tường đối với không gian nội thất có con người.

Tác phẩm tranh tường giúp mở rộng không gian nội thất - Nguồn: Họa sĩ Vũ Lê

Con người không ngừng thay đổi quan niệm, luôn luôn mong muốn được sống và trang trí ngôi nhà đẹp hơn, được bảo vệ, bao bọc và đồng nhất bởi không gian xung quanh. Tuy nhiên, khác xa với thực tế này, các thành phố xây dựng nhiều công trình cao tầng, khiến cho không gian trở nên khô cứng, vô cảm. Có rất nhiều nhà tư tưởng, nghệ sĩ đã khẳng định quyền tự do nghệ thuật đối với môi trường đô thị, nhà ở như một giải pháp cho vấn đề này. Các nghệ sĩ hành động để làm đẹp, làm dịu kiến trúc, không gian sống bằng sự mềm mại của nghệ thuật. Mục đích thiết yếu của việc vẽ tranh tường là nắm bắt bản chất và tính cách của chủ nhân ngôi nhà để đáp ứng nhu cầu chức năng và thẩm mỹ của không gian nội thất, do đó, cần phân tích việc ứng dụng của nghệ thuật tranh tường trong trang trí nội thất hiện nay.

1. Khái quát về nghệ thuật tranh tường trong trang trí nội thất

Nghệ thuật tranh tường là một loại hình nghệ thuật vẽ trên tường có mối liên hệ sâu sắc với các công trình kiến trúc và trang trí trên đó, đồng thời tác động tới thị giác trong ngành Trang trí hiện nay. Thuật ngữ tác phẩm nghệ thuật tranh tường để chỉ một tác phẩm độc đáo được tạo ra thông qua kỹ thuật thủ công và tập trung vào tính thẩm mỹ, gợi lên cảm xúc, kích thích suy nghĩ ở người xem.

Sự phát triển của nghệ thuật tranh tường bắt đầu từ những bức tranh trong các hang đá thời cổ đại. Từ buổi bình minh của nền văn minh, những bức tranh tường trong hang đá đã thể hiện phong cách sống và công việc hằng ngày bằng đủ loại mô hình trực quan. Những bức tranh tường hang động sớm nhất có niên đại hơn 40.000 năm, mô tả các dạng hình học đơn giản hoặc dấu ấn của lòng bàn tay. Dần dần, những hình dạng và màu sắc thô sơ bắt đầu nhường chỗ cho những mô tả chi tiết hơn, như săn bắn, sức mạnh của mẹ thiên nhiên, các nghi thức và nghi lễ...

Tác phẩm tranh tường thể hiện cá tính mới lạ - Nguồn: Họa sĩ Thành Công

Vào khoảng đầu TK XIV-XV, các công trình vẽ tranh tường đạt đến đỉnh cao được thực hiện bởi các họa sĩ Michenlangelo và Leonardo Da Vinci, phổ biến nhất vào những năm 1920 về chủ đề tình yêu, câu chuyện của Chúa, Thánh, cây cỏ, mây trời… Nhờ đấy mà những công trình đơn điệu trở nên tôn nghiêm, được lưu truyền rộng rãi trên thế giới. Những năm 1970, văn hóa Graffiti xuất hiện ở New York và trở thành trào lưu, càn quét mọi diện tích, mọi không gian công cộng trên các bức tường ở các đường phố, tàu điện ngầm. Sau này, Graffiti đã được các nhà thiết kế trang trí trong không gian gia đình, phòng khách, phòng làm việc… các họa tiết Graffiti được vẽ trang trí trên đồ nội thất, gạch men, đồ trang trí, vải...

Nghệ thuật tường phát triển phụ thuộc vào công trình kiến trúc, nó đạt được sự thống nhất hài hòa về chức năng và không gian cùng sự phối hợp của nghệ thuật tranh tường. Theo sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu ngày càng cao về đa dạng hóa không gian sống và sự kế thừa, phát huy văn hóa đặc sắc Việt Nam. Đòi hỏi người nghệ sĩ phải nỗ lực nhiều hơn cho việc nghiên cứu trang trí không gian nội thất đặc biệt là tranh tường đa dạng. Kỹ thuật trang trí làm cho bức tường trở nên có sức sống và đóng vai trò trang trí trong việc nâng cao thẩm mỹ cho không gian nội thất, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người tiêu dùng hiện đại (1).

Ngay từ thời nguyên thủy, con người đã tạo ra không gian đầy sức sống, tô điểm cho nó bằng nhiều hình ảnh và màu sắc khác nhau. Chứng tỏ con người lúc này đã hình thành ý thức thẩm mỹ cho chính mình, cho không gian sống. Ví dụ: bức tường của một ngôi nhà không chỉ đóng vai trò ngăn chia không gian mà còn thể hiện tính trang trí cho nó. Nội dung trang trí trên bức tường trở thành phương tiện truyền tải văn hóa, xã hội, lồng ghép vào môi trường hay cho thấy sở thích, cá tính và sự khác biệt của chủ nhà. Ngày nay, với sự phát triển của xã hội hiện đại, sự phát triển của tranh tường trở nên đa dạng hơn và phong phú giúp con người được giải phóng bản thân, giải phóng ý tưởng, tập trung vào chủ nghĩa cá nhân. Tranh tường mang đến ý nghĩa nghệ thuật phong phú đi kèm với sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Nghệ sĩ thực hiện sự đổi mới, khéo léo sử dụng các phương pháp thể hiện để cống hiến, kế thừa cảm xúc thông qua nghệ thuật vẽ tranh tường, làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ và giá trị văn hóa của nghệ thuật này.

2. Giá trị của nghệ thuật tranh tường trong không gian nội thất

Những bức tường đi kèm màu sơn nội thất trở nên đơn điệu đã được các nhà thiết kế tạo cho không gian nội thất có điểm nhấn, mới mẻ và có tính thẩm mỹ cao. Ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc trang trí các bức tường của mình và mong muốn biến nó trở nên độc đáo. Để đáp ứng được sự quan tâm này, nhiều họa sĩ vẽ tranh tường thể hiện các chủ đề khác nhau phù hợp với nhiều không gian khác nhau: nhà hàng khách sạn, câu lạc bộ, quán cà phê, spa, không gian thương mại, trung tâm triển lãm, chùa, nhà thờ…

Sự tương tác của nghệ thuật tranh tường và không gian nội thất

Không gian nội thất được bao bọc bởi các yếu tố hình học như tuyến, diện, khối và chúng ta hình dung không gian là một cái gì đó trống rỗng. Nhưng trong nghệ thuật, vẻ đẹp của không gian nội thất đến từ nhận thức của con người về thị giác, thính giác và xúc giác. Chức năng thiết yếu nhất của nghệ thuật trang trí tranh tường là thiết lập một môi trường và không gian thực sự phù hợp cho nơi ở của con người, để thỏa mãn xúc giác, thị giác và thính giác của mọi người. Trong số đó, nhận thức trực quan rất quan trọng đối với nhận thức về không gian nội thất thông qua xúc giác để nhận biết, xác định bản chất và thuộc tính của sự vật, chẳng hạn như chất liệu hoặc chủng loại…          

Tranh tường trên mái vòm của Thánh đường St.Peter’s Basilica ở Vatican - Nguồn: tác giả

Nghệ thuật tranh tường có thể mở rộng kết cấu và kích thước hoặc thu hẹp một không gian nội thất. Không gian bên trong công trình kiến trúc luôn bị giới hạn, khống chế vì thế luật phối cảnh trong nghệ thuật giúp tạo ra không gian nội thất vô tận, không bị giới hạn và phát triển thành các hướng khác nhau. Nghệ thuật tranh tường có thể phản ánh, tương tác và khuếch đại môi trường xung quanh khiến người xem đắm chìm trong môi trường của họ. Tác phẩm về công trình kiến trúc, phong cảnh có thể cung cấp thêm yếu tố ba chiều giúp tăng chiều sâu cho không gian. Bối cảnh trong tranh được nhấn mạnh về chiều sâu, kích thước thu nhỏ dần tạo cảm giác không gian như kéo dài. Những tác phẩm có nhiều họa tiết, thêm các yếu tố cảm xúc phù hợp cũng có thể thay đổi thị giác lấp đầy căn phòng trống trải bằng sự hiện diện của tranh tường.

Nghệ thuật tranh tường trong không gian thể hiện một loại ý thức thẩm mỹ sau khi vật chất hóa. Điều quan trọng nhất là làm cho không gian trở nên thú vị cho mọi người về thể chất và tinh thần. Mục đích con người sáng tạo không gian bên trong là để nắm bắt tâm lý của mình, điều này đòi hỏi phải sáng tạo ra phương pháp, phương tiện tương ứng. Vì vậy, trên cơ sở thỏa mãn nhu cầu của con người thì thẩm mỹ của bản thân phải tốt. Nội thất với trang trí tường phải phản ánh giá trị riêng, tạo hiệu ứng không gian, đồng thời thể hiện cây cầu nghệ thuật cụ thể thông qua giao tiếp không gian và hình thức.

Sức hấp dẫn nghệ thuật tranh tường với không gian nội thất

Tranh tường là vật trang trí và tách biệt toàn bộ môi trường không gian, nhằm thể hiện nét quyến rũ nghệ thuật của toàn bộ không gian ở mức độ lớn và tạo ra bầu không khí trải nghiệm. Về chức năng, việc trang trí tranh tường không làm thay đổi đáng kể vai trò của bức tường trong không gian và việc sử dụng không gian mà nó sẽ có tác dụng thẩm mỹ khác nhau ở các không gian và môi trường khác về mặt thẩm mỹ, sau đó thúc đẩy mọi người tiến hành giao tiếp cảm xúc và mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau về không gian.

Tác phẩm tranh tường với hình ảnh thiên nhiên mát mẻ - Nguồn: Họa sĩ Đỗ Tiến Đạt

Thánh đường St. Peter’s Basilica ở Vatican được coi là cổ kính và lớn nhất thế giới do kiến trúc sư Donato Bramante thiết kế đã biến mái vòm thành một phần mở rộng của tòa nhà. Trên mái vòm vẽ những hình ảnh cao bất tận dẫn thẳng lên trời. Với sự trợ giúp của không gian hạn chế, ông đã thể hiện một không gian vô tận, vượt qua phạm vi giới hạn ban đầu. Về mặt nghệ thuật hay nội dung, hiệu ứng nghệ thuật được trình bày đều phù hợp với phong cách của nhà thờ, điều này để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người thưởng thức nghệ thuật. Người thiết kế không gian là một nhà ảo thuật, mang đến cho người xem hiệu ứng, ấn tượng tương đối tươi sáng và hoàn hảo. Như vậy có thể thấy, các yếu tố tranh tường có thể được kết hợp chặt chẽ với không gian, tác động lớn đến tinh thần, cảm nhận thẩm mỹ và tạo cảm giác chuyển động để đạt được hiệu quả khơi dậy người xem.

3. Vai trò của tranh tường trong không gian nội thất

Về tính thẩm mỹ

Tranh tường đóng vai trò thẩm mỹ thiết thực trong cảnh quan không gian nội thất. Với cách sử dụng hoa văn, màu sắc nổi bật đều có sự thích ứng rất lớn tới suy nghĩ của công chúng, sự quan tâm đến con người và yêu cầu của con người về đời sống tinh thần. Chức năng thực tế bao gồm liên kết: tạo thẩm mỹ cho không gian xuyên qua bức tường để có sự trải nghiệm gắn kết không gian nội thất và cảnh quan môi trường. Tranh tường sử dụng trang trí ở những vị trí chưa có sức sống, vô hồn, sẽ mang lại cho người xem một tác động thị giác, mang niềm vui và sự kích thích tinh thần giúp cho không gian tăng tính thẩm mỹ. Ngôn ngữ của hội họa trong trang trí tranh tường tạo thành hiệu ứng trang trí đặc biệt, biến hóa khôn lường với không gian xung quanh, tạo thành một hiệu ứng trang trí hài hòa, tự nhiên (2). Một tác phẩm nghệ thuật trên tường tuyệt vời có thể dễ dàng trở thành tâm điểm của căn phòng và điều đó, đặc biệt đúng nếu có một bức tường trưng bày sáng tạo. 

Về sự thư giãn trong tâm hồn

Với chức năng là một tác phẩm nghệ thuật, tranh tường có tác động trực tiếp đến não bộ giúp con người giảm mệt mỏi do áp lực công việc của sự phát triển xã hội hiện đại mang lại. Trong nghệ thuật, một mặt nào đó của tâm hồn chúng ta được trút xả, thể hiện kể cả những góc khuất, sâu kín. Vì lẽ đó, con người có thể bộc lộ cảm xúc, khống chế và giảm căng thẳng thông qua các hình thức nghệ thuật (3). Các tác phẩm nghệ thuật trang trí trong không gian nội thất đã giúp con người thoải mái tinh thần, tái tạo lại năng lượng sau một ngày dài làm việc trở về nhà nghỉ ngơi. Đây cũng chính là tác dụng của nghệ thuật và là lý do chính khiến cho nghệ thuật vẽ tranh tường trở thành xu hướng trong thiết kế nội thất. Tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, môi trường xã hội ngày càng xấu đi và diện tích cây xanh đô thị bị giảm đi rất nhiều. Vì thế, con người mong muốn được trở về với thiên nhiên xanh tươi, ý thức bảo vệ môi trường cũng ngày một nâng cao (4). Con người ở TK XVII với những hình ảnh núi non hùng vĩ, bao la gợi cho họ sự mệt mỏi nhưng những con người thời đại văn minh thì núi non… trở thành những hình ảnh thiên nhiên mát mẻ, thoát khỏi cảnh hè nắng nóng, bàn giấy cứng nhắc… Đó chính là sức mạnh của nghệ thuật mang lại (5).

Về thể hiện cá tính

Ngoài việc là một yếu tố quan trọng trong thiết kế nội thất, nghệ thuật tranh tường còn là cách để thể hiện cá tính và niềm tin của mình. Tác phẩm nghệ thuật có thể biến một bức tường đơn giản thành thứ gì đó phản ánh phong cách của chủ nhà. Đặc biệt là những người trẻ thích theo đuổi cảm giác tự do, không bị gò bó, ủng hộ cá tính mới lạ. Trong cuộc sống hiện đại, con người đều mong muốn ngôi nhà của mình được trang trí đa dạng, mang đậm phong cách và cá tính của chủ nhà. Các tác phẩm nghệ thuật có kết cấu thô sẽ giúp căn phòng có cảm giác thân mật và vững chắc. Các tác phẩm nghệ thuật hiện đại tối giản có thể phản ánh bản chất đương đại, sáng tạo hoặc sắc sảo.

4. Kết luận

Tranh tường là một loại sản phẩm trang trí mang tính nghệ thuật được phát triển rộng rãi và sử dụng trong không gian, vì tranh tường được tạo ra và lồng ghép với cảm xúc chân thực của con người. Do đó, bức tranh tường phải có sự phối hợp, thống nhất với môi trường và không gian thông qua cấu trúc, bố cục, màu sắc và các khía cạnh khác để không gian hài hòa với các mối quan hệ của môi trường xung quanh tạo một không gian sống thoải mái. Thiết kế nội thất và trang trí không gian nên được xem xét với các phương pháp thể hiện khác nhau kết hợp giữa nghệ thuật hội họa và không gian làm nổi bật giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hóa để nhận ra vẻ đẹp bền vững của các bức tranh tường. Tóm lại, nghệ thuật có khả năng tác động lên không gian nội thất khiến con người không chỉ cảm thấy đồng nhất giữa cảnh quan với môi trường, nhấn mạnh vào việc thể hiện những suy nghĩ cá nhân, thẩm mỹ, thị giác và giúp cảm thấy cuộc sống dễ chịu hơn.

________________

1. Dan Z., Study on Interior Decoration System Design Based on 3D Scene Modeling Technology (Ứng dụng công nghệ 3D trong thiết kế trang trí nội thất), 2017, tr.1.

2, 4. Li Yuan, The Application Value of Wall Painting Design Art in Interior Space (Giá trị ứng dụng của nghệ thuật thiết kế tranh tường trong không gian nội thất), International Conference on Humanities, Cultures, Arts and Design (ICHCAD) (Hội thảo quốc tế về Nhân văn, Văn hóa nghệ thuật và thiết kế (ICHCAD)), 2019, tr.265-266.

3, 5. Đỗ Ánh Tuyết, Vai trò của nghệ thuật trong đời sống dưới góc nhìn tâm lý học nghệ thuật, spnttw.edu.vn, 22-11-2010. 

Tài liệu tham khảo

1. Manuel Adsuara Ruiz, Pintura mural en la intimidad (Tranh tường trong không gian riêng tư/ cá nhân), Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Zaragoza, 2013-2014, tr.8-20.

2. Zhou, W., The application and development of mural art in urban public environment landscape design (Ứng dụng và phát triển nghệ thuật tranh tường trong thiết kế cảnh quan môi trường công cộng, tại đô thị), Tạp chí Môi trường và Sức khỏe cộng đồng, Nxb Hindawi, 2022.

3. Phạm Thị Chỉnh, Lịch sử Mỹ thuật thế giới, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2015.

4. Đặng Thái Hoàng, Chương 1: kiến trúc xã hội nguyên thủyGiáo trình lịch sử kiến trúc thế giới, tập 1, Nxb Xây dựng, 2013.

5. Francis D.K. Ching, Thiết kế nội thất, Nxb Xây dựng, 2011.

Ths NGUYỄN THỊ ÁI NƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024

;